Chia buồn

Chia buồn (21)

Tưởng Nhớ Thầy Trần Đại Tăng–Trần Hoan Trinh, thi sĩ của sân trường

Người Thầy Dạy Toán Làm Thơ, Thi sĩ Trần Hoan Trinh


Ông thầy dạy Toán một thời
Mà thơ tình lại tuyệt vời thế sao!
Như cổ tích, như chiêm bao
Nửa khao khát mộng, nửa ngao ngán đời!

    MỘT THỜI CHO SAO MAI     

– Tưởng Nhớ Thầy Trần Đại Tăng 
– Trần Hoan Trinh, thi sĩ của sân trường

        CẢM ƠN        

- Thơ Trần Hoan Trinh

- Ca sĩ Hoàng Hoa / Nhạc Nguyễn Hoàng

 
 
 

 
    CHO SAO MAI    

- Tặng các em học sinh cũ SAO MAI -

Dù trường đã biến thành đường
Nhưng ta vẫn thấy phố phường như xưa !
Sơn Chà thấp thoáng sương mưa
Một đàn chim trắng bay đùa thinh không

Mơ màng sóng vỗ Hà Thân
Đò ai lặng lẽ trôi dòng Hàn giang
Mây đùn lũng thấp Mân Quang
Thuyền về lưới dựng  dọc ngang bãi chiều

Bờ sông bước nhỏ xiêu xiêu
Gió đùa  áo trắng nửa yêu nửa tình
Cổ Viện Chàm vẫn im lìm
Tượng Chàm trơ mắt đứng nhìn đổi thay

Bóng thầy xa hút chân mây
Lời thầy vẫn vọng đâu đây vỗ về
Nghìn trùng vạn dặm sơn khê
Lòng học trò vẫn nhớ về trường xưa

Thuyền tình đã đổi người đưa
 Nhưng hồn trường vẫn còn thừa yêu thương
 Dù trường đã biến thành đường
Trong ta vẫn có ngôi trường đẹp sao !
 
Trần Hoan Trinh
Đà nẵng, 2015
Một chiều đứng trên thềm Cổ Viện Chàm.

 
 

Thơ: Cám Ơn (Trần Hoan Trinh)

CamOnCám ơn người còn nhớ đến tôi
Mây trắng mây đen chiều nay đầy trời
Tôi một mình lang thang phố cũ
Nhặt chút ân tình một thuở rụng rơi.
Cám ơn người vẫn chưa quên tôi
Còn đẩy đưa dăm câu hỏi mời
Tôi bây giờ buồn vui cũng thế
Mặc kệ đời sớm nổi chiều trôi.
Cám ơn người còn nhắc đến tôi
Bục giảng bảng đen phấn trắng xưa rồi
Tôi bây giờ qua trường cúi mặt
Dấu cả lòng mình chẳng dám phanh phơi.
Cám ơn người! Chiều nay bờ sông
Tôi đi lang thang tìm kiếm lại mình
Một thuở thương yêu một thời tha thiết
Sông lặng lòng sao sóng trập trùng.
Cám ơn người! Cũng đành thế thôi!
Một thuở đã xa một thuở quên rồi!
Tôi như con thuyền trở về bến cũ
Nằm nhớ mỏi mòn con nước trùng khơi.
Trần Hoan Trinh

    Cho Sao Mai - Thơ Trần Hoan Trinh    

GNST nhận được bài thơ "Cho Sao Mai" từ Thầy Trần Hoan Trinh tặng riêng cho các cựu học sinh trường Sao Mai Đà Nẵng.
Chân thành cám ơn Thầy và xin trân trọng giới thiệu đến Diễn Đàn.
   Đôi dòng tiểu sử Thầy Trần Hoan Trinh   
 
http://4.bp.blogspot.com/-uuJ5G_-w2g8/U0_oAXc__2I/AAAAAAAACdo/XRpfYMcOsi0/s1600/thayTang.jpg

Tên thật : Trần đại Tăng
Sinh ngày : 3-8-1937 tại Huế
Tốt nghiệp Ðại Học Sài Gòn
Giáo sư dạy Toán tại Ðà Nẵng từ năm 1958
Làm thơ từ năm 1952
Thi phẩm đã xuất bản:
  • - Tôi Khóc Em Cười
  • - Bỏ Trường Mà Ði
  • - Tóc Trắng Sân Trường
  • - Tiếng Chim Ngoài Cửa Lớp
  • - Cháy bỏng như lửa mặt trời (2013)
         CHO SAO MAI    

- Tặng các em học sinh cũ SAO MAI -

Dù trường đã biến thành đường
Nhưng ta vẫn thấy phố phường như xưa !
Sơn Chà thấp thoáng sương mưa
Một đàn chim trắng bay đùa thinh không

Mơ màng sóng vỗ Hà Thân
Đò ai lặng lẽ trôi dòng Hàn giang
Mây đùn lũng thấp Mân Quang
Thuyền về lưới dựng  dọc ngang bãi chiều

Bờ sông bước nhỏ xiêu xiêu
Gió đùa  áo trắng nửa yêu nửa tình
Cổ Viện Chàm vẫn im lìm
Tượng Chàm trơ mắt đứng nhìn đổi thay

Bóng thầy xa hút chân mây
Lời thầy vẫn vọng đâu đây vỗ về
Nghìn trùng vạn dặm sơn khê
Lòng học trò vẫn nhớ về trường xưa

Thuyền tình đã đổi người đưa
 Nhưng hồn trường vẫn còn thừa yêu thương
 Dù trường đã biến thành đường
Trong ta vẫn có ngôi trường đẹp sao !
 
Trần Hoan Trinh
Đà nẵng, 2015
Một chiều đứng trên thềm Cổ Viện Chàm.

Cảm Tạ (Trần Hoan Trinh)
 
CamTa-A

Cám ơn bình minh vẫn lảnh lót tiếng chim
Dù đêm tối đã phong ba bão tố
Chim nhảy nhót chân chuyền cành tìm tổ
Tiếng oanh vàng cao vút tận trời xanh.
Cám ơn sông mãi mãi xanh trong
Muôn thuở lặng lờ soi bóng trăng
Một con thuyền tình neo bến mộng
Thoang thoảng trong sương tiếng nguyệt cầm.
Cám ơn đêm đã cho ngọn lửa hồng
Cháy bập bùng ấm áp mùa đông
Cho quê hương chẳng còn tăm tối
Cho trẻ thơ ngủ trọn giấc nồng.
Cám ơn đời có những bản tình ca
Ve vuốt cho lòng bao thiết tha
Thổn thức ngọt ngào bâng khuâng mơ mộng
Cho cả trăm năm bỗng đậm đà.
Cám ơn hoa nở ngát bốn mùa
Đem sắc đem hương tặng cho đời
Hồng đỏ cúc vàng lan huệ tím
Như một bức tranh đẹp tuyệt vời.
Cám ơn em! Cám ơn người!
Cho ta sống giữa trần gian thật đẹp
Trời rộng bao la cỏ cây xanh biếc
Am thanh đầy và ngan ngát hương hoa.
Cám ơn người! Cám ơn ta!
Đã sống hết một cuộc đời đáng sống
Trăng ngọc nắng hồng gió mây lồng lộng
Hương sắc nhiệm mầu và tình ái ngất ngây.
Em này em nghĩa nặng tình đầy.

Trần Hoan Trinh
 
Cám Ơn (Trần Hoan Trinh)
 
CamOn
 
Cám ơn người còn nhớ đến tôi
Mây trắng mây đen chiều nay đầy trời
Tôi một mình lang thang phố cũ
Nhặt chút ân tình một thuở rụng rơi.
Cám ơn người vẫn chưa quên tôi
Còn đẩy đưa dăm câu hỏi mời
Tôi bây giờ buồn vui cũng thế
Mặc kệ đời sớm nổi chiều trôi.
Cám ơn người còn nhắc đến tôi
Bục giảng bảng đen phấn trắng xưa rồi
Tôi bây giờ qua trường cúi mặt
Dấu cả lòng mình chẳng dám phanh phơi.
Cám ơn người! Chiều nay bờ sông
Tôi đi lang thang tìm kiếm lại mình
Một thuở thương yêu một thời tha thiết
Sông lặng lòng sao sóng trập trùng.
Cám ơn người! Cũng đành thế thôi!
Một thuở đã xa một thuở quên rồi!
Tôi như con thuyền trở về bến cũ
Nằm nhớ mỏi mòn con nước trùng khơi.
 
Trần Hoan Trinh
 
Đã Thấy Thu Về (Trần Hoan Trinh)
 
DaThayThuVe
 
Đã thấy thu về trong mắt em
Đã nghe gió buốt thoảng qua thềm
Đã nghe se lạnh trong chăn ấm
Và tiếng mưa buồn rã rích đêm.
Đã thấy vườn sau cúc nở hoa
Đài hoa lóng lánh giọt sương sa
Có đôi bướm trắng mơn mơn nhụy
Gió động vờn nhau bay thướt tha.
Nắng đã vàng hoe tự bao giờ
Trên trời mây mỏng nõn như tơ
Con sông nước lặng xanh như ngọc
Sóng gợn lăn tăn vỗ vỗ bờ.
Đã thấy tóc em bồng gió thu
Nhìn heo may động lá vi vu
Cuối trời có một đàn chim trắng
Ảo ảo hư hư giữa khói mù.
Hồn bỗng chùng như có tiếng đàn
Run run theo tiếng thở thời gian
Xa vời như tự nghìn năm trước
Trên bước chân đi giữa lá vàng
Bỗng thấy tình yêu chút hững hờ
Nửa như say đắm nửa bơ vơ
Lòng như có chút gì xa cách
Đến nụ hôn em cũng thẩn thờ !
 
Trần Hoan Trinh
 
 
Tưởng Nhớ Cựu Giáo Sư Toán Trần Đại Tăng – nhà thơ Trần Hoan Trinh (Phần 1)
 
BBT: Để Tưởng Nhớ vị Thầy khả kính với 40 năm cùng phấn trắng, bảng đen mà chưa một ai có thể tính (đếm) được số lượng học sinh thuộc nhiều trường Trung học từ công lập, bán công, đến tư thục, v.v…ở Quảng Nam-Đà Nẵng đã và được theo học với Thầy trong suốt 40 năm, vừa mới từ giã cõi trần hôm Thứ Năm 6.8.2015, BBT một thời 6673 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng (motthoi6673pctdn.com) sẽ liên tục trong nhiều bài kế tiếp đăng tải các bài viết của chính Thầy, và các thân hữu viết về Thầy…
Trước hết là Tiểu Sử:
 
MotThoiPCT_01A
 
Tên thật: Trần Đại Tăng. Sanh ngày 3.8.1937 tại Dương Nỗ, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế.

Thầy tốt nghiệp Cao Đẳng Sư phạm Sài Gòn (Normale Supérieure de Pédagogie). Sau khi tốt nghiệp đã đảm nhận dạy Toán tại Trường THPT Phan Châu Trinh Đà Nẵng từ năm 1958 cùng nhiều trường Trung học tại Đà Nẵng lúc bấy giờ. Thầy nghỉ hưu vào năm 1998 sau 40 năm liên tục dạy học tại Trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng – một thời gian kỷ lục…
Thầy có 4 người con. Thầy sống cùng con cái cả tại Sài Gòn và Đà Nẵng. Thầy đã được Thiên Chúa gọi về vào lúc 14.25 giờ Thứ Năm ngày 6.8.2015 tại tư gia số K33/18 đường Cao Thắng, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Hưởng thọ 79 tuổi.
Ngoài việc dạy học, Thầy còn làm thơ, viết văn ….
Thầy Trần Đại Tăng – nhà thơ Trần Hoan Trinh là một người thầy đáng kính, một nhà thơ chân thành và nặng tình. Thầy đã sống trọn vẹn “một đời thầy, một đời thơ” … Thầy qua đời nhưng Thầy để lại nhiều thương tiếc cho đồng nghiệp, giới văn nghệ và nhiều thế hệ học trò của Thầy ở các trường trung học Đà thành (Đà Nẵng).
 
Bắt đầu làm thơ từ năm 1952 đến ngày từ giã cõi trần, thi sĩ Trần Hoan Trinh (nhà giáo Trần Đại Tăng) đã trải qua trên 60 năm thơ và với 40 năm dạy học, Thầy đã sáng tác rất nhiều bài thơ với nhiều thi tập đã phát hành, tiêu biểu: • Tôi Khóc Em Cười • Bỏ Trường Mà Đi (in năm 1997) • Tóc Trắng Sân Trường (NXB Trẻ in năm 1997) • Tiếng Chim Ngoài Cửa Lớp (NXB Trẻ in năm 2002) • Tuyển Tập Thơ Trần Hoan Trinh (in năm 2002) • và mới đây nhất là Tuyển Tập Thơ với tựa “Cháy Bỏng Như Lửa Mặt Trời”. Nội dung tuyển tập này bao gồm 3 tập thơ gần đây nhất của thầy: 1. Quê Hương Thơ Và Em; 2. Cháy Bỏng Như Lửa Mặt Trời; và 3. Bỗng Dưng Nhớ Phố Nhớ Phường” là do các con của Thầy Cô thực hiện nhân kỷ niệm 50 ngày Thành Hôn của Thầy Cô. Tập thơ “Cháy Bỏng Như Lửa Mặt Trời” với 200 bài thơ, dày khoảng 350 trang do Nhà Xuất Bản Văn Học ấn hành vào năm 2013•
Thơ của Thầy lúc nào cũng nhẹ nhàng, đằm thắm tình nghĩa thầy trò, trường xưa, đồng nghiệp, tình yêu, cuộc đời, thân phận, và quê hương đất nước…
Thơ của Thầy phần lớn được đăng rải rác sau này trên các trang mạng của các Hội Ái Hữu, các Cựu Học sinh các trường Trung học Quảng Nam-Đà Nẵng, đặc biệt Trường Phan Châu Trinh, và thân hữu…

Tưởng Nhớ Thầy Trần Đại Tăng – Phần 2/10 – Một Đời Thầy Đất Quảng (Trần Hoan Trinh) (1/4)

BBT: Lần này xin trích đăng bài ” Một Đời Thầy Đất Quảng (Trần Hoan Trinh)” và bài được chia làm 4 phần.
***
Một Đời Thầy Đất Quảng (Trần Hoan Trinh) – Phần 1/4
* Viết nhân Kỷ Niệm 60 năm thành lập trường Phan Châu Trinh
 
MotThoiPCT_02A
 
Cầm Sự Vụ Lệnh bổ nhiệm trong tay, tôi leo lên chuyến tàu hỏa tốc hành Sài Gòn – Huế đến trường trung học Phan Châu Trinh – Đà Nẵng nhận việc.
Một đêm tháng 9 năm 1958. Mưa gió suốt cuộc hành trình. Miền Trung đang có bão. Chiếc tàu chạy ỳ à ỳ ạch qua những cánh đồng bao la nước, qua những cánh rừng ướt đẫm mưa, qua những con sông nước tràn lan lấp loáng bờ. Xa xa bên dưới, biển động ầm ầm, sóng vỗ trắng xóa. Đến Quảng Ngãi vào tối mịt ngày hôm sau, tàu không thể chạy tiếp nữa. Nhiều đoạn đường sắt đã chìm hẳn trong nước…
Tôi bỏ tàu, leo lên một chiếc xe hàng đầy ứ khách đi tiếp. Chiếc xe phủ bạt kín mít, lăn đi trong mưa, trong đêm tối om. Tôi ngồi khuất một góc sâu trong xe, chỉ nghe tiếng mưa rơi ào ạt và tiếng người phụ xe thỉnh thoảng gọi tên những địa danh xe sắp đến. Xe vào bến Đà Nẵng giữa khuya. Bến xe vắng ngắt, lác đác vài quán ăn còn mở cửa, đèn mờ leo lét.
 
Bến xe Đà Nẵng lúc đó còn nằm trên đường Hùng Vương, cạnh Chợ Cồn, vị trí bây giờ là Siêu Thị BIG C. Xách chiếc vali trên tay, tôi đặt bước chân đầu tiên của mình xuống thành phố Đà Nẵng. Thành phố này hoàn toàn xa lạ với tôi, tôi chưa hề đến đây lần nào, và cũng chẳng có thân thích, bà con nào ở đây cả. Đường sá vắng hiu, buồn tênh, mặt đường ướt át, đầy xác lá và cành cây gãy, sau cơn bão. Tôi ngơ ngác nhìn quanh nơi mình sẽ sống, nơi mình chập chững những bước đầu tiên vào đời. Xa lạ. Bỡ ngỡ. Thích thú. Lúc bấy giờ, được bổ nhiệm về Đà Nẵng xem như bị đi đày. Đà Nẵng lúc đó còn nhỏ, nhỏ lắm, nhỏ hơn Huế, Nha Trang nhiều. Tôi vẫn đinh ninh trong lòng: thôi cứ dạy ở đây vài năm, sẽ tìm cách đổi về Huế, quê hương của mình, hay Sài Gòn, nơi mình mới khăn gói ra đi. Thế mà tôi đã ở đây cả cuộc đời ! Thế mà tôi đã dạy riêng tại Phan Châu Trinh, Đà Nẵng 40 năm đăng đẳng !
 
Âu là nghiệp dĩ ! Những năm tháng ngày tàn bóng xế, lạc lõng xa lạ giữa thành phố này, bị lãng quên giữa thành phố này, những sớm, rất sớm, một mình đếm từng bước lang thang trên con đường bờ sông Bạch Đằng hay trên con đường dọc bãi biển Thanh Bình, để tập thể dục, nhưng dụng ý chính là tìm chút thoải mái, thanh thoát cho tâm hồn, đã nhiều lần tôi tự hỏi mình: quyết định của tôi để cả một cuộc đời ở Đà Nẵng này là Đúng hay Sai ! ? Làm thầy một đời ở Đất Quảng này của tôi tựu trung là thành công hay thất bại ? ! Để rồi hồn bâng khuâng, buồn vô hạn !
 
Thời gian học Trung học, tôi đã nuôi mộng sau này theo nghề dạy, nhưng theo một hướng khác. Thế mà dòng đời đưa đẩy, tôi lại vào nghiệp dạy theo một hướng khác, chính quy luôn !
Thuở ấy, đậu xong Tú Tài 2, muốn học lên nữa thì phải vào tận Sài Gòn thôi. Các trường Đại học khác (Huế, Đà Lạt, …) mãi đến sau năm 1958 mới được thành lập. Thuở tiểu học, tôi học tại trường Thế Dạ. Thuở trung học, tôi học Đệ nhất cấp tại trường Pellerin, Huế. Năm Đệ Tam (lớp 10), tôi học tại trường Tư Thục Nguyễn Du, Huế, mới thành lập, tọa lạc trên đường Hàng Đường, cạnh chân cầu Đông Ba. Tôi học Đệ Nhị, Đệ Nhất (lớp 11, 12) tại trường Khải Định. Lúc bấy giờ trường Khải Định còn học chung với trường con gái Đồng Khánh, dãy lầu phía bên phải, vì cơ sở trường còn bị Pháp chiếm làm trại lính. Đến cuối năm Đệ Nhất, trường Khải Định mới được Pháp trao trả cho Việt Nam, chúng tôi khiên bàn, khiên ghế, khiên bảng đen, bục giảng, … về học tại trường của mình. Cũng cuối năm đó, trường được đổi tên là Quốc Học Ngô Đình Diệm (từ năm sau chỉ gọi là Quốc Học Huế). Tôi học lớp Đệ Nhất B3. Thầy dạy Toán của tôi năm này là thầy N. V. H., vị thầy thần tượng của tôi lúc đó. Thầy làm Hiệu Trưởng nên chỉ dạy một mình lớp tôi thôi. Nhìn chữ ký lả lướt của thầy, dưới triện son đỏ chói của trường, dưới hàng chữ Hiệu Trưởng, Giáo Sư Cử Nhân Giáo Khoa, là tôi mê tít ! Một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi về thầy: chiều hôm đó, thầy có 3 giờ Toán liên tiếp tại lớp tôi. Chắc bận việc gì đó, đầu giờ thầy vào lớp và ra một đề toán bắt chúng tôi giải trên giấy, cuối giờ nộp, rồi bỏ đi đâu mất ! Ngồi nắn óc bóp trán làm mãi không ra, mặc dù chúng tôi đã tụ năm tụ bảy cùng ngồi làm chung để suy nghĩ cách giải. Cuối giờ, thầy vào lớp, chúng tôi phản ảnh lại, chịu không ai giải được cả, thầy cầm đề tóan lên xem một hồi, rồi bật cười ha hả, giơ cả răng cả lợi: bây ngu quá, đề tau ra thiếu mà cũng làm, ha ha ! Mất toi 3 giờ toán lại còn bị mắng là ngu, nhưng cũng đành chịu ! Giữa năm học, thầy không còn dạy Toán cho lớp tôi nữa. Thầy quay qua hoạt động chính trị và chuyển hoàn toàn lên Đại Học. Lòng tôi vẫn ao ước sau này học hành sao cho ra trường giống thầy: đỗ Cử nhân Giáo khoa Toán rồi về Huế dạy ! Do đó, đỗ xong Tú Tài 2, theo rũ rê của người bạn thân, tôi bay vào Sài Gòn, ghi tên ngay vào học tại Faculté de Sciences (Đại học Khoa học), mặc dù trong túi chỉ có vài chục đồng ! Người bạn tôi bảo phải vào sớm, đến dự thính các lớp đang học để nghe tiếng Pháp cho quen (lúc đó trường còn dạy bằng tiếng Pháp), vào năm học chính thức mới theo kịp để ghi bài. Anh bảo đảm vào đó sẽ giới thiệu chỗ dạy kèm dạy thêm, đủ chi phí để ăn học. Loay hoay tìm kiếm chỗ dạy thêm chẳng ai nhận, chắc là thấy tôi còn bé con quá ! Tiền sắp cạn, đang lúng túng không biết làm sao ! Một hôm đi ngang qua trường Cao Đẳng Sư Phạm Sài Gòn (Normale Supérieure de Pédagogie), thấy thông báo tuyển sinh, tôi ghi tên dự thi, định bụng học thêm tại đây để lấy học bỗng. Học bỗng của trường Sư phạm này khá lớn, gần bằng lương của một công chức bậc trung hồi ấy ! Trúng tuyển, mừng rơn ! Thế là giải quyết được vấn đề khó khăn nhất ! Vào thời gian này, miền Nam có 3 hệ sư phạm: Sư phạm Cấp tốc, mỗi tỉnh có 1 trường, đào tạo giáo viên dạy tiểu học (cấp I). Quốc gia Sư phạm, vài ba tỉnh mới có một trường, đào tạo giáo sư ra dạy Đệ nhất cấp (cấp 2), Cao Đẳng Sư phạm chỉ có 1 trường tại Sài Gòn, đào tạo giáo sư dạy Đệ I cấp và Đệ 2 cấp (cấp 2, 3). Cao Đẳng Sư phạm là hệ Sư phạm cao nhất tại miền Nam lúc bấy giờ, Đại học Sư phạm mãi đến năm 1958 mới được thành lập. Trường này, theo lời người thầy dạy môn Phương Pháp Sư Phạm của tôi, cũng là Phó Giám Đốc của trường, thầy Phan Thế Roanh, và theo các người bạn lớn tuổi trong ngành, do chính phủ thuộc địa Pháp thành lập để đào tạo giáo sư trung học cho ba miền Việt Nam, Lào, Cambuchia. Trước trường đặt tại Hà Nội, đến 1954, thực thi Hiệp Định Genève, trường được dời vào Sài Gòn, đặt tại ngã tư Cộng Hòa – Thành Thái (bây giờ là Nguyễn Văn Cừ – An Dương Vương), cạnh trường Pétrus Ký, cạnh trường Đại học Khoa học. Môn học còn dạy bằng tiếng Pháp, trừ 2 môn Tâm Lý Sư phạm và Phương Pháp Sư phạm. Thầy cô dạy tại đây, cũng là Thầy cô dạy ở Đại Học Khoa Học. Vì vậy, sinh viên học tại đây phần lớn đều có thể ghi danh học thêm ở Đại Học Khoa Học, rất tiện lợi. Sinh viên ra trường chỉ đủ để bổ nhiệm cho các trường lớn trong nước mà thôi: Gia Long, Pétrus Ký, Chu Văn An, Trưng Vương, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Du, Võ Trường Toản, …. ở Sài Gòn, Quốc Học, Đồng Khánh ở Huế, Võ Tánh ở Nha Trang, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân ở Đà Lạt, … Năm 1958, sinh viên mới được bổ nhiệm đến các tỉnh thành khác: Đà Nẵng, Qui Nhơn, Hội An, Quảng Trị, ….. Phần lớn chỉ 1, 2 năm sau là được đề cử đảm nhiệm chức vụ Giám Đốc, Thanh Tra, Hiệu Trưởng, Giám Học các trường cả. Mấy năm đầu đến Đà Nẵng, tôi vừa dạy vừa tiếp tục việc học của mình một thời gian. Tôi được trường Phan Châu Trinh giao phụ trách giảng dạy ngay các lớp Đệ Nhị Cấp, nhưng chỉ hưởng lương của một giáo sư Trung học Đệ Nhất Cấp, mãi cho đến 5 năm sau, 1963, mới thực thụ là Giáo Sư Trung học Đệ Nhị Cấp.
  1. Một Thời Phan Châu Trinh
Tôi đến trình diện nhận việc tại trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng ngay sáng hôm sau đêm đến Đà Nẵng. Cơ ngơi của trường Phan Châu Trinh còn rất nhỏ, nằm lọt thỏm giữa một giải đất rộng bao la… Sân trường còn trải cát, chỗ cao chỗ thấp, bao quanh bằng một hàng kẽm gai quân đội thấp lè tè, đứng bên ngoài có thể nhìn thấy hết mọi sinh hoạt bên trong. Cây cối trên sân chính chỉ có mấy hàng dương liễu, hàng phượng mới trồng, lơ thơ, ẻo lả trước gió. Năm sau, các hàng cây này được nhổ bỏ đi, trường trồng các cây sao, cây xà cừ thay vào, bây giờ lên cao vút…
 
Số thầy cô đếm được trên đầu ngón tay, phần đông không qua một khoá sư phạm nào. Các thầy dạy đủ môn, đủ lớp. Năm học này dạy Văn, năm học sau lại được phân công dạy Toán, dạy Lý. Các môn Sử, Địa, Công Dân, Vạn Vật, ….ï thì xem như phân phối lung tung, làm sao cho quý thầy cô đủ số giờ bắt buộc mà Bộ qui định. Một số thầy cô được mời từ các công chức thuộc các Ty, các Sở đóng trong địa bàn thành phố. Các vị này khi rãnh rỗi thì dạy, khi bận công tác thì nghỉ, trường phải bố trí bất cứ ai vào dạy thay. Cái tuyệt diệu của các thầy cô hồi đó là thầy cô nào cũng giỏi, rất vững vàng, dạy môn gì cũng đạt cả. Vì số thầy cô còn ít, nên tình thân mật giữa nhau đậm đà thân thiết vô cùng. Ngoài giờ dạy tại lớp, các sinh hoạt khác: thể thao, văn nghệ, báo chí, xã hội, …. đều được tất cả hăng hái tham gia, nhiệt tình, vui vẻ. Các lần đóng trại xa, các lần trình diễn văn nghệ đón Xuân, bế giảng năm học, những Lễ Phát Thưởng cuối năm, …. đều để lại trong lòng thầy trò những hình ảnh đẹp, không bao giờ quên được.
 
