CA KHÚC "HÈ VỀ" CỦA NHẠC SĨ HÙNG LÂN -

CA KHÚC "HÈ VỀ" CỦA NHẠC SĨ HÙNG LÂN -

KHÚC NHẠC MÙA HÈ TƯƠI VUI YÊU ĐỜI CỦA HƠN 70 NĂM TRƯỚC

 

Tân nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc viết về Mùa Hè, đặc biệt là từ thập niên 1960, khi mà hoa phượng, mùa hè và chia tay tuổi học trò là chủ đề rất quen thuộc của các nhạc sĩ nhạc vàng như Thanh Sơn, Song Ngọc, Duy Khánh,… với nhiều ca khúc đã trở thành bất tử.

Tuy nhiên trước đó khoảng hơn 10 năm, có 2 ca khúc in đậm nét trong lòng nhiều thế hệ học trò thập niên 1950 là Mùa Thi của nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và Hè Về của nhạc sĩ Hùng Lân.

Trong một bài viết, cố ca sĩ Quỳnh Giao nhận xét rằng nhạc sĩ Hùng Lân có biệt tài viết lời ca nhanh và liền lạc như một chuỗi hạt trai, có thể thấy được rõ nét nhất điều đó qua Hè Về.

Click để nghe tài tử Ngọc Bảo hát Hè Về thập niên 1950


Bài hát Hè Về, khác với cái tựa đề khá đơn giản, bên cạnh tiết tấu bài hát khá phức tạp thì lời bài hát cũng rất dài, chủ yếu là để tả cảnh sắc mùa hè đầy màu sắc và rộn ràng thanh âm.

Bài hát mang lại cho người nghe cảm giác bồng bềnh, mênh mông, rào rạt của sóng lúa vàng, của áng mây hồng buổi sớm mai, của mầu xanh ngọc bích nơi cành lá, của màu phượng đỏ rung rinh ngoài nắng.

Bài hát có những hình ảnh thật tinh tế: Đám mây trắng đùa với nắng, đàn chim én tung cánh đo trời, dưới thì đồng lúa vàng nhịp nhàng cao thấp trên sườn đồi. Hương sen thanh nồng lan theo gió mát.

Cảnh thì đẹp, mà nhạc thì cũng lôi cuốn, dìu dặt và trong sáng. Chỉ trong một đoạn mà người thưởng thức nghe được tiếng ve, tiếng trúc, ngắm được mây trắng, lá ngọc, chim én, lúa vàng, mà còn ngửi được hương thơm của sen nồng.



Lời ca của Hè Về xứng đáng được dùng cho học sinh học cách hành văn vừa trong sáng vừa đầy hình ảnh và màu sắc.

Trời hồng hồng, sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song
Cành mềm mềm gió ru êm
Lọc màu mây bích ngọc qua màu duyên

Đàn nhịp nhàng hát vang vang
Nhạc hòa thơ đón hè sang…

Bâng khuâng nghe nắng đùa mây trắng
Đàn chim cánh đo trời
Phân vân đôi mắt chèo lữ thứ
Thuyền ai biếng trôi

Xa xa lớp lúa dồn cao sóng vàng leo dốc trên đồi
Thanh thanh hương sen nồng
Ướp gió mát khi chiều rơi…


Ở đoạn điệp khúc, nhạc sĩ Hùng Lân tài tình sử dụng lối hát đuổi nên càng làm câu nhạc quấn quýt liền lạc như tâm tư tác giả trào dâng với cảm xúc chứa chan trước cảnh hữu tình. Đoạn này được hát đuổi hay nhất với giọng nữ câu cao, và giọng nam câu trầm:


Hè về hè về
Nắng tung nguồn sống khắp nơi
Hè về hè về
Tiếng ca nhịp phách lên khơi

Đầu ghềnh suối mát reo vui dào dạt
Ngập trời gió mát ven mây phiêu bạt
Hồn say ý chơi vơi, ngày xanh thắm nét cười, lòng tha thiết yêu đời
 
Click để nghe bản thu âm của Minh Trang – Trần Văn Trạch thập niên 1950


Bài hát cho đến nay vẫn được nhiều ca sĩ trình diễn lại sau 70 năm, và là một trong những bài hợp ca hay nhất tân nhạc Việt Nam. Đã có rất nhiều thế hệ ca sĩ huyền thoại hát ca khúc này, nhưng bản thu thanh xưa nhất còn lưu lại có lẽ là bản của tài từ Ngọc Bảo và bản song ca của danh ca Minh Trang và quái kiệt Trần Văn Trạch.

