Những Trái Tim Việt Nam: Làng Gà Winnsboro, Texas
“Bây giờ làm nghề nào cũng 50-50, 5 ăn 5 thua, riêng nghề này thì… 100%, không sợ gì hết. Ở Texas, chưa ai làm nghề này mà khai phá sản.”
Anh Minh Nguyễn cùng con trai tại một chuồng gà ở Centerville, Leon County, Texas.
Những Trái Tim Việt Nam: Làng Gà Winnsboro, Texas
by Trần Thu Miên
Tháng 7/2023
Đâu Có Tình Yêu Thương
Ở đấy có ly rượu đầy
Đâu có tình bác ái
Ở đấy uống hoài không say
Đâu ý hiệp tâm đầu
Ở đấy uống trăm phần trăm….
Vài tháng nay thỉnh thoảng tôi nghêu ngao mấy lời ca trên rồi mỉm cười một mình. Tôi học được mấy câu hát này là nhờ người bạn ở làng gà Winnnsboro đã rủ vào dự lễ Phục Sinh dạo đầu tháng 4 vừa qua (4, 2023).
“Mời anh chị vào làng gà dự lễ Vọng Phục Sinh, ngủ lại nhà em rồi sáng đi lễ Chủ Nhật nhá.” Anh bạn Trần Duy gửi lời nhắn, rủ chúng tôi vào làng gà Winnsboro.
“Tối thứ Bảy bận, nhưng sáng Chủ Nhật sẽ vào.” Tôi hồi âm ngay.
Đây là lần thứ ba tôi được hân hạnh tham dự sinh hoạt với cộng đoàn Công Giáo Làng Gà ở Winnsboro, miền Đông Bắc Texas. Thánh lễ Chủ Nhật Phục Sinh và tiệc mừng được tổ chức tại tu viện Chúa Cứu Thế. Từ nhà chúng tôi đến tu viện khoảng 2:30 phút nếu đường đi suông sẻ. Cư dân gốc Việt của làng gà sống rải rác thưa thớt trên những cánh đồng mênh mông. Mỗi trang trại nuôi gà là mỗi thế giới riêng rẽ cách biệt. Có gọi nhau là hàng xóm thì cũng phải đi xe hơi cả nửa giờ để đến thăm nhau.
Cách đây vài năm trước dịch Covid, tôi đã được nghỉ lại trang trại của vợ chồng Chính-Vân nhân dịp họp mặt anh em cựu đệ tử Châu Sơn Đơn Dương nên hiểu được chút ít về sự cô quạnh của những con người sinh sống giữa miền đất trời bao la. Hình ảnh của một trang trại với năm bảy khu nhà nuôi gà công nghệ cửa đóng bịt bùng, im lìm, bên cạnh đàn bò thong thả gặm cỏ lúc hoàng hôn đang đổ xuống cánh đồng rộng hàng 100 mẫu rất lãng mạn, rất thơ mộng, nhưng cũng rất hoang vu hiu quạnh.
Ở những nơi chốn như đây, dường như người ta quý mến nhau và tình đồng hương cũng đậm đà hơn những nơi náo nhiệt đông người. Vợ tôi có đôi lần đùa cợt đề nghị tôi nên mua một trang trại gà để có nơi tịch mịch, tha hồ sáng tác, tha hồ ca hát, đọc thơ mà không làm phiền hà ai. Tôi thấy ý kiến hay, nhưng mình không có khiếu làm nông trại dù dòng dõi con nhà nông ít nhất cũng được mười đời. Có lần ngồi uống rượu ở nhà người bạn, anh ta hãnh diện khoe vợ mình trồng hoa rất khéo, còn anh thì tưới cây rất lành nghề nên hoa lá quanh vườn lúc nào cũng xanh tươi. Tôi bảo bạn, mình chỉ có tài trồng cỏ dại quanh nhà, chả cần tưới mà cỏ vẫn lên cao, vẫn đơm hoa ngập sân. Tài trồng cỏ dại của tôi thì không bao giờ có thể làm chủ một trang trại nuôi gà hay nuôi bò được. Nuôi gà phải biết lo thực phẩm, nước uống cho đúng mức đúng giờ, kiểm soát và bảo quản hệ thống kỹ thuật điện nước, nhiệt độ trong chuồng gà hàng ngày cho tốt. Còn nuôi bò thì phải cắt cỏ để dành cho bò ăn qua mùa Đông. Ngày xưa còn bé, mỗi ngày đi học về là phải ra ven sông ven rạch tìm cỏ non cắt mang về cho con bò cày ruộng ăn. Nhiều khi ham chơi đến gần tối mới cắt vội vã, đem về không đủ cho bò ăn sau một ngày cày đất mệt mỏi nên bị bố đánh sưng mông. Dù mình không có khả năng chăm sóc một trang trại, nhưng mỗi lần vào thăm làng gà là mỗi lần khám phá và cảm nghiệm được rất nhiều điều mới lạ kỳ thú.
Mình vẫn thắc mắc là tại sao những cư dân gốc Việt có đủ can đảm để định cư ở những vùng hoang vu hẻo lánh như quanh vùng Winnsboro này hay nhiều nơi khác ở Hoa Kỳ? Có phải những người này đã được tuyển chọn hay sai đi để mang trái tim Việt Nam đến khắp nơi trên địa cầu: Những nơi chưa bao giờ có bóng dáng một luỹ tre xanh, một con đò chờ khách bên sông, hay đồng lúa chín vàng? Có một điều mình biết rất rõ là tôn giáo đã tạo ra cơ hội cho những di dân tìm đến nhau để được chia sẻ, kết nối tình đồng bào-đồng hương ở những miền đất xa lạ từ tiếng nói đến thực phẩm. Vì mình cũng là người tin theo đạo Công Giáo nên anh bạn Duy Trần ở làng gà mới rủ mình vào tham dự lễ Phục Sinh. Các sinh hoạt tôn giáo rất quan trọng với nhiều di dân ở Hoa Kỳ, nhất là đi dân đến từ những xứ sở không nói tiếng Anh như di dân tỵ nạn gốc Việt.
