Bông điên điển
Đến Đồng Tháp vào mùa nước nổi, chúng ta sẽ thấy dọc theo hai bờ tuyến kênh dài hàng mấy chục cây số, bông điên điển nở rộ thành từng chùm, ửng vàng chen lẫn sắc xanh của lá.
Để bông điên điển trở thành món ăn, đơn giản nhất là nấu một nồi mắm kho, nhúng bông điên điển và một số loại rau sống khác vào là có ngay một món khoái khẩu.
Hoặc cách làm khác đơn giản là người nơi đây dùng nó làm dưa. Bông điên điển được rửa sạch cùng với giá sống để cho ráo nước rồi ngâm vào nước vo gạo lắng cho trong, pha muối có độ mặn vừa chuẩn trong một cái chum nhỏ, đậy lá chuối ủ kín chừng 2-3 ngày sau là đã có một đĩa dưa vừa chua vừa giòn lại vừa đăng đắng, chấm với nước tương dầm ớt.
Thế nhưng quen thuộc với người dân miền Tây hơn cả chính là nồi canh chua bông điên điển nấu với cá linh hay cá rô đồng. Bông điên điển vừa hái xuống còn tươi cạnh bên chiếc lẩu than đựng canh nóng. Món canh chua đã được nấu sẵn, bên trong chứa đủ các thứ cần thiết như cà chua, bạc hà, giá chín,...
Đặc biệt nhất là những con cá rô nằm sâu bên dưới, bên trên có rau om được rắc kín mặt, điểm thêm vài lát ớt đỏ tươi. Bông điên điển thì không được bỏ sẵn vào trong canh, chỉ khi nào ăn mới gắp và nhúng vào nước canh đang sôi.
Lẩu cá linh bông điên điển
Nhiều người địa phương đôi khi chỉ cần một nồi lẩu cá với me sống vừa đủ độ chua, rồi nhúng duy nhất một thứ hoa vàng rực rỡ này vào. Cũng có nơi còn dùng bông điên điển để ăn với bún nước lèo bên cạnh những loại rau khác như bông súng, bắp chuối thái lát.Bông điên điển còn được dùng để xào tép, làm nhân bánh xèo,... Đó là những món ăn dân dã vừa ngon, vừa lạ miệng mà không phải nhà hàng, quán ăn nào cũng có được.
Bông súng mắm kho
Ở miệt quê Đồng Tháp, không ai lại không biết đến bông súng chấm mắm kho, món ăn dân dã nhưng lại có hương vị đậm đà khó quên.
Nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường trồng bông súng.
Mỗi năm, hễ ăn Tết xong là bà con bắt đầu tát mương, vũng,.. để bắt cá đồng, con to đem bán, con nhỏ đem về làm mắm, chờ qua mùa nước nổi thì lôi ra ăn dần.
Muốn kho mắm cho ngon, nhiều người đổ nước dừa cao hơn mắm cỡ vài phân rồi bắc lên bếp đun cho tới khi con mắm nhuyễn nhừ rồi mới nhấc xuống lọc kỹ, bỏ xương. Sau đó nêm nếm gia vị, đặc biệt ớt và sả là hai thứ không thế thiếu trong món mắm kho, vài trăm gram thịt ba rọi, kho với tép bạc, cá rô, cá trê...Bông súng mắm kho.
Bông súng ngon nhất là chấm với mắm kho, mà không phải bông súng nào cũng ngon như nhau, chỉ có loại bông súng trắng, cọng nhỏ cỡ chiếc đũa ăn cơm, ăn mới mềm và ngọt.Gỏi bông súng.
Mùa nước về bông súng càng lên nhanh trắng đồng, nhổ về để nguyên cọng rửa sạch, tước vỏ bên ngoài, ngắt mỗi cọng dài chừng 2 gang tay, để trong rổ cho ráo nước. Mắm mở ra có màu đỏ thẫm thơm lừng, bông súng bỏ vào bát, chan nước mắm kho lên trên. Chất cay của ớt, the của sả, ngọt của tép, giòn của bông súng tạo thành món ăn tuyệt vời, đơn sơ, ít tốn kém và vẫn đậm đà hương đồng gió nội.Cá lóc nướng trui
Vùng đất Nam Bộ ruộng lúa mênh mông, sông ngòi chằng chịt là nơi sinh sôi của nhiều loài tôm cá. Chính vì vậy cái thú tát ao, ruộng bắt cá về chế biến món ăn đã trở thành một kiểu thưởng thức ẩm thực độc đáo ở miền Tây Nam Bộ. Trong đó, Đồng Tháp là xứ mà cá lóc nhiều và ngon đặc biệt.
