Văn học nghệ thuật

Văn học nghệ thuật (1255)

Find out the latest local and worldwide news.

Children categories

Thơ

Thơ (23)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Xem bài viết...
Âm nhạc

Âm nhạc (118)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Xem bài viết...
Truyện

Truyện (249)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Xem bài viết...

Pulau Bidong Hòn Đảo Bao Dung - Nguyễn Kim

Pulau Bidong Hòn Đảo Bao Dung

Nguyễn Kim

Lời ngỏ: Trong một bài viết cách đây không lâu, tôi có chia sẻ với độc giả ý nghĩa ngày 30/4 đối với riêng cá nhân tôi có tầm quan trọng như thế nào. Lúc đầu, tôi chỉ muốn nhắc đến ngày ấy của năm 1979 đã đóng lên Curiculum Vitae của tôi con dấu “Boat people”. Thoạt tiên, tôi chỉ có ý định kể lại, viết xuống những gì mình còn giữ lại được trong ký ức về hòn đảo đã cưu mang chị em chúng tôi nói riêng và ít nhất trên 80 ngàn người vượt biển giữa 1978-1984 nói chung. Không biết sao, ký ức và suy tư đã đưa tôi đến khúc đoạn trước đó, bắt đầu từ 30/04/1975. Thế nên tôi vẫn “nợ” với quý bạn đọc và các thế hệ sau. Cũng không đúng hẳn! Thực ra là “nợ” với chính tâm nguyện của cá nhân: chỉ muốn ghi lại một giai đoạn khó quên trong cuộc đời riêng và lịch sử Việt Nam nói chung, cho hậu thế có vài tư liệu nếu còn muốn tìm hiểu.
 
Bây giờ là thời đại của Google và Wikipedia, ai muốn biết về bất cứ điều gì chỉ cần gõ vài chữ là hiện ra biết bao nhiêu thông tin, nhưng tôi không muốn viết kiểu như những thông tin đó. Tôi muốn ghi lại những gì mình thấy và cảm nhận, với con mắt và trái tim của một thiếu niên 13 tuổi. [Kim Nguyễn]
 
 
Buổi sáng 30/4/1979, tàu Mã Lai đưa chúng tôi đến trại tị nạn Pulau Bidong. [Trước đó vài tuần, tàu chúng tôi cập bến một hòn đảo nhỏ khác tên Pulau Pinang. Đây là câu chuyện khác, dịp nào đó, nếu có người muốn đọc, tôi sẽ có một bài viết riêng]. Tôi nhớ hôm đó biển êm, trời trong xanh không một gợn mây nên mặt biển cũng xanh mướt. Màu xanh đó một lần nữa lại đập vào mắt tôi khi chiếc tàu Mã Lai đưa chúng tôi đến gần. Cơ man nào là những đốm màu xanh da trời, trải dài khắp bờ biển, lan rộng lên tuốt luốt sườn đồi trên cao! Mãi sau này tôi mới biết đó là các tấm nylon màu xanh dương đậm, khá dầy, đủ sức che mưa, nhưng rất khiêm tốn trong việc che nắng (!), người ta dùng để làm mái che cho các “nhà” để tạm cư.
 
Tàu đưa chúng tôi đến đậu tại một cây cầu bằng gỗ, vươn dài ra ngoài biển mà sau này tôi mới biết nó tên là “Cầu Supply”. Đi dần vào trong, tôi… hết hồn, cứ phải đăm đăm nhìn xuống. Chẳng phải vì tôi còn say sóng hay vì Cầu Supply khấp khểnh khó đi, mà vì … Trời đất ơi! Thanh niên trai tráng đâu mà nhiều quá vậy? Mà ai cũng ở trần, mặc mỗi cái xà-lỏn, vài người tóc dài thậm thượt như… hải tặc Thái Lan chúng tôi mới gặp cách đây không lâu! Mãi sau tôi mới dám len lén nhìn lên, vẫn còn mắc cỡ vì không quen nhìn đàn ông con trai trong mỗi cái quần xà-lỏn! Phần đông ai nấy da ngăm đen nên cứ làm tôi liên tưởng đến hải tặc, nhưng họ đang cười toe toét, khoe hàm răng trắng bóc. Một số thanh niên đó hỏi có cần khiêng phụ giúp gì không? Mỗi đứa chúng tôi cũng như mọi người khác đâu có vật dụng nhiều, chỉ có vài bộ quần áo gói trong bao vải, nên chúng tôi cám ơn, không nhờ vả gì; đành phụ lòng các nam nhân đó vậy. Nhưng cũng có vài ông bà cụ già cũng như các gia đình có em nhỏ, họ rất biết ơn lòng tốt bụng của người đồng hương không quen biết.
 
pulau bidong hon dao bao dung
 
Chúng tôi được đưa đến một khoảng đất rộng, nền đất cứng và sạch sẽ, chắc được nhiều người đi qua lại nên không còn một cọng cỏ, được nén chắc nịch vì đang là mùa nắng, nên đi lại rất dễ dàng. Sau 5 ngày lênh đênh trên biển và gần 4 tuần ở đảo nhỏ trước đó, lần đầu tôi mới có lại cảm giác vừa vui vừa hơi sờ sợ, vì đảo đông người ghê lắm. Vui vì nghe thật nhiều tiếng Việt lao xao, thấy kỳ kỳ vì thanh niên ai nấy đều ăn mặc “nhẹ ký” như tôi đã nói lúc nãy. Họ cười nói, ồn ào, đi qua đi lại và nhìn chúng tôi. Sau này tôi mới hiểu họ nghe có tàu Mã Lai đưa người đến nên chạy ra xem, biết đâu gặp lại người thân hay bạn bè.
 
Gần trưa, chúng tôi được Ban điều hành trại lập danh sách, ghi tên chúng tôi để báo cho Cao Ủy Tị Nạn. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nghe đến 4 chữ này. Chỉ mơ hồ hiểu rằng mình bây giờ là “con của Cao Uỷ”, như người trên đảo hóm hỉnh đặt cho mình và gọi nhau như thế. Tôi là út nên khỏi phải làm gì nhiều, đã có các chị lớn lo, chỉ đợi đến phiên mình đứng vô chỗ đã định sẵn, cầm tấm bảng nhỏ như bảng học sinh thời tiểu học, giơ lên trước ngực và nhìn không chớp mắt vào ống kính. (Không hiểu sao mà tôi còn giữ được tấm ảnh trắng đen 4×6 nhỏ xíu đó và đã chụp lại đăng trên bài trước).
 
Họ dặn chúng tôi lắng nghe thông báo trên các loa được mắc rải rác trên đảo, khi nào kêu tàu KG 0469 xuống khu hành chính để lập hồ sơ tiếp tục xin định cư, cũng như khi được kêu xuống phỏng vấn, thì nhớ đến cho đúng giờ.
 
Sau đó… mạnh ai nấy đi!
 
Chúng tôi hết sức bỡ ngỡ vì tưởng sẽ có người dẫn mình đến giao cho một khoanh nhỏ nào đó trong một barrack hay cái chòi nào cũng được. Nhưng không phải vậy! Trên đảo, tự ai nấy phải tìm nơi trú ngụ! Gặp được người quen thì tá túc vài hôm, rồi xoay xở mua lại những căn nhà của người khác ra đi (đã gửi lại cho người quen bán giùm). Hoặc mua những nhà mới được cất, do những người khéo tay, ở lâu trên đảo và có thì giờ lên rừng đốn củi, đem về đóng một chòi nhỏ rồi bán lấy tiền.
 
Sau 3 ngày, chúng tôi may mắn gặp được người quen từ thời ở Sài Gòn giới thiệu mua lại một căn “nhà” ở khu D, là tuốt trên gần đỉnh đồi, cao lắm. Gọi là “nhà” cho nó oai, chứ nó chỉ có một mái làm bằng tấm nylon màu xanh dương đậm và một bên vách. Phía trước và sau không có cửa và bên hông sát với nhà bên kia cũng không có vách ngăn! Người quen trấn an chúng tôi mai mốt anh sẽ giúp dựng lên cái vách, còn bây giờ ở chỗ này khá rộng, đủ cho 6 chị em. Chúng tôi phải chọn khu D, tuốt luốt trên cao vì nhà trên đó rẻ hơn các nhà dưới khu A và B là khu gần Ban Hành Chánh và gần bờ biển, không phải trèo cao. Nghe nói có những người còn phải đi xa hơn như khu F và khu G. Người quen còn đùa nói ở lâu rồi sẽ thấy thích, vì nhìn xuống thấy mặt biển và có cần “đi thăm lăng Bác” không phải lội bộ xa. “Đi thăm lăng Bác” là từ mới trên đảo họ đặt ra để tả công việc… đại tiện mà ai cũng cần làm. Sáng tạo và hài hước hết chỗ chê!
 
Để đi đến miền “đất thánh” đó chúng tôi chỉ cần leo đồi thêm độ 200m, đi qua những căn nhà cuối xóm là bắt đầu đến một bãi đất mà chúng tôi phải cẩn thận, nhắc chừng nhau coi chừng đạp “mìn”. Vì cũng hay mắc cỡ nên chị em chúng tôi luyện tập cho mình sao có một nhịp sinh lý đều đặn, đợi được đến chiều tối chạng vạng rồi cùng nhau đến đó “thi hành nhiệm vụ công dân” hay làm “Big business”(Chữ của chúng tôi). Chúng tôi phải canh sao đi cho sớm, trời chưa tối lắm để còn thấy đường, nhưng lúc đó muỗi lại bắt đầu vo ve, thi nhau ùa ra tấn công! Buồn cười, chị tôi nảy ra sáng kiến đem theo nhang muỗi. Thế là mỗi đứa cầm trên tay một vòng nhang muỗi màu xanh lá cây, đã được mồi trước. Có lần có người từ trong nhà nào đó gọi ra chọc ghẹo:
 
“Mấy cô lén Ba Má đi hút thuốc há?”
 
“Big business” lần hồi cũng quen. Thao tác cho “small business” cũng cần tập luyện. Số là mỗi nhà đều tự xây cho mình một “phòng tắm” riêng. Các “phòng” đó lớn như nhà Dixi (bên đây người ta hay mướn cho thiên hạ xài vào những đại hội văn nghệ Festival v.v.) Phòng tắm của chúng tôi cũng vậy, là những thanh cây đóng tạm bợ trên một khung gỗ hình vuông, gác lên trên một hố sâu độ chừng 1m, vách xung quanh được quây bởi những bao tựa như bao gạo được cắt ra. Khi dọn vô, phòng tắm đó 4 vách chỉ còn độ… 3 rưỡi và không cao quá đầu người bao nhiêu. Chúng tôi phải khéo léo “ngồi trông hướng” sao cho khỏi mang tiếng “công xúc tu sỉ”.
 
 
“Ngồi trông hướng” đã xong, “ăn trông nồi” dễ dàng hơn nhiều. Vì trong nồi chúng tôi quanh năm chỉ có 3 món: gà, cá hoặc đậu. Đó là 3 món thường trực trong bọc Supply. Ngoài ra, trong đó còn một bọc gạo và một gói bánh khô, vị mặn như bánh Ritz ngày xưa, hoặc một bao mì gói. Bọc Supply là một túi nylon lớn, một mặt in chữ UNHCR màu xanh dương, một mặt có hình trăng lưỡi liềm màu đỏ và hàng chữ tôi không nhớ rõ nữa. Tôi được học chữ UNHCR có nghĩa là “United Nations High Commission for Refugees, còn chữ kia có nghĩa là “Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ”. Hình cái lưỡi liềm mang màu đỏ làm tôi lúc đầu cũng hơi sờ sợ vì nó làm tôi nhớ đến một cái lưỡi liềm khác. Nhưng may quá, nó đứng một mình, không đi chung với một cây búa màu đỏ. Vả lại, nó cho mình đồ ăn thì chắc dễ chịu và dễ thương với mình? Sau này tôi mới hiểu vì Mã Lai là xứ theo Hồi giáo nên cơ quan thiện nguyện tránh không dùng dấu hiệu chữ thập rất đặc thù cho đạo Thiên Chúa giáo. [Bây giờ tôi rõ hơn: IFRC là “International Federation of Red Cross and Red Crescent Societies” có nghĩa “Hiệp Hội Quốc Tế Hồng Thập Tự và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ”].
 
Trở lại các bịch Supplies. Chúng tôi đã “quen mặt” chúng sau 4 tuần ở bên đảo nhỏ trước đó. Thời gian đầu, ai cũng thích được ăn bánh, nhưng chỉ vài tuần sau lại mong được nhận mì gói vì dễ ăn hơn, vì mì gói cũng cho ta được nước như món canh vậy. Ở đảo, có quen biết với người trong đội ngũ phân phối, có “connections”thì có thể đổi lấy bọc Supply trong đó có mì gói!
 
 
Nước uống chúng tôi cũng được họ phân phối. Một tuần một lần, hễ nghe loa phóng thanh kêu đến tên tàu của mình thì xuống lãnh nước từ các contain lớn họ chở tới từ Trenganu là thành phố lớn từ đất liền. Tội nghiệp 2 chị lớn phải sắm một can nước có lẽ 20 lít, lùa một cây gỗ vào dưới chỗ tay cầm để chia sức nặng ra 2 đầu, rồi đặt trên vai và ì ạch khiêng từ dưới bãi biển lên đến nhà tận trên sườn đồi cao. Lãnh supplies thức ăn cũng do 2 chị lớn khác đảm nhận. Chị kế tôi lãnh phần nấu cơm, còn tôi là út được giao phần rửa chén bát. Thế là 6 chị em tự chia nhau những công việc trong nhà. Trước khi đến đảo, chúng tôi đã được “huấn luyện” vì sau năm 75, Mẹ tôi phải cho các chị người làm về quê hết. Nuôi bấy nhiêu miệng ăn đã quá vất vả, sức đâu và gan cóc tía đâu mà dám giữ người làm ở nhà? Vì các ông bà “tổ chảng” của tổ dân phố dòm ngó rất kỹ, rất có thể dễ dàng đánh giá là “tiểu tư sản”. Tuy vậy, chị kế của tôi trước giờ chưa từng phải đứng bếp, thế mà chỉ sau vài tuần cũng nấu được nồi cơm không nhão, không khét, lại bằng củi mới tài tình! Nói chung, tội nghiệp nhất là các chị phải gánh nước uống và thức ăn từ dưới khu A lên khu D.
 
Lúc nãy tôi có nhắc qua đến phòng tắm dã chiến mà nhà nào cũng có. Tháng đầu tiên đặt chân lên đảo còn mùa nắng nên cả đảo lên cơn sốt vì khan hiếm nước để tắm rửa và giặt giũ. Các giếng nước cạn queo! Các “nhà giàu” có giếng nước riêng không dễ dàng chia sẻ cho những nhà nghèo như chúng tôi được nữa. Chúng tôi phải chia nhau đi các nơi, năn nỉ thì được độ nửa xô nước. Nên chúng tôi cũng chế ra được một cách vừa gội đầu, tắm rửa và giặt quần áo bằng… nửa xô nước mà thôi. Bạn tin tôi đi! Tiến trình tắm giặt như thế này: khi xối nước lên đầu cho ướt tóc thì hứng lại nước đó vào xô. Dùng in ít xà bông cho tóc thôi, rồi xối nước xả xà bông cũng trở ngược vô xô. Rồi mới thay bộ quần áo của mình ra để sang bên, lấy chút nước sẵn xà bông đó để chà xát mình mẩy. Cuối cùng, bỏ quần áo dơ vào trong đó giặt cho sạch, vắt khô, đem phơi! Giờ nghĩ lại khó tưởng tượng được làm sao mà sống? Vậy mà mọi người đều vui vẻ vì dù gì cũng đã đến được bờ tự do.
 
pulau bidong hon dao bao dung1Ảnh minh họa trại Pulau Bidong
 
Sau một thời gian khó khăn nhất vì thiếu nước, rút cuộc trời cũng mưa. Các chủ giếng nước không cần lấy đá đè lên miệng giếng và tối phải thức khuya canh chừng người lạ đến múc trộm nước (!!!) Mọi người thở phào. Đồng thời, khí hậu cũng mát mẻ hơn. Bức vách còn thiếu giữa căn nhà chúng tôi và nhà hàng xóm cũng không được dựng lên nữa vì “để vậy cho có gió mát”. Với thời gian, chúng tôi cũng quen, không thấy kỳ cục, dù hàng xóm bên cạnh là 5 anh độc thân. Các anh đa số dân Cần Thơ, vượt biển chung nên hùn tiền mua nhà ở chung. Trời nóng nên thanh niên ai cũng ở trần, quần xà-lỏn. Khắp đảo đều như vậy nên riết rồi thấy cũng quen!
 