Lễ Phục Sinh Và Mùa Xuân
Không như lễ Giáng Sinh được rơi vào một ngày cố định hàng năm, lễ Phục Sinh có thể rơi vào bất cứ Chủ Nhật nào sau ngày Lập Xuân (21 tháng 3), có nghĩa là các Chủ Nhật từ ngày 22 tháng 3 đến ngày 25 tháng Tư.
Trong các Lễ quan trọng của Công Giáo và Thiên Chúa Giáo, truyền thống mừng lễ Phục sinh có trước truyền thống lễ Giáng Sinh. Cũng như nhiều nghi lễ tôn giáo khác, Phục Sinh ảnh hưởng từ lễ hội dân gian mừng Xuân không mang tính tôn giáo. Tín đồ Thiên Chúa Giáo từ sơ khai đã có những tranh luận và bất đồng ý kiến về tầm quan trọng của việc cử hành nghi lễ để tưởng niệm cuộc khổ nạn Thập Giá của Đức Giê-Su và việc tưởng niệm sự khải hoàn từ sự chết của Ngài. Nhóm thì cho rằng sự tử nạn của Đức Giê-Su quan trọng hơn sự Phục Sinh của Ngài.
Sau khi Đại Đế Đế La Mã Constantine (AD 306-337) tin theo Thiên Chúa Giáo, ông đã ra lệnh triệu tập Công Đồng Nicaea năm 325 và ra quyết định rằng Lễ Phục Sinh (Easter hay Pascha) phải được cử hành vào ngày Chủ Nhật đầu mùa Xuân, coi như là ngày Đức Giê-Su sống lại từ cõi chết.
Các giáo phái Thiên Chúa Giáo Chính Thống mừng lễ Phục Sinh theo cổ lịch Julian nên khác với Công Giáo hay Tin Lành Giáo cử hành lễ Phục Sinh theo lịch Gregorian. Cũng như những lễ tôn giáo khác, theo thời gian, người ta thêm những phong tục đời thường vào.
Ở Hoa Kỳ, văn hoá Easter có thêm biểu tượng thỏ vườn (rabbit) và trứng gà sơn màu. Vào dịp này ta thấy những kẹo chocolate được làm theo hình thù con thỏ hay trứng gà đầy màu sắc được bày bán khắp nơi. Trong ngày Phục Sinh trẻ em Mỹ có tục lệ dẫn nhau ra công viên hay sân nhà thờ lượm trứng.
Ở một số văn hoá khác bên Trung Âu Châu và Đông Âu, biểu tượng của lễ Phục Sinh là những quả trứng gà thật được sơn màu sặc sỡ, còn con thỏ thì lại là thỏ đồng (hare). Thỏ và trứng gà được coi như biểu tượng của sự sinh sản (mắn đẻ) và màu mỡ vì Phục Sinh rơi vào đầu mùa Xuân, mùa hồi sinh của cây cỏ hoa lá. Ở những miền thời tiết có bốn mùa rõ rệt, mùa Xuân thật sự mang đến sinh khí mới cho con người, các loài động vật và cả thực vật.
Lễ Phục Sinh Làng Gà Winnsboro
Lễ Phục Sinh 2023 rơi vào ngày 9 tháng Tư, những ngày Mùa Xuân vừa bung mở trên những cánh rừng và ven những con đường. Thời tiết miền Bắc Texas có những ngày cực kỳ lạnh ở Mùa Đông và cực kỳ nóng ở Mùa Hè. Thời sinh viên, hơn 40 năm trước mình đi học ở miền này và dù đã trải qua những ngày Đông cực rét và những ngày Hè cực nóng, nhưng quên mất cái lạnh cái nóng của miền Bắc Texas cho đến khi hồi cư về mình mới giật mình, tự nhủ Texas có những ngày lạnh cóng hơn cả Boston dù cái rét đi qua rất nhanh, nhưng Boston thì không có những ngày nóng toát lửa hoa mắt và lâu như Texas.
Con đường đến làng Gà Winnsboro cây đã lên lá xanh và những cánh đồng ngập hoa vàng tươi mát. Winnsboro nằm ở phía Đông Bắc của Wood County và phía Tây Nam của Franklin County miền Đông Bắc Texas, cách Dallas khoảng 100 dặm. Thống kê dân số mới nhất cho biết số cư dân xấp sỉ 3,500 đầu người lớn bé gìa trẻ sống trên một diện tích rộng hơn 4 dặm vuông và mật độ dân số là 972 người trên một dặm vuông. So với Dallas thì dân cư Winnsboro rất thưa thớt vì diện tích Dallas rộng hơn 384 dặm, nhưng mật độ dân số là 3,707 người trên một dặm vuông.
Tối qua, cả gia đình tôi tham dự thánh Lễ Vọng Phục Sinh ở một nhà thờ Công Giáo Việt. Lễ Phục Sinh của Công Giáo là lễ dài nhất trong năm. Đã vậy, vị linh mục chủ tế bắt giáo dân chờ đến khi mặt trời lặn mới khai mạc nghi thức thắp lửa Phục Sinh. Chúng tôi đến nhà thờ lúc 5:30 chiều mà về đến nhà đã nửa đêm. Sáng dậy trễ, tưởng không vào Làng Gà được, nhưng tôi và Usa vẫn lên đường. Đến nơi cũng sắp xong lễ.
Có nhiều giáo dân thuộc các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ở Hoa Kỳ, dù đại lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh, lễ chưa xong đã hối hả ra về. Ngược lại, giáo dân Làng Gà Winnsboro, Texas hầu như ai cũng ở lại sau lễ để chia sẻ tiệc Phục Sinh với cộng đoàn. Tôi quan sát thấy sau lễ Chủ Nhật Phục Sinh, giáo dân đã nhanh nhẹn người khiêng bàn, người khiêng ghế sửa soạn cho tiệc Phục Sinh (Hình trên). Việc ăn uống tiệc tùng không còn là điều quan trọng ở một xứ sở dư thừa thực phẩm và rượu bia, nhưng mối liên hệ và tình đồng hương càng ngày càng quan trọng đối với di dân-tỵ nạn Việt Nam đang bước vào tuổi trung niên hay sắp về chiều. Những buổi hội họp cộng đoàn tạo nên cơ hội cho bà con gặp nhau trao đổi và chia sẻ chuyện đời viễn xứ, chuyện làm ăn, hay chuyện gia đình.