Cá lóc nướng trui.
Món cá lóc nướng trui là một món ăn dân dã được người người dân Nam Bộ rất mê. Những tàu lá chuối xanh mướt được xếp dài ở giữa. Bên trên xấp lá chuối là những xấp bánh tráng dẻo trắng phau, xoài thái nhỏ, lá lụa, quế vị, húng,...xen lẫn những lát chuối chát, khế chua, đôi khi còn có thêm những trái điều chín vàng và cuối cùng là tô mắm me cay hoặc muối ớt.Cá lóc rửa sạch, lựa con chừng 1kg, thịt cá vừa ngọt thơm, lại dễ nướng. Xiên một thanh trúc hoặc tre tươi vót sẵn từ miệng cá cho đến đuôi. Nhiều khi người ta còn chặt bỏ phần đuôi cá vì như vậy khi nướng chín phần bụng và xương cá sẽ không bị ứ máu, thịt cá sẽ không tanh khi để nguội.
Sau đó cắm những thanh tre đã xiên cá xuống đất và phủ rơm khô lên, người nướng cá phải ước lượng rơm vừa đủ để khi rơm vừa tàn thì cá cũng vừa chín. Rơm dư thì cá khét hoặc quá chín, mất ngọt còn khi rơm thiếu thì cá lại nhão, tanh.
Cá chín đặt nguyên con lên tàu lá chuối, cạo bớt lớp vảy cá bị cháy, xẻ lăn dài theo bụng cá, mở ra làm đôi. Lấy miếng cá còn bốc khói cuốn với bánh tráng, rau sống, chấm vào nước mắm hoặc mắm nêm sẽ cảm thấy mùi thơm, vị ngọt béo của cá hoà lẫn với các hương vị của khế chua, chuốt chát, ăn hoài không ngấy.
Nem Lai Vung
Nếu Sa Đéc nổi tiếng vì có làng hoa Sa Đéc thì huyện Lai Vung cũng nổi tiếng khắp vùng đồng bằng Nam Bộ với nghề làm nem truyền thống. Nằm ở phía Bắc sông Hậu, làng nghề làm nem ở Lai Vung được hình thành hơn 60 năm nay và là một trong những làng nghề lâu đời nhất ở địa phương, nằm trong số gần 30 làng nghề được tỉnh Đồng Tháp công nhận.
Nem Lai Vung.
Nem Lai Vung từ lâu đã nổi tiếng với hương vị ngon đặc biệt. Thong thả bóc từng lớp lá chuối, chắc chắn chúng ta sẽ không thể cầm lòng trước miếng nem tươi đỏ hồng điểm xuyết những hạt tiêu đen, vài lát tỏi trắng mỏng.Nem chua khi ăn có vị ngọt của thịt và vị chua của nem, còn nem nướng cũng là loại nem chua nhưng dùng khi nem chưa lên men, nướng trên vỉ than đỏ hồng ăn kèm với bún, rau thơm, nước chấm,...
Nghề làm nem cũng lắm công phu, để làm ra được một chiếc nem phải trải qua rất nhiều công đoạn. Thịt làm nem la thịt heo đưa vào cối đá quết nhuyễn, da heo được thái nhỏ thành từng miếng. Trộn lẫn các thứ thịt, bì, tiêu, ớt, tỏi, lót kèm lá vông rồi gói lại bằng lá chuối tươi để từ 3-4 ngày cho lên men ở nhiệt độ khoảng 27-30 độ C. Nem làm ngon và đúng cách phải đủ 8 phần thịt, 2 phần bì, thịt lợn phải tươi, gia vị phải cân đối và đặc biệt phải gói thật đều tay.