Tổng hợp theo bài viết của Quỳnh Giao
Nguồn: Nhạc Xưa
 
Click đề nghe lời kể của con gái nhạc sĩ Hùng Lân và Hoàng Yến Chibi hát.
 
 

Những ca khúc chào đón hè về

Rất nhiều ca khúc đặc sắc đã được viết riêng cho muà hè, để ca ngợi nét đẹp của thiên nhiên vào hạ. Để mỗi lần nghe lại những ca khúc này, lòng người cũng rộn ràng với những kỷ niệm đẹp về mùa hè trong quá khứ.

Một trong những bài hát được nhiều người Việt biết đến nhất, có lẽ là bài Hè Về của cố nhạc sĩ Hùng Lân. Một phần là vì đây là một ca khúc hè đã được sáng tác từ rất lâu, vào khoảng năm 1945. Một phần là vì ca khúc này rất được phổ biến trong giới học sinh tiểu học, trung học của Miền Nam trước 1975. Chỉ trong vài câu hát, những nét đẹp thiên nhiên đặc trưng của mùa hè Việt Nam đã được lột tả:

Trời hồng hồng sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song
Cành mềm mềm gió ru êm
Lọc mầu mây bích ngọc qua mầu duyên
Đàn nhịp nhàng hát vang vang
Nhạc hoà thơ đón hè sang !

Hè về trong khóm trúc mềm đầu bờ
Hè về trong tiếng sáo diều dật dờ
Hè về gieo ánh tơ !…

Tuổi học trò - nơi gửi gắm kí ức, cảm xúc chân thật nhất dưới ngôi trường  dấu yêu!

Có nắng, có gió, có màu hoa phượng, có bức họa đồng quê. Lòng người học trò hỏi sao không rộn ràng theo nhịp điệu rộn ràng của những câu hát này. Tiết điệu của bài hát cũng rất đặc biệt. Sau phần đầu vui nhộn như để nói lên lòng người khi chào đón hè về, phần giữa bỗng nhiên dìu dặt, êm ái, như để miêu tả cảm giác thư giãn, nghỉ ngơi của người học trò trong những chuyến nghỉ hè kỳ thú:

…Bâng khuâng nghe nắng đùa mây trắng đàn chim cánh do trời
Phân vân đôi mái chèo lữ thứ thuyền ai biếng trôi

Xa xa lớp lúa dồn cao sóng vàng leo dốc trên đồi
Thanh thanh hương sen nồng ướp gió mát khi chiều rơi…

Không phải tình cờ, mà Hè Về của nhạc sĩ Hùng Lân đã được nhiều thế hệ yêu thích mãi cho đến tận ngày hôm nay.

Vào khoảng đầu thập niên 70, phong trào nhạc trẻ ngoại quốc lời Việt phát triển mạnh ở Sài Gòn. Trong giai đoạn này, Ban nhạc trẻ Mây Trắng đã đặt lời Việt cho ca khúc nổi tiếng Green Leaves Of Summer của ban nhạc Mỹ The Brothers Four, lấy tên là Lá Xanh Mùa Hè. Ban nhạc Mây Trắng đã rất thành công trong giới trẻ thời đó với Lá Xanh Mùa Hè, đặc biệt là với tiếng đệm bằng guitar thùng quyến rũ, phần giai điệu bè du dương, và đặc biệt là đoạn mở đầu với giọng vocal chuyển đổi giữa hai hợp âm Em và E:

Uuu, ú uu… (Em, E)

Uuu ú uu… (Em, E)

Hè sang lá cây xanh màu
Hè sang vang tiếng ve sầu
Hè sang phượng tươi thấm màu
Ru say hồn thi nhân
Làn mây trắng lững lơ ngang trời.
Dòng suối mát lắng trôi êm đềm….

