Văn học nghệ thuật

Văn học nghệ thuật (1255)

Find out the latest local and worldwide news.

Children categories

Thơ

Thơ (23)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Xem bài viết...
Âm nhạc

Âm nhạc (118)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Xem bài viết...
Truyện

Truyện (249)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Xem bài viết...

Đi chơi Chùa Hương – Chùa Hương Tích

 

ĐI CHƠI CHÙA HƯƠNG

Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG

GIỚI THIỆU

CHÙA HƯƠNG TÍCH

 Lời mở đầu:

Nội dung câu chuyện được ghi lại theo ký ức của một người xa quê lâu năm nhớ về “những năm tháng ấy” tại quê nhà vào giai đoạn đầu thập niên 1950, trước hiệp định Geneve 1954, ở miền Bắc nước ta.

        Từ sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã thức dậy để chuẩn bị cho chuyến đi chơi chùa Hương hôm nay. Nhìn Thi, ở cái tuổi lăm, mười sáu trăng tròn tôi không thể không nhớ tới bài thơ “Chùa Hương”
          Em tuy mới mười lăm
          Mà đã lắm người thăm
          Nhờ mối mai đưa tới
          Khen tươi như trăng rằm.
      Tôi đứng nhìn Thi mà chợt bật cười nhẹ. Uyên ngửng lên hỏi:
      -  Có chuyện gì mà anh cười vậy?
      -  Không! Tôi vội trả lời ngay.
      -  À, Uyên có nhớ bài thơ “Chùa Hương” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp không nhỉ?
      -  Em nhớ! Sao anh?
      Tôi mỉm cười, vừa đưa mắt về phía Thi đang lúi húi đi đôi săng-đan da, vừa đọc một đoạn thơ:
          Khăn nhỏ đuôi gà cao
          Em đeo dải yếm đào
          Quần lĩnh áo the mới
          Tay cầm nón quai thao
          Me cười:Thầy nó trông!
          Chân đi đôi dép cong,
          Con tôi xinh xinh quá
          Bao giờ cô lấy chồng?”
      Uyên chỉ mỉm cười, không nói. Thi vẫn được bình yên vì nàng không biết những câu thơ tôi vừa đọc là để dành riêng trêu nàng. Hay nàng biết mình bị trêu nhưng tảng lờ.
 
chua h 2Tháp chuông chùa Hương-Hà Tĩnh.
 
    Để bớt căng thẳng trong công việc, vừa làm tôi vừa kể cho Uyên và Thi nghe một vài câu chuyện vãn về chùa Hương, một thắng cảnh chúng tôi sắp tới.
    Tôi hỏi Uyên và Thi:
    - Anh đố hai cô ở Việt Nam ta có mấy chùa Hương nào?
    Hai người nhìn nhau như hỏi ý. Uyên lên tiếng trước:
    - Em không biết!
    Thi vui vẻ tiếp theo lời chị:
    - Em biết! Hai phải không?
    - Giỏi! Sao em biết? Nói cho anh nghe!
    - Em chỉ đoán thôi! Thấy anh hỏi có mấy chùa Hương thì em đoán ngay là phải có nhiều hơn một.
   Em chọn số hai.
      Tôi và Uyên cùng phá lên cười. Uyên nói:
    - Cô em của chị hơn hẳn chị rồi!
   Dựa theo tài liệu tôi đã đọc, nước ta có hai chùa Hương, một ở tỉnh Hà Tĩnh và một ở tỉnh Hà Đông. Tôi giải thích để Uyên và Thi hiểu thêm về hai ngôi chùa này. Ngôi chùa Hương-Hà Tĩnh cũng được gọi tắt là chùa Hương, nằm trên dẫy núi Hồng Lĩnh, có 99 ngọn núi cao vút, thuộc huyện Can Lộc. Chùa được xây trên núi cao nên thường có mây phủ.
      Để đến chùa Hương-Hà Tĩnh, khách hành hương cũng phải đi thuyền từ hồ Đường rộng lớn, dọc theo suối Hương Tuyền, rồi lên bờ theo đường núi dốc chừng bốn cây số thì tới chùa. Ngày lễ hội được mở vào mùa Xuân, rơi vào ngày 18 tháng Giêng đầu năm. Khách hành hương cũng đông đảo từ các nơi đổ về đây trẩy hội. Ngôi chùa Hương này được xây từ đời nhà Trần, có lẽ vào cùng thời gian vua Trần Nhân Tông vào tu ở chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử. Chùa bị tàn phá dưới thời nhà Minh và thời Pháp thuộc. Sau đó, chùa được xây lại theo kiến trúc cổ nguyên thủy.
      Tại sao lại có chùa Hương thứ hai ở Hà Đông? Cứ dựa theo những tài liệu xưa để lại cho ta biết, vào thời vua Lê-chúa Trịnh, các vua chúa thường có quê ở trong Thanh Hoá nên các cung tần, mỹ nữ cũng thường được tuyển từ miền Thanh-Nghệ ra. Hàng năm các mỹ nhân này từ kinh đô Thăng Long về dự hội chùa Hương ở Hà Tĩnh nơi gần quê nhà nên rất bất tiện vì đường xá xa xôi. Chúa Trịnh liền giao cho một đại sư Phật giáo nghiên cứu dự án và thực hiện việc xây dựng một chùa Hương thứ hai tương tự ở vùng thắng cảnh non bồng của Hương Sơn thuộc tỉnh Hà Đông để các mỹ nhân này có thể bái vọng về mà không phải đi xa.
 