Tôi nhớ các anh khuyên nhủ chúng tôi đừng khai xin đi Úc vì hiện giờ Úc đổi chiến lược, không nhận các cô gái độc thân nữa mà toàn các thanh niên độc thân. Trước đó độ nửa năm, phái đoàn phỏng vấn của Úc chỉ nhận các thiếu nữ còn độc thân, tuổi đến 30-35 là cùng. Bây giờ thì ngược lại. Vì vậy người trên đảo đặt cho một mỹ danh là “Úc khùng”. Có lẽ tùy vào nhu cầu thị trường bên Úc đang cần sức lao động cho ngành nghề nào chăng?
 
Đa số dân tị nạn nào cũng muốn đến Mỹ, nhưng sau một thời gian ai cũng phải suy nghĩ lại, tính toán cho kỹ xác suất được nhận có nhiều hay không, mới nên nộp đơn xin định cư tại Mỹ. Số là Mỹ có một hệ thống nhận định cư phân chia rất rõ ràng: Ưu tiên #1 có thân nhân ruột thịt tại Mỹ; #2 dành cho người đã từng làm việc với các hãng xưởng của Mỹ trước 1975; #3 nếu bản thân hoặc có cha mẹ là quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa (và bản thân phải dưới 21 tuổi); #4 là… không có gì hết, nếu chịu trận được thì sau 3-5 năm sẽ được nhận định cư theo diện “hốt rác” – một mỹ từ mới dân tị nạn trên đảo Bidong đặt cho!
 
Ngoài Mỹ và Úc là 2 nước thường xuyên gửi phái đoàn đến phỏng vấn nhận người tị nạn còn có Canada. Nhưng ai cũng kháo nhau Canada lạnh lắm, một năm giá băng hết 9 tháng nên không mấy ai thích đi. Nhưng không biết từ đâu có một thành ngữ khá phổ biến, quảng cáo cho xứ Lá Cây Phong: “Canada: xứ lạnh tình nồng!”
 
Thời đó hầu như chẳng có phái đoàn nào của các nước Tây Âu như Anh, Pháp, Đức, Hoà Lan, Đan Mạch. Nhưng tôi nhớ có một anh thanh niên hình như gốc người Tây Âu cao lớn, mắt xanh, tóc vàng đến đảo làm thiện nguyện. Anh ta chọn công việc nặng nề, hèn mọn nhất trên đảo: dọn rác rến! Anh làm việc suốt ngày từ sáng đến chiều, tối thì trải chiếu ngủ trên “cầu Supply”. Anh chỉ xin Ban Chấp Hành trại cung cấp cho anh mỗi ngày đủ 10 thanh niên để đi theo giúp anh dọn rác rến do các người dân thiếu ý thức vứt vô tội vạ, làm nghẹt các ống thoát nước và gây ngập rác tại bờ biển. Hình ảnh “Anh Tây” mắt xanh mũi lõ cũng mình trần, xà-lỏn, cầm bao rác đi thu dọn các “bãi chiến trường” khiến Ban Chấp Hành trên đảo cũng xốn mắt, nên lập một danh sách tuần tự các tàu phải cung cấp cho Anh Tây đầy đủ nhân lực.
 
Sau một thời gian, quen công việc nên nhà của chúng tôi lần hồi cũng được vén khéo gọn gàng, sạch sẽ. Với sự giúp đỡ tận tình của người quen từ Sài Gòn, chúng tôi có một cái giường lớn, “phản gỗ” do nhiều cây nhỏ ghép lại. “Nệm” của chúng tôi là vài thùng carton trước đựng Supplies, nay được tháo ra và đè xẹp xuống để nằm. Để có được những thùng carton đó cũng phải có connections với Ban Phân Phối Supplies đấy nhé!
 
Về sau, chúng tôi cũng có một cái bàn thấp để ngồi viết lách được trên đó. Sau độ 2 tháng, 2 đứa nhỏ nhất trong nhà được các chị khuyến khích ghi tên học tiếng Anh miễn phí. Tôi nhớ rõ mình được phát một cây viết và một cuốn tập mỏng cũng in hình trăng lưỡi liềm. Một tuần được học 2 buổi. Sau bữa ăn sáng sơ sài, chúng tôi đi bộ xuống khu A. Lớp học chật ních người, đủ mọi thành phần và tuổi tác. Ông thầy đứng ở trước, viết chữ lên bảng rồi cho học sinh ê a đọc lại như trong trường tiểu học. Ghi chép theo rất khó khăn vì ngồi san sát với nhau, chỗ đâu mà để tập, rồi còn viết lách? Tôi còn giữ trong đầu kỷ niệm buổi học đầu tiên ông thầy cứ lặp đi lặp lại câu “Đây là chữ đồng âm dị nghĩa, đồng âm dị nghĩa!” Bây giờ tôi cũng không nhớ 2 chữ nào ông thầy dạy trong tiếng Anh mang tính chất “đồng âm dị nghĩa”!?!
 
– Bà chị kế tôi không học chung lớp, vì ở Việt Nam chị chọn lớp Pháp Văn, nên bây giờ phải chịu vỡ lòng English for foreigners. Tôi không nhớ chị theo lớp được bao lâu? Chỉ nhớ sau một thời gian ngắn tôi không hào hứng đi học nữa vì lớp quá đông học sinh, hâm hấp hơi nóng của người và người, cũng chẳng luyện được giọng gì hơn là về nhà học với mấy chị! Không có sách vở nên nhớ tới đâu, các chị dạy tới đó. Ngoài ra, học lời trong các bản nhạc hấp dẫn hơn nhiều. Thí dụ bản nhạc “One day, when we were young, a wonderful morning in May…” tôi mau chóng hiểu và thuộc lời ro ro!
 
Một ngày đẹp trời, chị thứ tư trong nhà nghe trên loa phóng thanh thông báo Ban Phát Thanh tuyển Xướng Ngôn Viên. Nghĩ sao mà chị tỉnh bơ xuống đó ghi tên! Mới tròn 17 tuổi mà chị được nhận mới “hách xì xằng” chớ! Kể từ đó, mỗi tối chị đi xuống để góp mặt trong buổi đọc tin tức thời sự. Lúc đầu chị tôi là giọng đọc phụ. Giọng chính do một cô người Cần Thơ đảm nhiệm. Cô ấy có giọng đọc thật ngọt ngào, trong trẻo. Liên quan đến giọng đọc đó chúng tôi có một kỷ niệm khó quên: Gần đến lễ Vu Lan, ông Giáo Sư Trưởng Ban Phát Thanh không biết tìm đâu được đoản văn Bông Hồng Cài Áo của thầy Nhất Hạnh. Ông cho chị Xướng Ngôn Viên ấy đọc lên cho cả đảo nghe. Trời ơi! Đến bây giờ tôi vẫn nổi da gà, như sống lại không khí ấy: Buổi chiều tối, sau cơn mưa dông, dường như cả đảo nín thở lắng nghe đoản văn nổi tiếng ấy. Lời lẽ chân tình, nội dung thắm thiết, đi thẳng vào lòng của bao nhiêu người con xa mẹ, cộng thêm giọng đọc đầy cảm xúc của chị, chắc chắn đã làm bao nhiêu con tim thổn thức… Vài giọt mưa còn sót lại trên mái nhà và tàn cây, tí tách rơi khi gió lùa về, đã giúp che giấu được bao nhiêu nước mắt đang tuôn lã chã trong đêm? Buổi đọc đó quá thành công nên chắc có nhiều người xin Ban Phát Thanh đọc lại lần nữa. Lúc đó tôi chẳng biết Thích Nhất Hạnh là ai, đang ở đâu và viết đoản văn đó trong giai đoạn nào? Tôi chỉ biết mình nhớ Mẹ, nhớ nhà khôn cùng! …
 
Qua động lực đóng góp trên đài Phát Thanh với tư cách Xướng Ngôn Viên của người em, nên 2 chị lớn kế nảy ra ý định xuống xin Ban Phát Thanh cho các chị cũng đóng góp, lập một chương trình cho các em Thiếu Nhi với các môn học hát, đọc truyện cổ tích, kể chuyện vui và chương trình “Chị Ơi!” để trả lời những câu hỏi các em gửi về. Tôi nhớ mang máng hình như vào Trung Thu, các anh chị trong nhóm cũng xin được bánh kẹo dẫn vài em thiếu nhi đi “cắm trại” (chỉ là ra bãi biển chơi một ngày thôi)
 
Nói chung, chúng tôi không bị rơi vào tình trạng mong mục, không biết làm gì “cho qua ngày đoạn tháng”, mà bằng cách này hay cách khác, cũng chịu nhận lấy vài nhiệm vụ nhỏ nhoi!
 
pulau bidong hon dao bao dung2Hành trình vượt biên và định cư của Kim Nguyễn
 
Người ở lâu trên đảo cũng phát huy được nhiều tay nghề, khi có sáng kiến, thậm chí còn làm giàu được nữa. Đầu đường rẽ vào nhà tôi có một gia đình khá đông con, ông bố có sáng kiến lúc đang có sẵn đất tốt lúc đào giếng, đắp thành một lò nướng bánh mì. Họ bắt mánh được với người buôn lậu, mua được bột mì, rồi sau vài lần chế biến, trau dồi tay nghề, họ tạo được những ổ bánh mì kiểu bánh mì Sài Gòn, mùi bánh mới ra lò thơm phưng phức làm cả xóm phải thòm thèm. Họ giao cho các con nhỏ mỗi đứa 1 thùng nhỏ đội trên đầu, đem xuống “chợ” bán cho dân có tiền. Một trong các em đó là một cô bé độ 7-8 tuổi thôi, khi rảnh rỗi em thích đong đưa thật mạnh trên võng và hát vang những bài được sửa lời như “Đêm qua em mơ gặp bác Hồ. Chân bác dài bác đạp xích lô. Em thấy bác em kêu xe khác. Bác gật đầu học tập nha con!” Một chứng minh hùng hồn rằng em đã được hít thở không khí tự do.
 
Trở lại ổ bánh mì thơm phức của nhà em, chúng tôi chỉ được ngửi chứ chưa bao giờ được nếm qua! Như đã nói, thực đơn hằng ngày chúng tôi là gà, cá hay đậu. Gần nửa năm sống trên đảo, 6 chị em được một lần duy nhất nhận… nửa con gà. Chúng tôi đồng ý đem nấu cháo để ai cũng có cơ hội chiêm ngưỡng và hưởng thụ món thịt tươi.
 
Riêng ai có được thân nhân đã đi định cư trước, gửi tiền về, có thể sống rất phây phả. Họ có thể đến khu C là khu giáp với một bãi cát khá mịn màng, để ngồi uống cà phê, nghe nhạc trong các quán có cả đèn màu thắp lên khi đêm về. Tôi chỉ được vài lần ngồi chơi với các chị trên bãi cát mịn, vểnh tai nghe tiếng nhạc xa xa phát ra từ máy Cassette chắc các chủ quán mua lại của dân buôn lậu.
 
Nhắc đến nhạc không thể không nhắc đến sáng kiến của ông Giáo Sư, Trưởng Ban Phát Thanh. Mỗi lần đọc xong các danh sách người nào được đi định cư, ông luôn luôn kèm theo một bản nhạc, khi thì “Nghìn Trùng Xa Cách” của Phạm Duy, khi thì “Biển Nhớ” của Trịnh Công Sơn. Chắc ông không có bài “Phút Cuối” của Lam Phương nên lúc đó người trên đảo không được nghe, chỉ tự ca trong các buổi tiễn đưa, chia tay trong vòng thân mật riêng tư.
 
Như đã nói, bọn “nghèo rớt mùng tơi” như chị em chúng tôi chỉ biết mùi nhưng không biết được vị của bánh mì Bidong, cà phê khu C hay hủ tiếu khu A. Nhưng nhu cầu đi chơi ai mà không có? Tôi nhớ có lần “bà chị Xướng Ngôn Viên” rủ tôi, 2 chị em bỏ vào túi một chai nước và một gói bánh, cùng nhau leo tuốt lên đồi cao, đi qua khu G rồi thả bộ xuống bãi biển bên kia. Nơi đó không ai ở, hoang vu, tịch mịch. Bãi cát trắng mịn với nước biển trong veo, đúng cảnh “Mắt em là bóng dừa hoang dại”, đẹp hơn cả Vũng Tàu là bãi biển duy nhất chúng tôi được đến chơi khi còn ở quê hương. Chúng tôi để nguyên bộ đồ đang mặc trên người xuống biển bơi, rồi lên bờ ngồi đợi quần áo khô, chứ đâu có áo bơi khăn bông tắm gì đâu! Mới ngồi nghỉ được một chút, có một anh thanh niên đến tán dóc với chúng tôi. Thế nên tuy quần áo chưa khô, chị tôi giục thôi đi về. Sau này tôi mới hiểu chị khó chịu vì ánh mắt nhìn hơi thô lỗ của chàng thanh niên hướng về chúng tôi. Áo quần tuy không mỏng manh nhưng bị ướt nước nên dán chặt vào người chị. Tôi còn nhỏ chưa có “lồi lõm” gì và cũng ngây thơ nên không hiểu, chứ chị tôi lúc đó khó chịu là phải.
 
Kể về một quãng đời tuy ngắn ngủi nhưng đầy đủ “hỉ nộ ái ố”, tôi không thể không nhắc đến vài mối tình trong xóm mà dù không muốn tò mò, tọc mạch mình cũng biết được, vì nhà cửa ai nấy rất “thông thoáng”. Chỉ cần ngồi trong nhà nhìn xéo chênh chếch qua bên kia đường hẻm, chúng tôi thường xuyên được ngắm một cặp tài tử giai nhân thường nắm tay nhau, 2 mái đầu chụm lại để tỉ tê tâm sự… Với chút phá phách, chúng tôi đặt tên cho 2 anh chị đó là “Bạch Tuyết và Hùng Cường”! Không biết sau đó 2 anh chị có được đoàn viên và bây giờ chung sống hạnh phúc với nhau, con đàn cháu đống hay chăng?
 
Bên cạnh những nhu cầu vật chất tối thiểu về sinh lý để sống còn, con người luôn luôn có nhu cầu về tâm linh. Không biết từ đâu, bao giờ mà đảo Bidong chúng tôi có một khu gọi là “Đồi Tôn Giáo”. Ở đó có một ngôi chùa nhỏ và một nhà thờ đơn sơ. Cả 2 tuy khiêm nhường nhưng đủ đem an bình đến cho rất nhiều tâm hồn cô đơn, lo lắng, sợ hãi, nếu không muốn nói là đã tang thương, rách nát vì phải trải qua vài biến cố khủng khiếp trên đường vượt biển của họ!
 