Sau này tôi vẫn nghĩ lại: chưa có thời gian nào tôi được sống giữa đồng nghiệp, giữa học sinh một cách thân tình, vô tư và trong sáng như vậy.
Tôi lớn lên cùng ngôi trường PCT, tôi chứng kiến bao nhiêu thay đổi. Trước năm học 1958, trường chỉ mới có 8 phòng học, mặt tiền quay ra đường Lê Lợi. Hè 1958 trường xây thêm 8 phòng học gồm 4 trệt 4 lầu, vuông góc với dãy trường cũ, nằm song song với đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẫn). Năm 1960 xây thêm 4 phòng tiếp nối vào dãy giữa. Năm 1962 thêm 10 phòng cho dãy lầu bên phải. Năm 1967, thầy Thái Doãn Ngà, giáo sư Toán trường Quốc Học Huế, được Bộ Giáo Dục cử vào đảm nhiệm chức vụ Giám Học rồi Hiệu Trưởng. Đây là một vị Hiệu Trưởng tháo vát, năng nổ, có công nhiều trong việc xây dựng trường. Trường được đúc móng dựng trụ lên lầu, xây thêm Thư viện, phòng Thí nghiệm, Hội trường, Văn phòng….. Sân trường được đỗ đá tráng nhựa, cổng trường được xây mới bề thế uy nghi. Trường càng ngày càng mở mang lớn, đón tiếp nhiều thầy cô giáo giỏi, bằng cấp cao về giảng dạy. Học sinh càng ngày càng đông, học giỏi, năng động, lớp này ra trường, lớp khác vào, liên tu bất tận.
 
Năm 1975, đất nước Bắc Nam thống nhất. Tôi được bố trí dạy lại ngay tại PCT và dạy mãi cho đến ngày nghỉ hưu (1998). Do đó, tôi trở thành người thầy có thâm niên dạy liên tục tại trường PCT lâu nhất từ trước đến nay: 40 năm ! Chắc sau này chẳng có ai theo kịp !
  1. Người Thầy Liên Trường
Miền đất Quảng Nam Đà Nẵng là miền Địa linh Nhân kiệt, là đất Ngũ Phụng Tề Phi, nơi sản sinh bao nhiêu danh nhân, anh hùng hào kiệt. Tôi diễm phúc được dạy tại miền đất này không phải chỉ tại trường công lập Phan Châu Trinh mà hầu như ở tất cả các trường Bán Công, Tư Thục trong thành phố: Bán Công Đà Nẵng, Sao Mai, Bồ Đề, Phan Thanh Giản, Nguyễn Công Trứ, Thánh Tâm, Ánh Sáng, Nguyễn Hiền, Tây Hồ, Thành Nhân, Báp Tít, Vinh Sơn, Diên Hồng, Hồng Đức, …. Có trường tôi dạy nhiều năm, có trường chỉ dạy vài ba tháng hay 1 học kỳ thì nghỉ.
 
Năm 1958-1959, Đà Nẵng chỉ có 2 trường có Đệ Nhị cấp (chưa hoàn chỉnh): Phan Châu Trinh và Bán Công Đà Nẵng. Qua niên khóa 1959-1960, các trường tư khác mới bắt đầu phát triển Đệ Nhị cấp. Các trường Bán Công, Tư thục này thường mời tôi dạy Toán mỗi năm 1 hoặc 2 lớp, thường là 1 lớp Đệ Nhị B, 1 lớp Đệ Nhất A. Học sinh các lớp Đệ Nhị B rất đông, bao nhiêu học sinh ở Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Hoà Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, …. nếu không vào được PCT thì đều học tại các trường tư đó cả. Vì vậy, thuở ấy, học sinh nào có học Đệ Nhị, đã đỗ Tú Tài I phần lớn đều có “gặp“ tôi, không ở các lớp chính thức thì gặp ở các lớp cua. Một điều thú vị là nhiều gia đình có cha, mẹ và 4, 5 anh chị em, đều là “môn đệ ruột” của tôi cả. Những anh chị sau này đến thăm hay nhắc lại, xem như một kỷ niệm hiếm có.
 
Mới chân ướt chân ráo đến ĐN, khi trình Sự Vụ Lệnh với Thầy Hiệu Trưởng PCT, tôi được thầy mời dạy tại trường Bán Công ĐN (1958-1959) và trao ngay thời khóa biểu cho tôi… Trong các năm học đầu, trường Bán Công được đặt dưới sự quản lý của trường PCT, Hiệu trưởng PCT kiêm nhiệm luôn chức vụ Hiệu Trưởng trường Bán Công. Trường Bán Công Đà Nẵng được thân hào nhân sĩ trong thành phố vận động thành lập năm 1957, để con em mình có chỗ theo học, khỏi phải khăn gói ra Huế, vào Sài Gòn, Nha Trang, vừa tốn kém, vừa bất tiện. Trường chỉ có Đệ Nhị Cấp (lúc này PCT chưa có mở lớp Đệ Nhị Cấp). Niên khóa đầu tiên trường chỉ có 1 lớp Đệ Tam A-B, học tạm tại 1 phòng học mượn của PCT. Đến niên khoá 1958-1959 trường được tỉnh xây cho một cơ sở gồm 4 phòng học, toạ lạc trên một khoảng đất rộng mênh mông, nằm giữa hai con đường Nguyễn Hoàng (Hải Phòng) và Quang Trung, chéo một chút với Thánh Thất Cao Đài ĐN (bây giờ là Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng). Khuôn viên này hồi đó còn cây cỏ um tùm, ao hồ xen kẻ, mưa tạt gió lùa… Những ngày mưa, đứng dạy, nghe văng vẳng tiếng ểnh ương, ếch nhái vọng vào, thê lương áo não chi lạ. Các thầy cô trong thời gian này, ngoài một số là thầy cô PCT, trường còn mời thêm một số là công chức đang công tác tại Đà Nẵng đến giảng dạy: luật sư Sanh, luật sư Trường, kỹ sư Tiễn, bác sĩ Can, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, thầy Phan Công Hân, v.v … Học sinh trường rất to con lớn xác, phần lớn là con cháu của các gia đình có máu mặt trong thành phố, có vài em đã có vợ con đàng hoàng, tuy nhiên hiếu học và yêu quý gần gũi với thầy cô vô cùng. Thầy Hiệu trưởng bận công tác tại trường PCT, nên mọi việc điều hành trường đều giao cho cụ Đoàn Văn Khánh, mục sư Tin Lành, chức vụ Tổng Giám Thị, phụ trách. Tôi vẫn nhớ dáng cao lớn bệ vệ hồng hào của cụ Khánh, luôn có mặt tại trường rất sớm, đi trên chiếc xe Mobylete Pháp cũ kỹ, để coi sóc giữ gìn trật tự cho trường. Nghiêm trang, bao dung, vui vẻ, hiền hòa với tất cả mọi người, tận tụy với nhiệm vụ. Văn phòng có bác Bửu Diêu (PCT) lo việc kế toán, bác xã Ký lo việc hồ sơ, có bác cai Nhẫn, mặt luôn đỏ au vì đế, lo việc bảo vệ ! Tôi còn nhớ tên rất nhiều em học sinh Bán Công giai đoạn này: Đặng Công Phu, Trần Đình Ba, Võ Văn Khởi, Nguyễn Hữu Xuân, Huỳnh Công Khanh, Nguyễn Cù Mông, Minh Nguyệt, Huyền Tâm, Bích Ngọc, Trần Thị Dung, Mộng Điệp, Kim Thoa, Kim Yến, Tuyết Giao, Kim Ngọc, Hương Bửu, Vũ Anh Nghi, Kim Quỳ, Trần Thị Lý, Mỹ Lợi, Nguyễn Thị Thoại, … … …
 
Đến năm 1963, tỉnh lấy khuôn viên này để xây bệnh viện Đa khoa ĐN, trường Bán Công được dời đến học tại địa điểm mới trên đường Lê Thánh Tôn, cơ sở của trường tư thục Nguyễn Công Trứ vừa bị giải thể. Lúc này trường mới có cả Đệ Nhất cấp, Đệ Nhị cấp. Thầy Trịnh Thể, một thầy giáo thanh liêm, mẫu mực, uy tín của thành phố, được mời giữ chức vụ Hiệu Trưởng. Tôi nhớ dáng thầy cao ốm, luôn luôn mặc y phục trắng toát, vẻ mặt nghiêm nghị nhưng cởi mở vô cùng. Năm 1973, trường được công lập hóa và đổi tên là trường Diên Hồng, thầy Nguyễn Ngọc Thanh (PCT) được giao nhiệm vụ Hiệu Trưởng…
Tôi dạy tại trường Bán Công ĐN từ 1958 cho đến 1972 thì nghỉ, vì phải đảm nhiệm chức vụ Giám Học tại Phan Châu Trinh, công tác bận rộn lu bù. Một kỷ niệm đậm nét trong tôi: số tiền đầu tiên tôi tự kiếm được để chi tiêu cho mình là tiền lương dạy tại trường Bán Công đó.
 
Tôi đến dạy tại trường Tư thục Sao Mai từ niên khóa 1959-1960, năm trường mở Đệ Nhị cấp. Niên khóa này tôi nhớ lúc đầu Hiệu Trưởng trường là Linh Mục Lê Văn Ấn, chừng vài tháng sau, linh mục Lê Văn Ấn được Tòa Thánh phong làm Tổng Giám Mục địa phận Đà Nẵng nên linh mục Vũ Như Huỳnh phụ trách chức vụ Hiệu trưởng thay thế, cho mãi đến 1975.
 
Tôi nhớ lớp Đệ Nhị B đầu tiên của trường Sao Mai rất đông, sỉ số hơn cả 100, có những học sinh rất giỏi, không thua kém gì trường công lập: Trương Thị Huệ, Hoàng Thị Phụng, Sơn, Trinh, Chênh, Thành, Xuân,… Lớp được trường bố trí học tại phòng rộng nhất ở lầu 3, có những cột trụ chống đỡ to bằng người ôm, nhìn ra con sông Hàn bao la bát ngát, gió thổi hây hây mát rượi. Nhìn chéo một chút là Cổ Viện Chàm, âm u, huyền bí… Xa xa bên trái là dãy núi Sơn Chà quanh năm mây trắng phủ đầy đỉnh núi, bên phải là cầu De Lattre cheo leo vắt ngang sông, mờ mờ sóng nước. Giảng bài xong, sau khi ra bài tập cho học sinh soạn, tôi thường đến đứng bên cửa sổ lặng ngắm các tàu bè qua lại, ngắm khói sóng lãng đãng trên sông, thả hồn bay bỗng vu vơ bờ này bến nọ. Lắm bài thơ ý thơ của tôi được hình thành lúc đó. Trường Sao Mai là trường tôi dạy lâu nhất sau PCT, mãi đến cuối tháng 3.1975 mới nghỉ, khi trường được giao cho chính quyền mới tiếp quản.
 
Tôi dạy tại trường Bồ Đề từ năm học 1959 -1960, khi trường mở Đệ Nhị cấp và cơ sở dời về đường Quang Trung (bây giờ là trường trung học cơ sở Nguyễn Huệ)… Đến khi bị gọi nhập ngũ, tôi mới nghỉ dạy. Trình diện tại trại Nhập Ngũ số I, khám sức khỏe, rồi được Bộ Giáo Dục can thiệp cho học Quân Sự 9 tuần về, định dạy lại nhưng sau xin thôi luôn. Tôi nhớ lớp Đệ Nhị B đầu tiên của trường Bồ Đề học ở phòng lớn nhất thuộc tầng 2, nhìn ra cổng trường, có các tường chắn xây bằng gạch tổ ong, gió thổi lùa qua mát đến lạnh người, mỗi lần giảng bài phải hét thật to, kẻo tiếng nói bị gió thổi và tiếng xe chạy ngoài đường làm loãng đi… Tôi nhớ lớp này cuối năm học có một vở Kịch rất hay: Trưng Trắc Trưng Nhị. Cô nữ sinh đóng vai Trưng Trắc đẹp mê hồn và ngâm thơ rất hay… Vở kịch gây xúc động nhiều trong lòng học sinh lúc ấy. Tôi nhớ Hiệu Trưởng của trường là một vị Đại Đức, hiền từ và rất đẹp trai: Đại Đức Thích Minh Tuấn.
Trường tư thục Phan Thanh Giản là một trường có uy tín lớn. Tôi vẫn tiếc mình dạy ở trường này thời gian ít quá, khoảng 3 tháng. Tôi nhớ năm học 1960-1961 (hay 1959-1960 ?), đảm nhiệm chức vụ giám học trường là anh Trương Hồng Minh, bạn thân của tôi hồi học Khải Định (Huế). Anh bị gọi động viên, mời tôi đến dạy thay anh. Khi anh được hoãn dịch trở về, tôi trả lớp cho anh, mặc dầu anh yêu cầu tôi tiếp tục. Thuở đó tôi dạy tại nhiều trường nên bị kẹt Thời Khóa Biểu. Vả lại thuở trẻ tôi cũng ham chơi nữa.
 
Tôi dạy tại Trường Thánh Tâm cũng được 5, 6 niên khóa trước 1975, do anh Vĩnh Linh nhường lại. Tôi được giao phụ trách môn Toán tại lớp 12. Tôi nhớ lớp học bao giờ cũng chỉ có 6, 7 chị Nữ Tu, đạo đức, hiền từ, lễ phép, chăm chỉ rất mực, lớp học luôn luôn im lặng như tờ. Đến cuối tháng 3-1975 tôi mới nghỉ dạy tại đây.
Tôi dạy tại trường Ánh Sáng từ năm 1973 đến 1975, một lớp 12 A, thưở chị Nguyễn Thị Thanh làm Hiệu Trưởng và anh Nguyễn Châu Hóa làm Giám Học
Tôi dạy tại trường Nguyễn Hiền, hậu thân của Blaise Pascal niên học 1974-1975. Năm đó, anh Đặng Ngọc Tuấn (trước là Giám Học PCT) mới từ Huế được cử vào phụ trách Giám học tại đây. Anh mời tôi đến dạy với tư cách giáo sư dạy giờ, Toán lớp 12 A. Tôi nhớ lớp chỉ có khỏang 10 nữ sinh, em nào cũng hiền lành, thông minh, đẹp đẽ, đài các. Hằng Nga, Kim Anh, Lan, Lộc, Ngọc, … Lớp học nằm ở một phòng học riêng biệt, cheo leo ở lầu 2 dãy nhà mới, nhìn ra đường Quang Trung, con đường được học sinh hồi đó gọi là Đường Tình Sử.
 
Tôi có dạy 1 thời gian tại trường Thành Nhân của anh Hồ Duy Trinh, trường Vinh Sơn của Linh Mục Trinh, trường Tây Hồ, Trung Tâm Báp Tít,…..
Tôi cũng có vào dạy tại trường Trần Cao Vân, Tam Kỳ, trên giấy tờ khoảng 3 tháng, nhưng trên thực tế khoảng 2 tuần. Tuy thời gian dạy tại đây không là bao, nhưng tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm đẹp với ngôi trường lắm nhân tài này.
Năm tôi nghỉ hưu, 1998, thành phố Đà Nẵng được phép mở Tư Thục lại. Tôi được 2 trường Tư Thục mới mời đến dạy: trường Tư Thục Diên Hồng và trường Tư thục Hồng Đức. Dạy tại 2 trường này 4 năm thì tôi xin nghỉ hẳn, vào Sài Gòn lang thang ……

Tưởng Nhớ Thầy Trần Đại Tăng – Phần 3/10 – Một Đời Thầy Đất Quảng (Trần Hoan Trinh) (2/4)


Một Đời Thầy Đất Quảng (Trần Hoan Trinh) – Phần 2/4
  1. Một Trời Kỷ Niệm
PCTDN-mottroikyniem
Trong suốt thời gian làm nghề thầy giáo, tôi chỉ miên man với chuyện dạy dỗ. Say sưa dạy. Miệt mài dạy. Đem tất cả tâm hồn mình đặt vào việc dạy, việc lên lớp. Lứa học trò này ra đi, lứa trẻ khác vào trường, lại đem lại những say sưa mới, những thương yêu mới, những ngọt ngào mới. Không hề suy nghĩ tính toan gì khác. Một số bạn đồng nghiệp của tôi xem trường lớp, xem việc dạy chỉ là nghề tay trái, công việc chính của họ ở các lĩnh vực khác: chính trị, buôn bán, kinh doanh, xây dựng, thầu khoán ….. Tôi thì không có một ham muốn nào khác ngoài việc dạy dỗ, gần gũi với học sinh của mình. Không bon chen, không chạy vạy xuôi ngược. Dạy dỗ nhiệt tình. Có lẽ vì tôi bất tài, nhu nhược, không dám dấn thân! Đời sống chỉ bình thường thế thôi. Giàu cũng không giàu. Nghèo cũng không nghèo tí nào ! Tôi luôn luôn bằng lòng với những gì mình có, và cả những gì mình không thể có !
Hạnh phúc vô cùng là người bạn đời của tôi cũng bằng lòng như vậy, sống vô tư như vậy, không chấp nhất, không nề hà, không đòi hỏi gì cả !
 
Trong suốt 40 năm ở trường PCT, trong gần 50 năm làm thầy ở Đất Quảng, kiểm lại rất mừng thấy mình chưa phạm một điều gì sai trái lớn lao cả, chưa hề có hành động nào làm cắn rứt lương tâm ! Dạy dỗ hết lòng, luôn tận tâm tận lực. Không hạ mình, không luồn cúi, không bợ đỡ, không bán rẻ lương tâm. Vui với cái vui của học trò, buồn với cái buồn của học trò. Luôn luôn xem nhà trường, lớp học là một cõi đi về của mình. Mặc dù nhiều lúc bị lãnh đạo đối xử bất công, chèn ép, nhưng vẫn xem đó là cái giá phải trả, là tai nạn nghề nghiệp thôi! Một điều mà tôi vốn tâm nguyện phải giữ gìn là ông thầy luôn luôn phải công bằng với học sinh của mình, học trò giỏi, học trò yếu, học trò ngoan, học trò hư đều phải đối xử như nhau, không thiên vị, không ức hiếp ! Chuyện thi cử trúng tuyển vào lớp đầu cấp, vào đại học, những năm đầu sau 75 làm tôi nhiều khi bức xúc vô cùng ! Nhiều khi chán nản định bỏ quách nghề dạy, tung hê tất cả, vào Sài Gòn tìm một công việc khác để sinh sống, nhưng cứ bước chân vào lớp học, nhìn nụ cười ngây thơ của học sinh mình, nhìn những đôi mắt tha thiết chân tình, tôi lại say sưa giảng dạy, giọng giảng bài lại sang sảng nhiệt tình, lại đặt hết hồn mình, lòng mình vào bài dạy, lại thành tâm thành trí đem sức mình cống hiến cho tuổi trẻ, cho học trò, quên hết mọi chuyện !
 
Học sinh đã đem đến cho tôi cả một trời kỷ niệm đáng nhớ ! Vui cũng có. Buồn cũng có. Kỷ niệm nào cũng trân quý, kỷ niệm nào tôi cũng đều ôm ấp nâng niu cả ! Tôi kể ra đây vài kỷ niệm ! Cho vui thôi !
 
1/. Một chuyện tình học trò:
Bước vào lớp học, bỏ cặp sách trên bàn, tôi vẫy tay ra dấu cho học sinh ngồi xuống. Mắt bỗng bất chợt thấy, ở bàn đầu, em X. nãy giờ cứ ngồi yên, không hề đứng dậy. Tôi định gọi em khiển trách, nhưng nhìn vẻ mặt bơ phờ ngơ ngác của em, tôi lại thôi. Suốt thời gian giảng bài, tôi chú ý thấy X… khi thì vẹo người qua trái, khi đổ người qua phải, khi thì nằm úp mặt xuống vở. Em không hề ghi bài, cây viết tuy nằm trên tay nhưng nắp viết chưa hề được mở. Thấy tôi nhìn, Y. ngồi cạnh đưa tay hích X., nhưng X. vẫn làm lơ. Mắt như lạc thần, tâm trí như để tận đâu đâu. Khi kết thúc bài giảng, tôi xoa hai tay vào với nhau để chùi bớt phấn, nỗi tức bực từ nãy giờ cố kềm lại bỗng nở òa ra:
– X., đem vở ghi bài lên đây !
Gọi lần một, lần hai, lần ba, X. vẫn như không nghe, lại còn nằm úp mặt nhoài ra trên bàn, như giận, như lẫy !.
Tôi đập bàn cái bốp, hét:
– Đem vở học lên đây ! Mau lên ! Nghe không ? Đồ bướng!
  1. chỉ nhích người đứng dậy một chút, nhưng rồi lại ngồi phịch xuống ngay. Em trưởng lớp, ngồi ở cuối phòng, đứng dậy đến bên X., tay đẩy nhẹ X. rồi lấy vở đem lên trình tôi. Tôi giật lấy cuốn vở, xé tọac làm hai, vứt cái phựt ra ngoài cửa sổ.
– Bộ nó không có chân không có tay sao mà em phải đem lên nộp thế !? Đi học chứ đâu phải đi làm bà hoàng bà hậu đâu mà đỏng đa đỏng đảnh thế ?
Tôi tức bực ngoáy hai con số 0 to tướng vào sổ điểm, rồi vùng vằng bỏ ra khỏi lớp, đi đến phòng Hội Đồng Giáo sư cạnh đó. Rót nước uống từng ngụm nóng nhỏ, tôi thấy cơn giận vẫn chưa nguôi ngoai. Nhìn ra cửa sổ phòng Hội Đồng, tôi thấy em trưởng lớp đang đi nhặt từng trang vở một của X. mà tôi đã xé, gom lại, vuốt thẳng, rồi sắp xếp ngay ngắn, với một vẻ cam tâm chịu đựng. Tự nhiên thấy lòng mình lắng xuống, một chút gì như hổ thẹn, như ăn năn thoảng đến. Tôi chợt thấy mình còn thua xa học sinh của mình ! Sao nóng nảy thế ? Sao hồ đồ thế ? Sao mất bình tĩnh thế ! Không ra vẻ ông thầy gì cả ! Thế mà cũng vênh vênh đi dạy ! Vị Tổng Giám Thị nghe lớp ồn ào, rồi thấy tôi bỏ lớp đi ra, từ phòng mình đi vội lên, tay cầm cái roi mây vẩy vẩy. Anh hỏi tôi:
– Chuyện gì vậy ? Đứa nào vậy ?
– Không có gì.
Tôi trả lời rồi cúi đầu lặng lẻ đi về lớp dạy.
Cuối giờ dạy, em Y., ngồi cạnh X., lên nói khẽ vào tai tôi:
– Bạn X. “bị“ cái đó thầy ơi, nên không thể đứng lên đem vở cho thầy được!
Tôi ngượng ngùng quá cho sự thiếu hiểu biết, thiếu nhạy cảm của mình quá. Từ lần đó, bao giờ muốn rầy la học sinh, tôi đều cố gắng kềm chế mình tối đa.
Gần 10 năm sau, gặp lại học sinh cũ của lớp đó, các em cho biết em trưởng lớp và X. bây giờ là vợ chồng của nhau và đã có một mặt con. Chúng còn châm biếm thêm:
– Nhờ thầy mà 2 đứa yêu nhau đó, thầy ơi !!
 
2/. Một mùa xuân đặc biệt trong đời
Vận mệnh đời sống của tôi, nhiều lần do học trò tạo ra. Học trò đã có mặt đúng khi đúng lúc, làm thay đổi cuộc đời của tôi. Nếu không gặp được học trò những lần như vậy, chắc chắn đời tôi đã rẽ qua một ngả khác. Không biết là xấu hơn hay tốt hơn.
 
Năm ấy, 30 Tết tôi về thăm nhà ở Huế, ở Vỹ dạ. Định bụng ở lại ăn Tết với cha mẹ ngày mồng một, đến mồng hai mới vào lại Đà Nẵng với vợ con. Đêm giao thừa đó ngủ chẳng được, pháo đâu thiên hạ đốt quá chừng. Cả tiếng súng nữa, liên tu bất tận. Thao thức đến sáng. Ba tôi dậy sớm loay hoay chộn rộn sửa soạn về làng nội Dương Nỗ thăm mộ. Tôi vùng dậy, lang thang một mình lên phố khi trời còn chưa hửng sáng. Qua Đập Đá. Qua cầu Trường Tiền còn mờ hơi sương, ghé quán cà phê Xướng cạnh chân cầu, gần tiệm xe An Lợi. Ông tài xế quen, anh Minh, chạy chuyến đầu Xuân mở hàng, vui vẻ bảo: vào Đà Nẵng đi thầy, chiều ra lại với em ! Không lưỡng lự, hai tay không leo lên xe, tính tôi hay lãng tử vặt như thế. Tình cờ ngồi cạnh Th., một học sinh tôi mới dạy cách đây 2 năm, đang học tại Đại học Huế. Thưa thầy. Xe chạy bon bon trong một sớm mùa xuân đẹp. Mọi nhà mọi người còn đang yên ngủ. Đến cầu Lăng Cô, lính gác chận lại, buộc quay về. Đang đánh nhau to trên đèo Hải Vân, nhiều cầu đã bị mìn giựt sập, nhiều đoạn đường đang có giao tranh. Mọi người theo xe quay về Huế hết. Th. rủ: thầy và em đi bộ vào thầy, trở lại làm chi. Nhận lời liền không chút đắn đo. Hai thầy trò đi nép vào thành núi, tiến dần lên cao, nhiều lúc phải nằm mọp xuống các tảng đá ven núi, Mỹ đang pháo kích tưng bừng, đạn kêu chíu chíu trên đầu. Đi rồi dừng, dừng rồi đi. Càng lên cao, sương càng đậm, hơi lạnh tê buốt xương. Một buổi sáng mùa xuân đặc biệt của đời ! Đến trưa, bụng đói, các hàng quán thường ngày ven các vách núi đều đóng cửa nghỉ đón xuân cả. Th. lấy mấy cái bánh in mang theo trong người, hai thầy trò đứng dựa vào vách núi chia nhau ăn, vừa nhai vừa tâm sự. Lần đầu tiên đi bộ qua đèo Hải Vân, tưởng là gần, thế mà đi từ mửng sáng đến tối mịt mới đến chân đèo bên kia. Qua đỉnh đèo, thấy xác lính du kích, lính quốc gia sắp nằm 2 hàng. Các lô cốt ngày thường kiên cố là thế, hồi khuya đã bị B40 cày tan nát. Đến bến xe Liên Chiểu, hai thầy trò chia tay nhau, leo lên xe lam, ai về nhà nấy. Đó là cái Tết nhớ đời của tôi ! Nếu không nghe theo lời rủ của Th. mà quay lại Huế thì tôi đi đong rồi ! Đêm mồng một Tết ấy, quê tôi Vỹ Dạ tràn ngập quân du kích, sau một thời gian chiếm đóng lâu dài phải rút đi, những trai tráng trong vùng đều bị dẫn đi cả. Biệt tích luôn. Sau này, trong một lần từ Huế vào thăm nhà, xe Th. đi bị rớt xuống đèo, Th. chết khi đang học năm 4 đại học, sắp ra trường. Lần đó, có cả Th., một cô học trò rất ngoan rất xinh học cùng lớp với Th, đi cùng chuyến xe với Th., chết nữa. Nghe nói hai người đang yêu nhau, không biết phải không ! Sau này, mỗi lần đi qua đèo Hải Vân, tôi đều nhớ đến Th

Tưởng Nhớ Thầy Trần Đại Tăng – Phần 4/10 – Một Đời Thầy Đất Quảng (Trần Hoan Trinh) (3/4)

Một Đời Thầy Đất Quảng (Trần Hoan Trinh) – Phần 3/4
3/. Thưa Thầy Còn Nhớ Con Không?
 
