Cộng đồng người Việt vùng Tam Đảo, Quảng Tây, Trung Quốc

 
 Hình ảnh thiếu nữ Việt trên tấm pano quảng cáo du lịch tỉnh Quảng Tây
Ghé Thăm Dân Tộc Kinh Nói Tiếng Việt Lưu Lạc Ở Trung Quốc Hơn 500 Năm |  Phong Bụi - YouTube

                                                                                             Người Kinh Là Một Trong Những Dân Tộc Thiểu Số Giàu Nhất ..

Cộng đồng người Kinh trên đất Trung Quốc:

500 năm nét Việt không phai nhòa

Dân tộc Kinh

     Dân tộc Kinh ở Trung Quốc giao tiếp hằng ngày bằng tiếng Việt, ăn nước mắm và hát dân ca quan họ Bắc Ninh

     Người Kinh Tam Đảo hay Kinh tộc Tam đảo là tên gọi đặc trưng được dùng để chỉ cộng đồng thiểu số người Việt (còn gọi là người Kinh) di cư theo đường biển từ miền duyên hải của Việt Nam vào đầu thế kỷ 16 đến định cư trên ba hòn đảo nhỏ là Vạn Vĩ, Vu Ðầu và Sơn Tâm lúc đầu vốn là hoang đảo, ngày nay là ba thôn thuộc địa phận thị trấn Giang Bình, huyện cấp thị Đông Hưng, địa cấp thị Phòng Thành Cảng của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (cách cửa khẩu Móng Cái của Việt Nam chừng 25 km).
Về tài liệu “Dân tộc Kinh ở Quảng Tây”
 
     Với lịch sử định cư trải qua hơn 500 năm, hầu hết cư dân người Kinh ở khu vực Tam Đảo (Vạn Vĩ, Vu Ðầu và Sơn Tâm) cũng như một vài nơi khác ở Quảng Tây (chủ yếu tập trung tại Đông Hưng) đều có chung nguồn gốc là người Đồ Sơn (Hải Phòng, Việt Nam), còn lại số ít người Kinh trong đó có nguồn gốc từ một vài địa phương ven biển của Việt Nam di cư đến. Theo điều tra dân số tại Trung Quốc vào năm 2000, dân số người Kinh riêng tại khu vực nói trên là khoảng hơn 18.000 người trong tổng số trên dưới 22.000 người dân tộc Kinh trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, một con số được coi là rất khiêm tốn nếu so với nhiều dân tộc khác đang cùng sinh sống trên đất nước đông dân nhất thế giới này.

     Người Kinh, hay dân tộc Kinh (chữ Hán: 京族, bính âm: jīngzú, Hán-Việt: Kinh tộc) là một trong số 56 dân tộc được công nhận tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Vào khoảng thế kỷ 16, có một số người Việt di cư lên phía bắc lập nghiệp ở vùng Trường Bình - Bạch Long. Vùng đất đó bấy giờ thuộc Đại Việt nhưng theo Công ước Pháp-Thanh ký năm 1887 giữa Pháp và nhà Thanh thì Trường Bình bị sáp nhập vào nước Trung Hoa. Thời gian trôi qua, nhóm người Việt này đã bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Tuy vậy họ vẫn nói tiếng Việt và được công nhận là một dân tộc thiểu số tại Trung Quốc. Họ tạo thành một trong số 56 dân tộc được chính thức công nhận tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Họ sinh sống chủ yếu trên 3 đảo (Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu), nay gọi chung là Kinh Đảo hay Kinh tộc Tam Đảo, thuộc thị xã Đông Hưng, khu tự trị người Choang Quảng Tây, nhưng tiếng Việt của họ đã pha trộn nhiều với tiếng Hoa kèm với nhiều từ cổ của tiếng Việt. Về chữ viết, ngày nay họ sử dụng Hán tự. Năm 2000 ước tính có khoảng 22.000 người Kinh tại Trung Quốc.

Làng người Kinh ở Trung Quốc


"Người Kinh mình phải không?"

 

     Khi chúng tôi vừa đặt chân đến đình An Nam nằm tại làng chài Vạn Vĩ, bà Tô Tiết đến nắm chặt lấy tay, hỏi rõ: "Người Kinh mình phải không?". Dứt lời, bà vội quay sang kêu chồng con và cả những người hàng xóm chạy ra để trò chuyện.

 

Tất cả xôn xao như vừa nhận được một tin vui. Thậm chí từ cuối xóm, hai bà lão ngoài 80 tuổi cũng chống gậy lần từng bước chân tới sân đình gặp chúng tôi. "Người Việt Nam sang đây chơi hả?", "Người Kinh đi thăm người Kinh đây nè"… là những câu mà hai cụ hỏi liên tục.

 

     Chúng tôi kể cho họ nghe nơi chúng tôi sinh sống là TP Saigon, cách biên giới Trung Quốc hơn 3 ngày đi ôtô. Nhưng tất cả đều không biết, họ chỉ nghe kể rằng từ hàng trăm năm trước, ông bà của họ có nguồn gốc từ Đồ Sơn (TP Hải Phòng) ra biển đánh bắt cá rồi theo con nước đến mảnh đất này và nay đã có hơn 20.000 người gốc Việt sinh cơ lập nghiệp ở đây.

