MÙA HOA ANH ĐÀO Ở WASHINGTON DC 2023

MÙA HOA ANH ĐÀO Ở WASHINGTON DC 2023

Mùa hoa anh đào ở Washington DC 

Tuần trước, đọc báo thấy tin hoa anh đào ở Washington DC sẽ nở rộ vào tuần lễ cuối cùng của tháng ba, sẵn bệnh viện không bận lắm nên tôi xin phép nghỉ vài ngày để bay lên đó chụp hình. Theo kinh nghiệm của những người quen đã từng đi ngắm hoa đào thì ngoại trừ trường hợp mình ở Virginia hay Maryland, muốn đi lúc nào cũng được vì ở ngay đó, hễ thấy hoa nở rộ là chỉ việc nhảy lên xe, lái độ 30-45 phút là có thể ngắm hoa một cách dễ dàng. Riêng đối với du khách phương xa mà muốn ngắm hoa anh đào thì cũng giống như người ta hay ví von với những người đi đánh cá ở trường đua Phú Thọ : “đường vào trường đua có trăm lần thua có một lần huề”. Nói điều này cũng không phải là ngoa vì nếu may mắn mà đi được đúng tuần hoa nở thì không sao, còn nếu đi sớm hoặc hơi trễ thì hoặc là ngắm nụ hoa hay lại hát câu “về đây em ơi, hoa rụng tơi bời của Phạm Duy và coi như “công toi” vì chỉ cần 1,2 trận mưa lớn là hoa có thể rụng hết. Tôi may mắn có hai người bạn thật thân là V và T ở Fairfax. V và T quen tôi từ 1981 khi cùng dạy ESL cho đồng bào tị nạn ở Pulau Bidong. Thuở đó, cao ủy tị nạn cần dạy anh văn vỡ lòng cho đồng bào để cho họ chuẩn bị đi định cư nên những ai biết chút ít anh văn đều được kêu gọi tình nguyện làm việc này. Chúng tôi, những người trẻ nhưng đầy nhiệt huyết, đã cùng nhau tham gia vao việc làm này và quen biết nhau. Quen biết nhau từ dạo đó, chúng tôi vẫn giữ liên lạc và đặc biệt hơn nữa, T và V đã gặp lại và lấy nhau nên đã thân lại càng thân hơn. Nói dài dòng như vậy để cắt nghĩa tại sao tôi có cái may mắn chỉ cần mua vé trước vài ngày là có thể đi liền mà không cần phải lo lắng về nơi ăn chốn ở vì đã có T và V, đặc biệt là có thổ công chở đi đây đó. 

Sáng thứ năm tôi đáp chuyến bay sớm nhất từ Houston đi Washington. Mấy hôm trước khi đi, ngày nào tôi cũng coi dự báo thời tiết ở đây và trong lòng hơi lo vì thấy ngày nào cũng mưa và lạnh. Mục đích mua vé để bay liền vì muốn chụp hình hoa anh đào mà gặp mưa thì kể như thua vì chẳng những không chụp được mà theo lời dân địa phương, hoa sẽ rụng khi mưa nhiều.Cũng may, ngày đầu, khi đến nơi lúc trưa thì mây tan và mặt trời bắt đầu ló dạng. Những cánh hoa đào màu hồng nhạt đang mờ nhạt bỗng trở nên rực rỡ như đang nhảy múa dưới ánh nắng. Càng về chiều, du khách càng tấp nập, người đi như trẩy hội, chen chúc nhau trên con đường vòng quanh hồ mà người ta hay gọi là tidal basin. Hồ này, diện tích khoảng 107 mẫu tây, được xây từ những năm 1800 với mục đích chính là điều hòa mực nước giữa sông Potomac và Washington Channel. Có khoảng hơn 3000 cây hoa anh đào, giống Somei-Yoshino, được trồng chung quanh hồ.  Đây cũng là nơi mà lễ hội hoa anh đào được tổ chức hàng năm. Hội hoa anh đào năm được tổ chức từ  ngày 25 Tháng Ba đến 4 Tháng Tư, kỷ niệm 111 năm thị trưởng ở Tokyo  tặng những cây anh đào Nhật Bản đầu tiên cho nước Mỹ. Hoa anh đào được trồng ở thủ đô Mỹ đầu tiên phải kể đến công của Eliza Ruhamah Scidmore,một thành viên của National Geography. Bà là người đã viết thư đến đệ nhất phu nhân Helen Taft, đề nghị trồng cây anh đào dọc theo bờ sông Potomac với đầy đủ chi tiết và mô hình. Lời thỉnh cầu này đã được tổng thống Taft chấp thuận. Biết được điều này,ngay lập tức chính phủ Nhật gửi tặng 2,000 gốc, nhưng tiếc là khi kiểm dịch, cây bị bệnh nên đành bỏ để bảo vệ thực vật nội địa.