TranHoanTrinh_03A
 
Tôi xuống xe buýt từ đầu đường Nguyễn Tri Phương. Băng qua đường, đi lang thang dọc hè phố đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3 tháng 2). Nhìn vào khuôn viên trường Quốc Gia Hành Chánh cũ, tự nhiên nhớ bạn bè chi lạ. Những đêm Sài Gòn trước đây tôi hay vào Ký Túc Xá ở đây để thăm bạn, những thằng bạn nuôi mộng ra trường sẽ làm to, ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ. Tỉnh trưởng, phó Tỉnh trưởng, Quận trưởng… Bây giờ tất cả chết chui chết dũi đâu cả rồi?!. Chỉ có tôi đang đi lang thang một mình ! Chiều thứ bảy người, xe đông đảo chi lạ. Dân Sài Gòn có cái quái: khi nào cũng lăng xăng, vội vàng, tất bật, đi như không cần nhìn lui, chạy xe như bị ma đuổi. Tôi hoà mình vào dòng người xuôi ngược đó, không mục đích. Đến ngã tư Trần Quốc Toản-Lê Văn Duyệt, một người đàn bà từ một quán bên đường đổ xô ra, đâm sầm vào tôi. Tôi tròn mắt, định lên tiếng cự nự, nhưng ngừng kịp trước giọng hốt hoảng bàng hoàng của người đàn bà:
– Thầy T., phải thầy TĐT không?
Tôi chỉ kịp gật đầu xác nhận thì đã bị người đàn bà ôm chầm lấy, nức nở:
– Thầy ơi ! Thầy có nhớ em không ? Em là X…, trước học với thầy tại PCT, thầy vừa dạy Toán, vừa làm Giáo Sư Hướng Dẫn. Thầy ơi ! Bây giờ tóc thầy bạc phơ đến thế này sao ? Thầy còn dạy không? Học trò bây giờ thế nào ? Trường mình có gì thay đổi không ? Thầy Tr., thầy Q., cô L, cô Đ thế nào ? Thầy có hay gặp con L., con Y., thằng B, thằng V. không ? Bọn nó có hay đến thăm thầy không ? Cây phượng bên góc sân còn không, cây xà cừ giữa sân có còn đó không,… Người đàn bà nói một thôi một hồi, như sợ ai cướp lời, như sợ không nói hết ý. Hai tay cứ nắm chặt tay tôi, đầu gục vào vai tôi, những giọt nước mắt chân thành nóng hổi làm đẩm ướt cả áo. Mặc những người qua đường nhìn kinh ngạc, tò mò, người học trò cứ thao thao bất tuyệt. Cảnh trường, cảnh lớp, thầy cô bạn bè của gần 40 năm trước được nhắc đến một cách thiết tha, sống động. Chiều đã tàn dần, thành phố đã vào đêm, đèn đường đèn các cửa hiệu đã bật sáng, nhưng hai thầy trò có biết gì đâu, cứ mãi say sưa với những kỷ niệm cũ của một thời thanh xuân xa lăn lắc. Thật ra chỉ một mình người học trò nói, tôi chỉ lặng im nghe, im lặng nhìn, không dám động mạnh, sợ làm tan đi những mộng đẹp một thời của người học trò mà tôi chợt nhớ ngày xưa nổi tiếng là đẹp. Bây giờ, da sạm đen, tóc tai rối bời, vẻ phong trần dày dạn trên khuôn mặt đã về chiều, nếu không được giới thiệu tôi đâu có nhận ra được. Đường sá đã thưa thớt xe cộ. Gió thổi rung những cây cổ thụ bên đường làm những chiếc lá nhỏ rụng bay bay, rơi đầy trên tóc, trên vai hai thầy trò, rơi đầy huyền ảo trong đôi mắt ngấn lệ. Chào ra về, đi một quãng xa, tôi mới chợt nhớ quên chưa hỏi ngừời học trò bây giờ làm gì, ở đâu, đã có chồng con chưa…. Đêm ấy thao thức mãi chẳng ngủ được. Tiếng gọi “Thầy ơi” như nức nở như ngậm ngùi vẫn còn thoang thoáng bên tai. Tôi vùng dậy, viết một mạch bài thơ: ”Thưa Thầy Còn Nhớ Con Không?” Đọc đi đọc lại, lòng cứ bâng khuâng xao xuyến:
”Thưa Thầy Còn Nhớ Con Không?”
Chiều hôm nay dừng bước bên đường
Tôi gặp lại người học trò 30 năm trước
Người học trò không thể nào nhận ra được
Những bon chen nghiệt ngã đời thường
Đã biến đổi một nữ sinh đẹp đẽ dễ thương
Thành một người đàn bà luống tuổi phong sương
Dẫu son phấn cũng không che nổi
Mắt mệt mỏi quầng thâm
Nét tàn phai xuân sắc
Tôi lặng yên lòng thấy ngậm ngùi
Khi người học trò bật tiếng reo vui:
Thưa thầy còn nhớ con không ?
Chiều hôm nay đứng giữa phố đông
Em đưa tôi về thời gian 30 năm trước
Những kỷ niệm vui buồn
Những yêu thương thắm thiết
Những âm thầm xưa chưa nói được
Những giờ chơi giờ học sáng chiều
Những điểm mười sung sướng bao nhiêu
Những điểm không âm thầm hờn tủi
Cây phượng đỏ ngày xưa còn bên cửa lớp ?
Hoa rụng bay bay vào giữa bàn thầy
Con bướm vàng lang thang sân chơi
Hàng cổ thụ trời mưa trút lá
Tiếng trống trường ngày nào giục giã
Có còn không như thuở em đi ?
Bạn bè ai có hẹn nhau về ?
Thưa thầy còn nhớ con không ?
Người thầy già cũng mãi long đong
Lo sốt vó cuộc đời cơm áo
Ngày đứng lớp
Tối về nhà bán chữ
Ngữa tay thu tiền từng đứa học trò
Đạo đức thánh hiền bôi trấu trát tro
Đêm thao thức vắt tay qua trán
Tình với nghĩa sông khô biển cạn
Đã tàn phai theo năm tháng đổi thay
Đứng trước bảng đen tỉnh tỉnh say say
Thân thế đó ba chìm bảy nổi
Lòng thầy cứ ngổn ngang trăm mối.
Thưa thầy còn nhớ con không ?
Chiều hôm nay đứng giữa phố đông
Có hai thầy trò ôm nhau mừng mừng tủi tủi
Tóc thầy trò cả hai đều bạc
Trong tao phùng chợt thấy thanh xuân
Giữa phố người qua kẻ lại chen chân
Em đưa tôi về ngôi trường mái ấm
Ở nơi đó ân tình rất đậm
Thầy khoan dung độ lượng vô bờ
Trò ngoan hiền đùa giỡn vô tư
Mỗi giờ học là thiên đường dịu mát
Mỗi lời nói đều yêu thương rất mực
Mỗi mắt nhìn trìu mến vô cùng
Ngôi trường là thánh địa tuổi xuân.
Thưa thầy còn nhớ con không ?
Chiều hôm nay em như cơn mưa giông
Tưới mát tâm hồn thầy nứt nẻ
Người học trò như xa thuở trẻ
Gặp hôm nay bỗng thấy rất gần
Lòng thầy già như được hồi sinh !

Tưởng Nhớ Thầy Trần Đại Tăng – Phần 5/10 – Một Đời Thầy Đất Quảng (Trần Hoan Trinh) (4/4)

Một Đời Thầy Đất Quảng (Trần Hoan Trinh) – Phần 4/4
 
4/. Chuyện Một Người Học Trò Con Gái
BoTruongMaDi_02A
 
Tôi không nhớ rõ đó là vào năm 1976 hay 1977. Đứng dạy trong lớp, phòng học thuộc tầng trệt nhìn ra đường Lê Lợi, tôi hay thấy có một cô nữ sinh lấp ló bên cổng, đi qua đi lại, ngập ngừng như muốn vào trường rồi lại thôi, rồi cúi đầu đi thẳng… Dáng cao cao, ốm nhom ốm nhách, chiếc áo trắng đơn sơ, xơ xác, luộm thuộm. Khuôn mặt xương xương, đôi mắt xa vắng, đôi tay đôi chân dài khẳng khiu, tóc kẹp thả dài sau lưng.
 
Rồi một hôm, cô gái như bạo dạn hẳn lên, đi nhanh vào cánh cổng nhỏ luôn luôn được mở rộng của trường. Đứng vin tay vào cây xà cừ này một chút, lại đến tựa vào cây xà cừ khác. Có lần tôi thấy cô gục mặt vào tượng cụ Phan, thầm thì gì đó. Lang thang lẩn thẩn bậc thềm này, gốc cây nọ hoài như vậy. Như một bóng ma, như luyến lưu, như bịn rịn. Từ bục giảng, tôi bước vội ra hành lang. Tôi đã nhận ra cô học trò cũ của mình ngày nào: Nguyễn Thị X. A, học rất giỏi, rất hiền từ, rất lễ phép, rất chịu khó và hay đau ốm. Thấy tôi ra đứng bên hành lang, cô học trò ngẩng lẽn nhìn, rồi hấp tấp cúi mặt, hình như muốn chạy tới, nhưng hình như cũng muốn chạy lui. Bỗng cô hấp tấp chen mình ra khỏi cổng, thất thểu đi thẳng. Sáng hôm sau, tôi vẫn dạy ở lớp đó. Mãi say sưa với bài giảng của mình, bỗng nghe tiếng “lóc cóc“ gõ cửa. Tôi nhìn ra: cô học trò cũ đứng bên cửa lớp từ lúc nào, đang nhìn tôi trìu mến. Vẫn chiếc áo trắng gầy mong manh, xơ xác, khuôn mặt bơ phờ, nước da xanh tái, vẫn lọn tóc buộc kẹp thả dài sau lưng mảnh khảnh…
 
Cô học trò cúi đầu chào tôi: Em chào thầy. Thầy mạnh khỏe không ? Tôi chưa có phản ứng gì cả thì cô học trò đã xông vào lớp, ôm lấy đôi vai tôi, rồi quay về phía học trò, dõng dạc: “Thầy cũ của Chị đây. Thầy dạy chị năm Đệ Nhị B, cách đây 10 năm rồi đó. Các em có phúc lắm mới được học thầy hôm nay” (Xin được ghi nguyên văn câu nói của cô học trò). Nói chưa xong, cô học trò đã nghẹn ngào nức nở. Hai hàng nước mắt chảy tràn lan, ướt nhoè 2 gò má nhô cao, xương xẩu. Tôi cầm đôi tay cô học trò cũ, bóp chặc như an ủi, như chia sẻ, cảm thông. Tôi thấy người cô học trò cứ run lên, nghẹn ngào, xúc động. Tôi cầm tay cô dẫn dần ra phía hành lang, không muốn để cô xúc động quá trớn trước mặt những học trò mới. Tôi hỏi:
– Bây giờ em làm gì ? Học Đại học ngành nào ? Đã tốt nghiệp chưa ?
Không nói gì cả, cô học trò chỉ nhìn tôi, lắc đầu.
– Em tưởng thầy đi đâu rồi, thế mà thầy vẫn ở đây. Thầy gắng giữ gìn sức khoẻ thầy nghe.
 
Đưa tay gạt vội 2 dòng nước mắt lần nữa đang lăn tròn trên má, cô học trò cúi đầu chào tôi, bước vội xuống tầng cấp, ngang qua sân trường, băng mình ra khỏi cổng. Tôi định gọi lại, nhưng chợt nghĩ: thôi để xúc động của người học trò qua đi. Gặp lần sau sẽ hay. Vào lại bên bục giảng, tâm hồn tôi cứ phiêu bạt đâu đâu, không làm sao tập trung lại được với bài giảng. Tôi ra cho lớp một bài toán nhỏ, bảo ngồi soạn, rồi miên man suy nghĩ. Tôi nhớ cô học trò này trước làm trưởng lớp, lớp phần nhiều là nữ sinh, tôi còn nhớ họ tên nhiều em lớp này: Đoàn Thị Đ., Lê Thị Th. S., Trịnh Thị Q., Ngô Thị Ph. H., Trần Thị Th., Nguyễn Thị H., Lê Thị C. L., Lâm Thị V., Hồ Thị T.H., Nguyễn Thị M.N., Phạm Thị Y., … X. học giỏi lắm, giỏi lắm, mấy lần tôi đã phê điểm Toán 20, giao làm “sơ mi“ những Kỳ thi Lục Cá Nguyệt, đã một lần cuối năm được trường trao “Phần thưởng của Tổng Thống“. Con nhà gia giáo, sống rất bình dị, đạm bạc. Sức khoẻ yếu. Tôi chợt nhớ cách đây mấy năm, một người học trò đến thăm có báo với tôi: NTX bỏ học rồi, hình như học quá nên thành điên, bây giờ cả ngày chỉ đi lang thang thơ thẩn…. Tôi nhớ lòng định nhờ chở đi tìm thăm X nhưng bận bịu lung tung rồi thôi. Bây giờ tình cờ gặp X đó, bao nhiêu hình ảnh cũ hiện về, ngậm ngùi, thao thức …..
 
Kể từ hôm đó, tôi cứ mong ngóng X một lần trở lại thăm trường như hôm nào, nhưng không bao giờ X trở lại nữa. X đi biệt, hiện ra một thoáng rồi như tan biến mù tăm. Thời gian sau, tôi được tin X chết rồi, chết trong một nhà thương điên nhỏ tại Nha Trang (?).
Hình ảnh X với hai hàng nước mắt dầm dề, cầm tay tôi, đứng trước lớp, giới thiệu: “thầy của Chị đây“, vẫn còn mãi mãi trước mắt tôi, trong hồn tôi!
 
5/. Một lần nóng tính
Tôi đến dạy đây năm 21 tuồi, cái tuổi chưa đủ chửng chạc để làm một ông thầy của các lớp Đệ Nhị cấp, học giỏi, năng động, đầy tài trí, thông minh. Tôi cũng biết mình còn quá trẻ để làm thầy, vì vậy thuở mới đi dạy, nhiều khi làm mặt nghiêm, ra vẻ quan trọng, làm bộ làm tịch để chứng tỏ vai thế của mình, để che lấp những non nớt của mình trước mắt đám học trò luôn luôn rình rập để phê phán. Trong thâm tâm, tôi vẫn luôn coi trọng đám học sinh của mình, luôn luôn muốn hòa đồng với các em, muốn cùng các em chia sẻ vui buồn của cuộc sống. Học sinh giỏi, học sinh kém, học sinh ngoan, học sinh bướng bỉnh, tất cả tôi đều thương yêu như nhau, đều có hình ảnh bình đẳng trong lòng tôi. Kinh nghiệm cho tôi biết là những em hoang nghịch, những em cá biệt lại là những học sinh có tình cảm đong đầy nhất, là những học sinh nhớ thầy cô của mình một cách dai dẳng nhất. Có nhiều em để lại trong tôi những ấn tượng khó quên. Thưở trai trẻ tôi cũng có những chướng tính kỳ quặc, hồ đồ, bất công, tôi không hiểu sao các em lại chịu đựng được,không lần phản ứng. Có lần, không kềm chế được sự nóng nảy của mình, tôi đã bạt tai một em học sinh nghịch ngợm, em Ph., lấy phấn ném lên người bạn đang làm bài trên bảng, có tôi đứng cạnh. Cái bạt tai hình như quá mạnh, tôi thấy Ph. lặng đi, choáng váng.
Niềm hối hận chợt tràn ngập trong lòng ! Tôi lẳng lặng ra hành lang đứng cho tâm hồn yên tỉnh trở lại. Thú thật tôi muốn quay vào lớp để ôm Ph. trong tay, để xin lỗi Ph. Nỗi tự ái níu chân lại đó thôi. Đêm về, tôi cứ lo nghĩ không biết Ph. thế nào, có ảnh hưởng đến sức khoẻ gì không, có học hành được không, hết choáng váng chưa ? Các ngày kế đó, mặc dù không có giờ dạy, tôi cũng đi ngang lớp, nhìn thoáng qua chỗ Ph. ngồi, thấy Ph. đang đùa giỡn nói cười với bạn bè tôi mới yên tâm.
 
6/. Mê Thi Đại Học
Một lần tôi dạy tại một lớp 12 nổi tiếng học yếu. Chiều ấy, tôi giảng phương pháp tìm giao điểm của hai đồ thị. Thí dụ 1, thí dụ 2, rồi thí dụ 3. Nói khô cả cổ nhưng vẫn thấy học sinh mình không nắm được vấn đề bao nhiêu cả. Đang bực mình, nhìn xuống cuối lớp, thấy Tr., một học sinh nhác nhất lớp, kém nhất lớp, đang say sưa đọc gì đó giấu dưới hộc bàn, đôi mắt sáng long lanh, miệng cười chúm chím thích thú. Tôi vứt phấn, lặng lẽ đi xuống đứng bên Tr.. Cả lớp bỗng im lặng, 50 cặp mắt nhìn theo, hồi hộp. Tr. đang đọc “Hướng Dẫn Dự Thi Đại Học“ ! Tôi bỗng nỗi đoá lên, giật lấy cuốn sách, định la hét, định mắng mỏ, định đay nghiến: “Tướng em đậu Tốt nghiệp đã được chưa mà mơ chuyện thi Đại học ? Học như mèo cào chó cắn mà cũng mong Đại học ! Không biết xấu ! Không biết thẹn ! Đồ ngu như bò !“. May sao tôi kìm lại được ! Lời chưa thoát ra khỏi miệng đã tan biến. Nhìn hai má Tr. ửng hồng lên, nhìn vẻ thẹn thẹn, chịu đựng của cô học trò nhỏ lòng tôi bỗng dưng se lại. Tại sao mình lại cấm học sinh của mình mơ ước ? Đậu vào Đại học bây giờ là niềm mơ ước của tất cả tuổi trẻ, của tất cả ai đang ngồi học tại trường phổ thông. Ước mơ đó là niềm hạnh phúc, là đam mê, là khát khao, là hoài vọng tột cùng. Hãy để các em mơ ước. Đâu phải ước mơ nào cũng thực hiện được cả đâu? Nhưng mơ ước nào lại không đẹp ! Lòng tôi bỗng dưng dịu lại, tự dưng thấy ân hận như mình đã phạm một lỗi lầm gì đó. Kinh nghiệm nóng tính lần này làm thầy luôn giữ mình điềm tĩnh.
Kỷ niệm về một đời dạy học tại Đất Quảng của tôi còn nhiều, nhiều lắm. Nhưng thôi !
  1. Bỏ Trường Mà Đi
Ngày nghỉ hưu, một chiều buồn, tôi lang thang đến thăm trường PCT. Ngồi trên chiếc ghế dài học sinh kê cạnh Phòng Hội Đồng Giáo Sư, nhìn sân trường nhạt nắng, nhìn hàng cây rụng lá, nghe thoảng thoảng tiếng giảng bài từ các phòng học kề bên, bỗng thấy cả một đời làm thầy của mình tại đất Quảng thoáng qua trước mặt như một giấc mộng, giấc mộng xa vời ! Một giấc mộng đẹp nhưng buồn hiu hắt ! Tôi đã sáng tác một mạch bài thơ “Bỏ Trường Mà Đi”, ngậm ngùi, tha thiết:
 
THƠ: Bỏ Trường Mà Đi
 
Ta đến khi tóc xanh
Ta về khi tóc bạc
Này, mai trên trường xưa
Có một người thiếu mặt !
Ta đến hồn như trăng
Ta về lòng như suối
Cây sao già trên sân
Ngươi thua ta một tuổi !
Bước đi trên hành lang
Bước đi trong lớp học
Cộng lại bằng con đường
Nối vòng quanh trái đất.
Ta đã nói triệu lời
Ta đã viết triệu câu
Bóng hình ta khắp nơi
Từng góc tường đóng bụi !
Ta lặng lẽ âm thầm
Bốn mươi năm cửa lớp
Còn gì cho ta đây
Những ngày dài cỏ mục ?
Tiễn ta về hôm nay
Hàng cây xanh cúi mặt
Gốc phượng hồng ngẩn ngơ
Học trò thì đâu mất !
Ơi tượng đồng lặng câm
Người có buồn khi mất
Một hình bóng thiết thân
Vẫn bên người son sắt!
Ơi phấn trắng bảng đen
Thôi cũng đành vĩnh biệt
Rồi năm tháng cuối đời
Chắc nhớ ngươi tha thiết !
Mai có ai khóc ta
Khi về thăm trường cũ
Cứ nhìn mây lưng trời
Lắng tai nghe gió thổi.
Ta đến khi tóc xanh
Ta về tóc đã bạc !
Đóa hồng nào cho ta
Sao đóa hồng tím ngắt!
 
Trần Hoan Trinh (trích Hồi ký: Một Đời Thầy Một Đời Thơ)

Tưởng Nhớ Thầy Trần Đại Tăng – Phần 6/10 – Một Kỷ Niệm với Thầy Trần Đại Tăng (Nguyễn Hữu Hùng)

Một Kỷ Niệm với Thầy Trần Đại Tăng (Nguyễn Hữu Hùng)

motkyniemvoithaytrandaitang
BBT. Bài đã được đăng vào Blog ngày 07.09.2012, nay xin đăng lại… để nhắc nhớ về một người Thầy đáng kính vừa mới ra đi.
 
***
Trong ngôn ngữ Toán học của thầy Trần Đại Tăng không có ‘đúng hay sai‘ mà chỉ có ‘ĐÚNG VÀ NGUỘI ĐIỆN‘, làm sai là nguội điện, làm đúng mà chậm cũng nguội điện, để diễn tả một bài toán dễ thầy Tăng nói : ‘dễ như ăn ớt‘. Mời các bạn theo dõi một lớp Toán của Giáo Sư Trần Đại Tăng.
Năm lớp 11 tôi học lớp toán ban đêm với thầy Tăng tại trường Phan Thanh Giản, hôm đó thầy dạy giải các phương trình lượng giác :
Giải phương trình : sin 2x = sin x (x thuộc về tập hợp các số thực).
Thầy nói, ta sử dụng công thức nhân đôi, sin 2x = 2 sin x cos x, sau đó ta đem tất cả về 1 vế và đặt thành thừa số chung.
sin x (2 cos x – 1) = 0 . Do đó, ta phải giải 2 phương trình sinx = 0 và cos x = ½.
Thầy nói tiếp, thay vì đem tất cả về 1 vế và đặt thành thừa số chung, trò nào đơn giản 2 bên cho sin x thì kể như ‘NGUỘI ĐIỆN‘ vì trò đó đã bỏ qua phương trình sin x = 0, hệ quả là: “Thi hỏng tú tài, ta đợi ngày đi, đau lòng ta muốn khóc.”
Sau đó thầy nhìn cả lớp và thầy chỉ một trò trông có vẻ khờ khờ, dốt dốt (hình như trò đó là tôi, Nguyễn Hữu Hùng, học sinh lớp 11B2 PCT), thầy hỏi :
– Cậu hãy giải thích ‘Ý nghĩa Hình Học của các nghiệm số của phương trình nêu trên sin 2x = sin x.‘
Trò đó trả lời không được, thầy nói : KỂ NHƯ NGUỘI ĐIỆN.
Sau đó thầy chỉ một em gái hậu phương, không hiểu em nầy con cái nhà ai mà giỏi quá chừng, em trả lời :
– Thưa thầy, các nghiệm số của phương trình sin 2x = sin x chính là các tọa độ của các giao điểm giữa 2 đồ thị của hàm số y= sin 2x và hàm số y = sin x.
Thầy tuyên bố : Chính xác 100 %, dễ như ăn ớt và thầy lấy tay rờ cằm (thầy không có râu) và nở một nụ cười rất có duyên, lúc đó trông thầy đẹp trai hết sức.
Nguyễn Hữu Hùng

Thơ: Chuyện Tình Học Trò (Trần Hoan Trinh)

Chuyện Tình Học Trò (Trần Hoan Trinh)

ChuyenTinhHocTroA
 
BBT. Bắt đầu làm thơ từ năm 1952 đến ngày từ giã cõi trần, thi sĩ Trần Hoan Trinh (nhà giáo Trần Đại Tăng) đã trải qua trên 60 năm thơ và với 40 năm dạy học, Thầy đã sáng tác rất nhiều bài thơ với nhiều thi tập đã phát hành, tiêu biểu: “Bỏ Trường Mà Đi” (in năm 1997), “Tóc Trắng Sân Trường” (NXB Trẻ in năm 1997), “Tiếng Chim Ngoài Cửa Lớp” (NXB Trẻ in năm 2002), “Tuyển Tập Thơ Trần Hoan Trinh” (in năm 2002), “Cháy Bỏng Như Lửa Mặt Trời” gồm 3 thi phẩm: 1. Quê Hương Thơ Và Em; 2. Cháy Bỏng Như Lửa Mặt Trời; và 3. Bỗng Dưng Nhớ Phố Nhớ Phường” (NXB Văn Học in năm 2013)…
Thầy là người nặng tình thâm sâu với nghề nghiệp, học trò, đồng nghiệp, quê hương đất nước… nên thơ của Thầy trong suốt hơn 60 năm qua vẫn không đi ngoài chủ đề: tình nghĩa thầy trò, tình yêu tuổi học trò, trường xưa kỷ niệm, đồng nghiệp, cuộc đời, thân phận, quê hương đất nước… Thơ của Thầy đã được các Trang Mạng (Net) của các Cựu Học Sinh các trường Quảng Nam-Đà Nẵng đăng lại rất nhiều, BBT Blog xin được trích đăng tải một số bài tiêu biểu…
 
Chuyện Tình Học Trò (Trần Hoan Trinh)
 
Em nghiêng nón qua cầu cho mưa ướt
Anh một mình đứng góc phố làm thơ (Trần Hoan Trinh)
***
Năm học ấy em bước chân vào lớp
Chào thầy xong đi vội vã đến bàn
Có người thấy cả hồn mình choáng ngợp
Như bất ngờ chìm đắm giữa hào quang.
Em e thẹn ngỡ ngàng nhìn xuống lớp
Mắt to đen và đôi má ửng hồng
Bàn tay ngọc vô tình đưa vuốt tóc
Gió bềnh bồng trên hai áng mi cong.
Em nhẹ nhàng mở cặp vở học sinh
Dáng ngây thơ và hồn nhiên đến lạ
Tà áo trắng khép đôi chân bé nhỏ
Vòng lưng thon mềm mại đẹp hiền hoà.
Buổi học chiều tiếng thầy giảng thiết tha
Lo mơ mộng có học hành chi được!
Cứ mãi mê nhìn em ngồi phía trước
Tóc dài đen xõa kín cả bờ vai.
Thầy gọi em lên bảng sửa bài
Bỗng cuống quít như tên mình thầy gọi
Theo từng chữ từng lời em nói
Phấn tay em mà tay ai lại run run.
Em quay lui có bắt gặp mắt ai không
Đang ngây dại ngắm nhìn em say đắm
Em mỉm cười rạng ngời ánh sáng
Đẹp vô cùng như một đoá quỳnh dung.
……Rồi si mê đến hết mùa đông
Cả mùa xuân và mùa hè năm ấy
Lòng ấp ủ một tình yêu bỏng cháy
Giữa trần gian như có một thiên đường.
Mùa thu sau em không trở lại trường
Cả mùa thu sau và mùa thu sau nữa
Để một người cứ mỏi mòn trông đợi
Cây phượng già bên cổng cũng bâng khuâng.
Em có bao giờ nhớ lớp xưa không?
Nhớ bạn nhớ thầy nhớ bàn nhớ ghế
Nhớ sớm mưa giăng nhớ chiều nắng xế
Nhớ sân trường áo lụa trắng bay bay.
Có bao giờ em nhớ tay trong tay
Chạy nhảy tung tăn nói cười ríu rít
Nhớ những bài thơ tình thắm thiết
Trên hành lang đứng viết tặng nhau?
….Và thế đó một mối tình đầu
Đành câm lặng theo thời gian khép kín
Nhưng xa cách dẫu đầu sông cuối biển
Tận đáy lòng họ vẫn nhớ đến nhau.
Mối tình học trò nào có chi đâu
Nhưng bất tử và muôn năm vẫn mới
Gặp một lần nhưng một đời chờ đợi!
Và vấn vương cho đến phút tàn hơi!
Mối tình học trò đẹp như ánh mặt trời!
 