 

Làng người Kinh ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Người dân tộc Kinh hát quan họ Bắc Ninh, nói tiếng Việt tại Trung Quốc

 

     "Chúng tôi không biết gì nhiều ở Việt Nam đâu. Nhưng người Việt mà qua đây thì phải ở lại đãi cơm. Để còn nói tiếng Việt cho chúng tôi nghe. Phải nói nhiều để chúng tôi không quên tiếng Việt" - bà Tiết nhiệt tình mời.

     Không thể từ chối, chúng tôi gật đầu nhận lời ở lại dùng cơm với người dân trong làng. Trong lúc chờ mọi người chuẩn bị, chúng tôi mượn xe máy điện đi tham quan làng người Kinh. Càng đi sâu càng bất ngờ khi mọi thứ không khác gì làng quê ở vùng nông thôn Bắc Bộ.

Từ đầu làng đã tọa lạc một ngôi đình, kế bên là giếng nước và lũy tre thân thuộc. Cứ cách hơn 15 hộ lại xuất hiện một khu vườn trồng lúa, khoai và hoa màu. Những phụ nữ đội nón lá, cuốc đất và nói chuyện với nhau bằng tiếng nguồn cội bao đời.

     Dừng trước một cửa hàng tạp hóa, chúng tôi nhận ra những bảng hiệu bán các món hàng Việt như thuốc lá, cà phê, kể cả tương ớt. Bà Đỗ Tú, chủ cửa hàng, bước ra khoe hẳn một chai nước mắm mới nhập từ bên kia biên giới: "Dân làng nơi đây sản xuất nước mắm và dùng nước mắm nêm vào tất cả món ăn. Nhập thêm hàng Việt Nam vì phòng ngừa mùa biển động không có cá để làm nước mắm".

     Theo lời bà Tú, dù trải qua hàng trăm năm nhưng mọi sinh hoạt ở đây đều giữ nguyên gốc. Hơn 15 năm trước, khi điện thoại thông minh chưa phát triển, người dân nhập băng cassette thu những bài hát ru, hát quan họ để bán. "Thế hệ tôi và cả những đời trước đều được cha mẹ hát ru bằng dân ca. Rất nhiều người chơi được cả nhạc cụ Việt Nam" - bà Tú kể.

 
Dân tộc Kinh

     Không quên tiếng Việt

 

     Quả thật, khi chúng tôi quay trở lại sân đình ăn cơm trưa thì dân làng đã kéo sẵn bộ đàn bầu ra chuẩn bị biểu diễn. Không một chút ái ngại, bà Tiết đứng giữa sân đình cất giọng hát mộc mạc: "Yêu nhau cởi áo ối à cho nhau, về nhà dối rằng cha dối mẹ… rằng a ối a qua cầu, tình tình tình gió bay…". Vừa dứt bài, bà liền chuyển sang đánh đàn bầu bài dân ca quan họ Bắc Ninh "Trèo lên trái núi Thiên Thai".

 
Làng người Kinh ở Trung Quốc - Ảnh 2.

    Bà Tô Tiết, thế hệ thứ 10 của người dân tộc Kinh tại Trung Quốc, chơi đàn bầu

 

     Để tìm hiểu kỹ và chính xác về nguồn gốc của người gốc Việt ở Trung Quốc, chúng tôi tìm đến Bảo tàng Dân tộc Kinh do tỉnh Quảng Tây quản lý.

Trước cổng bảo tàng là bức tượng hai vợ chồng đang đánh bắt cá trên biển nhằm mô phỏng lại những ngày đầu người Việt tới đây định cư; bên trong tái hiện những hình ảnh rước kiệu, không gian bếp, những món đặc sản của người Việt… Để có thể đọc và tìm hiểu hết thông tin trong bảo tàng mất gần 1 giờ. Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần và không thu phí.

 

     Ông Lý Hiển, người trông coi bảo tàng, kể rằng trước kia, những người dân mà chúng tôi gặp được gọi là người An Nam, người Việt nhưng giờ đây được chính thức gọi là người Kinh. Đây là một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất ở Trung Quốc.

Theo lời kể, xưa kia có 12 dòng họ tổ gốc Việt di cư theo luồng cá và chia nhau ở trên 3 hòn đảo lần lượt có tên là Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu. Dần dần, 3 hòn đảo bị bồi lấp thành bán đảo Tam Đảo như hiện nay.

 

     Ông Hiển cho biết chính quyền sở tại vừa cho phép các trường học ở khu vực có dân tộc Kinh sinh sống đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy. Đây là môn không bắt buộc nhưng gần như cháu nào cũng đều đăng ký học thêm. "Vốn sẵn giao tiếp với cha mẹ ở nhà bằng tiếng Việt nên khi cô giáo dạy, những đứa trẻ tiếp thu rất nhanh" - ông Hiển nói.

 

Làng người Kinh ở Trung Quốc - Ảnh 3.

     Người trẻ ở Tam Đảo cũng gìn giữ tiếng Việt

 

     Không những cố gắng giữ gìn tiếng nói mà dân ở đây hằng năm mời những bậc cao niên từ Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) sang Tam Đảo để hướng dẫn tổ chức các lễ hội và cúng đình. Mỗi năm có 4 đợt lễ lớn và đó là dịp mọi người đến để chung vui, cầu may mắn.

Theo thống kê, tại Tam Đảo có hơn 120 người thuộc dân tộc Kinh chơi được nhạc cụ truyền thống Việt Nam và có hơn 400 cuốn sách ghi chép lại kho tàng văn học dân gian, bao gồm nhiều ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích…

Khi tạm biệt Tam Đảo, chúng tôi để ý thấy trước làng có một cây đa chắc đã vài trăm năm tuổi. Dân ở đây đặt tên là cây Nam Quốc, như lời nhắc nhở thế hệ sau không quên nguồn cội dân tộc.