      Với lý do đó, theo cuốn “Hương Sơn Thiên Trù Thiên Phả”, chùa Hương-Hà Đông mà chúng tôi sắp tới thăm, riêng tháp chuông ở nơi đó là một “phiên bản”, tức xây dựng đúng theo khuôn mẫu kiến trúc của chùa Hương ở Hà Tĩnh, được xây dựng vào đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680-1704). (Có những tài liệu ghi thời điểm xây dựng chùa Hương ở động Hương Tích khác nhau). Vì chùa nằm trong động Hương Tích nên còn được gọi là chùa Hương Tích.
      Uyên chen vào câu chuyện:
      - Thế là hai chùa được xây dựng cách nhau tới mấy trăm năm. Chùa Hương đầu tiên ở Hà Tĩnh được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 13, chùa Hương ở Hà Đông được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 17.
      Tôi gật đầu:
      - Ừ, cũng vào khoảng đó.
      Tôi biết chùa Hương-Hà Đông là khu vực có sông Đáy chảy qua. Tôi hỏi Thi:
      - Nào, cô học trò giỏi của anh! Cô cho anh biết, sông Đáy còn gọi là sông gì? Và trong lịch sử của ta đã xẩy ra những chuyện gì trên con sông ấy?
      Uyên nhìn Thi cười cười chờ đợi câu trả lời của cô em. Thi nhanh nhẩu và hí hửng trả lời tôi như một cô học trò “đọc bài” (trả bài) cho thầy:
      - Thưa anh, sông Đáy là một phụ lưu của sông Hồng, còn gọi là sông Hát. Đúng không ạ? Hai Bà Trưng đã nhẩy xuống sông Hát tuẫn tiết để không bị lọt vào tay của quân Mã Viện.
     Uyên nhìn Thi thở phào, vỗ tay nhẹ mấy cái để thay cho lời khen thưởng.
      Tôi giảng thêm cho Thi:
      - Ngay tại cửa sông Hát (Hát môn), thuộc huyện Phúc Thọ ngày nay, nơi đây có đền thờ Hai Bà với hai con voi phục bằng đá và những câu đối kể công lao của Hai Bà trong việc đứng lên khởi nghĩa chống lại giặc Hán, giải phóng đất nước. Cứ dựa theo di tích như những chiến lũy, dấu vết còn để lại tại những nơi không xa địa phận Hương Sơn là mấy, ta có thể kết luận là khu Hương Sơn cũng đã từng là trận địa dưới thời Hai Bà. Giữa huyện Lương Sơn và Mỹ Đức có núi Vua Bà, mà theo dân gian kể lại thì đó là một trận địa quan trọng. Trên những núi của Hương Sơn có loại sâm mang tên “sâm Mã Viện”.
      Ngày xưa, có con đường chiến lược gọi là Thượng Đạo, từ phía Nam đi lên phía Bắc phải đi qua gần vùng này. Nhờ vào địa thế núi rừng hiểm trở, hẳn Hương Sơn đã từng là nơi dừng chân hay đóng quân tạm thời của những đại quân Lê Lợi ra Bắc đánh quân Minh và đại quân Nguyễn Huệ ra Thăng Long đánh quân Thanh. Cũng có thể, xa xưa hơn nữa, quân của Đinh Bộ Lĩnh cũng đã dùng con đường Thượng Đạo này, đã từng qua đây để tiến đánh Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc ở Thanh Oai thuộc tỉnh Sơn Tây (1)
    Thấy mọi người đã sẵn sàng, tôi lên tiếng như ra lệnh:
    - Chúng ta đi thôi!
    Uyên và Thi cùng đáp:
    - Vâng ạ!
    Tôi bỏ thức ăn, trái cây và nước vào ba-lô. Tôi hỏi Thi:
    - Ba-lô em có nặng lắm không? Chia sang ba-lô của anh để anh mang đỡ cho. Hôm nay đi bộ xa lắm đó, lại leo núi nữa.
    - Không nặng anh ạ! 
    Vừa nói Thi vừa nhẩy lên mấy cái như để chứng minh với tôi về lời nói của nàng.
    - Thôi được! Khi nào em mệt, anh sẽ mang đỡ cho.
    - Vâng ạ!
    Thi trả lời tôi với khuôn mặt thật rạng rỡ, cái rạng rỡ vui mừng của “đứa trẻ” sắp sửa được đi chơi xa.
    Chúng tôi dời khỏi nhà, sẵn sàng cho chuyến đi chơi xa đôi ngày mà chúng tôi đã mong đợi và háo hức từ lâu.
 