(Xin mời nghe ca khúc này ở cả hai lời Anh-VIệt trên Youtube:

https://www.youtube.com/watch?v=7g5aqwnMIm8 Mây Trắng

https://www.youtube.com/watch?v=vyYWBGpFMRQ Brothers Four)

Mùa hè còn gợi nhớ đến những cơn mưa, với những cuộc tình lãng mạn dưới mưa. Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất về mùa hè được viết tại hải ngoại, phải nhắc đến Cơn Mưa Hạ- nhạc: Trúc Hồ, lời: Trầm Tử Thiêng. Nhạc sĩ Trúc Hồ nhớ lại vào khoảng đầu thập niên 90, anh và Trung Tâm Asia đã thực hiện bộ phim Cơn Mưa Hạ, kể lại mối tình của một chàng trai trẻ tị nạn với cô giáo của mình tại Mỹ. Kịch bản phim do cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết. Nhạc sĩ Trúc Hồ đã viết phần giai điệu làm nhạc phim. Sau đó, vì phần nhạc phim được nhiều người nghe rất thích, cho nên nhạc sĩ Trúc Hồ đã nghĩ đến việc đặt lời cho nó. Sau vài thử nghiệm, nhóm làm phim nghĩ rằng không ai có thể viết lời hay hơn anh Trầm Tử Thiêng, người đã viết truyện phim Cơn Mưa Hạ, nên đã nhờ anh thực hiện công việc này. Ca khúc Cơn Mưa Hạ đã ra đời như vậy, chinh phục hàng triệu người yêu thể loại tình khúc. Lời và giai điệu hòa vào nhau đến nỗi khó có ai tưởng tượng rằng giai điệu đã được viết trước, và phần lời được một người khác viết sau đó:

Từng hạt mưa nhẹ như tiếng đàn
Tình gọi tình, vòng tay quá ngỡ ngàng
Làn môi hôn rét căm trong đêm
Tình nghiệt oan đưa ta vào vòng ái ân
Nhạc gọi mưa hay mưa trút xuống đời
Thành giòng lệ, thành đêm bão tố về
Rồi từ đó cũng nghe trong em
Lòng đổ mưa, cơn mưa hạ về giữa đêm…

Nhạc sĩ Trúc Hồ còn nhớ lại rằng ban đầu, anh nghĩ giai điệu của bài hát sẽ rất hợp với giọng ca của nữ ca sĩ Ngọc Lan. Nhưng vào thời đó, Lâm Thúy Vân là giọng ca mới nổi của trung tâm Asia, cho nên đã đề nghị cô hát thử. Không ngờ giọng hát của Lâm Thúy Vân nỉ non, kể lể câu chuyện tình trong Cơn Mưa Hạ quá xuất sắc. Sự thành danh của Lâm Thúy Vân cũng đã gắn bó với tình khúc mùa hạ bất hủ này.
Hãy sống lại quá khứ mơ mộng của tuổi học trò, với nắng hè, với hàng phượng vĩ, với những cơn mưa hạ qua những ca khúc chào đón hè về…

 

Cung Mi / SBTN

 

 
_____________

Nhạc hè trong ký ức

 

 “…Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…”, đó là nhạc phẩm “Nỗi buồn hoa phượng” của Thanh Sơn - một bài hát đã ăn sâu vào lòng của những thế hệ học sinh từ những thập niên 60-70.

Mùa hè thời tiết khắc nghiệt nhất trong 4 mùa, nhưng mùa hè cũng là mùa rực rỡ và tươi đẹp (theo cách nói của những văn nghệ sĩ), nên có rất nhiều tranh ảnh, thơ văn… diễn tả mùa hè. Đặc biệt, âm nhạc viết về mùa hè rất phong phú về ca từ, đa dạng về thể loại. Mùa hè dành cho tất cả mọi người chớ không riêng gì những ai còn cắp sách đến trường. Đó là kỳ nghỉ hè của một năm, dài ngắn tùy theo tập tục của mỗi đất nước và hoàn cảnh của mỗi người, và… người Sài Gòn bỗng một ngày nào đó thấy học trò chộn rộn kỳ thi cuối cấp, các trường đại học chuẩn bị tuyển sinh, phượng Sài Gòn lác đác trổ hoa, trời hầm hập nóng, và những cơn mưa không kịp tháo giày, mặc áo mưa… thì biết hè về!