Dấu ấn văn hóa Việt của Kinh tộc Tam Đảo trên đất Trung Quốc

Cảnh trong lễ hội của Kinh tộc Tam Đảo (Ảnh: An ninh thế giới).
Cảnh trong lễ hội của Kinh tộc Tam Đảo.
 
     Từ thế kỷ 16, những cư dân Việt vùng đất Hải Phòng đã theo con nước đi đánh cá và tới khu vực các đảo Vạn Vĩ, Vu Đầu, Sơn Tâm (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) định cư.

Suốt từ đó cho đến nay, hàng chục thế hệ người Việt đã sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, tuy nhiên, cũng trong ngần ấy thời gian chưa bao giờ họ đánh mất tiếng mẹ đẻ và những nét văn hóa đặc trưng của quê hương.

   Người Kinh Tam Đảo

     Người Kinh Tam Đảo hay Kinh tộc Tam đảo là tên gọi đặc trưng được dùng để chỉ cộng đồng thiểu số người Việt (còn gọi là người Kinh) di cư theo đường biển từ miền Duyên hải của Việt Nam vào đầu thế kỷ 16 đến định cư trên 3 hòn đảo nhỏ là Vạn Vĩ, Vu Ðầu và Sơn Tâm. Lúc đầu đây vốn là hoang đảo, ngày nay chúng đã trở thành ba thôn thuộc địa phận thị trấn Giang Bình, huyện cấp thị Đông Hưng, địa cấp thị Phòng Thành Cảng của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

     Theo những người Kinh sinh sống tại đây, ngay từ trong gia phả, tài liệu và văn tự còn ghi lại rằng, cách đây từ 500 năm đến vùng đất tam đảo này vào năm Hồng Thuận thứ ba thời nhà Lê sơ (1511). Được biết, vùng đất Tam Đảo - Đông Hưng (trước kia là Phúc Yên) từ thời Lê, đến trước thời Tự Đức nhà Nguyễn vẫn là lãnh thổ Việt Nam, sau này theo Hiệp ước Pháp - Thanh (1895) họ trở thành người nước khác trên chính quê hương mình.

     Trong hành trình đó họ có khoảng hơn 100 người trong số 12 dòng họ khác nhau, bao gồm: Tô, Đỗ, Nguyễn, Hoàng, Vũ, Bùi, Cao, Ngô, La, Cung, Khổng và Lương. Họ đều có gốc tích từ vùng đất Đồ Sơn (Hải Phòng), còn lại số ít người Kinh trong đó có nguồn gốc từ một vài địa phương ven biển của Việt Nam di cư đến. Lịch sử 12 dòng họ khi gặp bão tố đã trôi dạt về Tam Đảo và khai hoang lập nghiệp tại đây được lưu lại thành câu ca: “Ngồi rỗi kể chuyện ngày xưa/ Cha ông truyền lại là người Đồ Sơn”.

Dấu ấn văn hóa Việt của Kinh tộc Tam Đảo trên đất Trung Quốc ảnh 1

Trang phục truyền thống của Việt Nam được trưng bày tại bảo tàng ở Tam Đảo (Trung Quốc).

     Người dân ở đây ngày nay vẫn kể cho nhau nghe một câu chuyện truyền thuyết về ông cha khi tới vùng đất mới. Cụ thể, trong một lần đánh cá do mải đuổi theo đàn cá song, cha ông của họ đã lưu lạc đến Tam Đảo, lúc đó là một hòn đảo hoang vắng.

     Mãi đến những năm 60 của thế kỷ trước, Vạn Vĩ vẫn còn những rừng rậm, thân cây mấy người ôm không xuể... Bởi vậy, ngày nay ở những ngôi làng này các kiều bào vẫn có thuộc lòng câu ca dao: “Quê tôi là ở Đồ Sơn/ Theo đàn cá sú (song) mới lên đầu dồi” (Bạch Long Vĩ ở TP Đông Hưng).

     Thời gian thấm thoát, đến nay, các dòng họ này đã có đời thứ 11-12. Họ được coi là cộng đồng người Kinh chủ yếu và còn mang nhiều bản sắc văn hóa Việt Nam nhất tại Trung Quốc với tư cách là một trong 56 dân tộc của đất nước này. Tại Quảng Tây nói riêng và Trung Quốc nói chung, tên gọi “Kinh tộc Tam Đảo”,có nghĩa là “Ba hòn đảo của người Kinh”, hiện vẫn được dùng tương đối phổ biến để chỉ cộng đồng người Kinh này cũng như để chỉ địa bàn sinh sống tập trung của họ tại ba hòn đảo nói trên. Với lịch sử định cư trải qua hơn 500 năm, sẽ chẳng ai có thể nghĩ rằng sẽ tìm được một nét người Việt trên vùng đất này, tuy nhiên, những người dân ở đây vẫn gìn giữ được tiếng mẹ đẻ và đủ những tập tục truyền thống của cha ông để lại.

     Ngôi làng Bắc Bộ giữa đất Trung Quốc

     Khác xa với thành phố Đông Hưng ồn ào náo nhiệt, khung cảnh của cổng làng Vạn Vĩ với lũy tre, giếng nước, đình làng... bình yên như một làng quê Bắc Bộ của Việt Nam. Nhiều đoạn đường làng trên bờ tường tranh cổ động có cả chữ Trung Quốc và tiếng Việt.