Tiệc Phục Sinh
Đang đứng nói chuyện với Đặng Đức Chính, người anh em từ tu viện Châu Sơn, Đơn Dương thời niên thiếu, Nguyễn Kha cũng là anh em cùng tu viện từ phía ca đoàn chạy xuống vồn vã bảo, “Anh về phải viết thêm một bài về Làng Gà nhá.” Kha là người đệm lục huyền cầm chính của ca đoàn. Thánh Ca giữ vai trò đặc biệt trong thánh lễ Công Giáo nên ca đoàn rất quan trọng. Nếu chỉ có linh mục cử hành thánh lễ và giáo dân đọc kinh thì dẫu sốt sắng đến đâu cũng có gì hụt hẫng thiếu sót. Dù là một cộng đoàn nhỏ và giáo dân lại ở cách xa nhau, nhưng nơi đây vẫn có một ca đoàn hát thánh ca rất chuẩn và ấn tượng. Ca trưởng, ca viên và nhạc công đều ở tuổi trung niên như rất nhiều những ca đoàn Công Giáo Việt hải Ngoại. Đây cũng là điều các vị linh mục và lãnh đạo cộng đoàn cần quan tâm. Nếu không, chừng mươi năm nữa sẽ không còn các Thánh Lễ Việt và ca đoàn Việt. Mình cũng như nhiều người, đi nhà thờ hay đi chùa, nhưng ít khi đặt câu hỏi về nguồn gốc của tôn giáo, cách riêng tôn giáo mình đang tin theo.
Nguồn Gốc Của Tôn Giáo
Chúng ta biết rằng tôn giáo quan trọng ở những xã hội loài người khắp nơi trên địa cầu, nhưng tôn giáo có từ khi nào? Đây là câu hỏi chung của của nhân loại. Các triết gia và các học giả thuộc mọi ngành đã đặt câu hỏi về nguồn gốc của tôn giáo, đã đưa ra những giả thuyết và những câu trả lời khác nhau.
Giáo sư triết học David Alvargonzález thuộc đại học University of Oviedo, Spain tóm tắt hai trường phái cắt nghĩa về nguồn gốc của tôn giáo. Một nhóm cho rằng tôn giáo được khai sinh bởi những mặc khải (revelation) từ các đấng siêu hình cho con người qua nhiều hình thức, hay qua các trung gian như Ngài Abraham, Đức Giê-Su, hay Đức Mohamed. Một nhóm lại cho tôn giáo phát sinh từ sự va chạm và liên hệ giữa con người và môi trường sinh sống. Nhóm này cũng cho rằng không chỉ có loài người mới có tôn giáo, nhưng một số loài vật cũng có đời sống tâm linh khi đối diện với những điều ký bí của thiên nhiên.
Nhà Linh Trưởng Học (primotologist) và Nhân Chủng Học (Anthropologist), Jane Goodall đã quan sát và ghi lại cử chỉ, điệu bộ của loài vượn chimpanzee (tinh tinh) khi chúng đứng trước những kỳ bí của thiên nhiên như cảnh hùng vĩ của thác nước ào ạt đổ hay trời chuyển mưa to. Bà đã tự hỏi có lẽ loài vượn tinh tinh cũng có đời sống tâm linh (Harrod, 2014). Thí dụ như loài vượn tinh tinh biểu lộ đời sống tâm linh lúc chúng đứng trước sự kỳ quan và hùng vĩ của thác nước đang ào ào đổ xuống từ cao, chúng lắc lư nhịp nhàng trong trạng thái như xuất thần, lấy đá ném vào dòng nước đang đổ xuống, rồi ngồi lặng im, đăm đăm nhìn vào thác nước đổ như đang suy gẫm về sự kỳ bí của thác nước (Goodall, 1986, 2001, 2005). Có thể nói đây cũng như là một nghi lễ mà lần nào lũ vượn tinh tinh cũng làm như vậy trước một thác nước.
Trong các tu viện của nhiều tôn giáo, các vị tu sĩ cũng đứng lên, ngồi xuống, lúc hát, lúc đọc, rồi ngồi im lặng theo các nghi thức cầu nguyện. Đương nhiên là mình không thể so sánh cách sinh hoạt tâm linh giữa người và thú, nhưng từ các sinh hoạt nghi lễ cầu nguyện của loài người, ta có thể đặt câu hỏi về những hình thức tương tự của loài thú như loài vượn tinh tinh rằng loài vật có đời sống tâm linh không? Nếu ta tin rằng Thiên Chúa, Thượng Đế, hay Đấng Tối Cao đã tạo dựng lên con người, các loài động vật và thực vật, và tất cả những gì ta thấy được hay không thấy được thì việc con người và các loài tạo vật khác có các cách thức riêng để ngưỡng phục quyền năng của Thiên Chúa thì cũng là điều phải đạo và hợp lý thôi (Harrod, 2014).
Tôn Giáo Trong Đời Sống Di Dân
Nhà xã hội học Charles Hirschman nhận xét về vai trò của tôn giáo trong bài khảo luận đăng trên tờ International Migration Review (2004) rằng tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong sự hội nhập của di dân ở Hoa Kỳ chẳng hạn như các cơ sở sinh hoạt tôn giáo như nhà chùa nhà thờ tạo điều kiện cho di dân tìm đến nhau chia sẻ kinh nghiệm sống ở xư sở xa lạ. Các sinh hoạt tôn giáo của di dân không thuần nhất là việc thờ phượng, nhưng còn tạo cho di dân cơ hội để liên kết và hỗ trợ lẫn nhau trên nhiều phương diện.
Thật ra thì tôn giáo đóng vai trò quan trọng cho đời sống tinh thần của nhân loại thuộc mọi giống dân hay xã hội (Saroglou, 2011). Đã có hàng ngàn bài nghiên cứu của các khoa học thuộc nhiều lãnh vực từ tâm lý, xã hội đến y khoa công nhận và chứng minh được rằng tôn giáo đóng vai trò quan trọng cho nhân loại. Năm 1989, trong một bài nghiên cứu về hiệu quả việc tham gia vào các sinh hoạt tôn giáo và sự đương đầu với những sức ép đời sống, giáo sư Neal Krause, thuộc University of Michigan cùng với tôi đã tường trình trên tờ Journal of Gerontology: Social Sciences (Krause, (Van) Tran, 1989) kết quả của công trình phân tích dữ kiện thực nghiệm rằng tham dự vào các sinh hoạt tôn giáo rất quan trong cho sức khoẻ tâm thần.