Trần Hoan Trinh

Thơ: Cảm Tạ (Trần Hoan Trinh)

Cảm Tạ (Trần Hoan Trinh)

CamTa-A
 
Cám ơn bình minh vẫn lảnh lót tiếng chim
Dù đêm tối đã phong ba bão tố
Chim nhảy nhót chân chuyền cành tìm tổ
Tiếng oanh vàng cao vút tận trời xanh.
Cám ơn sông mãi mãi xanh trong
Muôn thuở lặng lờ soi bóng trăng
Một con thuyền tình neo bến mộng
Thoang thoảng trong sương tiếng nguyệt cầm.
Cám ơn đêm đã cho ngọn lửa hồng
Cháy bập bùng ấm áp mùa đông
Cho quê hương chẳng còn tăm tối
Cho trẻ thơ ngủ trọn giấc nồng.
Cám ơn đời có những bản tình ca
Ve vuốt cho lòng bao thiết tha
Thổn thức ngọt ngào bâng khuâng mơ mộng
Cho cả trăm năm bỗng đậm đà.
Cám ơn hoa nở ngát bốn mùa
Đem sắc đem hương tặng cho đời
Hồng đỏ cúc vàng lan huệ tím
Như một bức tranh đẹp tuyệt vời.
Cám ơn em! Cám ơn người!
Cho ta sống giữa trần gian thật đẹp
Trời rộng bao la cỏ cây xanh biếc
Am thanh đầy và ngan ngát hương hoa.
Cám ơn người! Cám ơn ta!
Đã sống hết một cuộc đời đáng sống
Trăng ngọc nắng hồng gió mây lồng lộng
Hương sắc nhiệm mầu và tình ái ngất ngây.
Em này em nghĩa nặng tình đầy.
 
Trần Hoan Trinh

Tưởng Nhớ Thầy Trần Đại Tăng – Phần 7/10 – Trần Hoan Trinh, thi sĩ của sân trường (Phan Thái Yên)

Trần Hoan Trinh, thi sĩ của sân trường (Phan Thái Yên)

THT-thisicuasantruong
“40 năm…
Một thời gian quá dài. Nhưng cũng quá ngắn. Bao nhiêu hạnh ngộ. Bao nhiêu chia ly. Bao nhiêu ân tình. Bao nhiêu kỷ niệm… Lớp này đến, rồi đi. Lớp khác đến, rồi cũng đi. Để lại mình tôi với sân trường lá rụng, với hành lang dài ngút mắt. Cây xà cừ giữa sân ngày nào lớp tôi cố vấn trồng còn bé khẳng khiu, bây giờ cao vút, cành lá tỏa sum sê, che rợp cả một khoảng trời. Che kín sân trường. Che kín cả lòng tôi..”
Ông thầy dạy toán Trần Đại Tăng, thi sĩ Trần Hoan Trinh, trong lời bạt cho tập thơ Tiếng Chim Ngoài Cửa Lớp xuất bản gần đây, đã bâng khuâng viết ra tiếng thở dài trên.
40 năm. Một đời thầy, một đời thơ. Một sân trường. Biết bao tháng năm huyền thoại, biết bao chiều một mình sân trường, biết bao chuyện dâu biển đá vàng… Bao lớp học trò đã đi về phía đất trời biển lớn từ cổng trường Phan Châu Trinh thân yêu – đứa thành đứa bại. Bao lần thầy đứng lại giữa sân trường bên bức tượng đồng câm nín, thương nhớ bầy chim đã vỗ cánh bay xa để rồi bơ phờ nghĩ về đời mình làm người quẩn quanh bục giảng, tóc phấn bay đầy.
 
Học trò ra đi đứa đông đứa tây
Đứa mơ bên kia đứa mộng bên này
Tôi một mình bơ vơ cửa lớp
Mái tóc một chiều bổng trắng như mây… (Một đời thầy, một đời thơ)
Các em đi, các em đi biền biệt
Chiều sân trường lá cứ rụng xôn xao
Nghe có bước chân ai về cuối lớp
Thầy ngẩng lên đợi một tiếng chào! (Chiều một mình sân trường)
 
Ngày nghỉ hưu đầu tiên, đầu tháng 3 năm 98, giữa Sài Gòn ồn ào náo nhiệt, người thầy thi sĩ “bỏ trường mà đi” đã vội thấy lòng mình buồn chan chứa.
“…Trời về đêm đổ mưa. Vào trốn mưa dưới vòm hiên một tòa cao ốc. Nhìn những cột mưa hối hả, xiên xiên dưới ánh đèn, nhớ lại một đêm xa, rất xa, giã từ thành phố này để “Đi Xuống Cuộc Đời“. Ờ! Cũng một đêm Sài Gòn mưa như thế này tôi đã lên chuyến tàu suốt Sài Gòn – Đà Nẵng đến Phan châu Trinh nhận việc! Mới đó mà đã 40 năm. Thấy thời gian xa lăn lắc mà sao như mới đâu đây. Tạnh mưa, bước từng bước nhỏ trên mặt đường loang loáng nước, nghe tâm hồn dịu lại, lặng đi. Con đường Lê Văn Duyệt (nay là CMT 8) dài vô cùng, đêm nay càng thấy dài vô tận. Khu Bàu Cát mờ mờ trong đêm, đèn không đủ sáng. Đưa tay vuốt mái tóc sũng nước, bước vội lên cầu thang chung cư, nghe lòng mình sao điêu tàn quá đổi ! …
 
Tảng sáng hôm sau, túi xách trên vai, trở về lại Đà Nẵng.
Đêm đó, một mình đến trường, lách vào cánh cổng khép hờ, đứng tựa người vào tượng cụ Phan, nhìn sân trường lá rụng, nghe sân trường lá rụng. Gió lao xao. Cây lao xao. Cảnh vật như chia sẻ nỗi lòng với tôi. Tôi nhìn quanh. Sân trường vắng ngắt. Hành lang vắng ngắt. Học trò lớp này lớp khác đến đây rồi ra đi biền biệt, mê mãi với những chân trời góc bể mù tăm! Tôi dạy thế hệ cha mẹ, rồi dạy đến thế hệ con cái của họ. Hai thế hệ. Bao nhiêu cuộc đời! Bốn mươi năm mê mãi! Còn lại mình tôi ở đây với một tâm hồn trĩu nặng ưu tư, tóc bạc trắng phau phau và nỗi nhớ nhung dằn vặt…”
 
Đứa bé suốt ngày nô đùa, hái trái, thả diều, trên những cánh đồng làng Dương Nổ lớn lên… Quãng đường hơn mười cây số từ quê nội Phú Vang lên Huế đi ngang qua Vỹ Dạ nắng chiều đọng áo tơ bay hình như chưa dài đủ chiều thơ cho cậu học trò mới lớn nửa học nửa mơ. Rồi gả thư sinh mơ mộng trở thành thầy. Ngôi trường bên sông Hàn, bên kia đèo Hải Vân vời vợi mây bay, mười lần xa hơn quãng đường từ quê lên Huế, đã trở thành định mệnh của một kiếp người. Nơi tàng trữ một đời thơ của người thầy làm thi sĩ.
 
Khi anh đến tuổi còn rất trẻ
Hồn như mây và lòng sáng như trăng
Ngôi trường đó đón anh về như mẹ
Đón con yêu ở lại với mình (Tháng năm huyền thoại)
 
Giữa bỡ ngỡ của ngày đầu đi dạy và cơn mưa đêm Sài Gòn trong ngày đầu nghỉ hưu là luyến lưu bốn mươi năm sân trường. Hàng cây xà cừ lớn dần theo năm tháng, thả bóng mát ân cần xuống sân cát xám rộn rã tiếng nói cười của học trò giờ tan học. Bâng khuâng cánh phượng buông sắc thắm qua từng mùa hạ, lả tả rơi trên bãi sân trường hanh hao nỗi nhớ, râm rang tiếng ve gọi sầu lên. Tiếng trống tựu trường vọng động tâm tư, lãng đãng trên hàng cây sao, làm rụt rè bước chân lũ học trò mới ngơ ngác sân trường.
 
Ngôi trường đó là trong anh nỗi nhớ
Là trong em cả tuổi trẻ thiên thần
Là của em mộng mơ và sách vở
Là của anh những giờ dạy thiên đường. (Một thời Phan Châu Trinh)
Nên trường đó là đời anh tất cả
Là tim gan máu thịt của mình
Mai anh về xin làm con chim nhỏ
Đậu mái trường cất tiếng hát bình minh. (Tháng năm huyền thoại)
 
Trên con dốc thời gian cuồng quay từng mùa gió chướng, người thầy đã ở lại với sân trường thân yêu suốt một đời mình để ân cần chuyện gạn đục khơi trong và để làm thơ. Trần Hoan Trinh – người thi sĩ của muôn đời sân trường bóng lá. Những bài thơ được làm từ cửa lớp, trên bục giảng, lúc đứng lại giữa sân trường. Thơ thầy làm đằm thắm thêm bàn ghế học trò bé bỏng, cho trang giấy mới xôn xao giòng lưu bút lúc hè sang.
 
Thầy ở đó như một loài cổ thụ
Nhánh khô gầy thương nhớ chồi xanh
Em một thuở làm học trò bé bỏng
Bàn ghế kia thầy cúi xuống dỗ dành. (Chiều một mình sân trường)
Một chút buồn vương đôi mắt biếc
Chợt run run trong lời giảng của thầy
Bàn ghế cũ bỗng vô cùng thân thiết
Tiếng trống tan trường nghe đậm chia tay. (Buổi học cuối)
Có lần thầy tâm sự. “Đời sống mình đã có nhiều lần do học trò tạo ra…”.
 
Trong bóng mát sân trường, qúy phẩm tình yêu đã thăng hoa thành duyên số. Cô học trò ngoan đạo, giữa bước giáo đường mắt sáng niềm tin, đã khiến hồn thơ lạc đạo bay bổng theo tiếng chuông ngân, xao xuyến nụ hôn tình dài đủ trăm năm.
Bỗng thấy lòng mơ ước trăm năm
Tình yêu nhau đẹp như trăng rằm
Em muôn đời là vầng nguyệt bạch
Là giọt sương trời long lanh, long lanh… (Tân hôn)
 
Học trò ra đi đứa đông đứa tây. Đứa mơ bên kia đứa mộng bên này… Thế mà dọc theo dòng sinh mệnh đời mình, bóng dáng học trò đã đến với thầy Trần Đại Tăng vào những lúc không ngờ nhất. Không ngờ để mãi bâng khuâng về sự bí nhiệm của số phận. Và để không bao giờ ngờ vực tình nghĩa thầy trò trong sáng, yêu thương, bền bỉ, chẳng chút đắn đo…
 
Và như thế đời thơ bốn mươi năm đã trọn vẹn cùng sân trường với tất cả hạnh phúc, khổ đau, hi vọng, thất vọng của một kiếp người. Điều còn lại chỉ là số phận, lơ đãng khóc cười.
Biết bao lần từ bên trong cửa lớp, thầy băn khoăn nhìn tâm hồn mình bay xa khỏi sân trường, nơi ẩn cư đầu tiên và cuối cùng cho một đời thơ. Cánh lòng phân vân đậu lại trên những cam nhận đau lòng vì gió chướng vẫn hung tàn thổi qua từng mùa đất nước, tả tơi cơn mộng cũ ngày xanh.
 
Lúc còn trẻ đã mơ người hảo hán
Trên rừng xanh dựng một chiến hào
Anh hùng đó cạn bầu máu nóng
Gặp nhau rồi quên mất chuyện chiêm bao. (Cúi đầu)
 
Như ông thầy toán quy củ điềm đạm, thi sĩ Trần Hoan Trinh làm thơ từ tốn mà sâu sắc. Kẻ sĩ thì không cần cường điệu. Những cơn mưa miền Nam đến đi vội vã vào buổi chiều hình như đã giúp thầy có chút vui dễ dãi làm gã Don Quichotte tàng tàng đi xích lô dạo phố Sài Gòn. Về nằm lại bên hoàng thành chờ bóng trăng suông, bàng hoàng nghe tiếng tri âm ân cần khúc trầm ca. Chiều nay có ai về miền thùy dương… Trăng hoàng thành khiến thầy bâng khuâng nhớ tới người xưa mệnh nước. Nỗi nhớ đeo đẳng theo thầy ra tận đất kinh đô. Còn biết nói chi hơn?… Một người thầy, một người thơ và quyền lực cuối cùng của suy tưởng. Đứng bên bờ sông Hồng mà nhớ về sông Hương, lòng phân vân nỗi bắc-nam-ấm-lạnh, hiu hắt hỏi lòng chút niềm riêng nguồn cội ngay giữa đất nghìn năm. Hà Nội bận bịu với phồn hoa nên người vẫn vàng con mắt vô vọng kiếm tìm. Em là ai? Có phải em là cô gái hát quan họ Bắc Ninh bỏ tiếng trống cơm ngày hội, bỏ lại trăng rằm cho bơ vơ quãng dốc, đi về phía phồn hoa để rồi thất lạc trong ánh đèn màu bên bến nước Hồ Tây? Ngày xưa có một Thúy Kiều. Bây giờ có vạn Thúy Kiều đó em! Tố Như ơi! Dậy mà xem. Bao nhiêu nước mắt ướt mèm Lâm Truy. Người thi sĩ không đủ nước mắt để khóc cho vừa cuộc bể dâu mới, tang thương dột nát từng thân phận con người.
 
Ta ở miền Nam nắng chói chang
Về thăm phương Bắc lạnh vô cùng
Tìm em bên nước Hồ Tây ấy
Chỉ thấy đèn hoa sáng chập chùng…
Thương vô cùng xứ Huế bình yên
Hoàng thành lặng lẽ ánh trăng buông
Thèm nghe một điệu Nam bình qúa
Để giữa Thăng Long nhớ cội nguồn. (Giữa Hà Nội phồn hoa nhớ Huế)
 
Đã có lần đứng bên cửa lớp mơ màng về ngày tháng cũ, lòng thầy chợt hoang mang cảm thấy bơ vơ trót làm người chôn chân ở lại, quanh quẩn sân trường. Rồi một chiều người thi sĩ lạc lối xuân thì, âm thầm soi bóng mái tóc mình trắng phau trong giòng suối thời gian đang cuộn chảy những tàn phai. Cơn mộng ngày xanh úa tàn theo niềm tin yêu đang héo rũ bởi tình nghĩa bọt bèo, lăn lóc xa vời câu muối mặn gừng cay.
Bạn bè đó cứ dần dần phiêu bạt
Tôi bơ vơ bên lớp cũ trường xưa
Mái tóc xanh trong một chiều bất chợt
Trắng phau phau để xóa hết xuân thì. (Cúi đầu)
 
Nỗi nhớ phủ sân trường… Trong ý thơ đầm đìa những cảm xúc một thời, những tha thiết một thuở thầy đã viết lên lời từ giã cho dù vẫn còn đó nỗi buồn vì tiếng trống tựu trường vẫn vang vọng không đành.
Mình về bỏ đó chiêm bao
Không còn bụi phấn bám vào tóc sương
Áo em bay trắng đêm buồn
Tiếc ngơ ngẩn một thiên đường đã xa. (Còn đó nỗi buồn)
Xin gởi chút buồn vào mắt ai
Mai em về nhặt lấy hương phai
Em có qua trường nhìn hàng cây cũ
Hãy kiếm trên sân bóng một người… (Lời từ giã)
 
Hiện nay vợ chồng thầy Trần Đại Tăng tuy sống ở Sài Gòn cho gần con trai đầu và cô con gái út, vẫn luôn tìm dịp về thăm Đà Nẵng. Người con trai thứ theo nghiệp thầy đang dạy Toán tại một trường trung học ở Đà Nẵng. Sau đây là hai bài thơ mới nhất của thi sĩ Trần Hoan Trinh.
 
Huyền Trân
 
Ta đứng lại trên đỉnh đèo Hải Vân
Gió lộng trời cao đồi núi chập chùng
Nhìn về phương Nam non xanh nước biếc
Đồng lúa chín vàng nắng trãi mênh mông.
Khi nàng qua đây rừng còn hoang sơ
Kiệu hoa dừng nơi ta đứng bây giờ
Rét buốt biên cương, mịt mù cố xứ
Có tủi phận mình thân gái bơ vơ?
Ô, Lý hai châu đổi tấm thân này
Nhan sắc khuynh thành cũng đáng giá thay
Vạn vạn hùng binh ầm ầm mở cõi
Sao bằng chén tình dâng vua đêm nay.
Ta nhớ Huyền Trân, ta thương Huyền Trân
Công Chúa An-nam, Hoàng Hậu Chiêm Thành
Vì nước quên tình, tri âm lỗi hẹn
Cung lạnh âm thầm bên một Chế Mân
Ta thương Huyền Trân, ta nhớ Huyền Trân
Chiều nay ngẩn ngơ bên Cổ viện Chàm
Tượng đá lạnh lùng như thế đó
Chắc nhớ vô cùng Trần Khắc Chung.
Lại Nhớ Kinh Kha
 
– Tặng Ái Đa
Bỗng ngồi mơ trở lại tiền thân
Ta Kinh Kha một thuở sang Tần
Nước lạnh tê tê bờ Dịch Thuỷ
Vai áo khinh cừu vai kiếm cung
Đốt cháy Hàm Dương! Giết Thuỷ Hoàng!
Giữa triều đình văn võ bá quan
Gươm đưa một nhát tan hồn phách
Dao ngắn vung tay khiếp bạo tàn!
Đầu đã rơi mắt vẫn trợn trừng
Râu hùm dựng ngược nộ hôn quân
Anh hùng thất thế còn uy vũ
Xô ngã ngai vua, đổ bệ rồng
Tráng sĩ một đi đâu hẹn về
Buồn chi tiếng trúc Cao Tiệm Ly ?
Chỉ tiếc ân tình bàn tay ngọc
Ta phụ em rồi! ơi Yên phi!
Thành bại anh hùng ai luận đây
Công danh đâu phải chí Kha này!
Thế cờ chưa mãn mà tan cuộc
Ta nợ nhau thôi một chén đầy!
 
Phan Thái Yên

Tưởng Nhớ Thầy Trần Đại Tăng – Phần 8/10 – Cùng Những Bài Thơ Tình Trong Lớp Học (Hà Khánh Quân)

Cùng Những Bài Thơ Tình Trong Lớp Học (Hà Khánh Quân)
nhungbaithotinh
Thú vị với cái tên đề mục “Tình Thơ Trong Cặp Thư Sinh”, bắt gặp trong tập Tình Xanh Mấy Nhánh của nhà thơ Lê Hân, tôi tìm đọc thêm những bài thơ tình viết cho học trò, viết trong tuổi học trò.  Gõ vào ô search của yahoo, của Google, tôi đến được rất nhiều trang thơ. Tôi cũng không quên mở những cánh cửa của những sân chơi, mang tên những ngôi trường danh tiếng một thời.
Thơ, văn, hình ảnh từ những trang kỷ niệm ấy, quả thật đã giúp tôi hồi xuân. Và cụ thể hơn, tôi đã biết và tìm đến cùng thi phẩm Bỏ Trường Mà Đi.
 
Trên thị trường chữ nghĩa, bạn đọc tại Việt Nam, hình như còn mặn nồng với thi ca. Tại hải ngoại, nghe đâu chuyện này rất bi đát. Có lẽ vì vậy, những tập thơ được in trong nước, không chịu tìm đường xuất cảnh. Thế nhưng Bỏ Trường Mà Đi, từ ngàn dặm xa, đã đến được với tôi trong vóc dáng lành lặn, hoàn hảo.
Cầm hai-trăm-năm-mươi trang thơ trên tay, chưa đọc, tôi đã thấy sung sướng. Lật qua lật lại, màu tím nhạt cùng hai bóng nón lá, áo dài, như kéo gần tôi lại với tháng ngày đã qua. Dù không vội vã khỏa lấp đi nỗi bồi hồi, tôi cũng lật từng trang.
 
Bỏ Trường Mà đi
thơ Trần Hoan Trinh
Trò Xưa thực hiện
 
Ba dòng trên mỗi dòng bốn chữ cũng bắt chợt thành thơ. Bạn không tin, mời đọc lại. Thơ hay không thơ nằm ngay trong lòng bạn. Với tôi, quả rất nồng nàn. Có chăng cảm nhận khởi từ một quen biết mơ hồ ?
Tác giả Trần Hoan Trinh, một tên gọi không lạ, dù tôi chưa được cái may mắn, tay bắt mặt mừng cùng anh một lần. Cần khai rõ và tin ngay, tác giả không là một học trò, mà là người chuyên đứng trên bục giảng. Bởi tôn trọng nội qui, tự đề ra khi viết bài, tôi đã vô phép gọi anh, thay vì gọi thầy hay ông cho phải phép. Thành thật xin lỗi.
 
Người thầy làm thơ này với tên căn cước: Trần Đại Tăng, một cái tên nghe rất giàu sức nặng. Nhưng vóc dáng xem ra cũng trung bình. Người tầm thước, không mập, không gầy, không giống Từ Hải, nhưng rất Kim Trọng. Anh được nảy mần từ đất kinh thành vua nhà Nguyễn, vào ngày 3 tháng 8 năm 1937, nhưng vào bén rễ, sinh sống trên lòng đất, quân Pháp bắn tiếng súng đích thực đầu tiên vào Việt Nam. Đây là bản lý lịch, anh quen tay, tự khai khá rõ:
 
“tôi lớn lên từ thằng bé con
cả ngày đi hoang trên những cánh đồng
hái trái, thả diều, bắn chim, bắt cá
đêm ngủ thấy mình cứ hóa tiên ông
tôi đổi thay làm đứa học trò
sách vở sớm chiều nửa học nửa mơ
lang thang phố phường tìm trăng đuổi bướm
để một đêm buồn bỗng ngồi làm thơ
rồi một ngày tôi trở thành thầy
đứng trước bảng đen, tóc phấn bay đầy
ngôi trường bình yên bên con sông nhỏ
giữa tiếng giảng bài nhiều khi ngất ngây…” (Một đời thầy, một đời thơ, trang 44)
 
Thật tuyệt vời, thật đồng dạng với nhiều “nam nhi chi chí” một thời. Bắn chim. thả diều, bắt cá… tuổi ấu thơ của những thằng bé con Việt Nam sao mà đẹp thế. Và cái tuổi nhỏ của nhà thơ sao na ná… hư, giống tôi. Vừa học lại vừa mơ chả trách gì lớn lên phải làm thơ… tán gái. Có chút khác chăng là ở chỗ, tôi cũng có một thời gian ngắn, đứng trên bục giảng, nhưng chỉ tìm thấy ngất ngư chớ không được ngất ngây. Có lẽ vì vậy, tôi bỏ nghề gõ đầu trẻ khá sớm. Nghiệm ra rằng, thiên chức cao quí này, không phải ai cũng hoàn thành và hoàn thành tốt một cách hoàn hảo. Trần Đại Tăng, ông thầy dạy toán trường Phan Châu Trinh, lừng danh một thời ở Đà Nẵng, trong một phút say thơ, đã thố lộ:
 
“cái bảng đen trước mặt
viên phấn nằm trên bàn
ngoài sân em xõa tóc
trên trời mây lang thang.
này các em các em
hàm số ấy đồng biến
con chim gì trên cây
tiếng ca, trời xao xuyến.
đoạn thẳng này thẳng góc
còn đoạn kia đoạn xiên
chiều qua người yêu khóc
mình nằm buồn cả đêm.
vòng tròn, ờ, vòng tròn
tròn như đôi mắt em
tròn như đôi mắt em
tròn như tình yêu em.
những đường cong đan nhau
những đường cong khép kín
kín như vòng tay anh
ôm trọn vòng lưng em …” (Dạy Toán, trang 32)
 
À ra thế. Đại số, hình học đâu có gì khô khan, đâu có gì mực thước. Vừa giảng bài vừa nhớ người yêu. Biết đâu người yêu ngồi ngay trước mặt. Biết đâu người yêu “ … đến lớp không thuộc bài/ bị điểm không trong sổ/ nước mắt cứ chảy dài”. Biết đâu người yêu “… sách vở lem luốt mực/ bài làm được gì đâu/ thường lặng thinh cắn bút”; biết đâu người yêu “… áo quần luôn xốc xếch/ thầy thương em trẻ con/ hay vò đầu vuốt tóc…”. (Ngày Xưa Ngày Nay, 58).
 