     Ở đây, từ người già đến lớp trẻ đều có thể nói được tiếng Việt. Thậm chí, chính quyền còn hỗ trợ người dân học tiếng Việt bởi nhờ truyền thống gia đình nên người dân học nhanh, thuận lợi hơn. Ngoài ra, sau này họ còn là nguồn thông dịch viên dồi dào trong việc giao thương giữa thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) và thành phố Đông Hưng. Những người Hán làm dâu, rể của ngôi làng này sau nửa năm, đến một năm cũng đã có thể nói chuyện được bằng tiếng Việt. Nhưng do vốn từ hạn chế nên khi trao đổi, Việt kiều tại Vạn Vĩ khi nói vẫn phải “pha” thêm tiếng Hoa.

     Kinh tộcTam Đảo vốn nói tiếng Kinh và sử dụng phổ biến chữ Nôm, nhưng từ lâu họ cũng nói tiếng Quan thoại và sử dụng chữ Hán. Tuy nhiên, về ngữ pháp, người Kinh không nói ngược như dân Hán mà vẫn nói xuôi theo lối giao tiếp của người Việt.

Dấu ấn văn hóa Việt của Kinh tộc Tam Đảo trên đất Trung Quốc ảnh 2

Đình Hát thôn Vạn Vĩ ở Quảng Tây - Trung Quốc

     Đã trải qua nhiều đời sinh sống trên đất khách nhưng người Việt vẫn giữ những phong tục tập quán truyền thống của cha ông để lại. Ví như từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp, con cháu sẽ đi tảo mộ ông bà, cha mẹ. Trong ngày 30 Tết, người Kinh ở đây cũng sẽ giết heo, gà, vịt đủ dùng cho cả ngày mùng 1 Tết để không sát sinh, lấy may mắn đầu năm. Cũng như cha ông, người Việt tại Tam Đảo vẫn duy trì việc cúng cơm trong những ngày Tết.

     Cũng như ở Việt Nam, vào ngày mùng 2 Tết, con gái đi lấy chồng phải về chúc mừng năm mới cha mẹ đẻ và phải mang theo gà, bánh chưng, hoa quả. Sau đó, ông bà sẽ mừng tuổi cho con cháu. Các dòng họ ở Tam Đảo có số ngày ăn Tết khác nhau, đối với họ Tô ăn Tết sau 3 ngày là hóa vàng.

     Đồng thời, để tưởng nhớ công ơn vị thần đã che chở cho bà con Kinh tộc, người dân Vạn Vĩ vẫn gìn giữ truyền thống hội đình vào ngày 9/6 (Âm lịch) hằng năm và kéo dài trong vòng một tuần. Cũng phong tục này, người dân Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) tổ chức hội vào ngày 1/6 (Âm lịch).

     Đặc biệt, ngày nay ở thôn Sơn Tâm, những người con Hải Phòng lưu lạc vẫn giữ gìn được lễ hội chọi trâu lâu đời vào ngày 10/8. Đến nay, những người con Đồ Sơn trên đất Quảng Tây vẫn thuộc nằm lòng câu ca: “Dù ai buôn đâu, bán đâu/ Mùng 10 tháng 8 chọi trâu thì về. Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mùng 10 tháng 8 thì về chọi trâu”. Ngoài ra, còn nhiều lễ hội khác mang dấu ấn người Việt vẫn còn được duy trì.

     Không chỉ lưu giữ những điều đó, người Việt ở Quảng Tây vẫn lưu giữ được lối hát đối đáp giao duyên nghe du dương và trữ tình, kiểu như hát Quan họ ở miền Bắc Việt Nam bây giờ. Lối hát đúm hát đối này thường được tổ chức vào ngày Tết, ngày Hội. Nhạc cụ cổ truyền của người Kinh vẫn được họ gìn giữ và sử dụng thường xuyên như đàn nhị, sáo trúc, trống, cồng và đàn bầu là một nhạc khí chỉ riêng Kinh tộc có mà thôi. Người Kinh ở đây vẫn lưu giữ một kho tàng văn học dân gian truyền khẩu phong phú với ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích...

     Về ẩm thực, người Kinh ở Tam Đảo vẫn làm nước mắm từ cá biển để chấm và nêm thức ăn như người Việt ở Việt Nam. Một trong những món ăn ưa thích của họ là bánh đa, bún riêu, bún ốc với hương vị đặc trưng của Việt Nam.

     Phụ nữ Việt ở Vạn Vĩ thích áo dài và mặc áo dài hằng ngày. Đặc biệt, họ mặc áo dài truyền thống của Việt Nam với tà dài, quần ống suông, nón lá. Dịp hội làng hay ngày lễ, Tết, họ thường mặc áo dài đủ sắc màu và hát những bài hát Việt Nam.

     Cuộc sống của người Việt ở làng Tam đảo giờ đã có nhiều thay đổi. Người dân không chỉ đánh cá mà còn biết làm giàu từ nguồn lợi dồi dào của biển, kinh doanh du lịch và giao thương buôn bán.