Thế rồi, như một sứ mệnh ngoại giao, Nhật lại gửi tặng tiếp 12 loại giống gồm 3,200 cây anh đào, nhiều nhất là Somei Yoshino, hoa phớt hồng chuyển trắng, hương mùi hạnh nhân. Loại rất đẹp là Kwanzan, trổ hoa từng cụm màu hồng nhạt. Sau này có thêm Akebono, được ghép từ hai loại trên, bông màu hồng

chuyển tím nhạt. Anh đào được người Mỹ trồng dọc theo đường vòng cung bờ hồ, Tidal Basin và trồng gần tượng đài của những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Hoa Kỳ như  Thomas Jefferson, George Washington, Martin Luther King, FDR ...

Lễ hội anh đào ở thủ đô mỗi năm thường được tổ chức vào Tháng Ba, sớm muộn tùy theo thời tiết. Thời gian hoa anh đào bung nở kéo dài không quá mười ngày. Ngày hoa nở rộ, đẹp, khoảng 70%, người Mỹ gọi là “The peak bloom date.”Đây cũng chính là lễ hội truyền thống đã có từ lâu, hàng ngàn năm ở Nhật, với tên gọi là “hanami,” thường diễn ra vào cuối Tháng Ba và đầu Tháng Tư ở Nhật. Hanami là từ được ghép bởi “hana” nghĩa là hoa và “mi” là ngắm nhìn. “Hanami” nghĩa là ngắm, thưởng lãm hoa. Hoa anh đào là quốc hoa của đất nước “mặt trời mọc,” tượng trưng cho sự thanh khiết, mỏng manh và trong trắng. Lễ hội anh đào, hoa Nhật ở thủ đô Mỹ, như sự gặp nhau giữa văn hóa Á – Âu và bản địa ở Tân Thế Giới, như sự đa sắc thái, đa chủng tộc, đặc trưng của một quốc gia mang tên: Hợp chủng quốc. Hoa anh đào mau nở và chóng tàn, phụ thuộc theo thời tiết. Do vậy,người Mỹ thi nhau dự đoán ngày hoa nở để thưởng lãm, để tổ chức “hội hoa”.  

Trung bình mỗi năm có khoảng một triệu rưỡi du khách đến Washington vào dịp này vì đã đi đến đây, ngoài việc ngắm hoa, có rất nhiều danh lam thắng cảnh, đền đài, bảo tàng viện miễn phí cũng đáng đi thăm. Nếu định đi, ngoài việc “canh me” thời tiêt, lúc hoa nở, du khách cũng nên để ý đến thời gian thuận tiện cho việc đi lại và nên đi vào ngày thường vì chung quanh thủ đô Washington, bãi đậu xe rất ít. Hôm đó, chúng tôi phải đậu xe ở một công viên cách hồ gần 3 miles sau khi đã lượn đi lượn lại gần nửa tiếng để tìm chỗ đậu xe.