Pulau Bidong đã cưu mang chúng tôi đúng 5 tháng. Tính trung bình cho một kiếp người tị nạn, đó là một khoảng thời gian khá ngắn. 6 chị em chúng tôi được đi định cư sớm nhất trong tàu. Đất nước đón chúng tôi đến không cần phỏng vấn, chỉ cần dựa theo quy tắc đoàn tụ gia đình là lập danh sách đưa về UNHCR. Một buổi chiều đầu tháng 10 năm 1979, chị thứ tư của tôi lúc đó là Xướng Ngôn Viên chánh, cầm danh sách tên những người đi định cư không tin ở mắt mình, đọc lớn tên của các chị em. Đọc xong, chị chỉ kịp bắt tay và chào tạm biệt bạn bè làm việc trong “Đài Phát Thanh”, rồi lật đật trở về “nhà” để gói ghém vài bộ quần áo, kịp ra cây Cầu Supply, lên tàu của Cảnh Sát Mã Lai đưa chúng tôi đi tiếp. Chúng tôi không có thì giờ để làm buổi tiệc nho nhỏ cho kẻ đưa, người tiễn như những hàng xóm, láng giềng, hay vài người quen khác trong tàu cùng nhau vượt biển, đã làm được. Hàng xóm, bạn bè nghe tin, ai nhanh tay thì kịp nhét vào trong túi chúng tôi những bức thư ngắn, gọn, nhờ gửi cho thân nhân nước ngoài. Tất cả mọi thứ khác chúng tôi bỏ lại hết. Căn nhà chúng tôi bỏ ra 2 chỉ vàng để mua lại, ban đầu xập xệ, hơi đổ nát, sau 5 tháng đã có nhiều sinh khí nhờ những tiếng ca hát, tiếng học bài, ê a ôn luyện Anh văn, tiếng khóc thút thít của ai đó… Tất cả đã là một phần của chúng tôi. Nhưng chúng tôi vui vẻ bỏ lại hết, cộng thêm một chút háo hức, nhưng cũng hơi lo sợ khi nghĩ đến chặng đường kế tiếp trước mặt. Lại một cuộc hành trình mới sẽ mở ra, sẽ đưa chúng tôi đến gần xứ tự do hơn nữa. Nhưng Pulau Bidong là nơi đầu tiên cho chúng tôi nếm lại không khí tự do. Tuy còn chật vật, thiếu thốn đủ điều về vật chất, nhưng về mặt tinh thần, chúng tôi như được “sống lại” và phát huy nhiều khả năng trước đó không hề dám nghĩ tới. Đứng trên tàu đưa chúng tôi rời đảo, tôi quay lại, căng mắt, cố nhìn vài nét cuối của đồi núi trên hòn đảo ấy… đang mờ dần trong đêm. Người ta đặt tên cho đảo là “Buồn Lâu Bi Đát”, riêng tôi lại có thật nhiều kỷ niệm khó quên nên khi nhớ lại, bao cảm xúc lẫn lộn trào dâng./.
 
Nguyễn Kim
 
* Chùa Lá, NttK bắt đầu viết vào ngày 30/04/2023; viết xong ngày 03/05/2023. Tặng cho tất cả đồng bào vượt biển đã từng cập bến Pulau Bidong nói riêng và những thuyền nhân Việt Nam nói chung.
 
**Bức tượng ở đảo Pulau Bidong, do ai tạc không rõ tên, sau đó được hoạ sĩ ViVi tạc và tu bổ thêm
 
 

Nam Mai sưu tầm

 

Xem thêm...

Nhớ cánh hoa mong manh Ngọc Lan

Nhớ cánh hoa mong manh Ngọc Lan

Kỷ niệm 23 năm vắng tiếng hát của ca sĩ Ngọc Lan (2001-2024)

Trường Kỳ

(Ảnh: iloveNgocLan)

Vào sáng ngày 7 Tháng Ba năm 2001, tôi cũng như những người thân trong gia đình đã thật bàng hoàng khi nghe tin Ngọc Lan qua đời một ngày trước đó, vào hồi 8 giờ 25 sáng tại bệnh viện Vencor, Huntington Beach.

Người báo tin cho tôi biết là Kỳ Phát, chủ nhiệm tạp chí Trẻ ở Nam California và là người từng theo sát Ngọc Lan trong suốt thời gian trung tâm Mây thực hiện riêng cho cô hai video vào năm 1991, dưới quyền đaọ diễn của Đặng Trần Thức, đạo diễn phim “Hè Muộn” trước năm 1975.

Cho đến nay hai video này vẫn là hai video ca nhạc dành riêng cho một nghệ sĩ được coi là giá trị nhất về mặt nghệ thuật. Khi tiếp xúc với Trần Thăng – giám đốc trung tâm Mây, là trung tâm đầu tiên đã đưa Ngọc Lan đến với khán thính giả trên những chương trình “Hollywood Nights” – qua điện thoại, anh không dấu được sự xúc động với giọng nói nghẹn ngào trên đường đến dự lễ phát tang của người nữ ca sĩ dễ mến, đã từng cộng tác với anh trong suốt 15 chương trình video “Hollywood Nights.”

Cũng trong ngày 7 Tháng Ba, tôi được hân hạnh phát biểu cảm tưởng của mình về sự qua đời của Ngọc Lan trong một bản tin phát về Việt Nam của đài VOA, và sau đó đã giới thiệu nhạc phẩm Tình Buồn do cô trình bày.

Xin ghi lại nguyên văn sau đây như sự tưởng niệm một nghệ sĩ thân thiết với gia đình tôi: “Tôi đã vô cùng xúc động khi biết được tin Ngọc Lan đã qua đời mặc dù đã biết cô mang một căn bệnh hiểm nghèo từ lâu. Ngọc Lan gần như mỗi lần sang Montreal, Canada lưu diễn đều cư ngụ tại nhà chúng tôi. Qua tính tình dịu dàng, khả ái và bản tính khiêm nhượng của cô, trong những bài viết trên sách báo, tôi đã mệnh danh Ngọc Lan là một Công Nương Diana của nền tân nhạc Việt Nam hải ngoại. Do đó sự ra đi của cô là một mất mát lớn đối với những người yêu nhạc, yêu tiếng hát buồn man mác của cô. Trong khi nói những lời này thì hình bóng Ngọc Lan vẫn phảng phất trong căn nhà này với chữ ký còn rõ nét của cô trên chiếc giường được gọi là “Chiếc Giường Nghệ Sĩ ” của gia đình chúng tôi.”

Chưa bao giờ khán thính giả khắp nơi lại dành cho một người nghệ sĩ sự ưu ái to lớn đến như vậy như đối với Ngọc Lan. Hàng ngàn người đã đến viếng thăm linh cữu cô tại nhà quàn Dilday Brother ở Huntington Beach trong hai ngày 8 và 9 Tháng Ba năm 2001.

Số người dự tang lễ của Ngọc Lan tại Thánh Đường Giáo Xứ Thánh Linh ở Fountain Valley vào hồi 10 giờ sáng ngày 10 Tháng Ba cũng chật ních đối với sức chứa gần 1,000 người của nhà thờ này, trong khi những người đứng ở ngoài cũng lên tới con số tương đương như vậy.

Sau đó trên 2000 người đã tiễn đưa cô đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Chúa Chiên Lành ở Huntington Beach khi tang lễ hoàn tất.

Tang lễ đã được cử hành trong một bầu không khí trang nghiêm và cảm động do linh mục Nguyễn Văn Luân – quản nhiệm cộng đoàn Thánh Linh, Huntington Beach – chủ tế. Ngoài ra đồng tế với linh mục Luân còn có 5 vị linh mục khác đến từ những thành phố lân cận: Linh mục Nguyễn Văn Tuyên, quản nhiệm cộng đoàn Tustin; Linh Mục Nguyễn Uy Sỹ, quản nhiệm cộng đoàn Westminster; Linh Mục Nguyễn Trường Luân thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Long Beach; Linh Mục Nguyễn Nhật Huy, giáo phận Los Angeles, và Linh Mục Nguyễn Trần Tuấn Anh, thuộc cộng đoàn Westminster.

Ngọc Lan qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo đã hành hạ cô trong suốt một thời gian dài. Đó không phải những biến chứng của bệnh tiểu đường như những lời đồn đãi. Cũng không hẳn là do một cục bướu trong óc đã gây ra cái chết này. Căn bệnh của Ngọc Lan được giới chuyên khoa gọi là Multiple Sclerosis (gọi tắt là MS) tức là chứng “đa thần kinh hóa sợi.”

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đức, người từng viết nhiều bài liên quan đến sức khỏe cũng như về những chứng bệnh hiểm nghèo trên nhiều tờ báo ở Hoa Kỳ, cho biết sự tác hại của chứng “đa thần kinh hóa sợi” này khiến các giây thần kinh nơi óc, nơi mắt và nhiều nơi khác tơi nhỏ ra để đưa dần tới sự tê liệt hoàn toàn của cơ thể. Cũng theo những y sĩ chuyên khoa thì chứng thần kinh hóa sợi không thể chữa trị và bệnh nhân không thể có hy vọng sống sót.

(Ảnh: iloveNgocLan)

Linh mục chủ tế Nguyễn Văn Luân trong phần phát biểu về Ngọc Lan dùng những lời lẽ thật là giản dị nhưng cảm động để nói về cá tính và con người của cô đối với gia đình, với sinh hoạt cộng đồng và với quê hương đất nước. Ông cũng đã tỏ ra rất xúc động trước cái chết của Ngọc Lan và ví cô như “một con chim sơn ca đã từng bay đi khắp thế giới để đem lại niềm vui và nụ cười đến cho nhân loại.”

Cũng trong chương trình tang lễ, Nam Lộc – người từng thực hiện cuộc phỏng vấn đầu tiên Ngọc Lan trên video ” Hollywod Nights 1″ – được mời lên phát biểu thay cho một số thân hữu của Ngọc Lan và những nghệ sĩ không có mặt (Ghi chú: gần 30 nghệ sĩ đã lên đường trước đó để trình diễn ở Trump Marina tại Atlantic City vào ngày cử hành tang lễ Ngọc Lan. Cùng ngày đó một số ca sĩ từ Việt Nam sang cũng đã trình diễn tại thành phố này, ở sòng bài Trump Plaza).

Anh đã ngỏ lời phân ưu cùng gia đình Ngọc Lan trước sự mất mát lớn lao này. Nam Lộc đã gọi Ngọc Lan là một ngôi sao sáng của nền âm nhạc Việt Nam, nhưng  “tuy là một ngôi sao sáng nhưng cô lại là một người có đức tính rất là khiêm nhường, hòa thuận và nhã nhặn với bạn bè, không ganh đua đố kỵ.”

Anh còn nói thêm: “Ông Trời nhiều khi thật là bất công. Trong những năm gần đây, ông đã mang đi rất nhiều những nhân vật, những khuôn mặt được bao nhiêu người yêu thương, được cả nhân loại mến mộ khi họ còn rất trẻ. Và Ngọc Lan ở trong trường hợp bất công đó.”

Để kết luận, Nam Lộc thốt ra những lời vĩnh biệt thật cảm động: “Tuy là một tên tuổi rực rỡ nhưng Ngọc Lan có một cuộc sống rất là kín đáo và thầm lặng. Và chính sự thầm lặng và kín đáo đó đã tạo ra biết bao nhiêu huyền thoại kỳ lạ và đẹp đẽ về cô. Và cũng trong thầm lặng và kín đáo, Ngọc Lan đã ra đi trong sự kín đáo và thầm lặng đó. Thôi chúng ta hãy ôm Ngọc Lan trong những huyền thoại tuyệt vời. Vĩnh biệt Ngọc Lan!”

Một chương trình truyền hình do Nam Lộc và Thụy Trinh thực hiện về Ngọc Lan trên hệ thống Truyền Hình Văn Nghệ Việt Nam cũng đã được phát hình trước đó, trong cùng một ngày, với những chi tiết về chương trình tang lễ mà nhờ đó nhiều người đã biết được để có mặt trước ở nghĩa trang Chúa Chiên Lành (Good Sheeper) trên đường Talbert ở Huntington Beach để tiễn đưa lần cuối người nghệ sĩ họ mến mộ và thương yêu.

Những cặp mắt rưng rưng lệ và những tiếng khóc nghẹn ngào đã nói lên được sự tiếc thương vô bờ đối với một người nữ ca sĩ hồng nhan bạc mệnh đã sớm ra đi khi mới được 44 tuổi. Tên tuổi Ngọc Lan đang ở trong thời kỳ cao chót vót vào khoảng 5 năm đầu thập niên 90 nhưng sau đó cô đã phải giảm bớt những hoạt động và dần dần ngưng hẳn sau khi lâm trọng bệnh, khởi đầu ngay từ năm 92, 93.

Không ít người đã từ xa – như San Jose, San Diego, Seattle, Portland, vv..- cũng đã không quản ngại để đến đưa tiễn Ngọc Lan về nơi an nghỉ cuối cùng. Những năm gần đây, Ngọc Lan rất ít xuất hiện, tuy nhiên nếu có cũng cần được một người em gái đi theo phụ giúp trong việc đi đứng do thị lực kém cỏi cũng như trí nhớ bị sa sút trầm trọng.

Chồng của Ngọc Lan là Kelvin Khoa với tên thật là Mai Đăng Khoa, một nhạc sĩ hòa âm và cũng là người cùng với Ngọc Lan điều hành trung tâm Ngọc Lan musique cùng với những người em trai của cô đã khiêng quan tài của người nữ ca sĩ vắn số đến nơi an giấc ngàn thu trong niềm bùi ngùi vô hạn, trong một ngày nắng đẹp rực rỡ mà có người đã ví von “rực rỡ như tiếng hát, rực rỡ như nét mặt thiên thần của Ngọc Lan,” trong khi những ngày trước đó bầu trời miền nam California thật buồn thảm như thương tiếc cho một người ca sĩ tài hoa nhưng vắn số.

Thân phụ cô, ông Lê Đức Mậu – thay mặt cho gia đình trong chương trình tang lễ cầu cho linh hồn Ngọc Lan đã xúc động đến nghẹn ngào khi đưa tiễn người con gái thứ 5 của gia đình về nơi vĩnh cửu.

Trước đó vào năm 1993 ông và gia đình đã từng đau đớn vì cái chết của người chị Ngọc Lan là nhà văn Lê Thao Chuyên, thiệt mạng trong một vụ cướp. Mọi người đã không cầm được nước mắt khi ông cất tiếng ngâm bài thơ “Lá Vàng Khóc Lá Xanh” để tưởng nhớ người con gái yêu dấu từng sống những chuỗi ngày mong manh như cánh hoa trong cơn giông tố của bệnh tật.

Người chị cả của Ngọc Lan là Lê Kim Liên cũng đã khiến mọi người không cầm được nước mắt khi đọc bài thơ đưa tiễn đưa người em gái của mình tại nghĩa trang. Thân xác Ngọc Lan đã được vùi sâu trong lòng đất, nhưng tiếng hát đượm một nỗi buồn man mác, khuôn mặt thanh cao với cặp mắt buồn u uẩn của cô chắc chắn sẽ mãi còn trong trí nhớ của mọi người.

(Ảnh: iloveNgocLan)

Ngọc Lan tên thật là Lê Thanh Lan, sinh năm 1956 tại Nha Trang và là người con thứ năm trong số 8 người con trong một gia đình khá giả tại thành phố vùng biển này. Ngọc Lan trải qua lứa tuổi ấu thơ tại đây trong sự chiều chuộng thương yêu của cả nhà, tuy nhiên nét mặt cô lúc nào cũng phảng phất một nét buồn vời vời như chính lời cô kể lại với một ký giả trong cuộc phỏng vấn cô dành cho anh tại Toronto trong dịp thu hình của trung tâm Asia tại đây vào năm 96: “Nếu mà buồn thì cái mặt Ngọc Lan từ bé mẹ đã nói là mặt mày giống như đưa đám ma mà!”