 

     Trao đổi thêm về nguồn gốc cộng đồng người Việt ở vùng Tam Đảo, Quảng Tây, Trung Quốc
 
Cộng đồng người Kinh trên đất Trung Quốc: 500 năm nét Việt không phai nhòa  - Báo Công an Nhân dân điện tử
  

    Về nguồn gốc cộng đồng người Việt ở vùng Tam Đảo, có hai giả thuyết:

    Giả thuyết thứ nhấtlà vào đầu thế kỷ 16, một số ngư dân Việt Nam ở Đồ Sơn, thuộc 12 dòng họ: Tô, Nguyễn, Đỗ, Hoàng, Vũ, Bùi, Cao, Ngô, La, Cung, Khổng, Lương đi đánh cá trên biển, gặp bão trôi dạt đến các hoang đảo thuộc tỉnh Quảng Đông , Trung Quốc và định cư lại đó, lập thành ba thôn Vạn Vĩ, Vu Đầu, Sơn Tâm vốn là ba hòn đảo nên gọi tên chung là Tam Đảo. Hiện nay còn câu ca:” Quê tôi là ở Đồ Sơn- Theo đàn cá sú( cá song ) mới lên đầu đồi”.  Giả thuyết này không có sức thuyết phục vì:

 

   - Chỉ là lời truyền miệng, không có tư liệu lịch sử chứng minh.

   - Nếu đi đánh cá gặp bão trôi dạt đến thì chỉ là đàn ông, khoảng vài ba chục người. Nhưng ở đây là hàng trăm người, gồm cả đàn ông và đàn bà ( phụ nữ ở đây đều là người Việt ).

   - Người Việt ở đây, nhất là lớp người cao tuổi, hầu như vẫn giữ trang phục, ngôn ngữ, văn hóa Việt. Nếu bị trôi dạt đến đó vào đầu thế kỷ 16, đến nay đã   500 năm thì chắc đã bị đồng hóa hoàn toàn, không còn giữ được chút gì bản sắc Việt.

 

     Giả thuyết thứ hai là vùng đất này trước đây là đất Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Yên. Theo bản đồ địa giới Bắc Kỳ năm 1879 thì biên giới giữa tỉnh Quảng Yên (Việt Nam) và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) là sông Dương Hà còn gọi là An Nam giang nay là Phòng Thành giang chảy ra cảng Phòng Thành. Vào năm 1511, hàng trăm gia đình thuộc 12 chi họ ở tổng Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, trấn Hải Dương đã dùng bè mảng di cư đến đây là vùng cực Đông Bắc của nước Đại Việt, khai hoang làm nông nghiệp và đi biển đánh cá.

 

 

     Năm 1885, sau khi hoàn toàn xâm chiếm nước Việt Nam, thực dân Pháp đã cùng nhà Thanh ( Trung Quốc ) ký Hòa ước Thiên Tân. Năm 1887, hai bên lại ký Công ước Pháp-Thanh 1887 còn gọi là Công ước Constans 1887 để thi hành diều khoản 3 của Hòa ước Thiên Tân 1885. Nội dung Công ước này nhằm phân chia đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc. Trong quá trinh hai bên đàm phán để phân định đường biên giới, đại diện nhà Thanh là Lý Hồng  Chương đã nói với Đô dốc Rieunier: “ Nước Pháp đã đạt được nhiều quyền lợi khi chiếm được Bắc Kỳ, một nước chư hầu của Trung Hoa từ 600 năm nay; việc này là nhờ trung gian của tôi. Nó đã gây cho  tôi nhiều phiền phức, tôi nghĩ rằng một sự đền bồi dưới dạng nhượng một vài vùng đất nhỏ trên vùng biên giới là cần thiết “.

 

     Để tạo thuận lợi cho việc Trung Quốc công nhận  quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ, thực dân Pháp đã đồng ý cắt 750 km2 đất thuộc tổng Tụ Long, tỉnh  Hà Giang cho tỉnh Vân Nam và cắt gần 10 xã thuộc tổng Kiền Duyên và tổng Bát Tràng, tỉnh Quảng Yên cho tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Biên giới Bắc Kỳ với tỉnh Quảng Đông đã tịnh tiến xuống phía Nam , lấy sông Ka Long làm địa giới. Đất 10 xã Việt Nam trở thành đất Trung Quốc và dân 10 xã trong đó  Họ Tô là đông nhất trở thành cư dân Trung Quốc!

 

    Giả thuyết này hoàn toàn hợp lý vì:

    - Được chứng minh bằng tư liệu lịch sử là Công ước Constans 1887.

    - Mới thành dân Trung Quốc 130 năm nay nên người dân vùng Tam Đảo vẫn giữ được trang phục, ngôn ngữ và văn hóa Việt.

    - Người dân vùng Tam Đảo có mối quan hệ láng giềng mật thiết với cư dân vùng Trà Cổ, cũng là người gốc Đồ Sơn. Có câu ca ; Dân Trà Cổ - Tổ Đồ Sơn và Trà Cổ là tên ghép hai chữ đầu của hai địa danh Trà Phương, Cổ Trai trước thuộc tổng Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, trấn Hải Dương, nay thuộc huyện  Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.

 

    Nhưng cả 12 chi họ từ Đồ Sơn di cư lên vùng cực Đông Bắc của Tổ quốc cách đây hơn 500 năm là vì lý do kinh tế hay chính trị .