Cách đây vài năm, tôi có dịp làm thành viên trong uỷ ban giáo sư cố vấn cho một sinh viên du học người Việt, cô là nữ tu Công Giáo, viết và bảo vệ luận án tiến sĩ về vai trò của tôn giáo trong đời sống ngưởi Mỹ gốc Việt ở tuổi trung niên. Một trong những kết của cô thu thập được là tôn giáo giúp người Việt tuổi trung niên đương đầu tốt với những khó khăn và sức ép tâm lý trong đời sống. Luận án của cô đã được đăng trên tờ nghiên cứu tâm lý học chuyên về Á Châu, Asian American journal of psychology (Lê và các tác giả, 2021).
Nói tóm lại, dù không ai có thể quả quyết tôn giáo có từ lúc nào, tuy nhiên, điều ấy không quan trọng bằng câu hỏi tôn giáo có ảnh hưởng gì đến đời sống của nhân loại. Các nghiên cứu khoa học đã cho ta biết được tầm quan trọng của tôn giáo cho đời sống và các sinh hoạt của con người.
Từ cuối thập niên 70 đến giữa thập niên 80, các sinh hoạt tôn giáo của người Việt ở Hoa Kỳ còn thưa thớt, chưa có những nhà chùa, nhà thờ, hay thánh thất. Nhưng đến thập niên cuối thế kỷ 20, ta mới thấy những cộng đoàn tôn giáo gốc Việt khởi sắc và đã có được chỗ đứng vững chãi trong xã hội Hoa Kỳ. Thế nhưng, ở thời điểm người Việt Tỵ Nạn chưa có những cơ sở tôn giáo riêng thì nhu cầu họp đoàn rất cao, dường như ai cũng thiếu thốn liên hệ đoàn thể và xã hội. Các Phật Tử hân hoan tìm đến nhau tụng kinh và nếu có sự hiện diện của Thầy hay Ni Cô thì còn quý hoá biết bao. Giáo dân Công Giáo cũng vậy, khi được dâng lễ với linh mục Việt Nam ai cũng hớn hở vui mừng. Tôi nhớ hai năm ròng rã ở miền duyên hải bang Mississippi, chưa hề có một thánh lễ Việt Nam ở đây. Lúc ấy vài người Công Giáo Việt phải lần mò sang khu Versailles ở New Orleans mới được dự lễ tiếng Việt.
Ngay cả năm 1985, thời gian tôi đến dạy học ở University of Kentucky, Lexington, Kentucky, người công giáo Việt tại thành phố này và các thành phố lân cận cũng chỉ được dự Thánh Lễ tiếng Việt mỗi tháng một lần do một linh mục Việt đến từ Covington, Kentucky hay Cincinati, Ohio thì phải.
Từ khoảng cuối thập niên 1990 đến nay, các nhà thờ nhà chùa hay thánh thất của người Việt đã có mặt khắp nơi, nhất là những vùng có đông cư dân Việt. Các sinh hoạt tôn giáo không còn mang nặng tính xã hội như thời gian trước. Nhiều người đi chùa hay nhà thờ bây giờ vì lý do tôn giáo nhiều hơn lý do xã hội. Các nhu cầu đến chùa hay nhà thờ để được gặp đồng hương dường như đã lu mờ phai nhạt đi nhiều, nhưng vẫn còn quan trọng trong đời sống di dân Việt.
Những Trái Tim Việt Nam Ở Làng Gà
Gặp lại vài vị cư dân Làng Gà còn nhớ mặt tôi từ những lần thăm viếng trước nên họ kéo đến ngồi chung bàn với các đấng Thánh Tửu (những người uống rượu như tiên như thánh uống để vui với đời với người). Nhóm đàn ông trung niên, người đứng, người ngồi quanh bàn tiệc trong hội trường, nâng ly hát vang lời ca dựa theo dòng nhạc của bài Thánh Ca Công Giáo (Đâu Có Tình Yêu Thương), và trên mặt ai cũng toát ra niềm vui của ngày đại lễ Phục Sinh.
Đâu có tình yêu thương
Ở đấy có ly rượu đầy
Đâu có tình bác ái
Ở đấy uống hoài không say
Đâu ý hiệp tâm đầu
Ở đấy uống trăm phần trăm…
Nghe một lần là tôi thuộc ngay lời ca. Không biết ai là tác giả của lời ca nhái theo điệu nhạc bài Thánh Ca nổi tiếng này, nhưng vị này thật tài hoa và chắc là có duyên ăn nói khôi hài lắm. Theo bạn Duy Trần, một trong những người đầu tiên về vùng này đầu tư vào công nghệ nuôi gà: “Lúc quanh vùng Winnsboro chỉ mới có khoảng chục trại gà, các di dân gốc Việt thường xuyên gặp gỡ nhau để học hỏi chia sẻ việc làm ăn, nhưng bây giờ có số người gốc Việt di cư về đây đầu tư nuôi gà càng ngày càng đông và nhu cầu tìm nhau không còn như trước nữa.” Nhận xét này rất đúng và cũng là kinh nghiệm chung của các cộng đồng di dân ở Hoa Kỳ.
Nếu bạn đến Hoa Kỳ vào làn sóng di tản 1975, bạn đã cảm nghiệm được nhu cầu cần tìm gặp đồng hương nó mãnh liệt đến thế nào. Tôi nhớ khi mới ra khỏi trại tỵ nạn, gặp ai tóc đen da vàng mình cũng vui mừng hỏi “Vietnamese?” Như đã kể lại trong một bài viết cũ, tôi và một anh bạn thường sang New Orleans vào những cuối tuần để lang thang trên phố Bourbon, nơi vui chơi nổi tiếng thế giới, cho đến khuya. Thường thì chuyến đi nào cũng gặp mấy thanh niên Việt ở khu Versailles như chúng tôi lang thang tìm xem những gì lạ mắt, và rất nhiều lần chúng tôi được họ rủ về nhà ngủ qua đêm.