Không những luôn mang một nét buồn trên một khuôn mặt thiên thần, Ngọc Lan còn có tính tình rất nhút nhát như theo lời một số bạn của cô kể lại trong thời kỳ theo học cùng với cô ở trường Thánh Tâm, trong thời gian gia đình cô cư ngụ tại Xóm Mới, Nha Trang trong một villa lớn, kín cổng cao tường.

Vào những ngày chủ nhật, Ngọc Lan cũng như các chị em đều theo bố mẹ đi lễ ở Nhà Thờ Núi Nha Trang và đã tỏ ra rất sùng đạo từ khi còn trong tuổi ấu thơ. Lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc của mẹ, Ngọc Lan đã tỏ ra hết lòng thương yêu người mẹ yêu quí của mình và thường nhắc đến bà trong những lần tâm sự.

Khi còn ở Việt Nam, Ngọc Lan đã từng có một thời gian theo học nhạc với nhạc sĩ Lê Hoàng Long và đã từng có những hoạt động với các ca đoàn công giáo trong thời gian cô cùng gia đình cư ngụ tại Gò Vấp. Đến năm 1980 Ngọc Lan cùng với gia đình vượt biên và đã trải qua những ngày hãi hùng trên biển cả. Sau một thời gian ở trại tỵ nạn, gia đình cô đặt chân tới tiểu bang Minnesota và cư ngụ tại đây trong hai năm trước khi cả nhà quyết định dời về Nam California.

Đến Cali vào năm 1982, Ngọc Lan vì muốn có tiền để tiếp tục việc học vấn nên đã nghĩ tới việc đi bán hamburger. Nhưng chưa thực hiện điều này thì Ngọc Lan được một người bạn quen từ khi còn ở Việt Nam giới thiệu với một quán cà phê cũng mang tên Lan ở vùng Little Sài Gòn để hát, thay vì đi bán hamburger như cô dự tính: “Thì Lan thấy nghe lời cô ấy cũng được nên Lan đến Lan xin để Lan được hát. Bà chủ quán tối hôm đó bà ấy kêu Lan lên hát thử. Bà ấy mới hỏi Lan là cô tên là gì, thì Lan nói dạ, dạ em tên Thanh Lan. Bà ấy nói không được đâu, đã có Thanh Lan rồi, tại sao mà còn lấy Thanh Lan nữa. Thôi tên Kim Lan đi. Thế rồi bà ấy lên giới thiệu là đây ca sĩ Kim Lan.”

Cuộc đời của Ngọc Lan bắt đầu đi vào một khúc quanh sau khi cô đi hát lần đầu tiên tại quán cà phê Lan này vào năm 1983 với cái tên Kim Lan với hai nhạc phẩm “Dấu Tình Sầu” và  “Giáng Ngọc.” Đây là hai nhạc phẩm cô được một người quen tập cho trong thời gian ở trại tỵ nạn.

Nhưng cái tên Kim Lan cô được giới thiệu khi bước lên sân khấu lần đầu tiên đó chỉ được biết đến trong một lần xuất hiện với tất cả sự hồi hộp và lo lắng của cô. Vì qua tối hôm sau, Ngọc Lan đã được giới thiệu đi hát ở một quán cà phê khác có tên là Hoài Hương. Cô kể: “Qua ngày mai Lan hát ở một cái quán khác tên là quán Hoài Hương thì cái ông chủ, ông ấy mới nói là lấy tên Ngọc Lan đi, đừng có tên Kim Lan kỳ lắm. Thì lúc đó Lan đâu có nghĩ mình là ca sĩ, Lan cũng chẳng có định trước cái gì. Lan nói rồi… tên Ngọc Lan cũng được. Giới thiệu Lan lên thì Lan hát ở đó một tuần lễ thôi.”

Thế là cái tên Ngọc Lan định mệnh bắt đầu có từ đó sau ba đêm cuối tuần hát ở quán Hoài Hương với số tiền thù lao là 35 mỹ kim. Đối với Ngọc Lan với số tiền đầu tiên kiếm được trong cuộc đời đi hát đã khiến cho cô rất hài lòng vì dù sao cũng nhẹ nhàng hơn công việc bán hamburger. Lan được trả 35 đồng mà rất là happy. Happy hơn bây giờ nữa. Rất là happy tại vì đâu có tìm được số tiền nào khác… tại trong lúc đó mình đâu có tiền gì đâu. Mà đi làm như vậy, Lan thấy cũng dễ dàng hơn là bán hamburger.

Tuy nhiên vì chưa quen hát nhiều, nên sau khi hát liên tiếp ba đêm cuối tuần vì quá mệt mỏi nên Ngọc Lan quyết định xin nghỉ.

Vào ngày cuối cùng trước khi quyết định thôi hát tại quán Hoài Hương thì định mệnh đã đưa đẩy Ngọc Lan gặp được Trần Ngọc Sơn là người điều hành trung tâm Dạ Lan lúc đó, tức tiền thân của trung tâm Asia hiện nay. Nhận thấy Ngọc Lan có một giọng hát khá cùng với một sắc đẹp lôi cuốn, nên Trần Ngọc Sơn đã xin số điện thoại của cô để sau đó gọi lại mời cô thu tiếng trong những băng nhạc của trung tâm Dạ Lan.

Với bản tính nhút nhát, Ngọc Lan cho biết khi mới vào nghề cô rất ngại xuất hiện trước khán giả. Cũng chính vì vậy cô đã quyết định không tiếp tục cộng tác với quán Hoài Hương. Nay nhận được lời mời thu băng nhạc nên cô thấy thoải mái hơn là đứng trên sân khấu, trước khán giả. Qua những băng nhạc đầu tiên với Dạ Lan, tiếng hát ngọt ngào của cô, lúc đó có nét phảng phất giống như tiếng hát của nữ ca sĩ Thanh Lan, đã chiếm ngay được cảm tình của thính giả.

Sau một thời gian hát tại một số quán cà phê ở vùng Little Sài Gòn như Lan, Hoài Hương, Đỉnh Thiêng, Tay Trái,… tên tuổi Ngọc Lan bắt đầu được biết đến, tuy nhiên vẫn ở trong một phạm vi nhỏ. Đến năm 1985, Ngọc Lan chính thức bước vào con đường nhà nghề khi được nhạc sĩ Ngọc Chánh khuyến khích vì nhận thấy cô có hội đủ những yếu tố để trở thành một ca sĩ tên tuổi. Ngọc Lan nhận lời và được trả thù lao là 250 mỹ kim cho một tuần.

Sau gần một năm đi hát ở vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh, tên tuổi Ngọc Lan được biết đến nhiều hơn để cô bắt đầu nhận được nhiều lời mời đi show ở các tiểu bang Hoa Kỳ và Canada. Ngọc Lan từ đó đã thật sự trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp và chiếm được lòng ưu ái của mọi người. Nhất là đối với những nhà tổ chức những chương trình ca nhạc, Ngọc Lan luôn biểu lộ một sự thông cảm. Những buổi tổ chức nào không được đông khách cô đều giảm bớt thù lao của mình xuống, để coi đó như một sự chia xẻ với người tổ chức.

Ngọc Lan tâm sự là trong thời gian bắt đầu đi hát ở vũ trường Ritz, cô vẫn còn có một sự lưỡng lự, đắn đo, không biết có nên dấn thân hẳn vào con đường này hay không. Qua những lần tiếp xúc với nhà thơ Nguyên Sa, cô luôn được nhà thơ này khuyến khích để trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp và được cô kể lại như sau qua cuộc phỏng vấn với ký giả Việt Tiến ở Toronto, lúc đó ông Nguyên Sa hay gọi Lan nói chuyện.

Ông nói “không thể gọi cháu là amateur được, vì cháu đã lấy tiền, đi hát thì phải là ca sĩ chuyên nghiệp rồi. Mà nếu là ca sĩ chuyên nghiệp thì phải có một cái gì chứ, chứ lem nhem không được. Khi có con, cháu sẽ nói với con là ngày xưa mẹ cũng đi hát, rồi con nó nói làm sao, con nó nói là ủa sao mẹ đi hát mà con không biết mẹ là ai, không biết người ta nói gì đến mẹ thì cháu sẽ nghĩ xấu hổ như thế nào.”

(Ảnh: iloveNgocLan)

Từ câu nói của nhà thơ Nguyên Sa, Ngọc Lan sau khi suy nghĩ kỹ càng, đã quyết định đi theo con đường ca hát nhưng vẫn có một thắc mắc không biết đó là một sự may mắn hay xui xẻo. Lan suy nghĩ, đúng rồi, vậy thì phải đi hát chứ. Không biết cái đó là một dịp may, một cái may mắn đến với Lan hay là một cái xui xẻo, Lan không biết bây giờ Lan bước vào ngành hát, có may mắn không.

Nhưng dù sao một khi đã quyết định như vậy, Ngọc Lan đã bỏ công sức ra để trau dồi thêm về tài nghệ cùng một lúc nhận được sự chỉ dẫn của nhạc sĩ Thanh Lâm trong thời gian đầu tiên cô hát với ban nhạc Shotguns của Ngọc Chánh. Dần dần giọng hát ngọt ngào của cô đã chiếm được cảm tình của khán thính giả trong những bài tình ca Việt Nam. Đặc biệt hơn nữa, cô còn trình bầy được cả nhạc Mỹ, nhất là nhạc Pháp, được coi là rất hiếm người trình bầy một cách xuông xẻ.

Đến năm 1991, tên tuổi Ngọc Lan hoàn toàn chinh phục được cảm tình của mọi người, sau khi trung tâm Mây thực hiện riêng cho cô hai chương trình video đặc biệt dưới quyền đạo diễn của Đặng Trần Thức, người đã đạo diễn phim “Hè Muộn” trước năm 75 với Như Loan, Bội Toàn,…

Video thứ nhất mang tựa đề “Như Em Đã Yêu Anh” (Mây 1) sau khi tung ra thị trường đã được coi như một video bán chạy nhất lúc bấy giờ. Và cho đến hôm nay vẫn xứng đáng là một video giá trị nhất về mặt nghệ thuật được thực hiện riêng cho một giọng ca. Video thứ 2 được tung ra sau đó không lâu với tựa đề “Mặt Trời Bên Kia Mùa Hạ” (với một số nhạc phẩm của Đức Huy và Alan Nguyễn) cũng đã nhận được một sự chiếu cố nồng nhiệt nơi những người yêu nghệ thuật.

Những năm kế tiếp, Ngọc Lan đã dành cho mình được một chỗ đứng cao trong làng ca nhạc Việt Nam hải ngoại sau những lần xuất hiện trên những chương trình “Hollywood Nights” của trung tâm Mây mà chương trình đầu tiên – và cũng là video ca nhạc đầu tiên thực hiện tại Hoa Kỳ, trong thời gian trung tâm Thúy Nga còn quay tại Paris – với sự có mặt của Ngọc Lan, được thu hình tại Irvine vào ngày 10 Tháng Ba năm 1992. Đây là lần đầu tiên Ngọc Lan trả lời một cuộc phỏng vấn trước ống kính thu hình.

Một điểm đáng lưu ý đây cũng là lần xuất hiện đầu tiên của Nguyễn Cao Kỳ Duyên trên video với vai trò MC và cũng là video đánh dấu cho lần xuất hiện đầu tiên của Ý Lan. Qua cuộc phỏng vấn, Nam Lộc đã đặt cho Ngọc Lan ba câu hỏi.

Câu hỏi đầu tiên, là mẫu người đàn ông lý tưởng của Ngọc Lan ra sao? Cô trả lời là nhân vật Dũng trong tác phẩm “Đoạn Tuyệt ” của Khái Hưng. Đối với cô, không những Dũng là người có tình cảm gia đình, còn là người có tâm hồn đối với quê hương và đất nước. Câu hỏi thứ hai, Ngọc Lan có dự định đóng phim hay không, vì nhiều người đã nhận thấy cô rất có khả năng về điện ảnh qua hai video thực hiện riêng cho cô trước đó. Ngọc Lan trả lời rất thích nếu có được cơ hội phát triển tài năng của mình. Khi trả lời câu hỏi cuối cùng về cảm nghĩ của cô đối với nền âm nhạc Việt Nam, Ngọc Lan cho rằng phải đổi theo sự đòi hỏi của huynh hướng nơi thế hệ sau để phù hợp với xã hội hiện tại.

Cũng theo Nam Lộc, anh không ngờ lại cũng là người phỏng vấn Ngọc Lan lần cuối cùng trước ống kính thu hình vào năm 1998 và cũng vào ngày 10 Tháng Ba như lần phỏng vấn đầu tiên.

Một sự trùng hợp lạ kỳ khác là đúng vào ngày 10 Tháng Ba, anh cũng lại là người thay mặt một số anh chị em nghệ sĩ tuyên bố những lời đưa tiễn Ngọc Lan đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong thời kỳ đầu tiên tiếng hát của Ngọc Lan thường được khán thính giả cho là có nét phảng phất giọng ca của Thanh Lan. Cũng chính vậy khi thu thanh tiếng hát của cô, một số trung tâm nhạc vì mục đích thương mại đã chỉ chọn những bài do Thanh Lan đã trình bầy trước đó để cho cô hát… .Nhưng sau đó Ngọc Lan đã tìm cho mình một hướng đi riêng biệt để thoát ra khỏi ảnh hưởng của một người nữ ca sĩ đàn chị.

Nhưng càng lâu thì Lan càng nhận thức là tại sao mình lại phải giống một người khác. Mình phải có cái hay của mình chứ, mình giống người khác nó có nhiều cái xấu hổ quá mà. Tại sao mình phải giống người khác? Lan thấy không được cho nên Lan tìm một cái đường đi riêng cho mình. Và Ngọc Lan đã thành công với con đường riêng biệt của cô trong nghệ thuật trình bầy những nhạc phẩm tình cảm, điển hình là nhạc phẩm “Mưa Trên Biển Vắng,” được cô coi là nhạc phẩm đã gắn liền với tên tuổi của mình.

Một điều không may xẩy đến với Ngọc Lan khi tên tuổi cô đang ở trong thời kỳ chói sáng nhất thì bệnh hoạn đã bắt đầu nhen nhúm nơi cô ngay từ năm 1992, 1993 như cô đã trả lời với những tiếng khóc nghẹn ngào trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1996 trong dịp sang thành phố Toronto thu hình cho trung tâm Asia. Đó cũng là lần xuất hiện cuối cùng của cô trên những chương trình ca nhạc của trung tâm này.

Chính cô, cũng như các y sĩ điều trị ở bệnh viện UCI tại thành phố Irvine nơi cô cư ngụ cũng không hề biết nguyên nhân nào đã gây ra chứng bệnh thần kinh hóa sợi. Và vào một buổi sáng, chứng bệnh này đã tác hại đến cơ quan thị giác của cô. Lan không biết có phải tại ăn uống hay là tại vì sao, thì có một lần tự nhiên là tự nhiên một buổi sáng thức dậy Lan không nhìn thấy như là… nếu nói mờ cũng không đúng…nó bị đen đen tối tối.

Sau khi nhuốm bệnh, Ngọc Lan phải giảm hẳn những sinh hoạt của mình một thời gian dài. Từ đó nhiều tin đồn được loan truyền về tình trạng bệnh hoạn của cô. Có tin cho là cô bị bệnh tiểu đường. Cũng có tin cô cho là cô bị một cục bưới trong óc, ảnh hưởng đến thần kinh thị giác và trí nhớ, không kể những tin đồn thất thiệt khác tạo nên một huyền thoại quanh người nữ ca sĩ khả ái nhưng kém may mắn này. Nhưng đối với Ngọc Lan, cô chỉ âm thầm chịu đựng và chấp nhận, không hề lên tiếng cải chính.