img-0819-1559779911_1559816230.jpg

“Trời hồng hồng sáng trong trong ngàn phượng rung nắng ngoài sông…”, đó là nhạc phẩm Hè về của Hùng Lân, mà mỗi năm đến hè chúng tôi hát rùm trời. Thời ấy, nghĩ lại đi học sao nó nhẹ tênh (cả sách vở và tâm hồn!). Mỗi năm đến hè lòng chúng tôi man mác buồn vì phải xa thầy cô, xa bạn bè… dù thời gian xa nhau chỉ có 90 ngày! “Rồi chiều nay hè trở về đây/ phượng thắm ơi, phượng thắm rơi đầy/ lại cách xa nhau chín mươi ngày/ hay là một thế kỷ dài mà lòng ai đang khóc ai/ Một ngày nào mình mới gặp nhau/ phượng đã phai ve chẳng ru sầu/…” (nhạc Mùa chia tay - Duy Khánh).

Trong cuộc đời, ai cũng có một lần được cắp sách đến trường dù ngắn hay dài và thuộc ít nhất một bài hát hè. Thời gian đã đi qua, chúng ta rồi cũng đi qua, chỉ có bài ca còn ở lại trong ký ức của mỗi con người. Nhạc hè có bài vui, có bài buồn, nhưng dù vui hay buồn, tất cả đều mang thông điệp của tuổi trẻ chuẩn bị hành trang bước vào đời, một chút lãng mạn của tình yêu học trò, một chút bâng khuâng của những năm cuối cấp và một chút nghĩ bâng quơ về những ngày sắp tới phải xa cách vì một hoàn cảnh nào đó, để rồi không biết có còn gặp nhau nữa không? “… Thời gian qua trôi mau không ngừng đâu/ mỗi mùa hoa phượng đầu/ tiếng ve kêu gợi sầu/ phút chia tay rầu rầu/ tiếc thương riêng mình biết/ hoặc tìm trong mắt nhau/…” (nhạc Kỷ niệm nào buồn - Hoài An).

VĂN THƠ NHẠC: Vui buồn nghe khúc nhạc hè

Nhạc hè trong ký ức mỗi người là chuỗi kỷ niệm nhớ nhớ quên quên của những lớp học trò từ những thập niên 70 trở về trước. Nhắc lại sẽ có người không cầm được nước mắt. “Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi nhắc lại câu chuyện buồn/ Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu nơi kỷ niệm êm ái/ Đâu dư âm của tiếng nói ngây thơ?/ Ngày hai đứa dìu nhau đến sân trường/ cùng đuổi bướm/ hái hoa trên cuối đường/ tiếng cười vạn tình thương/…” (nhạc Lưu bút ngày xanh – Thanh Sơn).

Nhạc hè có rất nhiều, nhưng đứng được với thời gian và ghi khắc vào lòng người thì chỉ đếm được trên mười đầu ngón tay?! Đã hơn nửa thế kỷ đi qua, những bài hát được nhắc lại trong bài viết ngắn này, cho dù trẻ hay già, trí thức hay nông dân… cho dù có khó tính đến đâu chắc cũng phải công nhận rằng đó là những ca khúc rất bình dân và nó đã đứng được với thời gian và không ngăn cách biên giới và lòng người!

Ba tháng hè của những năm tháng xa xưa ấy, chúng tôi “dẹp sách vở một bên” (thường thì gia đình cho chơi thả cửa) rủ nhau câu cá, thả diều, đá banh… nếu có điều kiện thì lên núi xuống biển… Vậy mà đến khi tựu trường vào năm học mới, đứa nào làm bài cũng được thầy cô khen… Good… Bon… thế mới là lạ!

Bây giờ, mỗi năm đến hè, học sinh làm gì? Phải chăng học sinh bây giờ mỗi năm đến hè lòng cũng man mác buồn nhưng cái buồn không giống chúng tôi ngày ấy, buồn vì phải học hè! Ôi nếu thế thì còn đâu là kỳ nghỉ hè đúng nghĩa dành cho học sinh, tiếc nhỉ!!!

 
TRẦN HỮU NGƯ
 
 HÈ VỀ - Hùng Lân - YouTube
 
 
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %04 %028 %2023 %19:%06
back to top