Từ tình thầy trò, bước qua tình yêu nam nữ, đâu có gì cách trở chia ngăn. Ranh giới đạo đức đông phương được tháo gỡ dễ dàng, nếu có chân tình. Đức tính này, có sẵn trong trái tim con người dạy toán biết làm thơ, Trần Đại Tăng. Bởi biết làm thơ, nên anh không thể không lãng mạn, vẩn vơ trước hình ảnh:
 
“… em cắn bút bâng quơ
tóc nghiêng bờ vai nhỏ
tiếng chim như hững hờ
mơn man làn môi đỏ.
trời bỗng dưng se lạnh
áo mỏng chừng phong phanh
tiếng chim theo chiếc lá
vừa nuối tiếc xa cành…” (Tiếng Chim Ngoài Cửa Lớp)
“cô học trò nho nhỏ
sáng đi học một mình
chân tung tăng đường cỏ
lòng rộn ràng tiếng chim.
cô học trò nho nhỏ
có má lúm đồng tiền
mơ màng bên cửa lớp
xinh như một nàng tiên.
cô học trò nho nhỏ
đôi mắt đẹp buồn buồn
môi như hoa hồng đỏ
trông sao mà dễ thương.
cô học trò nho nhỏ
mái tóc xõa dài dài
thả bay theo trời gió
cho sân trường liêu trai.
cô học trò nho nhỏ
chiều qua phố một mình
thương ai mà giận dỗi
cứ làm hoài mặt nghiêm…” (Cô Học Trò Nhỏ)
 
Cũng bởi biết làm thơ, nên tiếp tục không thể không trưng dụng cái lợi khí tay trái của mình, anh nhờ vần điệu tỏ tình:
“cô học trò nhỏ ơi
thơ tôi không đủ lời
em là vầng trăng tỏ
giữa mênh mông cuộc đời” (Cô Học Trò Nhỏ)
 
Lời tỏ tình kín đáo, nhưng đầy đủ, khôn khéo quá. Chính nhờ cái bóng gió của thơ, gói nửa kín, nửa hở lòng chân thật, nên cuối cùng đã góp thêm một ngày tuyệt vời vào kho tình nhân loại:
“…em nhớ nhiều
thầy có biết không
một hôm thấy thầy lang thang trên sân
em lên bàn thầy em tìm trong cặp
đọc bài thơ tình thầy mới viết xong
bài thơ tình đưa em vào đời
biết giận biết buồn từ đó thầy ơi
hết còn là cô học trò tinh nghịch
em lớn lên thành thiếu nữ mất rồi…” (Huyền Thoại, 29)
 
Cảm ơn những cô học trò đa tình, rộng lòng. Bằng những ánh mắt, những nụ cười hay đến cả những cái háy, cái nguýt, cái trề môi… cũng là những gợi mở cho các chàng si tình. Những cuộc tình học trò, kể cả những dấu yêu giữa thầy và trò, xưa nay vẫn là những cuộc tình đẹp. Nhà thơ Trần Hoan Trinh, có lẽ đã thi vị hóa những gì ông sở hữu, để gởi đến chúng ta bài thơ Chuyện Tình Học Trò:
 
“năm học ấy em bước chân vào lớp
chào thầy xong đi vội vã đến bàn
có người thấy cả hồn mình choáng ngợp
như bất ngờ chìm đắm giữa hào quang.
em e thẹn ngỡ ngàng nhìn xuống lớp
mắt to đen và đôi má ửng hồng
bàn tay ngọc vô tình đưa vuốt tóc
gió bềnh bồng trên hai áng mi cong.
em nhẹ nhàng mở cặp vở học sinh
dáng thơ ngây và hồn nhiên đến lạ
tà áo trắng khép đôi chân bé nhỏ
vòng lưng thon mềm mại đẹp hiền hòa.
buổi học chiều tiếng thầy giảng thiết tha
lơ mơ mộng có học hành chi được
cứ mải mê nhìn em ngồi phía trước
tóc dài đen xõa kín cả bờ vai.
thầy gọi em lên bảng sửa bài
bỗng cuống quít như tên mình thầy gọi
theo từng chữ từng lời em nói
phấn tay em mà tay ai lại run run.
ai quay lui có bắt gặp mắt ai không
đang ngây dại ngắm nhìn em say đắm
em mỉm cười rạng ngời ánh sáng
đẹp vô cùng như một đóa phù dung.
rồi si mê đến hết cả mùa đông
cả mùa xuân và mùa hè năm ấy
lòng ấp ủ một tình yêu bỏng cháy
giữa trần gian như có một thiên đường.
mùa thu sau em không trở lại trường
cả mùa thu sau mùa thu sau nữa
để một người cứ mỏi mòn chờ đợi
cây phượng dài bên cổng cũng bâng khuâng.
em có bao giờ nhớ lớp xưa không ?
nhớ bạn nhớ thầy nhớ bàn nhớ ghế
nhớ sớm mưa giăng, nhớ chiều nắng xế
nhớ sân trường áo lụa trắng bay bay.
có bao giờ em nhớ tay trong tay
chạy nhảy tung tăng, nói cười rối rít
nhớ những bài thơ tình thắm thiết
trên hành lang đứng viết tặng nhau.
và thế đó một mối tình đầu
đành câm lặng theo thời gian khép kín
nhưng xa cách dẫu đầu sông cuối biển
tận đáy lòng họ vẫn nhớ nhau.
mối tình học trò nào có gì đâu
nhưng bất tử và muôn năm vẫn mới
gặp một lần nhưng một đời chờ đợi
và vấn vương cho đến phút tàn hơi
mối tình học trò đẹp như ánh mặt trời. (trang 16)
 
Cô học trò trong bài thơ là ai ?, tôi không còn nhớ. Nhưng cái cậu chợt giật mình tưởng như bị thầy gọi tên, và run vì những bụi phấn tay người, quả đúng là… tôi. Cũng đúng là bạn nữa, những cậu choai choai một thời trung học. Nhà thơ Trần Hoan Trinh chắc hẳn đã từng bước qua giai đoạn này, nên giải bày y như thật. Làm sao không thật được chứ, khi những rung động, những phút bất thần ‘yêu em là một tình cờ’ bao giờ cũng giống nhau.
 
“…bằng bước nai con, hồn bướm rừng
gặp mình tôi bỗng thấy mùa xuân
mình qua tôi cúi đầu không nói
để nhớ len vào buồn mênh mông” (Thỏ Thẻ)
 
Một người giàu thơ như Trần Hoan Trinh, đương nhiên phải dành cho người mình yêu, những cánh hoa tình thắm tươi nhất. Thật tình, nếu không có bài viết của Trò Xưa Phan Thu Hà, (một nhan sắc của Đà Nẵng ngày nào), đóng góp ở những trang cuối, tôi cũng không biết bài Phương Thơ đã có mặt từ lâu, và được dành tặng riêng em gái một người bạn cũ của tôi, anh Lê Thái Giá. Bóng hồng trong thơ cũng chính là nàng thơ, nàng tiên, của Trần Hoan Trinh. Trò Xưa Phan Thu Hà kể chuyện phát hiện ra nhân tình của ông thầy rất dí dỏm, gọn nhẹ:
 
“… Mùa thu hôm nay mây trắng bay mù
trong suối mắt mùa thu rất tím
xin để tôi về kết hương kỷ niệm
nhớ thương suông cho đến thuở bạc đầu. (Tạ Từ)
 
“… Từ ai đã cho nguồn cảm xúc diệu vợi khiến ông thầy toán của chúng ta ‘biến đổi được những định lý, định đề’ thành những vần thơ trên ?
Nhớ Đà Nẵng xưa, một ngày đầu thu, buổi mai trời chớm lạnh, lớp đệ nhị A gặp thầy và cô học trò hiền hiền của lớp trong hai chiếc áo laine mỏng, cùng kiểu và cùng một màu xanh lá cây nhạt, cho chúng tôi mường tượng đoán Phương Thơ của thầy từ đây:
Phương !
duyên tình diễm ảo
nét đoan trang băng trinh nếp áo
chim yêu trên khoé mắt thơ ngây.
Phương
đợi em đã lâu
dáng bồ liễu thanh thanh
vẻ trầm tư kín đáo
nét hoa cười tha thiết đượm trên môi” (Phương Thơ)
 
Đó chính là hình ảnh “nàng thơ” của thầy hay là Quý Phẩm của ”Một Thời Phan Châu Trinh….”
 
Quí phẩm ở đây là một Quý Phẩm có da thịt, có linh hồn. Còn những bài Thỏ Thẻ, Nao Nao, Tóc Thả Xuống Thành Thơ, v.v… hy vọng cũng khởi đi từ một dáng thanh xuân trong thơ Trần Hoan Trinh.
Trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, một ngôi trường có tầm vóc của miền Trung, nói riêng, của cả nước, nói chung. Dưới cái thanh thế lộng lẫy, uy nghi của một nhà cách mạng dân tộc, trường Phan Châu Trinh đã đào tạo được nhiều thế hệ thành đạt, hữu dụng cho tổ quốc. Tuyệt vời hơn nữa, từ vuông sân trường này những cuộc tình đẹp, nở hoa kết trái. Đã có rất nhiều cặp Thanh Thảo – Trương Duy Hy, Lê Qúy Phan Phẩm – Trần Đại Tăng… Dĩ nhiên cũng không thiếu những ngậm ngùi, chua xót đủ để cho đời một số nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ. Tôi rất thèm trích dẫn ra đây một số thơ văn tiêu biểu. Nhưng lại thôi, để xin lạc đề, cung kính cảm ơn thầy hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc, dưới bút hiệu Hoàng Nguyễn, đã tỏ lòng thương nhớ và ghi nhận sự trưởng thành của nhiều thế hệ học sinh Phan Châu Trinh, qua bài tâm tình cùng Những Người Bạn Trẻ (chắc quý bạn đã được đọc từ tạp chí Thế Kỷ 21)
 
Tôi đã lướt qua một số thơ tình lứa đôi trong Bỏ Trường Mà Đi, nhưng những cụm hoa đó, theo tôi, không phải là giá trị duy nhất, đích thực của tập thơ Trần Hoan Trinh. Tình cảm một đời với phấn trắng, bảng đen mới chính là chân dung của thi phẩm này.
 
“ta đến khi tóc xanh
ta về khi tóc bạc
này, mai trên trường xưa
có một người thiếu mặt.
ta đến hồn như trăng
ta về lòng như suối
cây sao già trên sân
ngươi thua ta một tuổi.
bước đi trên hành lang
bước đi trong lớp học
cộng lại bằng con đường
nối vòng quanh trái đất.
ta đã nói triệu lời
ta đã viết triệu câu
bóng hình ta khắp nơi
từng góc tường đóng bụi.
ta lặng lẽ âm thầm
bốn mươi năm cửa lớp
còn gì cho ta đây
những ngày dài cỏ mục ?
tiễn ta về hôm nay
hàng cây xanh cúi mặt
gốc phượng hồng ngẩn ngơ
học trò thì đâu mất.
ơi tượng đồng lặng câm
người vô tri vô giác
sao hiểu được lòng ta
như sóng triều dào dạt.
ơi phấn trắng bảng đen
thôi cũng đành vĩnh biệt
rồi năm tháng cuối đời
chắc nhớ người tha thiết.
mai có ai khóc ta
khi về thăm trường cũ
cứ nhìn mây lưng trời
lắng tai nghe gió thổ.
ta đến khi tóc xanh
ta về tóc đã bạc
đóa hồng nào cho ta
sao đóa hồng tím ngắt” (Bỏ Trường Mà Đi)
 
Tâm sự man man buồn của cuộc chia tay này, không nhuốm vẻ đau đớn, nhưng xót xa vô hạn. Ta đến khi tóc xanh, ta về khi tóc bạc, rồi lặp lại ta về tóc đã bạc, một xác định, một nhìn nhận chua xót đến não lòng. Ở đây còn cho thấy cái hoa tay đặt câu, dùng chữ của tác giả. Một đời người dài được mấy lần bốn mươi ? Nỗi tiếc nuối rõ ràng lấp ló đâu đó, trong cái nghi ngại, ta thán. Làm sao có thể không hồi tưởng tuổi thanh xuân lặng lẽ vụt qua. Ngày tiếp ngày, không nhận dạng được bước chuyển động của thời gian, nhưng rồi cái đến đã đến. Không tự hào mà là một lần soi thấy mình trung trực: ta đến hồn như trăng, ta về lòng như suối. Đến đi vẫn luôn luôn trong sáng, nhẹ nhàng. Những chút gì còn đọng lại khắp nơi, ngay trên những giọt bụi ? Dù có được thăng hoa vẫn không thể xóa ngậm ngùi. Hàng cây, gốc phượng, phấn trắng bảng đen, rõ ràng đã dùng tấm lòng để thay bàn tay vẫy. Có cúi mặt, có ngẩn ngơ, có lặng câm… thơ đều nhìn rõ hết. Cảm ơn những chân tình. Người ra đi, đang lắng tai nghe lại những mẩu vụn kỷ niệm, qua tiếng thơ sâu thẳm của chính mình. Cả một đời dạy học dài bốn mươi năm, một lượng thời gian tưởng chừng đã đủ đi vòng quanh trái đất bước đi trên hành lang/ bước đi trong lớp học/ cộng lại bằng con đường/ nối vòng quanh trái đất , nhưng rõ ràng trong phút giây đó, người thơ không đi qua khỏi những buồn phiền trong lần chia tay vĩnh viễn. Bốn câu thơ giản dị, nhưng thật đẹp trong một liên tưởng tạo hình ảnh rất thơ.
 
Với mười đoạn ngũ ngôn, người thầy giáo bỏ cuộc chơi, đã dàn trải đủ và hết lòng mình. Thú thật, lâu nay tôi đọc thơ Trần Hoan Trinh không được kỹ. Cũng may vẫn còn đủ thời giờ đọc lại và gặp được những thú vị như hôm nay. Có một nhận xét, theo chủ quan của tôi: Trong đoạn 7, nếu tác giả hướng cảm xúc và suy nghĩ qua một chiều khác, có thể, với riêng tôi, sẽ thoải mái hơn. Bởi vì tượng đồng ở đây, tuy thực chất vốn vô tư trung trực như tác giả viết, nhưng là hình tượng của một nhân vật cách mạng, đang là biểu tượng cho ngôi trường. Tại sao chúng ta không tưởng tượng, để nhìn thấy linh hồn của bức tượng. Linh hồn đó lại biết ngậm ngùi, cảm thông với những lời an ủi vô âm. Hồn thơ của đoạn này chắc sẽ giàu hơn, đậm đà hơn.
 
Trần Đại Tăng đã thật sự chia tay với nghiệp giáo chức. Nhưng Trần Hoan Trinh vẫn tiếp tục ở lại với mái trường. (“… người ra đi nhưng lòng còn ở lại/ nên thơ tôi cứ mãi mãi ngậm ngùi…”. ) Một mái trường suốt đời làm thầy, anh gắn bó chung thủy, “ôi ngôi trường thân yêu/ cả một đời ở đó” nhưng “vẫn còn thấy chưa nhiều/ vẫn còn nghe mới lạ” bởi vì ngôi trường đó “… là hơi thở/ đã nuôi sống tình anh”.
 
Cũng từ mái trường đó, Trần Hoan Trinh cùng bạn đồng nghiệp, cùng đám học trò qua nhiều niên khóa khác nhau, dựng nên được “một thời Phan Châu Trinh” lấp lánh những kỷ niệm: “… anh chợt thấy sáng nay trong nắng lạ/ cả một thời vang bóng Phan Châu Trinh qua” với một Trần Đình Quân (nhạc sĩ) xanh xao ủ rũ, với “những khuôn mặt ghen hoa thẹn nguyệt/ Thu Liên, Thu Hà, Qúy Phẩm, Bích Quân” cùng những tên gọi thân tình: Tâm Nguyên (tiếng hát học trò), Trần Ngọc Châu, Nguyễn Đình Nghĩa, Liên Phượng (Nguyễn Thị), Duy Nhân (Phan Chánh Dinh), Luân Hoán (Lê Ngọc Châu), Hà Nguyên Thạch (Nguyễn Văn Đồng), Phan Nhật Nam, Lệ Hằng, Nguyễn Bá Trạc…
 
Cái hạnh phúc của Trần Đại Tăng, cái hãnh diện của Trần Hoan Trinh, nằm ở chỗ, môn đồ của anh thương yêu anh. Những người không trực tiếp được anh giảng dạy cũng một mực kính quí. Tình cảm này một phần do lễ giáo, một phần từ cái thực tài lẫn đạo đức. Anh lãng mạn nhưng nghiêm túc, đứng đắn. Anh mơ mộng, nhưng yêu nghề, tròn bổn phận làm thầy. Hai cánh tay, hai nghiệp dĩ như luôn luôn tương trợ nhau. Nhờ vậy, ngòi bút Trần Hoan Trinh thật sung sức, gieo trồng trên cánh đồng văn học, những nụ thơ thời học trò, hơn hẳn những người làm thơ khác. Khởi đầu tập thơ là Chiều Một Mình Sân Trường, dẫn theo những Tháng Năm Huyền Thoại, Chuyện Tình Học Trò, Xin Chào, Thưa Thầy Còn Nhớ Con Không, Tóc Trắng Sân Trường, Bỏ Trường Mà Đi, Cho Em Một Cành Phượng Đỏ, Huyền Thoại, Dạy Toán, Lời Buồn Bên Lớp Học Chiều, Chiều Đi Qua Trường, Một Đời Thầy Một Đời Thơ, Một Chiều Về Thăm Trường Cũ, Tấm Bảng Đen, Thoáng Buồn, Hoa Phượng, Ngày Xưa Ngày Nay, Có Một Ngôi Trường Có Một Tình Yêu, Học Toán, Tiếng Chim Ngoài Cửa Lớp, Nói Gì Với Em, Điểm Không Điểm Mười, Cúi Đầu, Bài Thơ Học Trò, Lang Thang Cửa Lớp Sân Trường, Con Ong Làm Tổ, Được Tin Người Bạn Chết Trên Bục Giàng, Cô Học Trò Nhỏ, Bỏ Lớp Mà Đi, Chiều Trên Sân Trường, Bài Ca Bẻ Phấn, Một Lần Đi, Thơ Viết Bên Cửa Lớp Trường Tư, Buổi Học Cuối, Một Thời Phan Châu Trinh… Chỉ đọc những tựa bài nêu trên, những ai đã từng có những tháng năm với sách đèn, chắc đều tưởng như gặp lại một chút gì đó thân thương của riêng mình.
 
Bỏ Trường Mà Đi, không chỉ qui tụ những bài thơ đậm đà hương bút mực, mà còn rất phong phú trong nhiều nội dung khác. Những suy tư về cuộc đời, về thân phận cũng được tác giả diễn đạt dưới một phong thái giản dị, không cầu kỳ. Dòng thơ như một mạch nước, có lúc êm đềm, có lúc gợn lên những thao thức nhẹ nhàng, sâu lắng. Sẽ rất là vu vơ mơ hồ, nếu không trích dẫn đôi bài tiêu biểu:
 
“Xin khép lại một trang đời mộng ảo
vẫy tay chào năm tháng đã đi qua
mai anh về như con chim trốn bão
đứng co mình nhớ biển rộng trời xa”. (Bài Du Ca Cuối Cùng)
“mình về bỏ đó chiêm bao
không còn bụi phấn bám vào tóc sương
áo em bay trắng đêm buồn
tiếc ngơ ngẩn một thiên đường đã xa”. (Còn Đó Nỗi Buồn)
“… ta một đời tỳ khâu
đi lang thang khất thực
sao trên từng bước đau
Tâm vẫn không tỉnh Thức…”. (Giọt Thiền)
“…anh là du tử
đứng trên phố buồn
nghe lòng như sóng
trôi vào hoàng hôn…”. (có 1 con đường bên 1 dòng sông)
 
Bỏ Trường Mà Đi không phải là tác phẩm đầu tay của ông thầy dạy toán đa tình. Anh đã có khai trong Tự Khúc : “ta đến hai tay không/ ta về hai tay trắng/ chẳng có gì mang theo/ ngoài chút tình nghĩa nặng…”. Nhưng, hình như trong gói hành lý, anh đến với trung học Phan Châu Trinh, còn có tập thơ đầu tay, Tôi Khóc Em Cười. Nghiệp thơ của anh, có thể khởi đi từ đất thần kinh, nhưng chắc chắn vững mạnh nhờ khí hậu thơ Đà Nẵng, Quảng Nam. Hẳn thế, nên Trần Hoan Trinh còn có thi phẩm “Tóc Trắng Sân Trường” trước khi “Bỏ Trường Mà Đi”.
 
Điểm sau cùng, tôi không thể bỏ qua. Đó là những đóng góp tình nghĩa, bằng các bài viết, của những khuôn mặt được gọi là Trò Xưa. Từ một Phan Nhật Nam nổi tiếng với nhiều tác phẩm văn học, đến những tay viết ngọt ngào và chín chắn như trò xưa Phan Thủy, trò xưa Phan Thu Hà, trò xưa Nguyễn Hữu Viện, trò xưa Lê Thị Thanh Sơn, trò xưa Phan Thái Yên Thy… Bài thay lời tựa tuy hai chữ trò xưa không kèm theo một quí danh nào. Nhưng qua vóc dáng chữ nghĩa có thể đoán được người viết bài, đi lại đã nhiều trong lãnh vực cầm bút. N ?. T?… dù là ai, cái tình bày tỏ kia mới đáng quí.
 
Cảm ơn thầy Trần Đại Tăng, cảm ơn nhà thơ Trần Hoan Trinh, cảm ơn đôi mắt trên đoạn đường Đống Đa, cảm ơn Nguyễn Hữu Viện, Thu Hà, Phan Thủy, Yên Thy, Thanh Sơn, Phan Nhật Nam…
Tôi thật tình thèm viết hai chữ “trò xưa” phía trước tên mình, để kết thúc những dòng ba hoa. Nhưng thật mắc cở, bởi thực chất, tôi chỉ được “xưa” có một nửa. Thầy và các bạn hiểu ra rồi đó.
Hà Khánh Quân

Tưởng Nhớ Thầy Trần Đại Tăng – Phần 9/10 – Một chút tro tàn của Đá Vàng (Dương Uyển Châu)

Một chút tro tàn của Đá Vàng (Dương Uyển Châu)

motchuttrptancuadavang
Đọc thơ: “Đêm qua trường cũ đã bị đập bỏ” của Trần Hoan Trinh
 
Bài thơ:
Tim tưởng chừng như muốn hóa băng
Khi nhìn trường cũ chỉ trơ sân
Hành lang, lớp học san bằng cả
Lạnh lẽo phơi mình dưới ánh trăng!
Chết điếng lòng đi theo nỗi buồn
Ta nằm trên nền cát đẫm sương
Nghe từ lòng đất từng hơi thở
Của học trò xưa thuở mến thương!
Có tiếng thì thầm của thiên thu
Trong từng hơi gió động âm u
Nghe chừng hoa cỏ đang trăn trở
Tiếc một tình yêu đã mịt mù!
Từ cõi u minh xót nát tan
Hồn ai sống dậy dưới trăng tàn
Nhặt từng viên sỏi mong tìm kiếm
Một chút tro than của đá vàng!
Vẫn biết thế gian vốn đổi thay
Nhưng sao lòng thấy quá đắng cay
Ai ngờ lại phải tang thương vậy
Bạc bẽo, vong ơn đến thế này!
Trường cũ trò xưa mất hết rồi
Còn ta với nỗi nhớ khôn vơi
Đêm nay có kẻ ngồi ôm mặt
Dưới gốc sao già để lệ rơi!
 
Có người gọi thơ Trần Hoan Trinh là thơ tình bên cửa lớp, đấy là một ẩn dụ rất thi vị, bao quát được nhiều đề tài, chủ đề, cung bậc cảm xúc của nhà thơ. Với tôi, tôi lại thích gọi Trần Hoan Trinh là nhà thơ học đường hơn. Sở dĩ tôi gọi như thế vì Trần Hoan Trinh là một người thầy làm thơ, cái tôi trữ tình trong thơ có sự gài lồng giữa người sư phạm và người thơ. Trần Hoan Trinh là nhà thơ học đường, bởi cảm xúc chủ đạo chảy dọc chiều dài 50 năm thơ của nhà thơ là những gì yêu thương diễn ra dưới một mái trường. Và tôi nghĩ chỉ có thể gọi như thế mới chạm đến, mới làm sống dậy điệu hồn của thơ tác giả. Nhất khi tôi được tiếp xúc với bài thơ “Đêm đi qua trường cũ bị đập bỏ” – một bài thơ nghi ngút nỗi hoài tiếc về một mái trường – thì niềm xác tín về tên gọi ấy càng mạnh mẽ hơn.
 
Trong toàn bộ sáng tác của nhà thơ, cảm xúc về mái trường có vẻ đậm sâu hơn cả. Hồn thơ của nhà thơ luôn đi về trong không gian thân thuộc nhất: học đường. Ở đấy nhà thơ yêu thương và được yêu thương bởi những đồng nghiệp và học trò của mình. Ngay cả với cây sao ở sân trường ấy cũng trở thành tri kỉ của nhà thơ. Tình cảm đó đã chuyển hóa thành thơ, thành tiếng nói trữ tình trong thơ. Cho nên, đọc thơ Trần Hoan Trinh, tôi cho đấy không chỉ là chuyện câu chữ mà là tâm tình, tình yêu, đạo đức, nhân cách của một người thầy chân chính trong thơ và ngoài đời. Đấy là người thầy mà suốt đời chỉ gắn bó với một mái trường trong suốt 40 năm – trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng.
 
“Ta đến khi tóc xanh
ta về khi tóc bạc …
(…)
Ta đến hồn như trăng
Ta về lòng như suối.
Cây sao già trên sân
Người thua ta một tuổi. (Bỏ trường mà đi).
 
Không những thế, người thầy ấy đã một lần chọn lựa để mãi mãi say với phấn trắng bảng đen. Phấn trắng bảng đen do đó mà đã trở thành sự sống, trở thành tâm hồn của nhà thơ – người thầy:
“Nghề nghiệp ấy đã một lần lựa chọn
Chỉ một lần xin trọn kiếp đắm say. (Cúi đầu)
 
Thơ cũng vì thế mà phập phồng hơi thở tình nghĩa, và là khúc hát ân tình với trường cũ trò xưa:
 
“Ta đến hai tay không
Ta về hai tay trắng
Chẳng có gì mang theo
Ngoài chút tình nghĩa nặng ……
Ta một đời chôn chân
Sân trường và lớp học
Như một gã tình si
Quên cả ngày tóc bạc. (Tự khúc)
 
Thơ nén đọng mà ngân vang tình cảm của một người yêu ngôi trường mình giảng dạy, yêu học trò mình, trân quý đồng nghiệp mình trong suốt hành trình đời và hành trình thơ. Hiểu như thế mới thấy bài thơ “Đêm qua trường cũ bị đập bỏ” là một sự nối mạch tự nhiên của tâm tình nhà thơ. Dẫu rằng giọng điệu thơ có đảo cung, nghịch phách thì vẫn là một tình cảm xuất phát từ “hồn như trăng” và “lòng như suối” của nhà thơ mà thôi. Bài thơ là sự òa vỡ cảm xúc chân thành của một hồn thơ hẫng hụt trước một thực tại tan vỡ, bị xô đẩy bởi kỷ niệm đong đầy trong suốt 40 năm mà trào dâng thành thơ, thành niềm đau mang màu sắc thế sự.
 
Đọc bài thơ, người đọc không khỏi ngạc nhiên trước nhan đề của nó. “Đêm đi qua trường cũ bị đập bỏ” có gì là thơ? Đấy chỉ là một nhan đề đậm màu tự sự, giọng điệu hững hờ, thậm chí có vẻ trung tính về sắc thái biểu cảm nữa. Điều này chẳng có gì phải bàn. Nhưng nếu đặt nó vào trong chỉnh thể bài thơ mới thấy, nhan đề có sự đọng lắng một niềm riêng giấu kín, hay đấy là một sự trá hình của tâm trạng xót xa. Tại sao vậy? Thì cứ nhìn vào thời gian nghệ thuật và hành động thơ trong nhan đề là rõ. “Đêm” khuất lấp tất cả, vậy mà trong con mắt nhà thơ tất cả hiển hiện. “Đi qua” dù là một hành động của sự tình cờ hay ý thức thì cũng chỉ là thoáng chốc gặp và thấy, không thể để lại một ấn tượng nào; vậy mà trong tâm hồn nhà thơ bao nhiêu màu sắc tâm trạng cứ quấy đão đến xốn xang. Đêm lại thấy rõ hơn ngày. Cái thấy kia không được soi tỏ bởi ánh mặt trời mà bằng ánh sáng của tình cảm yêu thương. Vả lại, sao lại không qua trường cũ dưới ánh ngày? Hình như con người tri kỷ với mái trường kia sợ thực tại, sợ gạch đá ngổn ngang nơi trường cũ bị đập bỏ ấy cứa cắt lòng mình!
 