Chắc không phải vì lý do kinh tế vì việc di dân vì lý do kinh tế thường là đi từ vùng kinh tế kém phát triển về nơi kinh tế phát triển, từ nơi ít ruộng đất về nơi nhiều ruộng đất. Thường là đi lẻ tẻ vài ba người trong một gia đình; vài ba gia đình trong một dòng họ, một làng xã. Vào năm 1511, Đồ Sơn là vùng đất mới phát triển, ruộng đất nhiều, nghề biển thuận lợi, cư dân chưa đông và cư dân cũng mới từ nơi khác chuyển đến khoảng một, hai trăm năm. Kinh tế chưa đến mức bức bách, buộc hàng trăm gia đình của 12 chi họ, cùng lúc kéo nhau đi, lênh dênh trên bè mảng đến một vùng đất “ ma thiêng nước độc”, không một bóng người. Chưa có điều kiện khảo sát các chi họ khác, nhưng riêng chi Họ Tô là chi họ đông nhân khẩu nhất, lúc đó chắc là di rời đi hết vì hiện nay ở Đồ Sơn và vùng xung quanh, không có một gia đình Họ Tô bản địa nào có gốc tích là Họ Tô Đồ Sơn đầu thế kỷ 16.

 

     Cuộc di dân cấp tốc và triệt để nếu không vì lý do kinh tế thì chắc vì lý do chính trị. Sở dĩ nói đến lý do chính trị vì cuộc di dân này trùng thời điểm (1511 ) và địa điểm ( Đồ Sơn ) với một sự kiện chính trị, được nói đến trong truyện Tả Ao ( trong bài viết “ Hành trình đi tìm gốc tích Tổ tiên “ cùng số báo này ) và trong Đại Việt sử ký toàn thư. Trong truyện Tả Ao, sau khi kể giai thoại về Tả Ao đến Đồ Sơn, truyện viết tiếp: “ Truyện Tả Ao đến Đồ Sơn là truyền ngôn. Còn việc đầu thế kỷ 16, nhân có lời sấm truyền “ Phương Đông có khí sắc Thiên tử “ nên tháng Tư năm Tân Mùi (1511 ), vua Lê Tương Dực sai Nghĩa Quốc công Nguyễn Văn Lang đem thuật sĩ  ra Đồ Sơn để yểm bùa trấn áp thì Đại Việt sử ký toàn thư có chép “.

Trang 778,779 Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn chép: “Bấy giờ ( mùa Hạ tháng Tư năm Tân Mùi 1511- TB), hào kiệt và thuật sĩ đều nói rằng  ở phương Đông có khí sắc Thiên tử, vua sai Nghĩa Quốc công Nguyễn Văn Lang đem thuật sĩ ra Đồ Sơn để trấn áp “

 

     Xâu chuỗi các sự kiện đó, có thể phán đoán là: Đồ Sơn lúc đó là một vùng kinh tế, văn hóa phát triển, có những con người  hoặc những chi họ có thế lực. Nhà Lê đang lúc suy vi. Nhà vua giết hại công thần và con cháu nhà vua cũng giết lẫn nhau để tranh cướp ngôi. Vua Lê Uy Mục ( 1505-1509 ) mới lên làm vua đã giết Tổ mẫu là bà Thái hoàng Thái hậu, giết Lễ bộ Thượng thư Đàm Văn Lễ, giết Đô Ngự sử Nguyễn Quang Bật. Rồi chính vua Lê Uy Mục cũng bị người anh em con chú con bác là Giản Tu công Lê Oanh giết để tự lập làm vua là Lê Tương Dực ( 1510-1516 ). Thường trực nỗi lo phản loạn nên khi nghe tin đồn “ phương Đông có khí sắc Thiên tử “, Lê Tương Dực sai ngay Nghĩa Quốc công Nguyễn Văn Lang đem thuật sĩ ( và tất nhiên cả binh lính ) ra trấn áp. Và cách trấn áp có hiệu quả nhất là xua đuổi hết cư dân ở đó để triệt mầm phản loạn. Mười hai chi họ ở vùng Đồ Sơn trở thành nạn nhân của cuộc trấn yểm, phải bồng bế nhau rời khỏi nơi chôn rau, cắt rốn, dồn lên bè mảng, vượt qua sóng dữ để đến nơi đèo heo gió hút vùng cực Đông Bắc của Tổ quốc.

Lúc đó không ai ngờ rằng mầm phản loạn lại nằm ngay trong đoàn trấn yểm của Nghĩa Quốc công Nguyễn Văn Lang. Đại Việt sử ký toàn thư trang 778, 779 chép :” Tấn phong Đô chỉ huy sứ Thiên Vũ vệ Mạc Đăng Dung làm Vũ Xuyên bá. Bấy giờ hào kiệt và thuật sĩ đều nói phương Đông có khí sắc Thiên tử, vua sai Nghĩa Quốc công Nguyễn Văn Lang đem thuật sĩ ra Đồ Sơn để trấn áp. Đăng Dung cùng đi với đoàn ấy mà không ai biết “.

 

Mạc Đăng Dung là người làng Cổ Trai, tổng Đồ Sơn, huyện Nghi Dương (nên lời đồn phương Đông có khí sắc Thiên tử chắc ứng vào Mạc Đăng Dung- TB), lúc bé làm nghề đánh cá, đến khi lớn có sức khỏe, thi đỗ lực sĩ xuất thân, khoảng năm Hồng Thuận thăng làm Đô chỉ huy sứ Vũ Xuyên bá, làm quan trải ba triều vua (Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông-TB). Khoảng năm Thống Nguyên làm đến Thái sư Nhân Quốc công sau phong An Hưng vương. Ngầm kết bè đảng, trong ngoài hợp mưu, lòng người quy phụ, rồi làm việc cướp ngôi, giết vua, làm giả tờ chiếu nhường ngôi rồi lên làm vua. Tháng ấy ( tháng Sáu năm Đinh Hợi 1527- TB ), Dung vào thành Thăng Long, ở tại chính điện (Đại Việt sử ký toan thư trang 823 )                                                                