Trong thời kỳ đầu tiên, bệnh tình của Ngọc Lan chưa gây ra những tác hại nặng nề nên cô vẫn còn có khả năng thu thanh với nhiều trung tâm nhạc như Dạ Lan, Đời, Giáng Ngọc, Nhã Ca,… tổng cộng lên tới hàng chục CD. Ngoài ra cô vẫn còn xuất hiện được trên những chương trình Hollywood Nights với tất cả 15 chương trình. Trong khi đó thì Ngọc Lan được coi như tuyệt tích trên sân khấu trình diễn, không nhận một lời mời nào để có mặt trong những lời mời lưu diễn tới tấp đến với cô.

Đến Tháng Tư năm 1994, Ngọc Lan mới bắt đầu đi hát trở lại tại một số tiểu bang Hoa Kỳ và một vài thành phố lớn ở Canada. Mãi cho đến ngày 22 Tháng Mười cùng năm, Ngọc Lan chính thức xuất hiện trở lại trong đêm “Ngọc Lan Và Thính Giả Thương Yêu” tại Marriott Hotel, Anaheim, California với ban nhạc Mây Bốn Phương cùng một số ca sĩ như Tuấn Ngọc, Don Ho, Linda Trang Dài, Thanh Hà, Quốc Thái,… trong một buổi dạ vũ do MT Productions tổ chức.

Khán giả náo nức rủ nhau đi nghe Ngọc Lan, nhất là đi xem Ngọc Lan sau một thời gian vắng bóng như thế nào. Và cô đã không phụ lòng khán giả với giọng ca ngọt ngào và truyền cảm, chỉ khác là khuôn mặt cô còn đượm nét ưu tư.

Từ đó Ngọc Lan bắt đầu xuất hiện trở lại nhưng với một nhịp độ rời rạc tại một số địa điểm cũng như bắt đầu xuất hiện trong những chương trình video của các trung tâm Thúy Nga và Asia trong những năm 1995, 1996. Qua những chương trình video cuối cùng của cô, người ta dễ dàng nhận ra những nét mệt mỏi trên gương mặt cũng như trong giọng hát. Tuy vậy, khán giả lại càng dành cho cô nhiều cảm tình hơn và luôn mong mỏi cô được sớm bình phục để trở lại sinh hoạt một cách bình thường trong sự chờ đón của mọi người.

Vào ngày 10 Tháng Mười Hai năm 1994, Ngọc Lan chính thức kết hôn với Kelvin Khoa tại một nhà hàng nhỏ ở thành phố Long Beach trong vòng tham dự thân mật của một số người thân và bạn bè. Kelvin Khoa với tên thật là Mai Đăng Khoa là một nhạc sĩ trong ban nhạc Bolero, sau đó đã cùng cô chung sống tại thành phố Irvine trong một ngôi nhà khang trang, cũng là nơi trung tâm Ngọc Lan Musique được thành lập để liên tiếp cho ra đời một số CD với tiếng hát Ngọc Lan như “Vĩnh Biệt Tình Anh,” “Em Vẫn Cần Anh,”… và CD cuối cùng là  “Tình (sic) Say” hát chung với Duy Quang được phát hành vào năm 1998.

Qua đến cuối năm 1996, Ngọc Lan lại lui vào trong bóng tối của bệnh hoạn đang có một sự tác hại gia tăng mạnh mẽ. Lại nhiều tin đồn được tung ra, thậm chí có nguồn tin cho là người thiếu nữ tuổi Bính Thân này đã từ trần vì bệnh hoạn hay đã có nhiều lần tự tử vì quá tuyệt vọng.

Rất nhiều thắc mắc nơi khán thính giả được đặt ra về sự vắng mặt của cô. Thời kỳ này Ngọc Lan gần như không còn cố gắng được nữa để tiếp tục hoạt động mặc dù trước đó mỗi lần đi lưu diễn hoặc thu hình video, đều có một người em gái đi theo để giúp đỡ cô trong việc đi đứng vì thị lực của cô đã trở nên quá kém cỏi cũng như trí nhớ cô ở trong tình trạng sa sút trầm trọng. Tuy nhiên với mục đích đánh tan những tin đồn không tốt đối với tên tuổi của mình, Ngọc Lan cùng Kelvin Khoa đã dành cho Nam Lộc và Thụy Trinh một cuộc phỏng vấn truyền hình, phát hình vào ngày 14 Tháng Ba năm 1998 trên băng tần 18 của đài “Văn Nghệ Việt Nam” trên KSCI tại Nam California.

Qua cuộc phỏng vấn này, với mái tóc ngắn, một khuôn mặt gầy, Ngọc Lan đã tạo cho mình được một nét xinh xắn, gọn gàng. Tuy nhiên những nét mệt mỏi vẫn được dễ dàng nhận thấy được trên đôi mắt vốn dĩ đã luôn đượm vẻ u buồn.

Theo lời diễn tả về bệnh trạng của vợ mình với tác giả bài viết này trước đó cũng như với Nam Lộc và Thụy Trinh, nhạc sĩ Kevin Khoa cho biết là Ngọc Lan bị sưng một sợi giây thần kinh thị giác nên tầm nhìn của cô đã bị giảm sút từ 30-35%. Cũng theo Kelvin Khoa, các bác sĩ điều trị cho biết bệnh tình của Ngọc Lan đang trên đà thuyên giảm và sức khỏe đã khá hơn những ngày trước.

Riêng Ngọc Lan cho biết cô cũng cần hạn chế tham dự các buổi lưu diễn. Ngay cả những buổi thu hình trực tiếp trong các phim trường cho những chương trình video cũng không có mặt Ngọc Lan, thay thế vào đó là phần thu hình ngoại cảnh.

Trả lời cho câu hỏi về những tin đồn như Ngọc Lan bị mù, bị tê liệt, bị “tẩu hoả nhập ma” vì bùa ngải,… Ngọc Lan cũng như Kelvin Khoa chỉ cười và cho rằng óc tưởng tượng của người đời quả là phong phú. Ngọc Lan cũng cho biết là cô rất buồn về nguồn tin cô đã qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo, khởi nguồn từ một CD lậu ở Việt Nam. Theo cô đây là một kế hoạch lừa dối khán giả yêu mến giọng hát của cô để trục lọi bán băng nhạc cũng như CD của Ngọc Lan tại Hoa Kỳ cũng như ở Việt Nam.

Ngoài những lời đồn đại về tình trạng sức khỏe của Ngọc Lan vừa dược nhắc tới và đã được cô và chồng là Kelvin Khoa giải tỏa và chính thức trình bầy những sự kiện một cách công khai, còn có tin đồn cho rằng Ngọc Lan đã mang bầu và sanh con trong thời gian vắng bóng đó. Trước tin đồn này, vợ chồng Ngọc Lan cho biết đó cũng là điều mà họ dự tính và mong muốn. Nhưng rất tiếc vì tình trạng sức khỏe nên cô chưa có thể thực hiện được điều mơ ước này theo lời khuyên của bác sĩ.

Như thế những điều cần biết về tình trạng lúc đó của Ngọc Lan được coi như đã được giải đáp một cách thỏa đáng cho những người mến mộ cô. Với người viết bài này, Ngọc Lan cũng đã dành cho một cuộc phỏng vấn đặc biệt vào năm 1998 và cũng là lần phỏng vấn cuối cùng trong cuộc đời cô dành cho giới truyền thông mà trước đó cô rất ngại tiếp xúc.

Cuộc phỏng vấn này do chính Kelvin Khoa thu thanh tại ngay phòng thu của Ngọc Lan Musique, đại ý cũng giống như những điều cô đã trình bầy trong cuộc phỏng vấn truyền hình. Không ai ngờ rằng lần xuất hiện đó của Ngọc Lan là lần xuất hiện cuối cùng của cô để sau đó cô đã lùi hẳn vào trong bóng tối, tránh tất cả mọi tiếp xúc, dù ngay cả với bạn bè thân thiết.

Bệnh tình của Ngọc Lan càng ngày càng trầm trọng, nên trước tình trạng đó Kelvin Khoa phải đưa Ngọc Lan về sống với gia đình cô tại Huntington Beach để được săn sóc chu đáo hơn bởi bàn tay của những người ruột thịt cho đến khi cô nhắm mắt lìa đời tại bệnh viện Vancor vào ngày 06 Tháng Ba năm 2001 do chứng bệnh được chính thức gọi là “đa thần kinh hóa sợi.”

Trước đó không lâu, cô nhờ nhạc sĩ Ngọc Trọng sáng tác cho riêng mình một nhạc phẩm với nội dung giã từ sân khấu, nhưng Ngọc Trọng chưa hoàn tất điều mong muốn của cô thì Ngọc Lan đã ra người thiên cổ. Nhạc sĩ Trần Chí Phúc cũng cho biết anh đang nhen nhúm trong đầu để viết một nhạc phẩm với đề tài này và chắc chắn sẽ hoàn tất dù là muộn màng.

Trước đó Ngọc Lan cũng đã có dự định thực hiện một video thứ ba riêng cho mình cô. Nhưng dự định của Ngọc Lan không còn cơ hội hình thành. Tất cả đã theo cô vào trong lòng đất. Chúng ta, những người mến mộ Ngọc Lan không còn biết gì hơn là nói lên tiếng vĩnh biệt cô với lời cầu nguyện cho linh hồn Maria Lê Thanh Lan sớm được vào nước Thiên Đàng.

 

Kim Phượng sưu tầm

 

 

Xem thêm...

VÔ THẦN - Nguyễn Giụ Hùng

Tượng Vua Đinh Tiên Hoàng, một trong những Nhân Thần của dân tộc Việt.

 

VÔ THẦN
 
NGUYỄN GIỤ HÙNG
THƯ GỬI BẠN
 
 
       Nhân đọc bức thư của một người bạn gửi cho tôi than thở, trong đó có nhắc tới chữ “atheist”, tôi chẳng hiểu mô tê gì về cái nghĩa của chữ này nên đành phải tra tự điển để hiểu rõ những điều người bạn tôi muốn nói. Cứ theo tự điển Anh-Việt thì nghĩa của chữ "atheist" là "vô thần".
“Thần” là từ ngữ thuộc về ý niệm nửa như trừu tượng, nửa như cụ thể, nửa như là đức tin thuần khiết, nửa như dị đoan, nửa như đơn sơ, nửa như phức tạp... đã từng tạo nên nhiều cuộc tranh cãi và gây ra biết bao hệ lụy cho con người. Kẻ tin điều này, kẻ không tin điều kia, thật rối bời như một mối bòng bong. Đôi khi sự tranh luận, cãi cọ nhau về “Thần” nằm trong những thái cực của cực đoan để tạo nên những chuyện nực cười không lối thoát, không có kết luận, đầu voi đuôi chuột, đánh nhau bể đầu, vô bổ, chỉ vì muốn lấy cái hiểu biết hữu hạn của con người mà bàn tới cái vô hạn của Trời Đất.
Biết cái khó khăn như thế nên tôi chỉ xin mạn bàn về “vô thần” theo chiều hướng tào lao thường lệ, nghe qua rồi bỏ. Trước hết phải hiểu "vô thần” theo cái định nghĩa nào đã chứ, vì một từ ngữ luôn có thể có nhiều định nghĩa với cách hiểu khác nhau tùy theo tình huống sử dụng nó.
       Này nhé, cứ hiểu một cách đơn giản: "vô" là không có, "thần" là những ông Thần được thờ phượng (hay thờ phụng). Có người cảm thấy sợ hãi hay bực mình nếu có ai nói mình là “vô thần”. "Vô thần" có nghĩa là không có ông thần nào để thờ phượng cả, như ngay cả thần Tài cũng không có. Không có thần Tài, có nghĩa là ta không được giàu hay không muốn giàu, mà không được hay không muốn giàu thì có chi phải sợ nhỉ. Hay có cô nào đó, ngay cả thần Vệ Nữ (thần Ái Tình) cũng không có. Không có thần Ái Tình, nghĩa là cô ấy chẳng yêu ai hoặc không ai yêu cô ấy. Không yêu ai hay không ai yêu thì cũng đâu có chi mà phải sợ hay bực mình, có sợ chăng là sợ cái cảnh "chổng mông mà gào". Ngược lại, chẳng may mà cô ấy lại có thần Bạch Mi (trong Truyện Kiều) chiếu mệnh thì thật khổ một đời.
Cũng có thể hiểu “vô thần” theo cái định nghĩa là chẳng thờ ông thần nào cả. Theo cái suy nghĩ lẩm cẩm, ngụy biện và tào lao của tôi thì "vô thần" chẳng có liên quan gì tới vấn đề tâm linh cao cả của con người cả. Thần có thể là người, động vật, thực vật hoặc một vật thể nào đó được người đời tôn vinh. Thần được tôn kính bởi đức độ hoặc quyền lực hoặc cả hai, hoặc vì một hay nhiều lý do linh thiêng nào khác nữa mà chỉ có ông thần mới biết. Và cũng có khi chính ông thần này cũng chẳng biết lý do tại sao ông lại được thờ phượng mà chỉ có những người thờ phượng ông mới biết rõ mà thôi. Có những vị thần được hỏi tại sao người ta lậy ông, ông chẳng biết, hỏi người ta xin ông điều gì, ông cũng chẳng hay, ông chỉ biết ngồi trên cao cười cười ăn oản chẳng khác chi những ông nghị gật. Đơn giản thế thôi. Cứ nghe vị hảo hán nào đó tả một cụ già:
 
Ban ngày cụ cứ như thần,
Ban đêm cụ cứ tần mần như ma.
 