Bản thân tôi có lần cuối tuần ghé vào một chỗ chơi pool (bida) uống bia dù mình chẳng biết chơi, và gặp đã hai thanh niên Thái Lan, hỏi ra được biết hai người này từ Jackson xuống Biloxi tìm người quen, nhưng đến nơi không ai ở nhà, đành ra chỗ giải trí chờ khuya sẽ trở lại nhà người quen xem sao. Tôi nhanh nhẹn rủ về Trailer House của tôi và vội vã ghé chợ mua thực phẩm về nấu ăn đãi khách lạ. Ở một mình, cuối tuần cô đơn giữa nơi hiu quạnh nên có khách đến nhà là hạnh phúc lớn.
Thật ra thì sự liên hệ giữa người Việt tại Mỹ đã chuyến hoá từ nhu cầu gặp nhau vì lẻ loi cô đơn đến dè dặt rào đón khi gặp một người gốc Việt lạ mặt hỏi thăm đường xá. Tuy nhiên, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo và xã hội vẫn còn sức thôi thúc người Việt tìm đến nhau ở chợ thực phẩm, tiệm ăn, các chương trình kỷ niệm văn hoá (dù rất thưa thớt), và các sinh hoạt tôn giáo. Sinh hoạt tôn giáo vẫn giữ địa vị và vai trò quan trọng nhất nhất để đáp ứng nhu cầu tâm linh và liên hệ xã hội của rất nhiều người Mỹ gốc Việt.
Dù anh bạn tôi, Duy Trần, tâm sự rằng nhu cầu gặp nhau không còn mãnh liệt giữa những di dân Việt ở các làng gà quanh vùng Winnsboro như thủa ban đầu, nhưng bà con Công Giáo vẫn tụ tập nhau mỗi tuần dự lễ Chủ Nhật và các sinh hoạt chính như Thanksgiving, Giáng Sinh, Phục Sinh và ngày mừng lễ Hoa Kỳ Độc lập vẫn được bà con nhiệt tình tham gia.
Tình gia đình
Cuối lễ Phục Sinh vừa qua ở Làng Gà Winnsboro, tôi nghe thông báo mời phụ huynh ghi danh cho con học tiếng Việt ở tu viện Chúa Cứu Thế, như vậy là vẫn còn những vị lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng quan tâm đến việc gìn giữ văn hoá Việt cho thế trẻ ngày mai. Ở nơi hẻo lánh xa phố chợ Việt, xa những sinh hoạt văn hoá Việt, nhưng người Việt ở đây vẫn không quên được cội nguồn và vẫn muốn con cháu mình còn biết đến cội nguồn của cha mẹ, ông bà và họ hàng thân quyến. Ngôn ngữ là cánh cửa cho mỗi người tìm về cội nguồn mình. Con cháu người Việt di dân tỵ nạn sẽ tìm về cội nguồn khi các em lớn lên và bắt đầu đặt câu hỏi về căn cước cội nguồn. Nếu các em có được chút vốn liếng ngôn ngữ, con đường tìm cội nguồn sẽ dễ dàng hơn.
Một sinh hoạt văn hoá còn thiếu ở làng gà Winnsboro là cộng đoàn nhỏ bé này chưa tổ chức tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư. Thật ra thì có rất nhiều cộng đoàn Công Giáo Việt ở Hoa Kỳ không để ý đến ngày 30 Tháng Tư. Khi tôi còn ở vùng Đông Bắc, những nhà thờ Công Giáo tôi biết đều không tổ chức lễ cầu hồn cho đồng bào chết trên đường vượt biên, vượt biển, chết trong các trại tù cải tạo, hay chết ở các vùng kinh tế mới. Nhưng hàng năm tôi được một vị đàn anh phật tử và cũng là thành phần của ban quản trị chùa Phước Điền ở bang New Hampshire, đã rủ tôi lên Chùa dự lễ tưởng niệm ngày 30, tháng Tư. Việc tổ chức lễ tưởng niệm 30 Tháng Tư cũng là một sinh hoạt văn hoá quan trọng để con em chúng ta biết được tại sao các em các cháu được sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ hay các xứ sở Tự Do. Tổ chức tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư ở các chùa, các nhà thờ, hay các thánh thất cũng là dịp để con cháu ta hiểu được tại sao Hoa Kỳ và nhiều quốc gia tự do đã đón nhận và nuôi dưỡng những làn sóng di dân tỵ nạn từ Việt Nam sau ngày 30 tháng Tư, 1975.
Tôi đã nghe được nhịp đập Việt Nam lan ra từ những trái tim rất Việt Nam ở làng gà Winnsboro, Texas. Ở giữa nơi mênh mông đất trời, những trái tim Việt Nam vẫn còn rung lên những nhịp điệu cội nguồn nhịp nhàng rộn rã. Gần nửa thế kỷ qua, những trái tim Việt Nam biệt xứ vẫn nối tiếp theo từng thế hệ rung lên nhịp điệu Việt Nam dù đã có nhiều thân xác Việt Nam đã ngàn đời nằm im trong các mộ phần ở nhiều nơi trên miền đất không phải là quê nhà Việt Nam.
Trần Thu Miên
Tháng 7/2023
Tham Khảo:
– Alvargonzález, D. (2021). Classification of Theories about the Origin of Religions. Journal for the academic study of religion, 34 (2).
– Goodall, Jane. 1986. The Chimpanzees of Gombe: Patterns of Behavior (Cambridge: Harvard University Press).
– Goodall, Jane. 2001. ‘Rain Dance’, Science and Spirit (May/June). Formerly online: http://www.science-spirit.org/articles/Articledetail.cfm?article_ID=229(link no longer active). –
– Goodall, Janes. 2005. Primate Spirituality in Bron Taylor (ed.), Encyclopedia of Religion and Nature (New York: Continuum): 1303-306.
– Harrod, J. B. (2014). The case for chimpanzee religion. Journal for the Study of Religion, Nature and Culture, 8 (1), 8-45.
– Krause, N., & Van Tran, T. (1989). Stress and religious involvement among older blacks. Journal of Gerontology, 44 (1), S4-S13.