Chỉ nhan đề đã gợi lên biết bao xúc cảm tâm tình. Và tâm tình ấy đẩy ta đến với bài thơ mà não lòng cùng tác giả. Không não lòng sao được khi bài thơ đưa ta vào một không gian âm lạnh: “…Trường cũ trơ chỉ sân – Hành lang, lớp học san bằng cả – Lạnh lẽo phơi mình dưới ánh trăng”. Trăng vốn đẹp, có sức hút hồn người, vậy mà bây giờ trăng đem ánh sáng lạnh lẽo mà tưới tẩm lên cả tạo vật, khiến tạo vật vô hồn như đang run lên, “run như run thần tử thấy long nhan”. Thực ra, trăng nào có tội tình gì, mà chỉ do tình đau nên thơ đau thế thôi. Chỉ với hai khổ đầu ta đã cảm nhận được tình điệu, cái nhìn trữ tình này. Cái nhìn ngôi trường cũ bị đập bỏ đâu từ con mắt vật lí mà bằng con mắt tâm lí, đó là con mắt của một trái “Tim tưởng chừng như muốn hóa băng”, của một cõi tình “Chết điếng lòng đi theo nỗi buồn”. Hai khổ thơ mở đầu bằng hai hình ảnh tưởng như có sự tắc nghẽn hơi thở của một tâm hồn đông cứng và tái tê trước một hiện thực phũ phàng. Nhưng hồn thơ ấy vẫn cố động cựa để tìm lại chút âm xưa. Từ “nhìn trường cũ” đến “nằm trên cát đẫm sương” để được:
Nghe từ lòng đất từng hơi thở

Của học trò xưa thuở mến thương!
Những động từ ngoại động “nhìn, nằm, nghe” như ghi lại những hoạt động hướng ngoại của hồn thơ thiết tha, mong tìm lại cái “thuở mến thương”, để ở đấy như được sống với “từng hơi thở” “của học trò xưa” vọng lên từ “lòng đất” sân trường mến yêu. Ý da diết nên thơ cũng nghẹn ngào. Thơ nghẹn ngào nên nhạc thơ không thể hài hòa thanh điệu. Hai câu thơ:
Chết điếng lòng đi theo nỗi buồn
Ta nằm trên nền cát đẫm sương
 
hoàn toàn phá vỡ luật bằng trắc, quy luật hài hòa thanh điệu của thơ bảy tiếng. Hai câu thơ vì thế mà khúc mắc trong giọng điệu nên diễn tả trọn vẹn sự tức nghẹn trong tâm hồn của nhà thơ. Đọc những dòng thơ này, tôi bỗng nhớ đến những tâm tình mà nhà thơ phổ vào trong bài “Chiều đi qua trường”. Bài thơ là nỗi nhớ học trò xưa, đúng hơn là tấm lòng yêu thương của học trò không phôi pha theo năm tháng của người thầy:
 
Chiều đi qua trường xưa
Gọi tên từng học trò
Như gọi từng nỗi nhớ
Như gọi từng ước mơ.
 
Và đối với người thầy thi sĩ này, học trò thậm chí như là một phương thuốc “hồi sinh” nữa
– Thưa thầy còn nhớ con không ?
Chiều nay em như cơn mưa giông
Tưới mát tâm hồn thầy nứt nẻ
Người học trò rất xa thuở trẻ.
Gặp hôm nay bỗng thấy rất gần
Lòng thầy già như được hồi sinh. (Thưa thầy còn nhớ con không)
 
Hiểu như thế mới đồng cảm với nhà thơ khi “Nghe từ lòng đất từng hơi thở – Của học trò xưa thuở mến thương!”.
Nếu hai khổ đầu là tâm trạng trước thực tại đổ vỡ thì khổ 3 và 4 tâm hồn nhà thơ như đắm chìm vào cõi mơ, thậm chí cõi “u minh” nữa để xót xa kiếm tìm những gì yêu thương xưa cũ sau đổ vỡ đó, bây giờ đã tan chìm vào qúa vãng không một vang bóng, một âm hao nào. Tâm hồn nhà thơ như náu vào trong tạo vật vũ trụ, nương theo sự sống mơ hồ của chúng mà tim kiếm kỷ niệm của một thuở phấn trắng bảng đen:
– Có tiếng thì thầm của thiên thu
Trong từng hơi gió động âm u
Nghe chừng hoa cỏ đang trăn trở
Tiếc một tình yêu đã mịt mù.
 
Nhưng nào có gì đâu, tất cả chỉ là hư vọng, tất cả đang trỗi lên một nỗi niềm: “Tiếc một tình yêu đã mịt mù”. Cái hay của khổ thơ là giọng thơ như vọng về xa xăm, không gian thơ như mờ mịt, cái tôi trữ tình như từ cõi mơ, cõi thinh không mà buông ra tiếng thở dài thõng thượt qua các từ láy cùng trường nghĩa: “Thì thầm, âm u, mịt mù”. Không chỉ cùng cỏ hoa trăn trở, nhà thơ như “hồn ai” từ cõi u minh mà xa xót cho sự nát tan đang phơi mình dưới ánh trăng tàn. Chủ thể trữ tình đã có sự hóa thân từ “ta” thành “hồn ai” đang đau đớn nhặt từng hòn sỏi trên sân trường, mong tìm lại “một chút tro than của đá vàng!”. Đọc câu thơ này tôi như rơi vào trạng thái băn khoăn, nên cảm hay phân tích? Có lẽ chỉ cảm thôi, sợ phân tích sẽ làm bay biến mất “tro than của đá vàng” tình nghĩa của một người thầy đối với mái trường. Và như thế sẽ vô tình làm “chết điếng lòng” nhà thơ hơn!
Từ cõi “u minh” hay u tình, ở khổ 5 và 6, nhà thơ quay về với thực tại, lắng nghe lí lẽ lên tiếng:
Vẫn biết thế gian vốn đổi thay
 
Câu thơ rất tỉnh, nhưng tỉnh để rồi đau. Là một người thầy dạy toán làm thơ, cái tư duy luận lí nói lên cái quy luật biến thường, vận động và phát triển của cuộc đời. Cuộc sống luôn hành trình về phía trước, trong quá trình phát triển của nó, cái cũ sẽ được thay thế bằng cái mới là một tất yếu. Vẫn biết trường cũ đã có trường mới thay thế, nhưng lí trí không thắng nổi tình cảm, nên thơ thành đối lập giữa lí và tình: “Nhưng sao lòng thấy quá đắng cay”. Từ chiêm nghiệm, tâm hồn nhà thơ lại đối diện với sự thật “tang thương”:
Trường cũ trò xưa mất hết rồi

Còn ta với nỗi nhớ khôn nguôi
Đêm nay có kẻ ngồi ôm mặt
Dưới gốc sao già để lệ rơi!
 
Những khổ thơ trên là sự kiếm tìm, nhưng tìm mà chẳng bao giờ gặp, nên khổ thơ này nhà thơ rơi vào trạng thái cô đơn. Mà thói thường, khi cô đơn, người ta luôn nghĩ, chỉ có mình tắm đẫm trong nỗi buồn, chỉ có mình là quay quắt nhớ về trường xưa, nhớ về đồng nghiệp và học trò một thuở đã góp phần tô điểm cho trang đời của mình:
 
Trần Đình Quân dáng xanh xao ủ rũ
Vẫn ngậm ngùi thương tiếng hát Giang Châu
Nguyễn Ngọc Thanh bước đi luân vũ
Vào lớp rồi khói thuốc còn bay.
(…)
Đêm văn nghệ đèn sáng trưng hội trường
Tiếng hát Tâm Nguyên buồn thật buồn
Kinh Kha hề! Trần Ngọc Châu múa kiếm
Cẩm Lai yêu kiều vũ Đám cưới đầu xuân. (Một Thời Phan Châu Trinh)
 
Có lẽ đó cũng là tâm lí của nhà thơ Trần Hoan Trinh. Chúng ta không thể trách nhà thơ được. Nỗi buồn cũng là một phẩm chất nhân văn của con người, nó làm nên tính người, tính nhân loại mà. Chúng ta cùng đồng cảm với nhà thơ để “dưới gốc sao già để lệ rơi” mà không cảm giác lẻ loi, để nhà thơ thấy đời vẫn thơ như “Buổi học cuối”:
 
Buổi học cuối mơ thấy mình hóa bướm
Bay lang thang hôn từng cụm hoa vàng.
để “Lòng thầy già như được hồi sinh”.
 
“Đêm đi qua trường cũ bị đập bỏ” là một bài thơ tạo được sự đồng điệu với người đọc. Qua sự đồng điệu đó nói lên một chân lí nghệ thuật: thơ hay không chỉ ở nghệ thuật tân kì mà ở chỗ, nhà thơ thật sự xúc cảm, biết diễn tả sự rung động chân thành của mình một cách chân thực bằng ngôn từ giản dị và trong sáng.
 
“Đêm đi qua trường cũ bị đập bỏ” là bài thơ thật sự làm người đọc xúc động vì đã nói lên một quy luật tình cảm, khi sự vật hiện tượng đã một đời gắn bó với ta, nó không còn là sự vật nữa mà là máu thịt tâm hồn, một phần sự sống của mình, thậm chí chuyển hóa thành đời sống tâm linh của mình. Phải chăng chính tư tưởng và tình cảm ấy đã tạo nên tín ngưỡng tâm linh của người Việt.
 
Hiểu như thế mới cảm thông với Trần Hoan Trinh, nhà thơ học đường, 40 năm gắn bó ân tình với một mái trường, nên làm sao tránh khỏi:
 
Đêm nay có kẻ ngồi ôm mặt
Dưới gốc sao già để lệ rơi.
khi trường xưa không còn là một thực thể mà đã trở thành quá vãng mịt mù.
 
Dương Uyển Châu

Tưởng Nhớ Thầy Trần Đại Tăng – Phần 10/10 – Thầy Tôi, Thi Sĩ Trần Hoan Trinh (Nguyễn Phụng)

Thầy Tôi, Thi Sĩ Trần Hoan Trinh (Nguyễn Phụng)
 
Thay-Toi-thisi TranHoanTrinh
Giáo Sư Nguyễn Phụng, Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh (1955-1961), thuộc thế hệ học sinh “con nhà nghèo học giỏi” của Phan Châu Trinh Đà Nẵng khi trường dời từ Trường Nam Tiểu Học (nơi nhà đèn) về cơ sở mới Đường Lê Lợi (1954). Thế hệ học sinh cả lớp ban toán đậu tú tài 100%; đứng đầu các lớp Đệ Nhất Ban B của Quốc Học Huế, cũng chiếm ngôi vị thủ khoa các Trường Cao Đẳng ở Sài Gòn. Sinh Viên Nguyễn Phụng đã là một điển hình cụ thể. Nhưng không chỉ thế, bài viết sau đây về Thầy Trần Đại Tăng là những chữ nghĩa cảm động của Tình Thầy-Trò mà sáu-mươi năm sau (1955-2015) vẫn nguyên vẹn bất biến. Bởi Giáo Sư Phụng viết về Thầy Tăng, Thi Sĩ Trần Hoan Trinh với một tâm hồn một người đọc thơ. Với tấm lòng của học trò – Học Trò Phan Châu Trinh đối với Người Thầy — Thầy Tôi. BBT-Hội AHCHSPCT ĐN.
 
***
Tôi học ban toán; năm đệ tam và đệ nhị tôi học toán với thầy Trần Đại Tăng. Rất tiếc là tôi chỉ được học hai năm với thầy vì trường Phan Châu Trinh lúc đó chưa có lớp đệ nhất; tôi phải khăn gói lên đường ra Huế làm người học trò xứ Quảng ra thi…
 
Lớp toán vui và hay. Thầy Tăng rất trẻ, hiền lành, thong thả nhưng không trễ nãi; giọng ấm nhưng không quá trầm nên dễ nghe; lời giảng ngắn gọn, ít lặp đi lặp lại; chữ viết trên bảng thẳng đứng, quả quyết với nhiều nét nhấn mạnh nhưng vòng tròn và đường biểu diễn hàm số bậc hai bậc ba thầy vẽ rất tròn và mềm mại, thẩm mỹ. Tôi thích lớp thầy, hớn hở và bình an với con đường tương lai mở rộng ra trước mặt. Tôi kính mến thầy.
 
Sự kính mến của tôi bỗng một hôm thay đổi và trở nên đậm đà hơn; đó là hôm tôi đọc bài thơ của thầy trong giờ ra chơi. Vài lần tôi nghe bạn bè nói thầy Tăng làm thơ nhưng mãi đến lúc đó mới thật sự đến với thơ của thầy. Hơn năm mươi năm rồi tôi không còn nhớ bài thơ, nhưng ngay từ giờ phút ban đầu, tôi đã nhận ra đó là bài thơ hay. Ý thơ quen thuộc – sân trường và tà áo mấy cô học trò tung bay – lời thơ tự nhiên, chuyên chở nhiều cảm xúc và đầy nhạc tính. Trong ý nghĩ của tôi, thầy Tăng, thi sĩ Trần Hoan Trinh (*), không phải là thi sĩ tình cờ, kiểu “yêu em anh trở thành thi sĩ” hay thi sĩ suốt đời chỉ viết được độc nhất một bài thơ, bài thơ của cả cuộc đời.
Mấy bạn tôi chắc cũng có cùng cảm mến như tôi, nhưng sự cảm mến của tôi khác biệt, tôi tin như vậy, vì tôi hay nghĩ ngợi về thơ. Tôi không biết làm thơ và ao ước ngày nào đó viết được vài bài thơ hay ho. Vì ước mơ đó nên tôi chép thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương… và thuộc lòng nhiều đoạn trong Truyện Kiều. Hồi đó, tôi cho rằng thi sĩ là người “rất oai”. Thật là lạ lùng; nhưng may quá, sau này, Nguyễn Bá Trạc, học hơn tôi một lớp, viết đâu đó trong Ngọn Cỏ Bồng rằng thi sĩ thường mặc áo veston và thắt cà vạt, oai ghê; chắc Trạc cũng nghĩ như tôi; cảm ơn anh.
 
Và vài lần tôi nghĩ rằng người biết làm thơ là người may mắn trong đời vì vài thiếu thốn trong cuộc sống có thể bù đắp bằng thơ; may mắn vì qua bài thơ sáng tác họ thấy đời vui tươi hơn; may mắn vì qua bài thơ họ trút bớt đi những bâng khuâng, buồn phiền, mệt mỏi trong cuộc sống. Tôi mường tượng ra rằng ai đó viết được bài thơ vừa ý sẽ thấy mùa hè rộn ràng hơn và hoa phượng tươi thắm hơn; và ai đó khi chuyển những cảm xúc thành những vần điệu ý vị, sẽ vơi đi được vài nỗi buồn trong cuộc sống.
 
Một lần, trên đường đi học về trên đường Thống Nhất ngang qua đường Nguyễn Thị Giang tôi chợt nhớ đến thiên tình sử của anh hùng Nguyễn Thái Học và liệt nữ Nguyễn Thị Giang do Ba tôi kể. Thương tiếc tràn ngập trong lòng, tôi liên tưởng đến mối tình lý tưởng mang màu sắc cách mạng của đôi chiến hữu Trần Quang Ngọc và Nhị Nương bên cạnh mối tình thơ mộng và bi đát của Phạm Thái và Trương Quỳnh Như trong truyện Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng. Tôi bước đi thẫn thờ và hát nhỏ nhỏ “Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó”, câu hát mà tôi biết khi học nhạc tại nhà thầy Hoàng Bích Sơn. Phải chi tôi biết làm thơ để viết hết ra sự kính phục và tiếc thương của tôi đối với họ.
 
Một lần khác, khi Nguyễn Văn Nam – học trước tôi một lớp, cùng lớp với Phan Nhật Nam và là một võ sĩ quyền Anh cừ khôi của trường Võ Bị Đà Lạt – tử trận. Nam ra đi để lại thương tiếc cho gia đình và bạn bè. Kỷ niệm những ngày cùng Nam đi đến trường, cùng bước qua Cầu Vồng, sân vận động Chi Lăng, mã Tây… chập chờn trong giấc ngủ; phải chi tôi làm được một bài thơ để vơi đi thương nhớ; tôi như một người câm với bao nhiêu phiền muộn trong lòng nhưng chỉ biết ú ớ vì không thể nói nên lời. Tôi dài dòng về thơ và ước vọng về thơ để các bạn hiểu sự cảm mến của tôi đối với thầy Tăng, thi sĩ Trần Hoan Trinh. Sự cảm mến đó không chỉ đơn thuần do sự thông cảm giữa độc giả và tác giả mà là một liên hệ tình cảm sâu đậm, với nhiều kỷ niệm và qua nhiều năm tháng.
 
Hết trung học, tôi học trường Quốc Gia Hành Chánh. Một trong những vị giáo sư của trường mà tôi kính mến là giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Giáo sư rất tư cách, thông thái và giảng dạy rất hay. Sự kính mến đó thêm màu sắc mới từ ngày tôi biết giáo sư là thi sĩ Đằng Phương, tác giả tập thơ Hồn Việt với bài thơ nổi tiếng mà tôi đã thuộc lòng từ nhỏ:
 
Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông,
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.
Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một dải san hà gấm vóc.
Họ là kẻ không nề đường hiểm hóc,
Không ngại xa, hăng hái vượt trùng sơn
Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn
Cuộc Nam Tiến mở giang sơn lớn rộng.
Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giầy của những kẻ xâm lăng,
Đã xông vào khói lửa, quyết liều thân
Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc,
……
(Đằng Phương, Anh Hùng Vô Danh)
Tôi ngâm khẽ bài thơ Anh Hùng Vô Danh vài lần, nghĩ đến những bài học thuộc lòng thời tiểu học, bài Nhớ Rừng của Thế Lữ và bài Làng Tôi (tức là bài Quê Hương) của Tế Hanh và mấy bài trong tập Những Vần Thơ Trong Sáng của Trần Trung Sơn; tôi nhớ những ngày ấu thơ và những ngày vui trong lớp toán thầy Tăng. Thơ giáo sư Huy là những bài hùng ca yêu nước; thơ thầy Tăng là mấy bức phác họa sân trường và lớp học.
Một chiều, trong khi chờ đợi để đón nàng sinh viên văn khoa Sài Gòn – người đem lại an vui cho gia đình và chia xẻ buồn vui với tôi hơn bốn mươi năm qua – tôi tình cờ nói chuyện với một người trai trẻ cũng đang đợi chờ như tôi và được biết rằng giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, khoa trưởng Văn Khoa, là một thi sĩ tài ba, thi sĩ Trần Hồng Châu. Tại trường Hành Chánh tôi đã nghe nói rằng vị giáo sư văn chương này là một luật gia thượng thặng với nhiều bằng cấp luật học tại Pháp. Giáo sư Hoạch đi về hướng phía chúng tôi rồi rẽ vào lớp học; người bạn đọc cho tôi nghe mấy đoạn thơ của giáo sư. Lòng tôi rộn ràng với sự cảm mến dù tôi chỉ mới nhìn thấy giáo sư và nghe được chưa quá vài chục câu thơ. Tôi đón người yêu văn khoa. Khi yêu, người ta yêu cả đường đi lối về, nhưng tôi chắc đó không phải là lý do của sự quý mến, dù chỉ rất nhẹ nhàng, của tôi đối với giáo sư Hoạch, một thi sĩ. Đêm đó tôi nghĩ đến giáo sư Huy, giáo sư Hoạch và thầy Tăng.
 
Một lần khác, đọc mấy bài thơ của Vũ Hoàng Chương tôi sực nhớ ra thi sĩ này đậu tú tài toán, học lớp toán đại cương tại đại học Hà Nội, dạy toán tại nhiều tỉnh miền Bắc rồi khắp Sài Gòn. Tôi nghĩ đến lớp toán của thi sĩ nổi danh này, lớp toán của thầy Tăng, và một buổi học toán với thầy Tăng mà tôi rất thích thú và nhớ hoài. Hôm đó thầy Tăng giảng về lô-ga-rít thập phân và lô-ga-rít thiên nhiên. Lô-ga-rít thập phân lấy số 10 làm căn bản, điều đó dễ hiểu vì chúng ta có 10 ngón tay và 10 ngón chân. Lô-ga-rít thiên nhiên nhưng không “thiên nhiên” chút nào hết, vì căn bản của lô- ga-rít này là số e, số này gần bằng 2.718182, chỉ gần bằng thôi vì có vô số số lẻ. Cả lớp ngẩn ngơ. Thầy Tăng giảng rằng cũng như số pi – con số dùng để tính chu vi và diện tích vòng tròn – số e có hằng hà số lẻ. Viết từ đầu hàng, số lẻ của số e vẫn không ngừng lại cuối hàng; viết từ đầu trang, số lẻ của số e vẫn tràn ra ngoài trang giấy; ai đó ngồi đếm số lẻ của số e, cũng như đếm sao trên trời, mãn đời vẫn chưa đếm xong; và mọi cố gắng nhằm tính chính xác số e vẫn chỉ là một ước mơ của những bộ óc siêu việt hay của cả nhân loại.
Cũng như số pi, số e dù nhỏ bé nhưng chứa đựng trong nó sự vô tận, bao la… và sự vô tận đó khó nắm bắt được trong thế giới vật chất hữu hạn hằng ngày quanh chúng ta. Nhiều người quen thuộc với số pi hơn số e; những người này chỉ cần dùng một chút suy xét để vẽ một một vòng nho nhỏ trên một trang giấy học trò nhưng phải đưa trí tưởng tượng ra xa, thật xa, xa đến khi nó mờ nhạt và chơi vơi, để thấy số pi và sự bí ẩn của nó ẩn hiện trong chu vi vòng tròn. Đó là lý trí và tưởng tượng… Một em bé lên mười có thể vẽ được một vòng tròn dễ dàng nhưng một người trưởng thành và thông minh xuất chúng vẫn không thể vẽ được một hình vuông mà diện tích bằng diện tích vòng tròn vì số pi vô tận, không ai nắm bắt được nó để vẽ cạnh hình vuông. Đó là khả năng và giới hạn của chúng ta, đó là thân phận con người… Thầy giảng hay quá.
Một cô học trò, không biết trong lớp nào, cũng một lần nghĩ như tôi:
Thầy giảng Toán sao hay lạ thường
Ngọt ngào như đọc bài thơ Đường
Em ngồi em ngủ quên đi mất
Nghe gió lao xao động cuối trường. (Ngủ Quên, Trần Hoan Trinh)
 
Trong lớp tôi ngày đó lời giảng của thầy Tăng không ngọt ngào như một bài thơ Đường (có lẽ vì tôi không ngủ mơ màng như cô học trò này) nhưng rất trau chuốt, với ý tứ và hình ảnh nối tiếp nhau của một bài thơ tự do ý vị; và rất có thể đó là bài thơ cụ thể duyên dáng với mấy hình vẽ vuông tròn trên bảng rất đẹp. Ngày đó, tôi chỉ cảm nhận lời giảng của thầy Tăng mà không hiểu hết. Giờ đây, bao nhiêu năm vì cơm áo phải chuyện trò với các con số để chúng nói lên vài điều gì hay đưa chúng qua cửa ngỏ của vài công thức hay phương trình để có một đồ biểu hay mô hình gọn gàng, ý nghĩa – tương tự như cô gái đưa tơ vào khung để dệt tấm lụa vàng óng ánh – tôi mới hiểu dần ra ý nghĩa sâu xa của bài thơ tự do đó.
 
Toán tự nó là thơ của lý luận, pure mathematics is, in its way, the poetry of logical ideas, như Albert Einstein đã nói. Cũng như lời thơ hay, lý luận toán là những lời súc tích nhất, ngắn gọn nhất và sắp xếp theo một thứ tự tuyệt hảo nhất. Cũng như thơ, lý luận toán dùng nhiều biểu tượng để chuyên chở ý nghĩa. Hình ảnh con hổ dưới ánh trăng tàn hay bức tượng đồng trầm tư trong thơ tương tự với số pi và e trong toán, nuôi dưỡng trí tưởng tượng, nói lên rất nhiều điều sâu xa huyền bí, mang ý nghĩa vượt thoát hình thù của chúng. Và cũng như vẻ đẹp trong thơ, các phương trình, công thức, dãy số… mang một vẻ đẹp đặc biệt, tạo thành bởi sự đối xứng, cân xứng, hay nhịp nhàng của các thành phần.
 
Tôi vẫn thường nghĩ, mỗi tuần vài lần, thầy Tăng làm thơ trên bảng đen với các dãy số và phương trình để chúng tôi khôn lớn trong luận lý và tưởng tượng, sự hữu hạn và sự vô cùng; và trong những phút thầm lặng, khi tay không còn dính và mái tóc không còn vướng đầy bụi phấn, thầy làm thơ riêng cho thầy, cho học trò. Tôi cảm ơn thầy; tôi thích cả hai thể loại thơ đó, hai thể loại thơ bằng hai thứ ngôn ngữ, hai thứ ngôn ngữ khác mà không biệt nơi thầy Tăng, thầy Tăng dạy toán, thầy Tăng thi sĩ.
* * *
Tôi thích đọc thơ và khi đọc tôi hay đồng hóa mình với tác giả trong khung cảnh của bài thơ. Tôi vẫn thường nghĩ rằng một bài thơ, dù viết cho người bạn tâm giao kế cận bên mình hay người yêu muôn trùng xa cách, vẫn là bài thơ viết cho người gần gũi nhất, tác giả, hay con người thơ của tác giả. Bài thơ là tiếng nói, tiếng cười, lời ca hay lời than thở của tác giả cho ai đó đón nghe, nhưng âm thanh của bài thơ đó vang vọng trước tiên trong tâm tư tác giả rồi mới lan truyền ra xa. Đóng vai tác giả để ngâm nga bài thơ tôi mong bắt gặp rung cảm tác giả muốn gởi đến người đọc và nhất là niềm hạnh phúc của tác giả khi chuyển rung cảm đó thành lời thơ. Đó là thứ hạnh phúc tôi thường ao ước nhưng không được trời ban cho nên mãi tìm kiếm.
 
Đọc thơ lối đó là một thói quen khó bỏ, không biết đó là một lối thưởng ngoạn đáng khuyến khích hay là một tật xấu nên tránh xa. Dù sao, với thói quen đó tôi đến gần một số bài thơ mà trước kia tôi chỉ đọc qua loa; nhưng riêng với thơ của thầy Tăng, thói quen đó là một trở ngại lớn. Trong tâm trí tôi, thầy Tăng là người trai trẻ, tài hoa, quá xa cách tôi, một người học trò hay đắn đo và thầm lặng. Khoảng cách giữa tôi và thầy không phải chỉ vài chục bước từ dãy bàn cuối lớp đến bục giảng bài mà là một không gian bao la. Tôi khá tự tin và hiểu rằng hoàn cảnh hiện tại rồi sẽ thay đổi theo thời gian nhưng vẫn không tìm thấy thú vui bình thường khi đọc thơ thầy như khi đọc thơ của của những tên học trò tôi quen biết. Tôi dễ dàng đồng hóa với Lê Ngọc Châu (thi sĩ Luân Hoán), Phan Chánh Dinh (thi sĩ Phan Duy Nhân) hay Hồ Cư. Khi Luân Hoán Lê Ngọc Châu yêu thương một mái tóc tung bay bên bờ sông Hàn hay nhớ nhung một nhan sắc Phan Châu Trinh, tôi thấy tôi và Châu đang ngồi trên ghế đá để gió sông mát rợi lùa trên da thịt hay đang đứng tựa gốc cây phượng nhìn tà áo người đẹp tung bay kiêu sa trong sân trường hay trên đường Lê Lợi. Đó là những giây phút sung sướng, sung sướng vượt thoát; những giây phút tôi nói rất nhiều nhưng chẳng biết nói gì và nói cho ai nghe.
 