      Theo hai câu thơ ấy thì thần rất gần gũi với ta, nhưng có điều thần thì không biết "tần mần" như người và ma.
Nói về thần thì số lượng thần trên trái đất này nhiều vô kể. Mỗi nơi có một ý niệm khác nhau về thần nên thần cần được cấu tạo sao cho phù hợp với văn hóa, tập quán, ...sinh hoạt đức tin của người dân nơi ấy. Mỗi địa phương có một phong cách thờ phượng riêng cho mỗi vị thần của họ.
Thần là sản phẩm của con người, do đó thần chỉ có thể thể hiện được tính chất đặc thù của mình nằm trong giới hạn trí tưởng tượng của con người chứ thần không thể vượt lên cao hơn hay xa hơn được cái trí tưởng tượng ấy.
Và cũng vì thần là sản phẩm của con người nên thần cũng có sinh tồn, nay còn mai mất như con người vậy. Thần cũng lên voi xuống chó, như khi còn được thờ phượng thì là thần, không còn được thờ phượng thì lại trở thành ma. Thần cũng nổi trôi để “làm thần đất ta làm ma đất người” (ca dao). Tuổi thọ của thần cũng phụ thuộc vào sự phát triển, tiến hóa của xã hội loài người, có những vị thần “chết” đi và cũng có những vị thần mới được “sinh ra” sau này. Muốn tăng tuổi thọ, thần cần phải biết uyển chuyển theo sự thay đổi, tiến hóa ấy cho kịp thời, kịp hoàn cảnh mới. Có những vị thần chỉ được phát triển trong một khu vực nhỏ, có những vị thần được phát triển trong khu vực rộng lớn hơn và có ảnh hưởng sâu xa hơn để có khi trở thành tôn giáo như Nho giáo chẳng hạn, mà đức Khổng Tử đã trở thành giáo chủ.
       Thần được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và tên gọi cũng có thể khác nhau. Thí dụ, cứ như ở Việt Nam ta, thần ở trong làng xã thì gọi là Thành Hoàng hay Thần Hoàng, đất có Thổ Địa, sông có Hà Bá, núi có Sơn Thần, rừng có Chúa Ngàn… Thần có thể là cái cây (Linh Mộc), cục đá (Bà Đá), bình vôi, thần Lửa... hay sinh vật như chó (đền Cẩu Nhi), chim (Tiên), cá, rồng, rùa (Kim Quy), ngựa (Bạch Mã) ...và cũng có thể là những người hèn mọn như lão ăn mày hay người mõ làng... khi chết được hiển linh. Thần có thể là đàn ông, đàn bà hay trẻ con. Thần cũng có thể là những vị vua, hay những vị đại danh kiệt, hay những bậc danh thần có công lớn với dân với nước, hay đến từ huyền thoại, tổ nghiệp hay cũng có khi chỉ là những nhân vật rất ư là "tầm phào" mang tính dã sử như những vị thần được kể sau đây làm thí dụ:
- Bố của vua Đinh Tiên Hoàng là con rái cá. Mẹ của vua Đinh Tiên Hoàng tức vợ của sứ quân Đinh Công Trứ, ra suối tắm thì bị con rái cá hiếp mà mang thai, đẻ ra Đinh Bộ Lĩnh bơi lội rất giỏi. Sau này, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất sơn hà lên ngôi Thiên tử lấy tên hiệu là Đinh Tiên Hoàng Đế, tự sánh mình ngang hàng với các vua đại Hán, đại Đường, đại Tống bên Tầu, mở nền tự chủ đầu tiên cho đất nước ta (theo Nam Hải Dị Nhân)
- Bố của ngài Mạc Đỉnh Chi (lưỡng quốc trạng nguyên) là con khỉ lớn. Khi mẹ của ngài Mạc Đỉnh Chi vào rừng kiếm củi thì bị con khỉ lớn hiếp mà mang thai, sau sinh ra ngài (theo Nam Hải Dị Nhân).
Con rái cá, con khỉ ấy cũng được dân làng thờ để trở thành thần.
Nếu ta đi sâu thêm vào chi tiết của những vị thần trên toàn đất nước thì kể sao cho hết. Cứ chỉ kể trong cái phạm vi nhỏ hẹp của thành phố Hà Nội không thôi, cũng có thể có cả trăm vị thần rồi (Bách thần Hà Nội).
Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây, trong ca dao, ta cũng có những câu liên hệ đến thần, nhiều lắm, nhưng chỉ xin đơn cử vài câu:
 
   Ở cho phải phải, phân phân,
  Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.
 
  Chanh chua anh để giặt quần
  Người chua anh để làm thần gốc đa.
  Ăn trái nhớ kẻ trồng cây
  Ăn cơm nhớ Thần Nông cày ruộng.
 
   Trên trời có ông sao Thần
  Bốn mùa chỉ lối cho dân ăn làm
  Sang xuân thần cúi lom khom
  Là mùa trồng đậu dân làng biết chăng?
  Bước sang tháng chín rõ ràng
  Lưng thần hơi đứng là đang gặt mùa.
 
  Con ông thánh cháu ông thần
 Không tiền cũng hóa ra thân ăn mày.
 
 Chùa làng hai mõ bốn chuông
 Có ba tượng Bụt, có ông thần già.
 
 Có thiêng mới gọi là thần
 Đường ngang ngõ tắt chẳng cần hỏi ai.
 
 Ăn ở thiện, có thiện thần biết,
 Ăn ở ác, có ác thần hay.
 
 Bị rách nhưng lại có vàng
 Tuy rằng miếu đổ Thành Hoàng còn thiêng.
 
Bên cạnh ca dao còn có những tục ngữ cũng liên hệ đến thần như: Đức trọng quỷ thần kinh, Ỷ thế ỷ thần, Buôn thần bán thánh, Cửa miệng có thần, Chước quỷ mưu thần, Xuất quỷ nhập thần, v.v… và còn nhiều lắm.
XIN BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM TRỌN BÀI
 
      Nay, nếu lan rộng thêm ra xa tới cả nhân loại thì ôi thôi khỏi nói, xin miễn bàn về cái số lượng ấy. Tôi xin tạm kể cho các bạn nghe, có lần tôi đi du lịch nước Ai Cập, người Ai Cập cổ xưa, cách đây cả năm nghìn năm, họ đã thờ rất nhiều vị thần rồi. Trước khi Ai Cập trở thành vương quốc, mỗi vùng có một gia đình thần riêng, được biết có tới 42 gia đình thần gồm có 126 vị thần gồm cha, mẹ và con. Ba hệ thần chủ yếu là hệ thần Mặt Trời, hệ thần Horus và hệ thần Osiris. Ngoài ba hệ thần chính này nguời Ai Cập còn sáng tạo ra nhiều vị thần khác như Bast nữ thần mèo, Bes thần mèo, Hathor nữ thần bò, Khnoum-Re thần thân người đầu cừu đực, Mout nữ thần diều hâu, Oupoaout thần chó, Sekhmet nữ thần sư tử cái, Sobek thần cá sấu...
Cũng vì lòng tin vào những vị thần ấy mà tới bây giờ, trên đất nước Ai Cập, chúng ta mới có cơ hội được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc xây dựng những quần thể đền đài to lớn biết là bao, to lớn đến độ chúng ta ngày nay không thể tưởng tượng nổi làm sao người Ai Cập thời cổ đại đó có thể xây dựng nên được.
      Ảnh hưởng hỗ tương của những vị thần ấy đã lan rộng ra cả một vùng thuộc nền văn minh Tây Á như Lưỡng Hà (giữa hai con sông Tiger và Euphrate), Babylone, Ba Tư, Palestine, Assyries... và còn lan tràn chút ít sang cả đến Ấn Độ nữa. Vào vài thế kỷ trước công nguyên (hơn 300BC), những vị thần Ai Cập cũng ảnh hưởng một phần sang tới cả nền văn minh Hy Lạp, rồi kế tiếp tới văn minh La Mã trong thời kỳ họ chiếm đóng Ai Cập. Những ảnh hưởng đó được thể hiện rõ nét nhất là ở thành phố Alexandria do vua Alexander Đại đế (Alexander the Great) của Hy Lạp xây dựng trên bờ biển Điạ Trung Hải (Mediterranean) thuộc phần đất phía bắc của Ai Cập. Và sau đó người La Mã, đã góp phần phát triển thành phố này lên tầm vóc quốc tế thời xưa, là một trong bốn trung tâm giao lưu văn hóa lẫn kinh tế, chính trị, tôn giáo của đế quốc La Mã và để ngày nay Alexandria trở thành một thành phố lớn thứ nhì của Ai Cập sau Cairo. Rồi cũng từ nơi đó, qua sự bành trướng thế lực của người La Mã, những ảnh hưởng của thần Ai Cập lại có cơ hội lan tỏa tới Âu Châu. Tất nhiên là đi tới đâu thì những vị thần đều được biến cải, thay hình đổi dạng, tên tuổi cho phù hợp với văn hóa "bản địa" theo đúng tinh thần "nhập gia tùy tục" và cũng vì thế đôi khi ta không nhận diện ra được cái nét nguyên thủy của những vị thần ấy nữa. Như những vị thần được thờ phượng trên núi Olympic của Hy Lạp được đổi tên để thờ phượng dưới thời La Mã: Zeus thành Jupiter, Heka (thần hôn nhân) thành Junon, Poseidon (thần biển) thành Neptune, Aphhrodite (thần ái tình) thành Venus, Hermette (thần buôn bán) thành Mercure.
      Nếu tiếp tục nói thêm về những vị thần của những vùng đất tôi đã có dịp đi qua như nền văn minh cổ của Trung Hoa, Nhật Bản, Nam Dương, Thái Lan ở Á Châu; như nền văn minh Maya, Azetec ở Trung Mỹ; như nền văn minh Andes ở Nam Mỹ v.v... thì tất hẳn còn nhiều điều lý thú. Nói tới những phần đất này tôi sực nhớ tới những vị thần đã được thờ phượng một cách hết sức khác nhau tùy theo từng địa phương. Như khi tôi đi thăm đảo Bali của Nam Dương, người ta thờ thần bằng hoa, không có một thứ gì khác ngoài hoa. Ngược lại khi tôi đi thăm một số đền đài ở Mexico hay Trung Mỹ, Nam Mỹ thì được biết có nơi, ngày xưa, hàng năm người ta giết trẻ con hay trinh nữ xinh đẹp để cúng dâng thần, thật là dã man kinh khiếp.
Nay quay trở lại đất nước ta, nếu ghé thăm Đà Nẵng để xem “bảo tàng viện” văn hóa của người Chiêm Thành xưa (hay Chămpa, gọi tắt là Chăm, hay Chàm), ta sẽ thấy người Chiêm Thành cũng đã thờ nhiều thần lắm như thần Brahma (thần sáng tạo), thần Visnu (thần bảo tồn), thần Siva (thần hủy diệt), thể hiện ba ngôi của thần Brahma của đạo Bà La Môn trong kinh Vệ Đà. Nhưng thần nổi bật hơn cả vẫn là thần Linga (thờ bộ phận sinh dục của đàn ông) và thần Yoni (thờ bộ phận sinh dục của đàn bà) và cả những hình tượng khi ghép chúng khớp lại với nhau. Ngay cả kiến trúc đền đài của người Chiêm Thành cũng đều mang hình dạng của thần Linga ấy.
        Không phải chỉ có dân tộc Chiêm chịu ảnh hưởng Ấn Độ mới thờ thần Linga, mà ngay cả người Việt Nam ta cũng thờ nó dưới hình thức khác được gọi là tín ngưỡng phồn thực (phồn là nhiều, thực là nẩy nở), cầu mong sự sinh sôi nẩy nở nhiều người vì nước ta thuộc xứ nông nghiệp cần nhiều lao động nên trong dân gian ta mới có câu mong sao được đông con nhiều cháu như "sinh năm đẻ bẩy". Theo cuốn "Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Dân Tộc" của tác giả Trần Ngọc Thêm, trong nhiều vùng thuộc Phú Thọ, Hà Đông, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hòa Bình trước đây, vào dịp hội làng, người ta rước tới 18 bộ sinh thực khí của đàn ông, và khi đám rước kết thúc, mọi người tranh nhau cướp những vật này về vì tin rằng nó sẽ đem lại may mắn cho cả năm. Trong dân gian ta có câu: “Ba mươi sáu cái nõ nường, Cái để đầu giường, cái để gối tay” là do những tục lệ phồn thực này chăng? Và ngư phủ ở Sở Đầm Hòn Đỏ, tỉnh Khánh Hòa, có tục thờ một kẽ nứt lớn trên một tảng đá mà dân gian gọi là “Lỗ Lường” (Lường do gọi trẹo từ tiếng chỉ bộ sinh dục của phái nữ), vị nữ thần phù hộ cho ngư dân được gọi là bà Lường, được thờ từ 200 năm nay cho tới bây giờ, ngày đêm khói nhang nghi ngút.
Trong ca dao của dân ta, loại thần này cũng được thể hiện qua những câu như sau:
 
- Văn chương chữ nghĩa bề bề
Thần "Đồ" ám ảnh cũng mê mẩn đời
 
(người miền Bắc Việt Nam gọi “đồ” là bộ phận sinh dục của đàn bà)
Văn chương chữ nghĩa bề bề,
Thần L… ám ảnh cũng mê mẩn nguời
Xót lòng mẹ góa con côi
Kiếm ăn lần hồi, l... lớn bằng mo.
 
       Lại thêm nữa, có một lần tôi đi thăm Nhật Bản, gặp một lễ hội, không biết tên là lễ hội gì. Dẫn đầu đoàn rước là những cô gái Nhật trẻ đẹp nõn nà, hớn ha hớn hở vác cái "của quý" của phái nam to lớn trên đường phố hướng tới một ngôi đền thờ. Khi họ tiến vào đền thờ thì hàng trăm cô gái xinh đẹp xì xụp khấn vái cầu xin, họ cầu xin điều gì thì chỉ có Thần "của quý" ấy mới biết. Lễ hội này cũng to lắm, chẳng thua kém gì “hội làng Lim" ở tỉnh Bắc Ninh của ta đâu.
Tin vào thần là tin vào những sản phẩm của con người dựng nên, nên có người cho rằng tin cũng được mà không tin cũng không sao. Người xưa có câu dành cho một hạng lái buôn gọi là "buôn Thần bán Thánh". Phải chăng, mua hay không mua là tùy ở mình, vắng mợ thì chợ vẫn đông?
      Thôi thì, nói đi thì cũng phải nói lại cho toại lòng nhau. Thờ phượng những vị thần trên quê hương ta là những nét đẹp văn hóa có tự nghìn xưa. Những vị thần trên quê hương ta còn thì dân tộc ta còn, tôi không nói ngoa. Này nhé, ông cha ta khi xưa cũng đã biết được giá trị và ý nghĩa sâu sắc của việc thờ phượng những vị thần. Ngay khi ta chỉ nói về những vị Thần Hoàng trong làng xã không thôi.
Vào năm 1572, vua Lê Anh Tông cũng đã phải giao cho ông Nguyễn Bính (nguyên là Hàn lâm viện Đại học sĩ) sưu tầm và soạn ra thần tích của những vị Thần Hoàng trong các làng xã để nhà vua ban sắc phong cho những vị thần ấy, và thần được chia ra làm 3 hạng: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần. Đó là chưa kể đến những vị thần ở tầm mức có ảnh hưởng cao rộng hơn như bà Chúa Liễu Hạnh chẳng hạn.
Chúa Liễu Hạnh là cô gái quê, quê quán ở xã Vân Cát, Nam Định, tương truyền là con Trời, ba lần từ bỏ Thiên đình xin vua cha cho xuống trần gian để sống một cuộc đời bình dị với khát vọng về tự do, hạnh phúc. Bà được nhân gian tôn kính là Thánh Mẫu, là bà Chúa Liễu, là Mẹ (Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ) (ca dao) (Cha đây là đức Trần Hưng Đạo). Đền thờ bà được thờ rải rác khắp nơi từ bắc chí nam. Ảnh hưởng của bà lớn đến nỗi vua Đồng Khánh phải tự nguyện xin làm đệ tử thứ bảy tại điện Hòn Chén (Huế).
       Những vị thần có tầm cỡ lớn như thế trên đất nước ta thì có nhiều lắm, kể ra cũng không xuể hết được. Tôi cũng xin nói thêm ở đây, trong văn hóa nước ta có đặc điểm rất độc đáo: đó là truyền thuyếtngười thực việc thực lại rất gần nhau; gần đến nỗi đôi khi người ta thấy chúng hòa lẫn vào nhau, như truyền thuyết về Chúa Liễu Hạnh đã nói ở trên lại trở nên rất hiện thực. Tương truyền, bà Chúa Liễu Hạnh là tiên nữ đã từng cùng trạng Bùng tức trạng nguyên Phùng Khắc Khoan và tú tài Ngô xướng họa văn thơ trên lầu thơ, mà nơi ấy ngày nay là Phủ Tây Hồ, đền thờ Chúa Liễu Hạnh bên bờ Hồ Tây, khói hương nghi ngút quanh năm.
Trong dân gian ta có câu “Con cóc là cậu ông Trời”. Chỉ một câu đó không thôi ta thấy cũng đủ nói lên cái tinh thần bình đẳng giữa người với người, giữa người dân với vua quan, giữa người với trời và giữa người với thiên nhiên của dân ta. Sự bình đẳng ấy cũng thể hiện rất rõ nét giữa người và thần. Thần mà lôi thôi, người cũng sẽ phạt thần và đuổi thần đi. Như ta có câu chuyện dân gian kể rằng, khi vua Lý Thái Tổ còn là chú tiểu bé sống trong chùa, chú hay lên chính điện ăn vụng oản bằng cách moi ruột oản ra ăn, vỏ ngoài còn nguyên. Thần báo mộng mách cho sư, sư quở mắng chú. Chú tức giận viết bốn chữ “lưu tam thiên lý” sau lưng thần để đuổi thần đi. Thần lại báo mộng để từ giã sư. Sáng dậy, sư lên chính điện lấy nước rửa xóa bốn chữ ấy đi nhưng không làm sao rửa đi được cho tới khi chú tiểu nhổ nước miếng chùi đi thì mới hết. Đối với người thiểu số ở miền cao nguyên Trung Phần, sự ràng buộc được xác định rất rõ ràng, minh bạch về quyền lợi và trách nhiệm của thần đối với buôn bản.
Ấy đấy, mọi chuyện trên đời nó cứ rối bời lên như thế đó vì cái tính tào lao của mọi sự việc xẩy ra chung quanh ta, trong đó có việc “vô thần”, “hữu thần”, “đa thần”, “độc thần”. Tôi nói chuyện tào lao với các anh nên các anh đừng bận tâm suy nghĩ hay tranh cãi với tôi, vì tôi đã xác định ngay từ đầu lá thư rằng đây chỉ là chuyện tào lao, đọc qua rồi bỏ.
Tôi xin kết thúc bức thư này bằng câu mà người bạn Mỹ của người bạn tôi nói với anh ta: "No, I'm not an atheist, I'm a non-believer!" Ai hiểu sao thì hiểu. Mỹ khôn thật.
 