– Le, Y. K., Snodgrass, J. L., Fenzel, L. M., & Tran, T. V. (2021). Acculturative stress and coping processes among middle-aged Vietnamese-born American Catholics: The roles of spirituality, religiosity, and resilience on well-being. Asian American Journal of Psychology, 12 (2), 100.
Người Việt ở Mỹ bỏ phố về miền quê nuôi gà
CENTERVILLE, Texas – “Mở tiệm buôn bán cái gì cũng có cạnh tranh hết, chỉ riêng nuôi gà gia công thì không phải cạnh tranh với ai. Khi đã có hợp đồng với hãng gà thì cứ đến ngày họ thả gà, mình nuôi, đến khi họ bắt, mình lấy tiền. Không sợ ế chợ hay giá lên giá xuống.”
“Bây giờ làm nghề nào cũng 50-50, 5 ăn 5 thua, riêng nghề này thì… 100%, không sợ gì hết. Ở Texas, chưa ai làm nghề này mà khai phá sản.”
Anh Minh Nguyễn cùng con trai tại một chuồng gà ở Centerville, Leon County, Texas.
“Có nghề gì mà mỗi hai tháng nghỉ hai tuần, mỗi ngày chỉ 4-5 tiếng, sáng làm từ 8 giờ đến 10 giờ rưỡi, rồi ngủ trưa, đến 5 giờ chiều xuống làm hai tiếng nữa, là xong? Chỉ có nuôi gà công nghiệp thôi.”
Những nhận xét trên của bà Nga Huỳnh, ông Henry Nguyễn, và anh Minh Nguyễn, những người đang làm nghề nuôi gà công nghiệp tại Centerville và Marquez thuộc Leon County, Texas từ 5 năm đến 15 năm nay, phần nào giải thích được lý do nhiều người Việt khi sang Mỹ, trải qua nhiều nghề, cuối cùng lại quyết định “bỏ phố về quê,” lập trại nuôi gà, tích lũy làm giàu.
Không sợ cạnh tranh, không sợ thua lỗ
Ðược xem là người có thâm niên và thành công đáng kể trong lãnh vực nuôi gà công nghiệp, ông Henry Nguyễn, mà nhiều người thường gọi là Hòa, chủ nhân trang trại Henry Farm ở Marquez, Texas, nơi dân số chỉ vào khoảng 260 người, nhớ lại nguyên nhân đưa ông đến với nghề này: “Tôi đến Mỹ năm 1979, ở Dallas, mở club, mở tiệm bia rượu, làm mười mấy năm, rồi đi đóng tàu biển ở Alabama, đi đánh tôm. Sau đó thấy người ta nuôi gà thì rồi mình cũng đi nuôi gà, nhảy vào nghề này, bán hết những thứ khác, làm đến giờ. Cũng 15 năm rồi.”
Như đã nói ở trên, ngoài lý do ông Hòa cho rằng làm nghề nuôi gà công nghiệp chắc ăn 100%, thì theo ông, người đeo đuổi công việc này không phải lo lắng cho tương lai như kinh doanh nhiều ngành nghề khác bởi vì “một hợp đồng ký với hãng kéo dài 10-15 năm lận, mình cứ làm thôi.”
Nuôi gà công nghiệp mang đến tâm lý ổn định, không băn khoăn, lo lắng cho người đầu tư là bởi, trong nhiều lãnh vực, người ta sản xuất ra rồi mới tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhưng với nghề này, trước khi bỏ tiền ra mua đất lập chuồng trại, chủ nhân đã có sẵn trong tay bản hợp đồng dài hạn với hãng gà rồi. Chuyện còn lại chỉ là chờ hãng “thả” gà, cung cấp thức ăn. Còn người nuôi chỉ bỏ công nuôi, không cần suy nghĩ “đầu ra.”
Bà Nga Huỳnh, sang Mỹ từ năm 1990, sau 14 năm liên tục làm việc ở nhà hàng Mỹ, một lần tình cờ theo người quen đến trại gà ở Atlanta chơi, trở về, bà quyết định nghỉ việc, xin đến trại gà làm việc không công 2 đợt để học hỏi kinh nghiệm nuôi gà. Sau đó, với suy nghĩ “nghề này cực nhưng sống được vì nếu mở ra buôn bán gì cũng có cạnh tranh, chỉ có riêng làm nghề này thì không, vì hãng đã hợp đồng thì cứ đến ngày họ đến bỏ gà, mình chỉ có chăm sóc,” bà Nga cùng hai người con trai quyết định đầu tư mua đất lập chuồng trại ở Centerville, cách khu chợ Hồng Kong ở Houston hơn hai tiếng lái xe, đến nay cũng đã được 5 năm.
Ông Henry Nguyễn, chủ nhân trang trại Henry Farm ở Marquez, Leon County, Texas.
Trong khi đó, anh Minh Nguyễn, con trai bà Nga, vượt biên sang Mỹ khi mới 13 tuổi, trong nhiều năm liền với công việc của một người quản lý nhân sự, anh chỉ biết làm việc ở văn phòng, có thư ký, bay đi công tác đến nơi này nơi khác, chưa từng bao giờ nghĩ có ngày mình sẽ trở thành người… coi sóc trại gà.
Vậy mà Tháng Tư, 2010, trong lúc kinh tế khủng hoảng, nạn thất nghiệp tràn lan, anh lại đưa đơn xin nghỉ việc với mức lương $88,000/năm để… đi nuôi gà.
“Ông sếp nhìn tôi chưng hửng,” anh Minh cười vui nhắc lại chuyện gần 5 năm trước.
Vượt qua những vất vả do chưa quen nghề, chưa quen việc ở năm đầu, cũng như ở năm tiếp theo lo “thắt lưng buộc bụng” để trả nợ, từ năm thứ ba trở đi, ông chủ trại gà có tám chuồng với vốn đầu tư hai triệu đô la này đã cảm thấy “thoải mái và thong thả hơn nhiều, để cứ vậy mà từ từ tiến tới, để dành tiền cho tương lai.”
Thu nhập bao nhiêu cũng được
Ðó là kinh nghiệm bản thân của ông Hòa, người đang có trong tay một trang trại gồm 32 chuồng gà, chưa tính 20 chuồng ông vừa mới xây thêm cho con gái, cũng như những nông trại ngoài tiểu bang Texas.