 

Người Kinh Tam Đảo- Quảng Tây
 
Kinh Tộc ở Trung Quốc Part-1 - YouTube
 
      Nguyên 3 làng Vạn Vĩ, Vu Đầu và Sơn Tâm là đất thuộc Đại Việt ta. tổ tiên của Việt tộc tam đảo đã từ vùng Ðồ Sơn (ngày nay thuộc Hải Phòng, Việt Nam) đến vùng đất tam đảo này vào năm Hồng Thuận thứ ba (Hồng Thuận tam niên) thời nhà Lê sơ (1511) với khoảng hơn 100 người trong số 12 dòng họ khác nhau. Nhưng nhờ công lao "Khai hóa" của mẫu quốc Phú Lãng Sa, theo Công ước Pháp-Thanh ký năm 1887 giữa Pháp và nhà Thanh thì Đông Hưng bị sáp nhập vào nước Trung Hoa.
Họ được coi là cộng đồng người Kinh chủ yếu và còn mang nhiều bản sắc văn hóa Việt Nam nhất tại Trung Quốc với tư cách là một trong 56 dân tộc của đất nước này (không bao gồm cộng đồng người Việt mang quốc tịch Việt Nam hiện đang học tập và làm việc tại Trung Quốc).Người Kinh tam đảo vốn nói tiếng Kinh hay tiếng Việt và sử dụng phổ biến chữ Nôm, nhưng từ lâu họ cũng nói tiếng địa phương là tiếng Quảng Đông và sử dụng chữ Hán. Tuy nhiên, về ngữ pháp, người Kinh không nói ngược như dân Hán mà vẫn nói xuôi theo lối giao tiếp của người Việt.

Làng biển gốc Việt trên đất Trung Quốc

     Cách thành phố Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc ) chừng 20 km có một ngôi làng của người Kinh, dù trải qua hơn 500 năm lưu lạc nhưng ở đây vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa Việt.
 
     Sau khi nhập cảnh vào Trung Quốc, từ cửa khẩu Đông Hưng, chúng tôi thuê taxi 2 chiều khoảng 200 nhân dân tệ (hơn 600.000 đồng) để đến thôn Vạn Vĩ, nơi có hàng ngàn người gốc Việt đang sinh sống.

Ngôi làng của những ngư dân Việt

     Đã lâu không trở lại, dọc đường đi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển của thành phố Đông Hưng với những dãy nhà cao tầng, trung tâm thương mại sầm uất mọc lên san sát. Thật may, chuyến đi này tôi chọn đúng bác tài taxi nói được tiếng Việt và giới thiệu về thành phố này như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Ông Lương Mã Trung (50 tuổi) cho biết học tiếng Việt từ vợ mình. “Bà nhà tôi cũng là dân Vạn Vĩ nhưng quê gốc từ 4 đời trước là người Thái Bình của Việt Nam. Chúng tôi lấy nhau được 22 năm rồi. Ba đứa con của tôi đều biết tiếng Việt, trong đó 1 cháu đang làm thông dịch viên”, ông Trung kể.
 
     Sau khoảng 30 phút, thôn Vạn Vĩ dần hiện ra trước mắt. Lúc gần đến cổng chào, chỉ về phía dòng chữ Trung Quốc, ông Lương Mã Trung nói: “Dòng chữ trên cổng chào nghĩa là người Kinh đảo kính chào quý khách đấy!”. Bước qua cổng chào Vạn Vĩ là một khung cảnh khác hẳn với trung tâm thành phố Đông Hưng ồn ào. Nơi này không gian yên bình tựa như làng quê Việt Nam.
     Đi sâu vào trong làng, chúng tôi ngỡ như đang ở một vùng nông thôn Bắc bộ với đình làng, giếng nước, lũy tre và văng vẳng đâu đó tiếng đàn bầu. Nhiều đoạn đường làng trên bờ tường tranh cổ động có cả chữ Trung Quốc và tiếng Việt.
 
     Hôm tôi đến, đúng dịp cả làng đang sinh hoạt cộng đồng trong nhà văn hóa. Có nhóm các cụ ngồi quây quần giao lưu hát giao duyên, một số bô lão khác thì ngồi đánh mạt chược. Thấy tôi đang lúng túng toan chào hỏi bằng một câu tiếng Trung thì mọi người cười phá lên. “Chúng ta cùng người Kinh cả đấy, cứ nói chuyện bằng tiếng Việt đi cho tiện”, một cụ cao tuổi nói.
Một góc làng quê Vạn Vĩ
Một góc làng quê Vạn Vĩ
 