 
NGUYỄN GIỤ HÙNG
 
Sách tham khảo:
- Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện (Phan Kế Bính-NXB Sồng Mới)
- Tìm Về Bản Sắc Văn Hoá Dân Tộc (Trần Ngọc Thêm-NXB Tp.HCM-2001)

 

 
Xem thêm...

5 bộ phim hay nhất về Lễ Phục Sinh

5 bộ phim hay nhất về Lễ Phục Sinh

********* 

 BM

Không giống như hầu hết các phim Giáng Sinh, với số lượng nhiều hơn hẳn và chú trọng vào sức hấp dẫn thương mại (nhưng ít mang lại nội dung tinh thần thực sự ý nghĩa), những bộ phim chọn lọc về lễ Phục sinh này nhấn mạnh vào đức tin, thông điệp, sự cứu chuộc, và niềm hy vọng.

 

‘Ben-Hur’ (1959)

 

BM

Bộ phim sử thi đồ sộ này của đạo diễn William Wyler đã thắng 11 giải Oscar (một kỷ lục hiện sánh ngang với “Titanic” và “Chúa tể của những chiếc nhẫn: Sự trở về của nhà vua,” bao gồm cả giải dành cho Phim xuất sắc nhất.

 

Diễn viên đạt giải Oscar Charlton Heston trong vai Judah Ben-Hur, một nhà quý tộc người Do Thái bị cáo buộc phạm trọng tội và sau đó bị buộc trở thành nô lệ. Anh phải chiến đấu để giành lại tự do của mình trước người bạn thời thơ ấu (và cũng là chiến binh La Mã tàn bạo) Messala (do tài tử Stephen Boyd thủ vai), kết thúc bằng cảnh đua ngựa mang tính biểu tượng.

 

Một trong những tình tiết phụ cảm động nhất của bộ phim, diễn viên Haya Harareet (thủ vai Esther) và diễn viên Martha Scott (thủ vai Miriam) cùng đóng vai chị gái và mẹ của Ben-Hur, những người mắc bệnh phong. Nhân vật chỉ được nhìn thấy từ xa hoặc từ phía sau, cũng không có lời thoại xuyên suốt cả bộ phim là tài tử Claude Heater (không được xướng danh) trong vai Chúa Jesus. Tài tử Heater hoàn toàn thống trị màn ba của phim trong quá trình khắc họa Cuộc Khổ nạn của Chúa Jesus. Bất kể bạn làm gì, hãy tránh xa bản làm lại (remake) cùng tên thất bại thảm hại và hoàn toàn không cần thiết vào năm 2016.

 

 

‘The Last Temptation of Christ’ (Cám dỗ cuối cùng của Đấng Christ) (1988)

 

BM

Dựa trên cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi năm 1955 của tác giả Nikos Kazantakis và được nhà biên kịch Paul Schrer chuyển thể lên màn ảnh, đạo diễn Martin Scorsese đã mất hơn một thập niên để sản xuất bộ phim này tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân của ông nhất tính đến thời điểm đó. Vấp phải sự phản đối và đe dọa nghiêm trọng từ nhiều tổ chức (tôn giáo lẫn phi tôn giáo) thậm chí trước khi bắt đầu bấm máy, bộ phim “Temptation” mang nhiều thông điệp hy vọng và sâu sắc hơn nhiều so với những gì mà những người chưa từng xem nó thường xuyên khẳng định.

 

Ngoại trừ việc chọn diễn viên chưa phù hợp của Đạo diễn Scorsese, với Harvey Keitel (diễn viên quen thuộc của Scorsese) trong vai Judas, thì các diễn viên David Bowie trong vai Pontius Pilate, Barbara Hershey trong vai Mary Magdalene, và Willem Dafoe trong vai Chúa Jesus, tất cả đều mang đến những màn diễn xuất tuyệt vời và có đầu tư kỹ lưỡng. Nếu phim được thực hiện sớm hơn ba năm như đạo diễn Scorsese dự tính, thì ca sĩ quá cố Vanity sẽ được chọn vào vai Magdalene, ca sĩ Ray Davies của ban nhạc Kinks sẽ đóng vai Judas, ca sĩ Sting của ban nhạc The Police sẽ xuất hiện trong vai Pilate, và Aidan Quinn trong vai Chúa Jesus. Đó sẽ là một bộ phim rất khác.

 

‘Risen’ (Phục sinh) (2016)


BM

Một ứng cử viên tiềm năng bị đánh giá thấp (cũng không hẳn vậy) trong danh sách này, “Risen” (Phục sinh) đã thu về gấp đôi ngân sách khiêm tốn 20 triệu USD tại phòng vé, và như thường lệ, gây chia rẽ trong giới phê bình. Xây dựng câu chuyện dựa trên các sách Phúc Âm, đạo diễn Kevin Reynolds (đạo diễn của các phim “Fandango,” “Waterworld,” “Bá tước Monte Cristo”) và đồng biên kịch Paul Aiello thể hiện Lễ Thăng thiên như một quá trình điều tra tội phạm bí ẩn và gọi Đấng Christ là “Yeshua.”

 

Diễn viên Joseph Fiennes đóng vai Clavius, một Quan bảo dân La Mã hư cấu được Pontius Pilate (do tài tử Peter Firth thủ vai) cử đi điều tra vụ mất tích của một người đàn ông vừa bị đóng đinh trên thập tự giá được gọi là “Đấng Cứu Thế.” Nhận được rất ít hoặc không có sự giúp đỡ nào từ các môn đồ và những manh mối đã cũ (hoặc cố tình [bị làm cho] mơ hồ), Clavius bắt đầu cảm nhận được cơn thịnh nộ không chỉ từ Pilate, mà còn từ các nhà lãnh đạo tôn giáo và hệ thống cấp bậc Do Thái, đồng thời bắt đầu suy nghĩ lại về các ưu tiên của mình. Chỉ riêng tính độc đáo, thì bộ phim “Risen” chắc chắn xứng đáng được đánh giá năm sao.

 

‘King of Kings’ (Vua của các vua) (1962)

 

BM

Mặc dù nhận được nhiều ủng hộ từ khán giả và đánh giá cao từ giới phê bình, bộ phim “King of Kings” (Vua của các Vua) ban đầu đã vấp phải một số phản ứng dữ dội khi hãng phim MGM và đạo diễn Nicholas Ray chọn diễn viên Jeffrey Hunter vào vai Chúa Jesus. Điều đáng nói là ông Hunter lúc đó 33 tuổi, bằng tuổi Chúa Jesus khi Ngài qua đời. Vào thời điểm phát hành phim, nhiều người gọi ông là “cậu bé điển trai mảnh khảnh.” Diễn viên Hunter chủ yếu được biết đến nhờ vai phụ nổi bật trong phim “The Searchers” (Cuộc truy lùng) và các phim Viễn Tây sau đó. Vài năm sau, ông vào vai Thuyền trưởng Christopher Pike của con tàu vũ trụ USS Enterprise trong tập phim mở đầu của loạt phim truyền hình gốc “Star Trek.”

 

Phù hợp với những miêu tả phần nào đã được giảm nhẹ về sự tàn bạo trong các bộ phim sử thi “sword and sandal” (thanh kiếm và đôi dép) (*) thời bấy giờ, đạo diễn Ray và các nhà biên kịch của ông (Philip Yordan và người không được xướng danh Ray Brbury) xứng đáng nhận thêm điểm cộng vì kết hợp các sự kiện diễn ra trước khi Đấng Christ giáng sinh và sau khi Ngài qua đời.

 

‘The Greatest Story Ever Told’ (Câu chuyện vĩ đại nhất từng được kể) (1965)

 

BM

Vào thời điểm sản xuất, đây là bộ phim đắt đỏ nhất mọi thời đại và phải mất hơn 5 năm từ khi phác thảo ý tưởng cho đến khi ra rạp. Bộ phim sử thi này của đạo diễn George Stevens kể về toàn bộ cuộc đời của Chúa Jesus, với thời lượng ban đầu là 260 phút.

 

Mong muốn tìm một diễn viên ít tiếng tăm vào vai Chúa Jesus (để không làm phân tâm khán giả khỏi cốt truyện), đạo diễn Stevens chọn diễn viên Thụy Điển Max von Sydow (diễn viên yêu thích của đạo diễn Ingmar Bergman, người chưa bao giờ xuất hiện trong một bộ phim Anh ngữ) đóng vai này. Sau đó, đạo diễn đã quy tụ dàn diễn viên gần như là tất cả các ngôi sao điện ảnh hàng đầu thế giới đảm nhận các vai phụ ấn tượng xung quanh ông.

 

Cho đến nay, bộ phim chưa từng thu được lợi nhuận nhưng vẫn được nhiều người hâm mộ trân trọng, một số người còn cho rằng đây là bộ phim hay nhất về thể loại này từng được sản xuất. Chỉ xét về mặt kỹ thuật trình diễn hình ảnh, bối cảnh (tất cả đều ở miền Tây Nam Hoa Kỳ), và phần nhạc nền của nhà soạn nhạc đại tài Alfred Newman thì hiếm có tác phẩm nào trước đó hoặc sau này đạt đến mức độ hoành tráng đáng kinh ngạc như vậy.

 

Chú giải:

(*) Sword-and-sandal = kiếm và dép. Đây là dòng điện ảnh cổ trang thịnh hành và khởi phát tại Ý thập niên 1960, thường lấy các huyền tích Hi La và Thánh Kinh làm điểm tựa.

 

 

 

Michael Clark  _  Lê Đào

 

Những phép lạ màu nhiệm trong mùa lễ PHỤC SINH

 

image 
 
NHNG PHÉP L MU NHIM TRONG MÙA L PHC SINH
(Amazing Graces in Easter’s Season)
 
Hễ cứ mỗi năm vào Mùa Lễ Giáng Sinh Chúa sinh ra nơi trần gian và vào Mùa Lễ Phục Sinh Chúa sống lại xuống trần gian, thì có nhiều phép lạ xẩy ra, không những được nhiều người kể lại cho nghe những phép lạ của Chúa ban cho họ, mà còn nhiều người được chứng kiến tận mắt, nhìn thấy những phép lạ này xẩy ra như thế nào. Sau đây tôi xin kể lại 5 trường hợp, chính mắt tôi thấy những phép lạ đã xẩy ra cho 4 tù nhân và 1 trường hợp quá đặc biệt xẩy ra trong một gia đình, gồm vợ chồng cùng các con cái.
 
image
 
Trường hợp thứ nhất:  Một anh sinh viên người Ấn Độ khoảng 25 tuổi, bị truy tố về tội khiêu dâm trẻ em dưới tuổi vị thành niên (Crime of Child Pornography), bằng cách gửi hình tục tĩu trong thư và và trên mạng điện tử cho trẻ em xem, anh bị nhân viên hữu trách theo dõi và bi bắt quả tang với đầy đủ tang chứng . Anh bị tạm giam tại Oklahoma County Jail hơn 1 năm để chờ phiên tòa xử lần cuối cùng và anh đã bị lãnh bản án 10 năm tù ở. Trong suốt thời gian này, chỉ có anh là tù nhân người Ấn Độ duy nhất và sau một tháng anh bị giam giữ tại đây, theo lời yêu cầu của anh mong muốn gặp tôi, nên mỗi cuối tuần tôi đều gặp riêng anh và rao giảng Tin Mừng cho anh nghe, mặc dầu anh là con trai duy nhất trong một gia đình có 4 người con, cả gia đình anh đều theo Ấn Độ Giáo, nhưng anh cho tôi biết anh không hề tin vấn đề Cha Mẹ anh đốt vàng mã vào những ngày Lễ lớn thờ cúng Ông Bà nội ngoại của anh.
 
image
 
Sau khoảng gần một năm anh nghe tôi thuyết giảng Lời Chúa, anh ngỏ ý muốn tôi rửi tội cho anh để được theo đạo Công Giáo và anh cho tôi biết cha mẹ anh cũng hoàn toàn đồng ý cho phép anh theo đạo Công Giáo. Rồi anh muốn cho tôi tin lời nói của anh hơn, anh đã yêu cầu cha mẹ anh gọi điện thoại xác nhận với tôi những gì con trai ông bà nói với tôi đúng là sự thật.
 
Tôi đang dự định lên gặp Đức Tổng Giám Mục sở tại, để xin Ngài đặc nhiệm cho tôi được phép rửa tội cho đương sự trong trại tù, thì bất ưng sau khi đương sự nhận lãnh bản án 10 năm tù ở, vì tội phạm hình sự (Federal Criminal) của đương sự thuộc cấp liên bang, nên đương sự xin phép chính quyền cho phép được thuyên chuyển về một trại tù liên bang tại tiểu bang Pennsylvania, để thuận tiện cho cha mẹ đến thăm nuôi đương sự hàng tuần và lời yêu cầu này đã được chấp thuận.
 
Thế là tôi không thực hiện được lời yêu cầu của đương sự mong muốn tôi rửa tội cho đương sự. Đặc biệt nhất là trong gần một năm đương sự lắng tai nghe tôi thuyết giảng Lời Chúa, đương sự đã thuộc lòng tên các vị Thánh và lời văn số mấy trong cuốn Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước mà tôi trao tặng cho đương sự. Đặc biệt hơn thế nữa, mỗi lần tôi vào thăm nom đương sự, đương sự đã quy tụ được 3 anh em tù nhân ngoại đạo khác, ở cùng chung xà lim với đương sự đến nghe tôi thuyết giảng Lời Chúa. Sau gần ngày đương sự mãn hạn tù, đương sự viết thư báo cho tôi biết, là đương sự đã được một Linh Mục Hoa Kỳ, vào trại tù rửa tội cho đương sự trong Tuần Thánh trước ngày Lễ Phục Sinh Chúa sống lại và đương sự còn cho tôi biết ước vọng cuối cùng của đương sự, là sẽ nạp đơn xin đi học Phó Tế Vĩnh Viễn như tôi (Permanent Deacon) và có thể sau khi trở thành Phó Tế trong tình trạng độc thân, đương sự sẽ xin đi học tiếp để trở thành một Linh Mục trong Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.
 
image
 
Nghe được tin này từ trong thư của đương sự làm tôi hết sức xúc động vì Chúa đã làm phép lạ, Thánh hóa đương sự trở thành con cái của Ngài; cho dù mai kia đương sự có là Phó Tế Vĩnh Viễn hay là Linh Mục đi chăng nữa, với trí thông minh và tài nói năng lưu loát trước công chúng của đương sự, chắc chắn sẽ đem nhiều lợi ích tinh thần cụ thể, trong việc truyền bá Phúc Âm đến giáo dân Công Giáo tại Hoa Kỳ nói chung và cho Công Giáo Ấn Độ nói riêng.
 
image
 
Trường hợp thứ hai: Một anh sinh viên VN trẻ tuổi, mới có trên 20 xuân xanh,  theo đạo Công Giáo gốc, vì một lúc không kềm nổi cơn tức giận, thiếu suy xét  hành động dự tính của mình, nên đã lỡ tay bóp cổ người tình, làm cho người yêu tắt thở với một bào thai còn trong bụng mẹ. Do đó anh sinh viên này bị buộc vào tội cố sát (1st degree murder) 2 người cùng một lúc, người tình và đứa bé vô tội còn nằm trong bào thai nên bị kết án chung thân (Life-Time Sentence).
 
image
 
Suốt những tháng đương sự bị tạm giam để chờ phiên tòa xét xử lần cuối cùng và với nhiệm vụ là một Tuyên Úy trại tù tình nguyện tại đây trong nhiều năm qua, tôi vẫn thường xuyên đến thăm nom và an ủi tinh thần cho đương sự, vào những ngày nghỉ cuối tuần, qua việc rao giảng Lời Chúa của tôi cho đương sự nghe và tôi nhận xét thấy đương sự rất thông minh, nhậy cảm với thật lòng ăn năn sám hối sâu đậm, về hành động thiếu suy xét, điên cuồng của mình, đã vô tình gây ra làm thiệt mạng 2 mạng sống cùng một thời điểm. Nếu sự việc này xẩy ra đối với tín đồ không phải là Thiên Chúa Giáo, thì có lẽ người ta tin theo dị đoan, cho rằng tại cha ăn mặn, con khát nước.
 