Tự tin, người đàn ông ngoài 60, dáng gầy gầy, có mái tóc bồng như nghệ sĩ, nói: “Về 'gross income,' nói đơn giản thôi, hiện giờ mình muốn 'gross income' là một triệu thì mình phải bỏ một triệu ra 'down.' Mình có hai triệu 'down' thì 'gross' của mình sẽ có hai triệu. Bỏ 500 ngàn thì có 500 ngàn. Còn lại bỏ túi bao nhiêu thì tùy do mình chi phí nhân công, điện, gaz thế nào.”
Bà Nga Huỳnh (trái) cùng phóng viên Ngọc Lan tại trang trại gà ở Centerville.
“Quan trọng là làm sao có một triệu, hai triệu, hay $500,000 để thế chấp ngân hàng, số tiền đó không nhỏ,” ông Hòa nêu vấn đề then chốt của việc kinh doanh nuôi gà công nghiệp.
Thế nên, theo chủ nhân của Henry Farm, “với nghề này, khi đã nói làm là phải tập trung làm thiệt, không có chuyện làm thử, nhất là vô nghề này rồi thì khó mà ra lắm.”
Về quá trình bắt tay vào nghề nuôi gà công nghiệp, bà Nga trình bày ngắn gọn: Muốn đầu tư vào một trang trại nuôi gà, việc đầu tiên phải liên lạc để có được hợp đồng với hãng gà.
Khi hãng gà chấp thuận, họ khoanh vùng những nơi mình có thể mua đất cũng như đưa cho danh sách những công ty xây cất chuồng trại theo tiêu chuẩn của họ, để chọn. Sau khi chọn được đất rồi, người đầu tư liên lạc với ngân hàng để xem có được đồng ý cho vay tiền mua chỗ đất đó không và vay được bao nhiêu. Thông thường thì phải trả trước 20%. Khi công ty xây chuồng xong, hãng gà đến xem, chấp thuận, thì họ sẽ định ngày… thả gà.
“Cứ nghe họ gọi bỏ gà là mình thấy có tiền,” bà Nga cho biết.
“Khó nhất là tiền trả trước. Trại tám chuồng mới bây giờ khoảng ba triệu. Trả trước 20% là $600,000. Năm đầu mình lấy về khoảng $400,000, năm sau lấy đủ vốn $600,000. Tôi không nói điều này là chắc chắn nhưng kinh nghiệm của tôi là như vậy. Tôi hướng dẫn cho nhiều đàn em thấy cũng như vậy. Ði đúng đường là lên thôi.” Ông Hòa nói chắc nịch.
Anh Minh cho biết thêm: “Ngân hàng có chính sách ưu đãi cho nhà nông. Riêng những ngân hàng cho vay tiền nuôi gà đều có hợp đồng với các hãng gà nên họ cũng dễ dãi nếu như mình có credit tốt.”
Cũng theo những người đang nuôi gà công nghiệp thì tiền vay ngân hàng không phải được ấn định trả theo tháng mà trả vào cuối mỗi đợt bắt gà. Ðợt gà của mỗi trại khác nhau, đợt gà của bà Nga và anh Minh là 49 ngày, tức bảy tuần, gà nơi trại ông Hòa nuôi là tám tuần. Trại này nuôi gà bảy tuần hay tám tuần là quyết định của hãng từ hợp đồng lúc đầu.
Cổng vào trang trại Henry Farm, nơi có diện tích 500 acres với 32 chuồng gà nuôi khoảng một triệu con gà mỗi đợt.
“Thông thường, hãng gà cho mình nuôi năm đợt mỗi năm, ngân hàng cũng yêu cầu mình trả tiền năm lần một năm. Nếu năm nào hãng cho nuôi sáu lần thì đợt gà thứ sáu mình có quyền giữ lại hết số tiền đó để xài, không cần trả ngân hàng. Tuy nhiên, nếu năm đó hãng chỉ bỏ gà mình nuôi bốn đợt thì hãng sẽ phải trả tiền nợ ngân hàng đợt thứ năm thay mình.” Bà Nga giải thích cặn kẽ hơn lý do vì sao người nuôi gà công nghiệp yên tâm khi đầu tư.
Tiền nhiều, nhưng… buồn quá
Hình ảnh chuồng gà nhiều người vẫn còn mang trong ký ức từ các vùng quê Việt Nam sẽ trở nên… lạc hậu và trái ngược hoàn toàn khi bước chân vào chuồng gà công nghiệp ở đây.
Bước vào trang trại 146 Sanderson của gia đình bà Nga, anh Minh hay Henry Farm của ông Hòa Nguyễn, điều lạ là tuyệt nhiên không thấy một con gà nào chạy rong trên sân!
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là khoảng đất trống mênh mông, thoáng đãng. Trên đó có ngôi nhà chủ trại gà sinh sống, có thể là một tòa biệt thự nguy nga như nhà ông Henry Nguyễn, hay một chiếc mobile-home khang trang, tươm tất của gia đình anh Minh, bà Nga.
Cách xa xa nơi sinh sống là những “chiếc chuồng” rất sạch sẽ, hình chữ nhật, dài 500ft, ngang 43ft nằm song song nhau, chuồng này cách chuồng kia khoảng 50-60ft. Bên hông mỗi chuồng có hai thùng lớn chứa thức ăn với khối lượng khoảng 14 tấn. Chuồng gà có hai cửa hai đầu và một cửa bên hông, ngay nơi đặt bồn thức ăn. Nơi đầu hoặc cuối chuồng gà có gắn những quạt hút lớn. Hai bên hông chuồng có những tấm màn có thể điều chỉnh để làm cho chuồng ấm lên hoặc mát hơn. Thức ăn, nước uống, nhiệt độ, ánh sáng trong chuồng đều được thiết kế tự động.
Gà được nhốt trong những chiếc chuồng đóng kín cửa đó.
Ðiều thú vị nữa là “trước khi muốn vào chuồng, phải gõ cửa đùng đùng rồi mới mở đẩy vô, đi thật nhẹ để gà khỏi… giật mình!”
Chuồng gà tại trang trại Henry Farm ở Marquez do ông Henry Nguyễn làm chủ.