     Ngồi trò chuyện, hỏi thăm một hồi lâu, ông Tô Minh Thành (64 tuổi) kể rằng, theo gia phả họ Tô của ông cùng 11 dòng họ khác, với khoảng 200 người vốn là dân chài đánh bắt xa bờ, từ thị trấn Đồ Sơn (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, Việt Nam) sang thị trấn Giang Bình (thành phố Đông Hưng, Trung Quốc) lập nghiệp từ hơn 500 năm trước.
     Theo ông Thành, tất cả các dòng họ đều gốc dân biển Đồ Sơn, vì theo luồng cá mà phiêu dạt đến đây. Ngày xưa, các cụ kiếm chỗ nghỉ ngơi sau những ngày đi biển, thấy vùng đất này có bờ tre, khóm trúc đoán rằng có nước ngọt để sinh sống. Vì thế, 7 cụ tổ mới quyết định lên bờ chọn vùng này để định cư, về sau có thêm 5 dòng họ khác nữa cũng đến. Thế rồi, đời này đời khác, nơi đây sinh sôi thành làng xóm.
“12 dòng họ tổ chúng tôi sống ở 3 hòn đảo hoang lập nên 3 làng: Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu, gọi chung là Tam Đảo. Sau này, người Trung Quốc gọi bộ phận người dân gốc Việt ở đây là Kinh tộc và là 1 trong 56 dân tộc ở đất nước họ”, ông Thành cho biết.
     Theo ông Tô Minh Phương, Trưởng thôn Vạn Vĩ, hiện nay 12 dòng họ người Kinh ở Vạn Vĩ có hơn 10.000 người, ngoài ra còn hơn 1.000 người gốc Việt ở thôn Vu Đầu và thôn Sơn Tâm…
Buổi sinh hoạt của người Kinh ở làng Vạn Vĩ
Buổi sinh hoạt của người Kinh ở làng Vạn Vĩ
 
     Đến nay, sau nửa thiên niên kỷ lưu lạc trên mảnh đất Đông Hưng, nhiều người Kinh ở đây trở nên giàu có nhờ làm ăn buôn bán ở vùng biên. Ngoài ra, người dân phần lớn vẫn theo nghề truyền thống là đánh bắt, nuôi trồng hải sản và làm dịch vụ du lịch biển. Nhờ đó, đời sống của người dân thôn Vạn Vĩ ngày càng khá lên. Việc đi lại của cư dân biên giới hai bên dễ dàng hơn trước.

Văn hóa Việt luôn chảy trong máu

     Ông Tô Minh Phương cho biết, hầu như người Kinh ở đây từ cụ già đến trẻ con vẫn nói tiếng Việt. Thậm chí, chính quyền còn hỗ trợ người dân học tiếng Việt bởi nhờ truyền thống gia đình nên người dân học nhanh, thuận lợi hơn. Ngoài ra, sau này họ còn là nguồn thông dịch viên dồi dào trong việc giao thương giữa thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) và thành phố Đông Hưng.
     Không chỉ giữ và dạy tiếng Việt, nhắc về văn hóa của người Kinh ở đây, các lão niên đều tự hào rằng, họ là một trong những dân tộc giàu bản sắc trên đất Trung Quốc. Cuộc sống hiện đại khiến vùng đất này thay da đổi thịt nhưng nét văn hóa Việt vẫn chảy trong mỗi người dân ở Vạn Vĩ và được truyền qua nhiều thế hệ. Ông Tô Minh Trung (75 tuổi, thôn Vạn Vĩ) chia sẻ: “Nói đến văn hóa thì chúng ta không khác xa nhiều đâu vì cùng chung tổ tiên cả. Người dân ở đây vẫn tổ chức ngày giỗ 10.10 âm lịch để tổ chức Lễ gạo mới. Đây là một ngày hội lớn, người dân mang xôi, gà, thịt… ra đình để cúng tổ tiên và giao lưu văn nghệ”.
 
Trước khi chia tay chúng tôi, Trưởng thôn Tô Minh Phương siết chặt tay nhắn nhủ: “Yên tâm nhé, mọi người ở nơi này luôn thương nhớ cố hương, cùng nhau nương tựa làm ăn. Nguồn cội không bao giờ thay đổi được, nên nếu sau này có dịp về Hải Phòng nhớ cùng tôi qua Đồ Sơn chơi nhé”.
 
Hằng năm, người dân hai thôn - khu biên giới Tràng Vĩ (phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh, Việt Nam) và Vạn Vĩ (thị trấn Giang Bình, thành phố Đông Hưng, Trung Quốc) vẫn duy trì giao lưu văn hóa, gặp gỡ, đặc biệt là dịp lễ hội đình của mỗi bên. Đình làng của hai bên đều thờ 12 vị thành hoàng người gốc Đồ Sơn (Hải Phòng, Việt Nam), những bậc tiền nhân đặt dấu ấn đầu tiên trên vùng đất địa đầu Tổ quốc. Để tạo điều kiện cho nhân dân hai bên đều được tham dự hội đình của nhau, lễ hội các bên được tổ chức lệch ngày. Nếu như ở Tràng Vĩ hội đình bắt đầu từ 1.6 âm lịch thì các đình làng ở Vạn Vĩ được tổ chức lần lượt: Đình Vạn Vĩ (9.6 âm lịch), Vu Đầu (1.8 âm lịch) và Sơn Tâm (10.8 âm lịch).

  Nguyễn Ngọc Quang đang học tiếng Phổ thông cách đây trên 35 năm trước, từ 1 ông Bác sĩ người Kinh, Zhen Zhi Rang (Trần Chi Rang) nổi tiếng ở Trung Quốc.

 
   <@> Đã hơn năm thế kỷ trôi qua nhưng những nét truyền thống vẫn được duy trì và phát huy mạnh mẽ. Dù không ở gần đất Mẹ, nhưng NNQuang tin rằng với dòng dõi con cháu Lạc Hồng thì bất cứ nơi đâu thì vẫn hướng về quê hương, về với nguồn cội dân Việt thân yêu.

   Nguyễn Ngọc Quang sưu tầm và tổng hợp
   Hình ảnh minh họa
   
 
 
 
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %25 %908 %2023 %16:%04
back to top