Sau khi đương sự lãnh bản án chung thân và được thuyên chuyển đến một trại tù an ninh tối đa (Maximum Security Prison), vị Tuyên Úy trại tù ở tại đây cho tôi biết, đương sự chăm chỉ tối ngày đọc, nghiên cứu Thánh Kinh và hàng ngày đương sự hành động như một nhà truyền giáo Lời Chúa đến với các anh em trong trại tù. Nhìn vào thái độ lạc quan, vui vẻ, tín thác vào Thiên Chúa của đương sự, làm cho người ta có cảm giác như đương sự đang có cuộc sống yên lành bình thường trong xã hội. Đây đúng là một phép lạ mầu nhiệm Chúa ban cho đương sự, mặc dù đương sự biết rõ là mình sẽ phải ở trong tù cho đến ngày nhắm mắt vĩnh viễn từ giã cõi đời này.
 
image
 
Trường hợp thứ ba: Một tù nhân người Mỹ trung tuổi, có vợ 2 con, theo đạo Tin Lành thuộc giáo phái Thiên Chúa Giáo (Church of Christ), lãnh án 5 năm tù ở về tội bán nguyên liệu quốc cấm bất hợp pháp (Illegally Control Substances). Sau 2 tuần ông bị giam trong tù, ông nghe một vài anh em bạn tù ở cùng chung một xà lim (Cell) với ông, nói cho ông biết ở đây có một tuyên úy người Việt Nam duy nhất trong trại giam này và ông là cựu quân nhân đã từng cầm súng chiến đấu gần 3 năm ở VN, nên ông thấu hiểu khá nhiều về tập tục VN và ông rất quí mến đức tính hiền hòa, lễ độ và sự hiếu khách của người Việt. Do đó ông đã gửi giấy yêu cầu tôi đến thăm ông và cứ cách một tuần tôi lại đến thăm ông, đồng thời cũng rao giảng Lời Chúa cho ông nghe, ông tỏ ra thích thú nghe tôi thuyết giảng Kinh Thánh về Cựu Ước lẫn Tân Ước, vài tháng sau,   ông tâm sự cho tôi biết ông không hề buôn bán xì ke ma túy như lời cáo buộc, mà ông bị nghiền (Addict) loại thuốc hút này, vì nếu ông bị bắt quả tang đang dùng nguyên liệu loại chất thuốc quốc cấm này, thì chắc chắn ông chỉ bị bắt đưa vào trung tâm phục hồi cai nghiện thôi (Rehabilitation Center). Nhưng vì ông bị bắt quả tang cất giữ một số lượng loại thuốc quốc cấm này, ngoài số lượng nhiều hơn mà luật pháp không cho phép, nên ông đã bị tống giam và bị truy tố trước tòa là buôn bán cần sa bất hợp pháp, để có tiền mua thuốc hút. Có một điều nên biết rằng luật pháp không cho phép hay bắt buộc các vị Mục Sư, Linh Mục hay Thầy Sáu Tuyên Úy ra trước tòa làm nhân chứng, để phải tiết lộ những gì mà các tù nhân đã tâm sự với họ nghe (They cannot be called in as a witness to testify against prisoner before the court). Do đó các tù nhân cảm thấy vững tâm để tâm sự với những vị trong nhiệm vụ là tuyên úy trại tù.
 
image
 
Được biết sau khi ông mãn hạn tù, ông tiếp tục ghi danh theo học khóa Thần Học trong vòng 4 năm và ông đã được thụ phong (Ordained) Mục Sư Tin Lành của giáo phái Thiên Chúa Giáo (Church of Christ). Một điều làm cho tôi phải ngạc nhiên nhất, là sau khi ông trở thành Mục Sư, ông đã được thâu nhận vào làm việc chung với tôi trong trại tù, là một tuyên úy tình nguyện như tôi. Đây cũng là một phép lạ mầu nhiệm Chúa ban cho ông cựu tù nhân này trở thành một Mục Sư Tin Lành.
 
Trường hợp thứ tư:  Một cô nữ tù nhân VN tên Lê Vân, lãnh bản án chung thân vì trông nom săn sóc (Baby Sitter) một đứa bé và vô tình đánh rớt đứa bé xuống dưới sàn nhà, đứa bé được đưa vào bệnh viện, bác sĩ khám nghiệm cho biết đứa bé bị chấn thương nặng ở óc, nên mấy tiếng đồng hồ sau đứa bé qua đời. Phiên tòa xét xử nhiều lần bởi bồi thẩm đoàn (Trial by Jury) và cuối cùng tòa tuyên án cô phạm tội cố sát đứa bé (1st Degree Murder).
 
image
 
Cô có chồng và một đứa con lên 7 tuổi rưỡi, nhưng sau khi cô lãnh bản án chung thân được 1 năm thì chồng cô ly dị cô, cô không có thân nhân ở Hoa Kỳ và cô đơn độc là một nữ tù nhân người Việt duy nhất trong trại tù chung thân này, cô tưởng chừng như không thể sống nổi cho tới ngày nay, bởi nỗi đau khổ tận cùng trong lòng cô, với niềm tuyệt vọng biết mình sẽ phải sống trong tù cho đến ngày nhắm mắt lìa đời. Nhưng có một phép lạ mầu nhiệm đã xẩy đến cho cô, làm cho cô can đảm để chịu đựng sự đau khổ trong niềm tin mãnh liệt, phó thác thân xác mình vào Chúa phục sinh. Hiện tượng này làm cho tôi hết sức ngạc nhiên, là cô từ bỏ đạo Hồi Giáo để trở thành tín đồ Công Giáo, qua phép bí tích rửa tội được cử hành ngay trong trại tù, chỉ mới cách đây vài tháng, rồi trước khi cô được rửa tội, Chúa gửi bà Sơ cùng một số anh chị em trong nhóm cầu nguyện tại tư gia, vào trại tù thăm hỏi an ủi cô, giúp đỡ cô về mặt tinh thần lẫn vật chất, hơn thế nữa, ngoài sự giúp đỡ trực tiếp của nhóm cầu nguyện này ra, lại có một số người Việt ở Hoa Kỳ và ở quốc gia khác, cũng tỏ lòng thương xót hoàn cảnh đau thương của cô, bằng cách gửi cho cô một chút ít tài chánh, gọi là của ít lòng nhiều.
 
Tóm lại, trong suốt thời gian cô bị giam giữ hơn một năm trong trại tạm giam Oklahoma County Jail, là nơi tôi phục vụ cuối tuần cho các anh chị em nam nữ tù nhân, không phân biệt chủng tộc, màu da và tôn giáo và trước khi tôi đến gặp cô tù nhân này, tôi xem hồ sơ lý lịch tội phạm của cô, thì được biết cô theo đạo Hồi Giáo vì bố cô là người  ​Pakistan ​​theo đạo Hồi Giáo nhưng trước khi cô được rửa tội cũng như sau khi cô được rửa tội, cô đã tỏ ra một niềm tin thật mãnh liệt, vững chắc như đinh đóng cột, từ những từ ngữ cô viết ra trên trang giấy cho đến lời nói thốt ra từ miệng lưỡi cô, không khác biệt gì lời nói của một nữ tu Công Giáo trong Nhà Dòng.
 
image
 
Trường hợp thứ năm:  Cách đây hơn một năm, một chị gọi điện thoại cho tôi, xin yêu cầu cho phép chị được đến gặp tôi, để nhờ tôi tư vấn cho chị làm cách nào để giải quyết một vấn đề nan giải giữa chị và chồng chị từ gần 10 năm qua. Khi tôi gặp riêng chị, chị cho tôi biết chồng chị có tật mê cờ bạc cả chục năm nay rồi, chị khóc cạn cả nước mắt, lạy van anh thế mấy anh ấy vẫn không chịu bỏ thói mê cờ bạc và anh chỉ hứa lèo với chị, vẫn chứng nào tật đó không chừa, tại còn thương yêu chồng nên nhiều lần chị phải đi vay mượn tiền để trang trải nợ nần của anh vì anh vay mượn tiền của bạn bè đi đánh bạc, đến nay chị chịu đựng hết nổi, có lẽ anh đi đường anh em đi đường em, tình nghĩa đôi ta chỉ đến thế thôi.
 
image
 
Sau đó tôi gặp riêng người chồng, anh cũng công nhận những điều chị nói là đúng sự thật và để tự bào chữa cho lỗi lầm này của anh, anh nói rằng bất cứ thứ gì mà mình đã trở nên nghiện ngập rồi (Addict), thì rất khó bỏ ngay được, mà cần phải có thời gian để từ từ bỏ nó, đằng này thái độ bực tức la hét của vợ anh mỗi lần vợ anh biết anh đi đánh bạc về, làm anh bực mình lại càng muốn tiếp tục đi đánh bạc cho bõ ghét.
 
Sau cùng tôi yêu cầu hai vợ chồng cùng nhau hiện diện trước mặt tôi, để nghe tôi tư vấn cho cả hai bên, về sự bất hòa đưa đến tranh cãi giữa vợ chồng với nhau và theo kinh nghiệm của riêng tôi nhận thấy bên nào cũng có lỗi, chỉ khác một bên lỗi nhiều và một bên lỗi ít thôi. Trường hợp của anh chị, thì anh lỗi nhiều hơn chị và anh lợi dụng lòng tốt của chị, đã nhiều lần chị phải đi vay mượn tiền của bạn bè chị, để trả nợ những số tiền anh vay mượn người ta đi đánh bạc, còn chị cũng có một chút lỗi lầm, là chị đã không kềm chế được cơn tức giận của chị, la mắng anh nặng lời. Vấn đề này của anh chị kéo dài gần 10 năm liên tục, nó đã trở thành như một căn bệnh nan y, rất khó chữa trị, nhưng nếu chị cho tôi biết trước sớm hơn ngay khi chuyện này mới xẩy ra, thì tôi có thể giúp anh chị giải quyết vấn đề này dễ dàng hơn. Tuy nhiên còn nước còn tát, trước tiên anh không thể bỏ ngay tức khắc cái tật đam mê cờ bạc như anh đã nói với tôi trước đây, mà cần phải có một thời gian để từ từ giảm thiểu sự đam mê tai hại này cho đến khi dứt bỏ hẳn, tôi rất tán đồng với lời giải thích hữu lý này của anh; còn về phía chị, mỗi khi chị biết rõ anh đi đánh bạc về, chị nên cố gắng kềm chế sự nóng giận la hét của chị nhiều chừng nào tốt chừng ấy, đồng thời chị cũng phải cương quyết, nhất định không nên đi vay tiền bạn bè để trả nợ thay cho anh như trước kia nữa, mà phải để cho anh có trách niệm tự trả nợ do anh mượn tiền của người ta đi đánh bạc, vì nếu chị cứ tiếp tục hành động như thế, vô tình gián tiếp chị đi mượn tiền cho chồng tiếp tục đi đánh bạc.
 
image
 
Chị cho biết chị rất muốn trở thành một tín hữu Công Giáo từ nhiều năm qua, bị anh phản đối, ngăn cản chị không cho chị đi học lớp giáo lý tân tòng, nhưng chị vẫn âm thầm lén lút đi Nhà Thờ dự Thánh Lễ ngày Chủ Nhật, như  thế chị hãy tiếp tục cầu nguyện Thiên Chúa ban phép lạ xuống cho anh, làm đổi mới con người của anh để trở thành một người chồng gương mẫu, một người cha có trách nhiệm và đáng kính với con cái, tôi tin tưởng đức tin mãnh liệt và lòng nhiệt thành của chị đã thể hiện trong âm thầm từ bấy lâu nay, để  được làm con cái của Chúa, thế nào rồi Chúa cũng đáp ứng lại lòng ao ước Thánh thiện của chị.
 
Bẵng đi một thời gian dài khoảng 6 tháng, không nghe tin tức gì về hai vợ chồng này, tôi đoán có lẽ hai người đã ly dị nhau rồi. Nhưng một điều bất ngờ, trước Lễ Phục Sinh một tuần, anh chồng gọi điện thoại báo cho tôi biết một tin mừng, là anh, vợ anh và các con anh sẽ được rửa tội (Baptism) vào đêm Lễ Vọng Chúa Phục Sinh sắp tới. Quả thật vừa nghe xong tin mừng này, làm lòng tôi bàng hoàng xúc động, bán tính bán nghi, tôi liền gọi điện thoại cho Cha Chánh Xứ, để hỏỉ Ngài xem có đúng thật sự như anh nói không, để tôi còn chuẩn bị đến tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho toàn thể gia đình anh.
 
image
 
Ngài cho biết đúng như vậy. Đối với riêng tôi, quả thật đây là một phép lạ mầu nhiệm đặc biệt nhất, mà cá nhân tôi chưa từng thấy xẩy ra trên đời này, một câu chuyện thật xẩy ra, không có một tia hy vọng gì có thể tránh khỏi sự tan vỡ hạnh phúc gia đình, nhưng vì người vợ có lòng tin tuyệt đối lẫn kiên trì, phó thác số phận mình vào Thiên Chúa, như đã được trình bầy chi tiết trên đây, nên Ngài đã ban ơn phước lành cho chị, cho chồng chị cùng với các con cái, đều là những người ngoại đạo được trở thành con cái của Chúa và riêng mình chị đã thực hành đúng như lời Chúa nói, bởi sau khi Ngài chịu chết trên cây Thập Giá vì tội lỗi loài người, rồi 3 ngày sau Ngài sống lại, hiện đến với các vị Tông Đồ của Ngài và Ngài phán dạy các vị Tông Đồ rằng: Phúc cho những kẻ không thấy mà tin.
 
image
 
Năm câu chuyện có thật trên đây minh chứng cụ thể cho bất cứ ai có lòng tin vào Thượng Đế hay tin vào Thiên Chúa, sẽ vượt qua được mọi sự gian nan khốn khó trên trần gian này và sẽ nhận được nhiều ơn phước lành của Ngài ban cho, không những cho đời này và còn cho cả đời sau nữa.
 
 
PT. Nguyễn Mạnh San
 
Ngọc Lan sưu tầm
 
image
Xem thêm...
Theo dõi RSS này