Tôi rất thích lời tâm tình của thầy Tăng:
Năm học ấy em bước chân vào lớp
Chào thầy xong đi vội vã đến bàn
Có người thấy cả hồn mình choáng ngợp
Như bất ngờ chìm đắm giữa hào quang
Em e thẹn ngỡ ngàng nhìn xuống lớp
Mắt to đen và đôi má ửng hồng
Bàn tay ngọc vô tình đưa vuốt tóc
Gió bềnh bồng trên hai áng mi cong.
………
Buổi học chiều tiếng thầy giảng thiết tha
Lơ mơ mộng có học hành chi được
Cứ mải mê nhìn em ngồi phía trước
Tóc dài đen xõa kín cả bờ vai
……..
(Chuyện Tình Học Trò, Trần Hoan Trinh)
 
Cô học trò xinh quá, tôi nhìn thấy cô rõ ràng, mắt to đen, má ửng hồng, hàng mi cong và tóc dài xõa kín bờ vai, nhưng tôi không thể mường tượng ra người học trò tên Tăng đang choáng ngợp vì bàn tay ngà ngọc đưa lên vuốt tóc. Dù nhiều năm sau này, cố tìm người học trò si tình vì cú sét đánh, tôi chỉ thấy thầy Tăng nghiêm trang trên bục giảng bài. Đó là lý do tôi không nghiền ngẫm thơ thầy nhiều như thơ của nhiều tác giả tôi thích khác. Đó là một điều mâu thuẫn trong tôi; dù sao cũng là một kỷ niệm đáng nhớ, một lời tâm tình muộn màng với thầy.
Bù lại, những bài thơ mà người lên tiếng không phải là thầy Tăng mà là các học trò của thầy, nhất là mấy cô học trò dễ thương, tôi ngâm nga không biết bao nhiều lần:
 
Cứ học Toán hoài điên cả đầu!
Thầy ơi! Em dốt toán từ lâu
Sao thầy cứ gọi em lên bảng
Con gái mấy người yêu toán đâu!? (Ghét Toán, Trần Hoan Trinh)
 
Chẳng bao nhiêu người trong đám học trò tự thú nhận là mình không giỏi văn chương hay ngoại ngữ nhưng rất người nhiều người không ngại ngùng khai ra rằng mình dốt toán. Dốt toán không phải là một yếu kém hay một điều đáng trách mà là một sự việc rất thời trang. Dốt toán vì thế là một nét dễ thương, thùy mị, lã lơi… nơi người con gái vì toán là cái gì khô khan, cứng rắn, trơ trọi, không màu sắc, gỗ đá, không tình cảm. Lời trần tình của cô học trò vì vậy rất giản dị, tự nhiên, đi thẳng vào tâm tư người đọc trước khi người đọc nắm bắt trọn ý nghĩa của bài thơ.
Thầy ra bài toán để kiểm tra
Bứt đầu bứt tóc mãi không ra!
Thôi mình nắn nót làm thơ vậy
Thầy thích thơ tình chắc chẳng la! (Kiểm Tra, Trần Hoan Trinh)
 
Làm toán không ra, cô học trò cắn bút, bứt tóc; và dù bứt bao nhiêu sợi tóc, đáp số của bài toán vẫn còn trốn phương nào; cô học trò thôi đành làm thơ. Làm thơ để quên đi những ấm ức trong lòng là chuyện bình thường. Chuyện không bình thường là cô học trò tin rằng nhờ mấy câu thơ đó cô sẽ không bị thầy la. Quả là một ước mơ ngây thơ, xa vời như mây khói; nhưng ước mơ đó là một ý thơ mới lạ, được dùng rất khéo, đúng chỗ, không gượng ép. Thầy không la rầy nhưng gõ đầu cô học trò dốt toán:
Đầu em thờ mẹ thờ cha
Thờ tiên thờ tổ thờ bà thờ ông
Toán sai thầy gõ “cong cong”
Lỡ rồi em xỉu ai bồng em đây?! (Làm Nũng, Trần Hoan Trinh)
 
Thay vì nhận lỗi vì làm bài toán không xong nên bị gõ đầu, cô học trò lại đe dọa ông thầy, “Lỡ rồi em xỉu ai bồng em đây?!” Cô cứ xỉu đi; vị thầy trai trẻ nào dám bồng bế cô học trò giữa lớp học?
Bài thơ đầy hình ảnh và khám phá bất ngờ, truyền đạt dễ dàng cảm xúc của tác giả đến người đọc. Cảm xúc của tác giả là một thứ hạnh phúc lâng lâng, một thứ hạnh phúc thăng hoa từ ước mơ thầm kín, hạnh phúc trong ngôn từ vang vọng trong tâm tư tác giả. Người đọc dễ nhận ra rằng cô học trò dốt toán này thật dễ thương, nhí nhảnh, quả là một nàng thơ. Và trong trí nhớ của đám học trò của thầy, nàng thơ này phải là người học trò nhan sắc, chia xẻ buồn vui thế sự với thầy trong suốt bao nhiêu năm qua cho đến hôm nay.
* * *
Trong một góc bàn viết, tôi để Truyện Kiều, vài tác phẩm của mấy tác giả Quảng Nam, mấy ký sự chiến trường của Phan Nhật Nam, thơ của Bùi Giáng, Luân Hoán và thầy Tăng. Mỗi khi cần quên đi công việc cơm áo hàng ngày, tôi với lấy một vài thứ trong góc đó để đọc và nghĩ ngợi bâng quơ. Từ cái góc bàn đó, tôi đọc Truyện Kiều để nhớ Ba tôi bói Kiều cho hàng xóm mỗi lần Tết đến; tôi đọc Luân Hoán để tìm lại sông Hàn, sông Thu, Cửa Đại và nhiều nơi tôi đã đi qua; tôi đọc Phan Nhật Nam để thấy sự đảm lược và hy sinh cao cả của người lính chiến Miền Nam mà biết bao nhiêu kẻ mù lòa hay cận thị không nhìn ra; tôi đọc Trần Hoan Trinh để tìm về Phan Châu Trinh ngày nào:
 
Em một thuở quần xanh áo trắng
Leo cổng trường trốn học đi rông
Bên cửa lớp mơ đất trời biển lớn
và trong tim nở thắm một môi hoang. (Chiều Một Mình Sân Trường, Trần Hoan Trinh)
 
Và:
 
Đến cuối năm thi lấy Tú Tài
Đứa cười toe toét đứa thở dài
Đứa khăn gói thênh thang Đại học
Đứa lọt quân trường tập một hai. (Một Thời Bè Bạn, Trần Hoan Trinh)
 
Cái góc bàn vô danh đó bỗng nhiên có một cái tên – cái tên mà tôi chỉ thầm nghĩ đến nhưng chưa một lần gọi thành lời – từ ngày tôi tình cờ mua được một bộ sách tại một tiệm bán sách cũ đại hạ giá. Bộ sách quá cũ, nhiều trang mục rã, bốc mùi ẩm mốc khó chịu dù tôi đã phơi nắng nhiều lần nhưng cái nhan đề vẫn còn đậm nét và rất thơ – À la Recherche du Temps Perdu (Tìm Lại Thời Gian đã Mất). Marcel Proust, tác giả của tác phẩm đó, tìm lại quãng thời gian đã mất qua bộ trường thiên tiểu thuyết; tôi người tị nạn, mất quê hương, nhớ nhà, nhớ bạn bè, cố tìm lại quá khứ trong cái góc trên bàn viết.
 
Một sự trùng hợp tình cờ là từ ngày cái góc bàn có cái tên gọi, tôi chán nản và bi quan bội phần vì tương lai đất nước quá đen tối… Tôi đọc thơ chỉ để nhờ ai đó nói lên giúp tôi nỗi buồn da diết vì quê hương mất đi tiếng nói tình người, cả đất nước chẳng mấy ai nói lên lời chân thật, và lũ học trò học lường gạt khi còn ấu thơ… Nhưng mỗi lần cầm thơ của thầy, tôi chỉ nhắm mắt mơ màng nghĩ đến mấy công thức và hình khối tôi tô đậm nét trong lớp toán ngày xưa; thơ thầy không chia sớt với tôi nỗi đau đất nước đang âm ỉ trong lòng tôi.
 
Bẳng đi một thời gian dài bỗng một đêm khó ngủ tôi chợt ngâm khe khẽ “Thế sự thăng trầm quân mạc vấn, Yên ba thâm xứ hữu ngư châu”. Đó là lời nhắc nhở của Cao Bá Quát rằng xin ai đó đừng hỏi ông về cuộc đời lên xuống mà hãy nhìn vào chỗ khói mịt mờ và sóng dồn dập có chiếc thuyền câu. Đó là tâm sự chán nản thế sự thăng trầm của thi sĩ họ Cao; và đó có thể là tâm sự của thầy Tăng; chắc đúng vậy. Trong cảnh đau thương của đất nước, bỏ qua thế sự thăng trầm và giam mình trong bốn bức tường lớp học là một chọn lựa, một con đường, một lối sống; một lối sống dù bình lặng nhưng vẫn hơn bôn ba ngoài đời mà đêm rằm không có ánh trăng. Xa xa ngoài lớp học đám mây trời lang thang, bên lớp học có con chim nhỏ hót líu lo trên cành sao già, và trên hai tay đám bụi phấn phủ mơ hồ. Thầy Tăng tìm ý thơ trên lối đi từ nhà đến trường nhưng chưa đến trường, thầy làm thơ trên đường vào lớp nhưng chưa vào lớp; thành ra thơ vẫn bâng khuâng, ngập ngừng, không trọn vẹn, như “thuở ban đầu lưu luyến ấy” khi mới đến trường thời xuân xanh. Năm tháng dồn dập trôi qua, thế sự càng u tối, dòng tâm thức thêm ngổn ngang, thầy muốn xa lánh xã hội:
 
Cũng định lên rừng đốn củi than
Cắt cỏ chăn dê giữa non ngàn
Như người Tô Vũ ngày xưa ấy
Giữ chút lòng son với thế gian!
…..
Cũng muốn lên rừng trốn biệt tăm
Ở hang ăn củ uống sương trăng
Đêm nghe vượn hú nơi cùng cốc
Ngày ngắm mây vần đỉnh núi xanh. (Lên Rừng, Trần Hoan Trinh)
 
Bài thơ mang đầy màu sắc tiêu dao du của Nam Hoa Kinh. Lên rừng thầy chắc lên Trường Sơn. Trường Sơn, tuy không có con cá Côn của Trang Tử, con cá to lớn và khi biến thành con chim Bằng vỗ cánh bay lên cao, đôi cánh che khuất cả bầu trời; nhưng Trường Sơn hùng vĩ, mịt mùng trong sương trăng và nên thơ trong chiều tà. Đường lên Trường Sơn không bao xa vì Trường Sơn gần biển Đông nhưng lên rừng vẫn chỉ là giấc mơ, giấc mơ Trang Châu, giấc mơ Trang Châu Hồ Điệp… Tỉnh giấc mơ, thầy đổi ý:
Thôi tìm một chỗ để ngồi

Nhìn xem thế sự đổi dời đến đâu
Thôi tìm một góc khuất sâu
Nhìn xem suốt cuộc bể dâu một lần. (Nghiêng Mắt, Trần Hoan Trinh)
 
Và cuối cùng, cúi đầu chấp nhận thực tại:
Xin khép lại một trang đời mộng ảo
Vẫy tay chào năm tháng đã đi qua
Mai anh về như con chim trốn bão
Đứng co mình nhớ biển rộng trời xa. (Bài Du Ca Cuối Cùng, Trần Hoan Trinh)
* * *
Ông thầy dạy Toán một thời
Mà thơ tình lại tuyệt vời thế sao!
Như cổ tích, như chiêm bao
Nửa khao khát mộng, nửa ngao ngán đời! (Người Thầy Dạy Toán Làm Thơ, Trần Hoan Trinh)

Không nên hiểu rằng vì đến lúc “bỏ trường mà đi” nên thi sĩ Trần Hoan Trinh cay đắng rồi tự cao như thói thường của vài nhà thơ trẻ tuổi. Đúng hơn, khen thơ Trần Hoan Trinh “tuyệt vời” là lời an ủi ấm lòng nhất mà người học trò dành cho vị thầy dạy toán tận tụy với học trò, một thi sĩ tài hoa, đang ngao ngán sự đời. Thầy ước mơ nhiều cho chính mình và cho đám học trò, ước mơ nhiều nhưng chưa đạt được bao nhiêu vì thời cuộc đổi thay, đen bạc.
Và lời khen thơ “tuyệt vời” đó quả xác đáng. Thơ Trần Hoan Trinh là bức phác họa lớp học và sân trường có tiếng hát ngân nga ngọt ngào, gởi đến đám “trò xưa” lưu lạc khắp nơi trên quê hương và xứ lạ quê người; thơ Trần Hoan Trinh là lời kể lể tự nhiên và chân tình vì hoài cảm và xúc cảm đã hòa với hơi thở thành cuộc sống của tác giả; thơ Trần Hoan Trinh không ồn ào vì đó là lời hòa giải nhẹ nhàng với số mệnh lẻ loi của tác giả gây nên bởi vận nước điêu linh.
 
Nguyễn Phụng (Raleigh, NC 3/2015)
 
(*) Tác phẩm của Trần Hoan Trinh:

Thỏ Thẻ/ Tạ Từ/ Tôi Khóc Em Cười/ Tóc Thề Xõa Xuống Thành Thơ/ Bỏ Trường Mà Đi/ Tóc Trắng Sân Trường/ Tháng Năm Huyền Thoại/ Tiếng Chim Ngoài Cửa Lớp/ Rong Chơi/ Quê Hương Thơ Và Em/ Chảy Bỏng Như Lửa Mặt Trời/ Bỗng Dưng Nhớ Phố Nhớ Phường/ 300 Bài Tứ Tuyệt/ Mùa Hạ Cuối Cùng (truyện ngắn)/ Một Đời Thầy Một Đời Thơ (hồi ký)…

 Thành Kính Phân Ưu cùng gia đình Thầy Trần Đại Tăng 
 
 
GNST vừa nhận được tin buồn
Giáo sư Trần Đại Tăng
tức Nhà Thơ Trần Hoan Trinh  là cựu Giáo Sư trung học Sao Mai Đà Nẵng 
Vừa ra đi ngày 6 tháng 8 năm 2015
lúc 3 giờ chiều tại tư gia Cao Thắng, Đà Nẵng hưởng thọ 79 tuổi
Linh cửu được quàn tại tư gia K33/18 CAO THẮNG, ĐÀ NẴNG và an táng vào ngày 13 tháng 8, 2015.
 
Gia đình GNST xin chân thành chia buồn cùng tang quyến và cùng hợp ý nguyện cầu Thiên Chúa là Cha Nhân Từ sớm đưa Linh hồn Giuse Trần Đại Tăng về hưởng vinh phúc nước Thiên Đàng.
 
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
 
Nhóm GNST
 
 
 photo thay tang02_zpsr3ppfydl.jpg
 
http://i73.photobucket.com/albums/i225/codong/thay%20tang%203_zpsgppf4qdk.jpg
 
 photo Thay Tang 01_zpszrwlrgsp.jpg
 photo that tang4_zps3rx14lxm.jpg
 
    Kiều Hạnh & Bá Kiên sưu tầm tổng hợp    
Xem thêm...

TƯỞNG NIỆM 8 NĂM CỐ CA NHẠC SĨ VIỆT DZŨNG (December 20, 2013 - December 20, 2021)


 

                           

 
 
 
Chiều nay ai ra mộ vắng
Thắp dùng tôi ném hương tàn
Thương người nằm sâu đất lạnh
Đang buồn quê hương nát tan

Chiều nay ai ra bờ sông
Xem con nước có xuôi dòng
Ra phần quanh hoài một nhánh
Lặng buồn như kiếp lưu vong

Chiều nay ai ra phố vui
Ai quen ai lạ tiếng người
Ai chen phố người xa lạ
Đổ buồn một bóng đơn côi

Chiều nay ai lên đầu núi
Ngóng về thương nhớ quê nhà
Sương chiều chừng như tắt lặng
Thương đời kiếp sống bơ vơ

Chiều nay ai ra biển xanh
Mong cho sóng nước yên lành
Cho thuyền mau về nơi bến
Cuộc đời số kiếp mong manh

Chiều nay ai ra phố vui
Phố vui vẫn chỉ là phố người
Còn lại thân mình ta giữ
Thương nhớ quê nhà khôn nguôi.....
 
 
Việt Dzũng
Wood River, Nebraska
Tự Tình Khúc 
Sáng tác: Việt Dzũng - Trình bày: Việt Dzũng
California Highways (www.cahighways.org): Route 39

Lời Cầu Tin Yêu

(Việt Dzũng)

 
 
Đêm tưởng nhớ Việt Dzũng 12/12/2021
 
Tưởng nhớ Nhạc sĩ Việt Dzũng... 
(September 08, 1958 December 20, 2021)
 
    Được đệ trình bởi TNS Lou Correa , Thượng Viện Tiểu Bang California đã chấp thuận bởi đạo luật SCR 85 vào ngày 1 tháng 5, 2014, đặt tên cho một đọan đường trên xa lộ tiểu bang California 39 (State Highway Route 39 (Beach Boulevard), giửa Xa lộ 405 ở hứơng Bắc cho đến Talbert Avenue ở hướng Nam, thuộc địa phận của County of Orange là Việt Dzũng Human Right Memorial Highway, để tưởng nhớ và vinh danh cho những họat động bảo vệ nhân quyền của một người nhạc sĩ tỵ nạn mang tên Việt Dzũng.

Lễ khánh thành bảng tưởng niệm Việt Dzũng Human Rights
File:Viet Dzung Human Rights Memorial Highway.jpg - Wikimedia Commons
 
    Bảng “Viet Dzung Human Rights Memorial Highway” được Bộ Giao Thông California đặt trên đường Beach (còn gọi là Highway 39) ngay góc với Talbert, thành phố Huntington Beach, hôm Thứ Hai, 11 Tháng Tám, 2014, chính thức công nhận công lao và tinh thần phục vụ đáng trân trọng của Việt Dzũng.
 
 Tẩm bảng tên đường cho Việt Dzũng không đúng-Nam Lộc Trúc Hồ cũn g không  đúng trong thông cáo mới gửi |
 
California Highways
 
image
Trúc Hồ + Việt Dzũng + Nam Lộc
 
MÓN QUÀ CUỐI NĂM - Nhật Báo Calitoday
Ca nhạc sĩ Nam Lộc & Trúc Hồ

Nam-Loc-Viet-Dzung

 

Nam loc

Ca nhạc sĩ Nam Lộc & Việt Dzũng những phút cuối cùng của cuộc đời 

●▬▬▬▬๑۩۩๑▬▬▬▬▬●●▬▬▬▬๑۩۩๑▬▬▬▬▬●
 
    I met Viet Dzung, his uncle Quang and later their family in December 1975 in Wood River, Nebraska, I believe. Back then, because they spoke more of my language than I did theirs, they said just call him “Young”. It’ll be easier for the American. He said something like “then I can be forever young”. And truly, he is -forever young- in my mind!

    Through our mutual love of music and interest in different cultures, we became fast friends. We began writing music together and playing gigs around the Wood River area, later writing and working on our first record album together.

    When I decided to leave music as a career and he went off to pursue his degrees in Rice University - Physics, Mathematical Sciences and Philosophy - Houston, Texas and  California, and his uncle Quang in University of Colorado Boulder, and Doctor of Philosophy in Teaching English as a Second Language (PhD) at University of Nebraska, we drifted apart. Not by design, just letting our own lives take us.

    Before you could say “how time flies” it had been decades since we talked. I found him on Facebook and we exchanged a couple messages and went back to our lives. But I followed his activism for the Vietnamese people via social media - although I still didn’t understand much Vietnamese language. 
 
    Finally I was heading to California on a business trip and decided I really need to go and see him. I went on Facebook to message him and found his obituary!

    Friends, this is one of those devastating moments in life. When you realize you could have easily reconnected but didn’t. And then it’s too late!
    Now the only things I can do are fondly remember my friend, write, sing and play some tribute music for him. And maybe, just maybe he’ll hear it!

    One other thing I can do is encourage every human being, take a moment, reach out to those important to you, chat for a few minutes and tell them you love them—before you no longer have time. Time is the one thing we cannot save or get back or take with us. We must use it. May we use it wisely, fill it with love and speak that love to our special people.

    All my love and admiration to you my friend Viet Dzung (and of course my super friend Quang !  Top 10 Best of the most successful Asian-American entrepreneurs of all time).

    May you be “forever young”.

    Verlen L.
 
    December 18, 2021
    Wood River, Nebraska
 

Việt Dzũng & I (Verlen)

Verlen

 

Tưởng nhớ Nhạc sĩ Việt Dzũng ...

Tết Nguyên Đán Mậu Ngọ 1978.

University of Nebraska (Lincoln)

Photos by Nguyễn Ngọc Quang 

 

Quang, Mike (Owner of 25 Korean Restaurants) & I (Verlen) latest photo

 

My sister Heather with Quang's Porsche in Virginia

 

Bạn Bè Bên Nhau

Sáng tác - Trình bày: Việt Dzũng

 ●▬▬▬▬๑۩۩๑▬▬▬▬▬●●▬▬▬▬๑۩۩๑▬▬▬▬▬●

Cùng Đi Với Tôi

Sáng tác - Trình bày: Việt Dzũng

 
NOEL RỒI,ĐỪNG HỜN ANH NỮA BÉ ƠI
Sáng tác & Trình bày: Việt Dzũng

Chiều nay phố đông người, bàn chân bước rã rời
Điệu nhạc vang vang khắp nơi
Trẻ em đứa tươi cười
Miệng mếu máo reo đòi ông già Noel phát đồ chơi
Ngoài trời tuyết lất phất rơi, từng làn gió thoáng cuốn trôi
Tinh không một màu trắng xóa, mùa đông đã qua
Noel rồi, sao em hờn anh lâu vậy?
Giáng Sinh về, sao em giận anh lâu ghê?
Làm sao cho em cười, nụ cười tình yêu tha thứ?
Để đêm Chúa giáng trần, hai đứa sẽ được gần nhau
Anh sẽ mua tặng em con gấu bông thật to
Đôi mắt nhung tròn vo như mắt người yêu dỗi hờn
Em nói không thèm đâu!
Em muốn ông già râu lưng có gói đồ chơi
Chùm râu như tuyết trắng phau
Anh sẽ mua tặng em nếu em hứa sẽ cười lên
Quên mất những buồn đau, quên hết lệ tuôn tủi hờn
Em nói không thèm đâu!
Anh quá khôn thật khôn đem những món đồ chơi
Để em tha thứ cho người...

Noel rồi, sao em hờn anh lâu vậy?
Giáng Sinh về, sao em giận anh lâu ghê?
Đêm nay khi mở quà
Trang thiệp xinh xinh rực rỡ
Đôi mắt em tròn xoe nhìn thiệp chỉ in ba chữ

I LOVE YOU

Noël rồi, đừng hờn anh nữa bé ơi!
Giáng Sinh về, đừng giận anh nữa bé ơi...!
 

Houston, Texas

    Đây là 1 trong những ca khúc có nhiều kỷ niệm với Việt Dzũng hồi di cư đến Wood River, Nebraska (Dân số chỉ có 1002 người dân trong năm 1975) khi hai chú cháu ở dưới basement, NNQuang đang Weight Lifting còn Việt Dzũng ngồi viết nhạc với cây đàn guitar được người bạn đồng môn Trung học Verlen L. tặng thỉnh thoảng hát đi hát lại rồi hỏi ý kiến xem những từ viết có được không, NNQuang cũng đã góp ý vào.
 
    Mà không ngờ những ca khúc như "Một chút quà cho quê hương", "Lời kinh đêm " v..v.. đã vang danh thành công tiếng tăm cho Việt Dzũng khi lần đầu tiên được tổ chức tại đại hội văn nghệ ở 2 đại học Houston, và Austin, Texas.
 
    Thật lòng phải cảm ơn chị Phan Thanh Hương và gia đình đã giúp rất nhiều trong thời gian 2 chú cháu lưu diễn ở Texas và cũng không quên ơn 2 vợ chồng cô chú ruột của chị Thanh Hương nữa.
 

Nguyễn Ngọc Quang  và gia đình chị Phan Thanh Hương 

San Antonio, Texas 1978 !

 
 
 

Một Lần Đi/ Lời Kinh Đêm

Phần Trình Diễn Việt Dzũng - Boston, MA 1989

Hát Cho Người Tỵ Nạn 1989 - Văn Nghệ Sinh Viên với Việt - Dzũng
Kresge Auditorium, MÍT, Cambridge, Massachusetts
Tittle: Một Lần Đi Lời Kinh Đêm
Perfomed: Việt Dzũng
 

●▬▬▬▬๑۩۩๑▬▬▬▬▬●●▬▬▬▬๑۩۩๑▬▬▬▬▬●

Ôi Mùa Đông

Sáng tác: Việt Dzũng

Trình bày:  Philip Huy · Y Phương

 
 

Ôi Mùa Đông

Sáng tác: Việt Dzũng

Trình bày: Lâm Nhật Tiến

 
●▬▬▬▬๑۩۩๑▬▬▬▬▬●●▬▬▬▬๑۩۩๑▬▬▬▬▬●
Tuyển tập Nhạc Việt đầu tay do 
( Nguyễn Ngọc Hùng Dũng - aka - Nhạc sĩ Việt Dzũng ) 
viết, họa và trình bày bằng tay, xuất bản năm 1979 tại Omaha, Nebraska.
Hội Sinh Viện Việt Nam tại University of Nebraska at Omaha, Lincoln & Kearney.
 
●▬▬▬▬๑۩۩๑▬▬▬▬▬●●▬▬▬▬๑۩۩๑▬▬▬▬▬●
 
Quang Nguyễn Ngọc 
International Student Advisor 
at University of Nebraska at Omaha & Lincoln & Kearney
 
Tưởng Nhớ Ca Nhạc Sĩ Việt Dzũng - Home | Facebook

«ASIA 75» Việt Dzũng Trong Trái Tim Việt Nam

- Hợp Ca Asia

Mỗi ngày một ca khúc – Tưởng niệm 30 tháng Tư – “Lời Kinh Đêm” (Nam Lộc)

 
image 
image 
image 
image
image 
image 
 image  
image 
 image 
 image 
 image 
 image 
 image 
 
    Thanh Trúc: “ Nói về Việt Dzũng, Thanh Trúc muốn nhắc đến người có trái tim nhân hậu , nhạy cảm, chân thành, có đời sống yêu thương chan hòa.
 Việt Dzũng tốt với bạn, cư xử có trước có sau, anh, người nghệ sĩ tài hoa, biết  trân trọng không chỉ những gì đã qua đã mất mà cả những gì anh đang nắm giữ trong tầm tay. Việt Dzũng là người dễ xúc động, dễ khóc, anh thường cố dấu những tình cảm đó trong trái tim rất đỗi đằm thắm của mình. Nếu có phải bày tỏ,  Việt Dzũng chỉ nói rất ít nhưng với cả một tấm lòng. Anh không thích làm ai buồn, những bài tình ca anh viết cũng rất ít, sâu lắng mà không quá buồn bã. Việt Dzũng ra đi và để lại thông điệp của lòng yêu người, yêu đời. Anh đã làm việc như được sống mãi mãi và yêu thương biết mấy đời này như ngày mai phải chia lìa với nó. Mong bạn bình an nơi cõi xa, mọi người sẽ nhớ bạn vô cùng. ” những lời tâm sự của chị Thanh Trúc.
 