Trong dịp này, tôi cũng có dịp đi thăm những danh lam, thắng cảnh, đài tưởng niệm nổi tiếng như Washington, Jefferson, Lincohn, World War II, và đặc biệt là Vietnam War. Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam được coi là một địa điểm thu hút nhiều du khách nhất với khoảng 5.5 triệu người thăm viếng mỗi năm. Nó nổi tiếng có lẽ vì đây là cuộc chiến với nhiều tranh cãi nhất và cũng chính nơi đây đã để lại cho người thăm viếng nhiều cảm xúc. Được chấm giải nhất, sinh viên Maya Lin, lúc đó mới 21 tuổi, của đại học kiến trúc ở Yale đã đánh bại hơn 1400 kiến trúc sư trên toàn nước Mỹ qua một cuộc tranh tài gay go. Nó được chọn so với những tác phẩm dự thi khác vì theo New York Times, "nó đã chuyển tải được một điều mà ai cũng đồng ý, đó là những người đã hy sinh cho cuộc chiến phải được ghi nhớ." Thật vậy, trên 58 ngàn tên của quân nhân Mỹ chết trong cuộc chiến được khắc trên một bức tường dài 493 feet bằng cẩm thạch màu đen nhập cảng từ Ấn Độ, bắt đầu từ đại úy Dale Buis', tử trận 7/8/1959 và người cuối là trung tá không quân Richard Vandergeer, chết năm 1975. Thi thoảng đây đó, một vài du khách, có lẽ là thân nhân của những người đã khuất, đi tìm tên người thân của mình. Nhìn những ngón tay xoa nhẹ trên tường như ve vuốt, vỗ về, tôi có cảm tưởng như họ đang thì thầm với chồng, cha, ông như trong thơ của Lê thị Ý đã được Phạm Duy phổ nhạc trong bài Tưởng như còn người yêu:


"Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai."

Hôm đó trời mưa, mây xuống thấp và lạnh đã làm tâm trạng của tôi, đã buồn lại càng buồn hơn khi nghĩ đến cuộc chiến và những gì dân tộc tôi phải trải qua:

"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ."

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi

Mặt chinh phụ trăng dõi dõi soi

Chinh phu tử sĩ mấy người

Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn

(Chinh phụ ngâm)

Chỉ còn vài ngày nữa là đến tháng tư. Cũng bao nhiêu người tị nạn khác ở hải ngoại, tháng tư thường nhắc nhở tôi về nỗi buồn mất nước, phải tha hương để đi tìm tự do. Những người lính Mỹ tử trận ở Việt Nam ít ra cũng còn được có được một đài tưởng niệm để vinh danh sự hy sinh cho tự do. Còn những người lính Việt Nam Cộng Hòa, hơn 250 ngàn người đã tử vong để bảo vệ tổ quốc, chẳng những không được tôn trọng mà còn bị bạc đãi, tù đày bởi phe thắng cuộc. Nghĩ đến mà tủi cho dân tộc việt. Một nén hương lòng cho tất cả những người nằm xuống.

Bây giờ ngồi trên phi cơ sau hai ngày đi chụp hình hoa anh đào, tôi có cảm tưởng mình đi chụp hình mà như là anh Trần Đào Khôi, một cựu biệt kích lôi hổ, ngày xưa nhảy toán vào vùng địch mỗi khi có tin tức về hoạt động của địch  trước 1975. Nghe tin hoa nở là phải đi liền vì nếu không, hoa sẽ tàn cho dù phải bỏ dở công việc... vì theo kinh nghiệm, chụp kiểu đánh du kích như thế này nhiều khi lại có nhiều hình coi được hơn là những lần chuẩn bị chu đáo.  Có lẽ đây là cái thú đam mê mà dính vào rồi thì bỏ không được cũng giống như ngày xưa các cụ nghiện thuốc lào : “nhớ ai như nhớ thuốc lào,đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Thôi thì muốn có được tấm hình coi cho được thì phải ráng như Nick Vujicic đã từng nói:   

“Bạn có thể tin vào những giấc mơ  của mình, nhưng bạn phải hành động để biến những giấc mơ đó thành hiện thực. 

Booing 737, không phận từ Washington đến Houston, 

 

3/25/2023 

Viết Nách

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %08 %842 %2023 %15:%05
back to top