“Nói gà hưng phấn quá nó sẽ bị đứng tim chết thì người ta không tin, nhưng thật sự là vậy. Vô chuồng phải vô từ từ để gà khỏi giật mình. Một ánh đèn quét qua hay một miếng bụi rớt xuống là nó dạt ra la um sùm, rồi lật ngửa. Mà lật ngửa rồi thì gà không lật sấp lại được, nó càng bơi bơi càng lún rồi nó… chết.”
“Mà gà chết thì mình bị mất tiền.” Anh Minh giải thích.
Theo lịch đã được sắp xếp trước, gà con vừa mới nở đôi ba tiếng sẽ được hãng chở ngay đến trại, thả xuống mỗi chuồng 26,200 con. Thực phẩm cũng như người đến kiểm tra sức khỏe cho gà cũng do hãng đưa đến hàng tuần.
Người nuôi chỉ bỏ công chăm sóc, như “chăm sóc em bé.”
“Với gà dưới một tuần, mỗi ngày một chuồng 40-50 con bị chết là bình thường. Gà từ tám đến 11 ngày thì số lượng chết phải giảm đi một nửa. Khi gà lớn, nếu mỗi chuồng có khoảng dưới 10 con chết là chấp nhận được, chết nhiều hơn thì mình mất tiền. Và khi gà chết trên 35 con một chuồng thì phải gọi báo ngay cho hãng để họ xuống kiểm tra xem tại sao.” Anh Minh cho biết.
Sau bảy tuần, hãng lại cho xe đến bắt gà về, với yêu cầu mỗi con nặng tối thiểu sáu lbs. “Thế nên mình cố gắng nuôi được 6.5 lbs đến 7 lbs là tốt. Hiện tại, mỗi pound gà họ trả mình 5.95 cents, một đợt gà trung bình từ 1.3 đến 1.4 triệu pounds.” Anh Minh nói.
Theo anh Minh, trại gà của anh là trại cũ, được mua lại với giá hai triệu. Trung bình một đợt gà anh thu được khoảng $80,000. Hãng trả thẳng cho ngân hàng hai mươi mấy ngàn tiền anh vay mua chuồng trại, còn lại bao nhiêu hãng ký check trả cho anh.
Với số tiền còn lại đó, người nuôi sẽ trả tiếp tiền điện, tiền gaz, tiền nhân công. Còn lại “bỏ túi,” – “net income.”
Những con gà 36 ngày tuổi tại trang trại gà của anh Minh Nguyễn ở Centerville.
“'Net income' khác nhau tùy đợt. Mùa Ðông tiền gaz nặng hơn tiền điện, vì trời lạnh quạt không chạy nhiều, mà chạy sưởi. Mùa Hè ngược lại, quạt chạy nhiều mà gaz chạy ít. Rồi có khi một đợt cần một, hai người giúp, nhiều đợt lại không có ai hết, tự mình làm hết, chi phí tu bổ chuồng trại cũng khác, nên tiền mang về sau mỗi đợt rất khác nhau.” Anh Minh phân tích.
Theo cách tính như vậy, càng có nhiều chuồng gà, lợi tức mang lại càng nhiều. Và cũng do sự ổn định cũng như những bảo đảm từ hãng cung cấp gà, nên như ông Hòa nói, “có rất đông người Việt đang chờ để được phỏng vấn lấy hợp đồng nuôi gà” và “chuồng gà giá cỡ nào họ cũng mua, giành mua. Mấy người bán là do họ đã lấy tiền lời vài triệu sau vài năm làm, giờ bán lấy tiền nghỉ hưu.”
Cũng theo ông Hòa, “Mỗi 10 năm, hãng Sanderson mới mở thêm hợp đồng một lần. Từ đây đến hết năm 2015, Sanderson cần thêm đến 600 chuồng gà. Thế nên ai muốn bước chân vào lãnh vực này thì đây là cơ hội.”
Nuôi gà không là một nghề cực như trồng rau, đánh cá, lại mang đến nguồn thu nhập cao và ổn định. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với những ai muốn đầu tư vào lãnh vực này chính là “phải có ý chí và sự kiên nhẫn.”
“Tôi nghĩ khi làm nông trại gà như thế này thì cần có ý chí của một người, sự kiên nhẫn của một người, tại vì từ nơi thành phố đông đúc về ở nơi hẻo lánh đã là một thách thức. Muốn đi ra tiệm kiếm phở ăn, muốn mua ly Starbucks uống không có đâu. Lại thêm công việc chỉ là sáng đi cho gà ăn, lượm gà chết, làm những việc lặt vặt. Cứ vậy bảy ngày/tuần và làm suốt trong bảy tuần liên tiếp. Nếu không có ý chí và sự kiên nhẫn thì không ai trụ lại được với công việc này.” Anh Minh nhận xét.
Chính vì lý do như vậy, trại gà của gia đình anh Minh mới 5 năm mà mướn gần 30 người. “Nhiều người lên làm một, hai ngày thì nghỉ; người một, hai tuần nghỉ; người làm một đợt nghỉ, người làm một tháng nghỉ, vì nhiều lý do, nhưng hơn hết chỉ vì sợ mùi hôi và… buồn,” dù rằng lương trả cho người làm việc tại các trại gà không nhỏ, “$3,000 tiền mặt cho một đợt, bao ăn ở.”
Quả thực, những ai đã từng tìm hiểu, từng dấn thân vào nghề nuôi gà công nghiệp đều không phủ nhận rằng đây là nghề dễ kiếm tiền, dễ làm giàu. Tuy nhiên, mọi người cũng cùng chung nhận xét: Ở trại gà buồn lắm! Nhiều người, sau ít năm theo nghề, phải từ giã chỉ vì “buồn, thiếu người nói chuyện.”
“Nuôi gà công nghiệp là nghề có tiền nhưng phải có chí.” Cái chí đó chính là sự vượt qua không gian vắng người, cả “miền quê” Centerville có chưa đến 900 dân, vắng sự tấp nập nơi tỉnh lỵ mà hầu hết mọi người đang sống. Người chủ trại gà kết luận khi bóng tối bao phủ toàn bộ trang trại, im ắng, không một tiếng gà quang quác vẳng tới.
Theo Ngọc Lan