Đồng Dao Hòa Bình

Sáng tác: Việt Dzũng

Trình bày: Nguyệt Ánh

 
 
 

Trên Đầu Súng (Việt Dzũng, Nguyệt Ánh)

 

 

Bỏ Giày Đi Chân Đất

(Nguyệt Ánh, Việt Dzũng)

 
nguyetanhvietdung

Nguyệt Ánh, Việt Dzũng

Vẫn Còn Đây Các Con Của Mẹ

Sáng tác: Nguyệt Ánh

(Việt Dzũng, Nguyệt Ánh, Tuấn Minh)

Viet Dung

Từ trái sang phải:

Việt Dzũng, Bác Sĩ  Hồ Văn Nhi, Bác Sĩ Đinh Tuấn

tại Đại Hội Tuổi Ngọc tổ chức tại San Jose, California năm 1985

 

    Việt Dzũng, một đời Hướng đạo Không phải chỉ đi họp Hướng đạo,mà phải sống đời Hướng đạo. Hướng đạo Hoa kỳ dùng châm ngôn: Once a scout, always a scout - Một lần Hướng đạo ,mãi mãi Hướng đạo", nhưng anh chị em dùng Pháp ngữ lại thích câu: Scout un jour, toujour Scout - Hướng đạo một ngày, HĐ mãi mãi, và sau cùng HĐ Việt nam chúng ta lại nói với nhau: HĐ một ngày,HĐ một đời, tựu chung "Duyên tình HĐ" là trọn cả kiếp người, đó cũng là phận đời cuả HĐ sinh Nguyễn ngọc Hùng Dũng, tức Việt Dzũng. Một trưởng HĐ Việt nam sống đời HĐ,tức sống theo lý tưởng và tinh thần HĐ, bằng thưc hiện và thi hành luật và lời hứa HĐ: Cố gắng hết sức làm bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh, trung thành với tổ quốc và quốc gia, giúp ích mọi người bất kỳ lúc nào và tuân giữ 10 điều luật HĐ. Thứ tư là sói con, tức ấu sinh, thiếu sinh, thanh sinh và tráng sinh qua các châm ngôn: Gắng sức, Sắp sẵn, Khai phá và Giúp ích, lên tuổi trưởng niên HĐ, trưởng Việt Dzũng được hướng dẫn chuẩn bị hành trang nhập thế, và với tài năng thiên phú cá nhân, đã sống đời HĐ đúng như trưởng kỳ cựu Cung Giữ Nguyên đã đề cập trong bài viết:
   Người HĐ không mặc đồng phục, để thực hiện lời hưá HĐ phụng sự Thiên Chuá, tổ quốc Việt nam, và giúp đỡ, bênh vực tha nhân. Cựu tráng sinh cuả tráng đoàn Dạ Mã Võ thành Minh Việt Dzũng đã " lên đường " không mang đồng phục HĐ, nhưng mang " đời HĐ" để thi hành châm ngôn: Giúp ích. Hoạt động đơn vị HĐ thường hạn hẹp trong việc huấn luyện, nếu có khả năng và cơ hội, chúng ta phải phát tiển qua những môi trường rộng lớn hơn là Sống và thực hiện đời sống HĐ mới thật sự là cao cả và thiết thưc để phục vụ gia đình xã hội và quốc gia.
 
   Hội ca HĐVN mở đầu cho các buổi họp và sinh hoạt HĐ, luôn nhắc nhở và thúc giục: Anh em ơi kià nước non đang chờ, anh em ơi đại nghiã luôn tôn thờ: Chúng ta nguyền kiên tâm tiến lên. Luôn luôn ta bền gan rèn tâm trí dâng cho nước non nhà, diểm tô cho xã hội rạng ngời. Nên người HĐ Hùng Dũng đã dùng ngòi bút, lời ca, nốt nhạc, giọng hát và tiếng nói để luôn "sẵn sẵn" đáp lời: HĐVN đuốc thiêng soi đường, HĐVN khó khăn coi thường, trưởng Việt Dzũng thể hiện bổn phận và trách nhiệm với tổ quốc và quốc gia VN thân yêu thật kiên cường, và quyết tâm bảo vệ quyền làm ngừoi chống lại những bất công, dân Việt được tự do tôn giáo.  Trưởng Việt Dzũng, qua công việc đã làm, được mọi người ghi nhận là một người yêu nước hết tâm hồn và yêu tha nhân hết long, một người HĐ lý tưởng gương mẫu.
 
   Ngày 20 tháng 12 năm 2013, trưởng Việt Dzũng đã lià rừng HĐ chúng ta, và đã để lại nhiều thương tiếc không những cho anh chị em Hướng đạo, mà còn cho toàn thể cộng đồng Việt nam khắp thế giời.
 
   Tuy sống ngắn ngủi" nửa đời người", nhưng đã thực hiện được những chuỗi dài những công trình vĩ đại, mà cả những người sống trăm năm chưa thực hiện được. HĐVN đã mất đi một người trưởng cao quí bằng một 'đời Hướng đạo", trưởng Việt Dzũng đã đến nơi " nguồn thật".
 
   Chúng ta ,HĐVN, cảm ơn Thượng Đế đã ban cho chúng ta một người trưởng đáng mến và gương mẫu.
 
   Chúc trưởng Việt Dzũng ra đi bằng an và hẹn ngày tái ngộ.
 
   Chúng con cậy vì danh Chuá nhân từ, xin đón nhận linh hồn Gioakim Nguyễn ngọc Hùng Dũng mà dâng lên Thiên Chuá cao cả.
 
   Requiescat in Pacem Amen..
 
   RS Sói vui tính Nguyễn mạnh Kym.
Photos by Nguyễn Ngọc Quang 
 
 
●▬▬▬▬๑۩۩๑▬▬▬▬▬●●▬▬▬▬๑۩۩๑▬▬▬▬▬●
 
 
BBT- GNST tổng hợp
 
 
 
 
Xem thêm...

Tưởng Nhớ VŨ DUY HIỂN (1948-2021) / Phạm Anh Dũng

    Tưởng Nhớ VŨ DUY HIỂN (1948-2021)    

Phạm Anh Dũng

TƯỞNG NHỚ VŨ DUY HIỂN  (updated với Cáo Phó & thêm chi tiết, hình ảnh). 

1. Cáo Phó 
2. Hình trích và ghép thêm từ Kỷ Yếu Y Khoa Sài Gòn 1967-1974  (Huỳnh Thắng Toàn)
3. Vài Dòng Tiểu Sử (Phạm Anh Dũng) 
4. Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi: Mẹ Việt Nam (Phạm Duy), Hòn Vọng Phu (Lê Thương) và Hương Xưa (Cung Tiến) 
5. Nhạc Sáng Tác của Vũ Duy Hiển: Bên Em & Waking Up 
5. Vài Hình Ảnh: Hiển & Sương, Áo Trắng Nội Trú và Quân Y Trưng Tập khóa 17
6. Tưởng Nhớ Bạn Hiền Vũ Duy Hiển (Vương Đức Hậu) 
7. Bài Ca Cuối Cùng (Phạm Anh Dũng) để chào vĩnh biệt bạn tôi

 

Hình do Huỳnh Thắng Toàn thực hiện với nội dung chính từ Kỷ Yếu Y Khoa Sài Gòn 1974

 

VÀI DÒNG TIỂU SỬ
- tốt nghiệp Trung Học Petrus Ký, Sài Gòn 1960-1967
- tốt nghiệp Bác Sĩ Y Khoa, Đại Học Y Khoa Sài Gòn 1967-1974
- tốt nghiệp và hành nghề chuyên khoa Psychiatry
- cùng phu nhân nha sĩ Vũ Nguyễn Sương là hai trong những người sáng lập, điều hành và cũng là ca sĩ của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi (NGO) từ 1989
- sáng tác nhạc, vẽ tranh và chụp ảnh
- chuyên khoa Tài Chi

Hương Xưa (Cung Tiến)
Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi với nhạc trưởng Bùi Quỳnh Giao điều khiển,
Y Sa & Khoa giới thiệu
Hòn Vọng Phu 1, 2 & 3 (Lê Thương) – Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, hòa âm Lê Văn Khoa,
nhạc trưởng Trần Mộng Thủy điều khiển, Y Sa & Khoa giới thiệu
Trường Ca Mẹ Việt Nam (Phạm Duy) Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi
, nhạc trưởng Vũ Tôn Bình điều khiển

 SÁNG TÁC NHẠC CỦA VŨ DUY HIỂN 

Bên Em (Vũ Duy Hiển) Bích Vân hát, Đỗ Bằng Lăng dương cầm
Waking Up (Vũ Duy Hiển)
Kim Nguyễn hát, Đỗ Bằng Lăng dương cầm

VÀI HÌNH ẢNH:

Vũ Duy Hiển & Vũ Nguyễn Sương
Các áo trắng nội trú Vũ Duy Hiển, Vương Đức Hậu, Phan Mỹ Dung, Minh Phượng và Ngô Bích Vân tại bệnh viện Nguyễn Văn Học, Sài Gòn năm 1974
 
 
Bài Ca Cuối Cùng (Phạm Anh Dũng) Hương Giang hát, Sonar Production hòa âm, MAX làm video

 

       TƯỞNG NHỚ BẠN HIỀN VŨ DUY HIỂN       
                NHỮNG KỶ NIỆM XƯA YKSG 1967/1974                

Tôi là bạn cùng lớp, cùng nhóm thực tập với Vũ Duy Hiển tại trường Yksg cũng như tại các nhà thương Chợ Rẫy, Bình Dân, Nhi Đồng Saigon, Từ Dũ, Hồng Bàng, Hùng Vương, Nguyễn văn Học… cho đến khi ra trường 1974.


Chúng tôi học hành chung với nhau, ăn uống chung với nhau, chia sẻ mọi hoạt động thời sinh viên suốt 7 năm học trình, thời gian gặp nhau còn nhiều hơn cả với anh chị em trong gia đình.


Đôi khi hiếm hoi có vài ngày nghỉ, chúng tôi cùng với vài bạn thân rủ nhau đi du ngoạn Vũng Tàu, Đà Lạt, Mỹ Tho… nên tình bạn càng thêm bền chặt. Hiển và tôi đã thành bạn thân, hợp với nhau về tính tình, tư tưởng, quan niệm sống, dự định tương lai…


Năm thứ sáu y khoa, Hiển và tôi trúng tuyển kỳ thi vào nội trú, cùng chọn nội trú ngành Sản Phụ Khoa tại Trung tâm thực tập y khoa Nguyễn Văn Học trong 6 tháng, rồi 6 tháng sau cùng chọn nội trú Nội Khoa tại đây.


Năm cuối y khoa tôi được Hiển chọn làm phù rể, và lễ cưới với chị Ngọc Sương, mới tốt nghiệp Nha Y Sĩ tại Saigon đã được tổ chức rất thân mật với sự hiện diện đông đủ của bạn bè anh chị.


Khi tôi được may mắn tị nạn qua California năm 1975, Hiền bị kẹt lại và phải đi tù cải tạo.


Khoảng năm 1980, anh em gặp lại nhau tại Westminster khi tôi đang làm Resident năm cuối, chương trình OB/GYN tại Hollywood Presbyterian hospital, affiliated với USC women’s hospital, Los Angeles, và tôi đã vận động cho Hiển được vào nội trú 1 năm về Obgyn tại bệnh viện này.


Thật may mắn, chúng tôi lại có cơ duyên được huấn luyện chuyên môn tại nhà thương Hoa Kỳ, ngay tại vùng Hollywood, Los Angeles.


Vừa tốt nghiệp xong, tôi mở phòng mạch hành nghề Obgyn tại thủ đô tị nạn Việt Nam, tại Westminster, tháng 7 năm 1981.


Vào ngày đầu tiên hành nghề, được Hiển đưa chị Ngọc Sương đến phòng mạch… mở hàng! Hồ sơ của chị là hồ sơ số #1 trong tổng số trên 16 ngàn bệnh nhân sau này! Tôi thật vui mừng và cảm động!


Khi Hiển tốt nghiệp nội trú có bằng hành nghề Ykhoa, tôi đã mời Hiển làm việc với tôi tại văn phòng một thời gian, anh em lại mừng rỡ làm việc với nhau, săn sóc đa số bệnh nhân là tị nạn Việt Nam


Một thời gian sau, Hiển được nhận vào chương trình Psychiatry Residency, một ngành chuyên môn rất mới lạ với Ykhoa Việt Nam, sau khi tốt nghiệp, psychiatrist Vũ Duy Hiển đã rất được trọng dụng làm việc tại nhà thương và Clinic về Psychiatry tại Southern California cho đến khi Hiển lâm trọng bệnh qua đời, vài ngày trước Thanksgiving 2021!


Hồi tưởng lại trong khoảng thời gian dài, trên 40 năm , tôi đã được may mắn quen biết, học hành chung,và làm việc, sinh hoạt với Hiển trong nhiều năm.
Một điểm tương đồng là chúng tôi lại có chung sở thích văn nghệ , âm nhạc.


Khi còn là sinh viên năm thứ Năm , anh chị Hiển Sương đã mời tôi vào Ca Đoàn Trùng Dương của Sinh Viên Saigon, do nhạc trưởng Lê văn Khoa điều khiển với Ca trưởng Trần Chúc, Nguyễn Hoàng Hương…


Trong suốt 2 năm trong Ca Đoàn , chúng tôi đã tập luyện và hát trình diễn nhiều bản nhạc hay, đặc sắc của Việt Nam, Hiển và tôi thuộc bè Bass, chị Ngọc Sương bè Alto.


Cho đến bây giờ, chúng tôi còn trân quý những kỷ niệm này, vì làm đời sống vất vả, rất căng thẳng của người y sĩ được nhẹ nhàng, thi vị, và thú vị hơn, làm con người dễ chịu, yêu đời và yêu người hơn, nhờ những nốt nhạc trầm bổng,những lời nhạc lời thơ đầy cảm xúc, và những giọng bè Nam Nữ hoà quyện nhau… đẹp làm sao!


Anh Chị Hiển Sương qua Mỹ , là thành phần sáng lập , điều hành , và ca sĩ của các đoàn Ngàn Khơi, hiện thân của các đoàn Trùng Dương xưa, với nhạc trưởng Lê văn Khoa và ca trưởng Trần Chúc , ca đoàn trở nên rất nổi tiếng tại hải ngoại với nhiều buổi trình diễn có tầm vóc! Anh Chị Hiển là thành phần nòng cốt của Ca Đoàn về phương diện quản trị, tổ chức…


Hiển lại đặc biệt có lòng thành kính với Phật giáo, anh gia nhập hàng đạo hữu của thầy Hằng Trường, một vị tu hành khả kính rất được hâm mộ, khâm phục bởi tất cả đệ tử tại Orange County, California và BS Hiển trở nên cánh tay mặt của thầy. Anh chị Hiển Sương đã góp phần đắc lực về vật chất cũng như tinh thần cho tất cả các hoạt động của thầy Hằng Trường và các môn đệ, kể cả truyền bá thể dục dưỡng sinh (Hiển là instructor) hiện rất thịnh hành trong sự duy trì sức khỏe vật chất cũng như tinh thần cho chúng sinh…

Nhưng rồi đời người thường có những ba chìm bảy nổi! Đang khi an bình, sung sướng hạnh phúc, lại xảy ra những phong ba, buồn tủi…


Cuối cùng sẽ qua đi như một cơn gió thoảng giữa vũ trụ bao la, giữa thời gian bất tận của quả địa cầu…


Chỉ mới cách đây trên 2 tuần , tôi gọi điện thoại hỏi thăm Hiển, hai anh em đàm thoại lan mắn đủ mọi chuyện trên trời dưới đất, Hiển cho biết sức khỏe khả quan, tinh thần thoải mái… và chúng tôi hẹn sẽ đi du lịch với nhau khi tình hình dịch Covid bớt nguy hiểm…


Nghe hung tin Hiển mất, tôi thật bàng hoàng xúc động đau đớn đã mất đi một người bạn hiền tri kỷ mà tôi rất trân quý với rất nhiều đức tính sau:
-hiền hoà, thành thật, dễ thương: chưa bao giờ tôi thấy Hiển nóng giận, la mắng, quát tháo với ai….
-vui vẻ , hay cười đùa, nói chuyện rất tếu làm mọi người tươi vui, ai cũng muốn kết bạn !
– chẳng bao giờ nói xấu ai… mặc dù có những nhận xét tinh tế về con người, sau này thành Psychiatrist, khả năng này lại càng phong phú và lý thú hơn!
– rất trầm tĩnh,không hấp tấp, nói chuyện từ tốn, luôn tự chủ rất chừng mực ôn hoà ... là một người Cha tốt, một người chồng tuyệt vời!
– làm việc gì cũng đến nơi đến chốn…bản tính cẩn thận, chững chạc
– nhiều tài năng về nghệ thuật: vẽ giỏi, vẽ nhanh, chụp hình đẹp, hát hay, cả với giọng bè

Hôm nay, với niềm thương tiếc sâu xa, tôi xin gửi lời thành kính chia buồn cùng chị Ngọc Sương. Các cháu và toàn thể gia quyến Anh Chị.
Tôi xin khẩn cầu cùng Đấng Tối Cao nhân từ, ban ơn cho Hiển được về nơi Vĩnh Phúc đời đời… và xin Ngài luôn an ủi, dẫn dắt, phù hộ cho chị và các cháu… trong mọi nơi mọi lúc…


Amen!


Vương Đức Hậu, MD FACOG
Classmate YKSG  1967-1974

Xem thêm...

Phát Tang Và Thăm Viếng Danh Hài Chí Tài Tại Little Saigon

   Phát Tang Và Thăm Viếng Danh Hài Chí Tài Tại Little Saigon   

FOUNTAIN VALLEY, California – Từ sáng Thứ Sáu, 18 Tháng Mười Hai, rất đông khán giả yêu mến danh hài Chí Tài đã đến nhà thờ Holy Spirit Catholic Church (Thánh Linh) trên đường Ward, Fountain Valley, để dự lễ phát tang và thăm viếng cố nghệ sĩ.
Chương trình thăm viếng và tang lễ danh hài Chí Tài. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Theo ghi nhận của phóng viên, toàn bộ bãi đậu xe của nhà thờ Thánh Linh đều đã kín xe đậu.

Bắt đầu từ 11 giờ sáng là nghi thức phát tang, Thánh Lễ Cầu Hồn, thăm viếng, và cầu nguyện được tổ chức tại khuôn viên giáo xứ.

Một số anh chị em nghệ sĩ hải ngoại có mặt như Khánh Hà, Hương Lan, Hồng Đào, Carol Kim, Quang Minh, Hoài Tâm, Hoài Phương, Đức Tiến…

Tại đây, danh ca Hương Lan đọc bài thơ “Nhỏ Ơi,” một bản nhạc mà nghệ sĩ Chí Tài đã thành công trình diễn khi còn tại thế.

Ban tổ chức khuyến cáo: “Hôm nay chúng ta tụ họp ở đây để tiễn đưa nghệ sĩ Chí Tài về nơi an nghỉ cuối cùng, xin quý khán giả giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, không tiếp xúc trực tiếp với người khác nếu không phải là người trong gia đình.”

Linh Mục Trần Cao Thượng, chánh xứ giáo xứ Thánh Linh, làm chủ tế.

Lúc 12 giờ 35 phút, Linh Mục Trần Cao Thượng làm phép khăn tang và nói: “Từ nay tôi không được coi Chí Tài đóng với Hoài Linh, lòng tôi xao xuyến. Anh qua đi quá trẻ. Anh ra đi một mình ở Việt Nam, không có ai bên cạnh, vì vợ và tất cả người thân của anh còn ở Hoa Kỳ.”

Linh Mục Nguyễn Thanh Sơn, đại diện gia đình, chia sẻ ký ức: “Được đi chơi với Chí Tài và Phương Loan tại Hawaii nhiều năm trước là kỷ niệm đáng nhớ suốt đời với tôi. Chí Tài, ca sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ, và thỉnh thoảng là ‘tu sĩ’ khi phải xa chị Phương Loan. Chí Tài dễ thương, mà cũng dễ ghét với nụ cười mỉm chi dưới râu mép, ngang ngửa với nốt ruồi có nhãn hiệu cầu chứng. Tôi xin thay mặt chị Phương Loan và gia đình trong lúc nhớ thương này để tưởng nhớ anh. Chí Tài từng đóng vai du côn, đánh lộn đẫm máu trên sân khấu nhưng anh là người ngoan, hiền. Ngoài người vợ thương yêu luôn bên mình, thì người anh ruột Chí Thiện là người Chí Tài thương yêu nhất.”

“Đối với anh Chí Tài, mang vui đến cho người khác là lối sống, ơn gọi, mục tiêu và định mệnh. Chí Tài hài lúc ca hát, chơi đàn, giao tiếp, và cả trong giấc ngủ. Chí Tài lúc nào cũng là Chí Tài, thấy Chí Tài là đủ để cười. Anh không cười trên sự đau khổ của người khác, mà đồng cảm với người khác. Chí Tài dù nổi tiếng nhưng vẫn là người khiêm tốn, nhã nhặn, dí dỏm, bình dân, không hào nhoáng như trên sân khấu. Làm hài là nói lên những gì người khác không dám nói, làm điều người khác không dám làm, Chí Tài là hài kiểu mạo hiểm không sợ chết. Cái lối Chí Tài yêu vợ, chiều vợ là những con heo bằng sành, bằng gỗ… mang từ khắp nơi về nhà. Cuộc đời anh làm nghề là gom góp, phân chia những nụ cười ngộ nghĩnh, để người ta thấy vừa quen, vừa lạ, vừa vui. Ai từng biết Chí Tài thì sẽ biết hài của anh là như ‘siêu vi,’ dễ đi vào tâm khảm, để lại nước mắt cùng nụ cười thương nhớ,” Linh Mục Sơn tâm sự.

Ông Nguyễn Chí Thiện, anh trai nghệ sĩ Chí Tài, phát biểu: “Xin cảm ơn quý Cha và tất cả quý vị đến tham dự nghi thức phát tang, trước khi tiễn em vào ngày mai trong Thánh Lễ an táng. Gia đình chúng con rất cảm kích và an ủi rất nhiều trước những ân tình khắp nơi dành cho nghệ sĩ Chí Tài trước đây và những ngày vừa qua.”

Bà Tô Ngọc Thủy, giám đốc trung tâm Thúy Nga Paris, nói bà không có ý định phát biểu ngày hôm nay, nhưng vì quá xúc động khi nghe tâm sự của Linh Mục Nguyễn Thanh Sơn: “Sở dĩ Thủy gọi chú Chí Tài vì chú đã làm việc với Trung Tâm Thúy Nga, với ba mẹ Thủy trước, sau đó là Thủy tiếp nối công việc. Thứ Bảy tuần trước, sau khi tang lễ tại Sài Gòn, nghệ sĩ Hoài Linh có nói với Thủy, ‘Chị Hai ơi, chị Hai lấy giùm em một chuỗi Mân Côi của Đức Mẹ và mang lại để trong quan tài của anh Chí Tài vì đó là anh muốn giữ một cái gì làm kỷ niệm với chị Hai.’ Trong nhà Thủy có ba xâu chuỗi, một chuỗi đủ màu, một chuỗi màu bạc, và một chuỗi màu gỗ, thì Hoài Linh nói lấy chuỗi màu gỗ.”

“Khi Thủy đi Thánh Lễ lúc 10 giờ sáng Chủ Nhật thì hôm đó Cha Sơn làm lễ. Sau lễ thì Thủy xin Cha Nguyễn Thanh Sơn làm phép cho xâu chuỗi này cho linh hồn Giuse Nguyễn Chí Tài. Hôm nay trong Thánh Lễ này thì Cha Sơn cũng có mặt, và Thủy không biết là Cha Sơn lại rất thân với gia đình cô Phương Loan và chú Chí Tài. Thủy nghĩ đây là sự sắp xếp của Chúa, đã cho Cha là người rất thân với gia đình làm phép xâu chuỗi Mân Côi mà Thủy đã đem lại. Đó là một sự nhiệm màu đức tin của chú,” bà nói.

 

Kế tiếp, ca sĩ Khánh Hà nói: “Hôm nay Khánh Hà đến đây để xin chia buồn cùng nghệ sĩ Phương Loan và gia đình, để chia tay người em quá dễ thương và hiền lành. Mỗi lần gặp em Tài, thời gian đó rất vui. Cách đây 20 năm về trước thì hầu như Khánh Hà đi với ban nhạc Chí Tài’s Brothers. Hơn ba năm rồi, Khánh Hà trình diễn một chương trình lớn, Khánh Hà đang hát bài ‘Đợi Em Về’ (Unchained Melody), thì thấy khán giả vỗ tay đều đặn. Ngạc nhiên, Khánh Hà quay từ từ theo hướng vỗ tay và nhận ra Chí Tài mang một bó hoa thật to đến tặng. Hôm nay em Tài sẽ ấm lòng khi nghe tôi hát bài Thánh Ca cổ điển ‘Ave Maria’ lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy.”

Đến 1 giờ 17 phút trưa bắt đầu thời gian thăm viếng nghệ sĩ Chí Tài.

Trong lúc mọi người đến thăm viếng, chia tay nghệ sĩ Chí Tài, nghệ sĩ Thúy Nga tâm tình: “Hôm nay tất cả các anh em nghệ sĩ, khán giả, và gia đình chị Phương Loan đã được chứng kiến anh Chí Tài đã về đây. Thật sự ngày hôm nay Thúy Nga đến đây cũng dặn lòng là đến gặp anh Chí Tài lần cuối, không khóc, nhìn anh và cười. Nhưng thật sự sự xúc động quá nghẹn ngào. Những ngày qua anh mất ở Việt Nam, xem qua YouTube, qua video, Thúy Nga đã khóc nhiều rồi, nghĩ rằng đến đây không khóc nổi. Nhưng khi thấy đưa linh cữu anh Chí Tài ra thì Thúy Nga rất xúc động. Anh ra đi bất ngờ quá, làm mọi người bàng hoàng. Đến bây giờ thì mọi người phải tin rằng anh thật sự ra đi.”

Trong lễ tang, ca sĩ Phương Loan và các thành viên trong gia đình không kìm nén được nỗi đau mất người thân. Vợ Chí Tài khóc trước linh cữu chồng và nghẹn ngào khi nhận lời chia sẻ từ bạn bè.

Vào 10 giờ sáng Thứ Bảy, 19 Tháng Mười Hai, Thánh Lễ An Táng tổ chức tại nhà thờ Holy Spirit Catholic Church, đến 1 giờ trưa hỏa táng linh cữu nghệ sĩ Chí Tài tại Peek Family Funeral Home, Westminster.

Khán giả xếp hàng vào dự tang lễ danh hài Chí Tài. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Viết cảm tưởng về người nghệ sĩ tài hoa. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Di chuyển quan tài nghệ sĩ Chí Tài ra nơi làm lễ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Nơi tổ chức tang lễ danh hài Chí Tài. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Gia đình, khán giả dự tang lễ danh hài Chí Tài. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Ông Nguyễn Chí Thiện, anh trai danh hài Chí Tài, phát biểu. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Ca sĩ Khánh Hà phát biểu. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Ca sĩ Hương Lan đọc bài thơ “Nhỏ Ơi.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Danh hài Chí Tài qua đời lúc 1 giờ 35 phút trưa ngày Thứ Tư, 9 Tháng Mười Hai, tại Sài Gòn, sau khi bị đột quỵ.

Danh hài tên thật là Nguyễn Chí Tài, sinh ngày 15 Tháng Tám, 1958, tại Sài Gòn.

 

Trước khi trở thành diễn viên hài, anh là nhạc sĩ kiêm ca sĩ trong ban nhạc gia đình Chí Tài’s Brothers.

Anh là bạn diễn ăn ý hơn 20 năm qua với danh hài Hoài Linh.

Anh đặc biệt gắn bó với nhóm kịch Thúy Nga và thường xuyên xuất hiện với vai trò nghệ sĩ hài trong loạt chương trình Paris By Night cùng với nhiều nghệ sĩ hài khác.

Danh hài Chí Tài từng cộng tác với các trung tâm băng nhạc như Thúy Nga, Tình, Vân Sơn…

Chí Tài có vợ là ca sĩ Phương Loan, hiện sống và làm việc tại Mỹ. Hai người không có con.

Hôm Thứ Bảy, 12 Tháng Mười Hai, tang lễ Chí Tài cũng được các nghệ sĩ tổ chức ở Sài Gòn, trước khi đưa linh cữu lên máy bay chở về Mỹ.

Nguồn: Phát tang và thăm viếng danh hài Chí Tài tại Little Saigon (nguoi-viet.com)

Hình chụp với Chí Tài nhân tình cờ gặp gỡ ở phi trường Sydney trong lúc Chí Tài chờ chuyến bay về Mỹ. 

Vĩnh biệt Chí Tài, người nghệ sĩ hài duyên dáng, đơn sơ thân thiện đã để lại cho đời bao tiếc thương.

Nguyện cầu cho hương linh Chí Tài sớm về bên nhan thánh Chúa hưởng phước đời đời.

NPN

 

Xem thêm...
Theo dõi RSS này