 
– Nguyễn Giụ Hùng
 
 
Ghi chú:
 
(1) Tài liệu được lược trích từ cuốn “Thắng Cảnh Hương Sơn” của tác giả Trần Lê Văn.
 
 

Mời đọc tiếp Chương I / Phần 1

 

 

Xem thêm...

ra giêng anh cưới em…

ra giêng anh cưới em…

▂ ▃ ▅ ▆ █☆★█ ▆ ▅ ▃ ▂

Tranh Ann Phong - Nắng Ấm.

Sau cái ngày mắc dịch 30 tháng 04 năm 1975, tôi bị tống cổ khỏi trường trung học ở Sài gòn vì chạy giặc trước đó và khai hộ khẩu ở ngoại thành sau hoà bình nên phải về học ở ngoại thành. Đúng là trời bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao… Mẹ tôi dụng câu Kiều để an ủi tôi hay chửi xéo: Mày ăn ở làm sao mà ra nông nỗi? Thôi thì ý trời biết đâu mà cãi, lòng mẹ bao la như biển Thái bình, chắc mẹ thương cảm mình đó! Nên từ đó tôi yên tâm được biết cây lúa, con trâu… và Thùy.
  
Ở cái trường Chuồng bò mái tranh vách đất nhìn y như cái chuồng bò của người dân tộc trên cao nguyên, nhưng an ủi phần nào khi học sinh ở Sài gòn như tôi cũng khá đứa bị tống cổ về quê làm trò cười cho bạn bè dưới quê. Chúng tôi là những đứa trẻ lõ mắt nhìn con trâu đen xì, đi chung đường làng với nó nên không dám rời mắt khỏi hai cái sừng cong cong và nhọn, không rời mắt để sẵn sàng chạy khi nó tấn công. Con bò thuộc loài nhai lại nhưng chỉ là học trong sách giáo khoa thôi. Bây giờ mới tận mắt thấy con bò nằm nhai lại mớ cỏ nó đã ăn vào bụng từ trước đó… Thấy chiếc xuồng dưới sông như chiếc lá trên dòng sóng dữ lúc trời mưa giông, nhưng hú tim hú vía cho người chèo xuồng thì nó vẫn không chìm dù vừa chèo vừa phải tát nước mưa từ trời trút xuống, tát nước sông do sóng ập vô chiếc xuồng con…
  
Nhưng rồi sớm quen thôi vì tuổi nhỏ dễ thích nghi hơn người lớn, theo bạn bè đi mò cua bắt ốc riết cũng quen; tới mò trong vũng bùn mà bắt được con cá thì móng chân đã vàng phèn, hai bàn chân trắng như bột mì vì mang giày bata suốt khi còn ở Sài gòn đã thành quá khứ.
 
Tôi còn nhớ từ đó về sau, khi bạn bè muốn qua Sài gòn là rủ tôi theo vì hang cùng ngõ hẻm nào tôi cũng biết, Sài gòn Chợ lớn đã đời lưu manh như thơ Bùi Giáng là tôi, kẹt xe đường lớn thì đi đường hẻm cũng tới đích muốn đến, có tôi đi cùng thì không sợ lạc đường nên bạn bè chừa cho tôi chút hỉnh mũi - con chuột nhắt của Sài gòn.
  
Nên tết tới năm học lớp mười, bạn bè rủ nhau đi chơi tết bên Sài gòn cho biết. Tôi vui như trở về nhà, niềm vui đền đáp được cho bạn bè dạy tôi đi chân không trên bờ ruộng lúc trời mưa thì nghéo ngón chân làm sao, bấu ngón chân xuống đất trơn trợt làm sao cho không bị chụp ếch; bạn bè dạy tôi trèo cây dừa khác trèo cây me, dạy chèo ghe, giăng lưới, quăng chài... Tôi vui cơ hội được dẫn đường cho bạn bè bên Sài gòn đèn xanh đèn đỏ để trả ơn họ dạy tôi đã nhiều. Nhưng đám bạn do mê sơn đông mãi võ bán thuốc lang băm, không theo kịp tôi làm hoa tiêu dẫn đường. Nhìn lại còn mỗi tôi với Thùy, tôi dắt cái xe đạp len lỏi trên đường Lê Lợi, Thùy không nói một lời, cứ nhìn xuống đất, không nhìn ai vì sợ, cứ chốc chốc lại nắm cánh tôi ghị lại chứ cũng không nói, “đi chậm lại, chờ tôi với…”
  
Đường Lê Lợi thì tôi lạ gì vì đã từng làm học trò không sách vở cầm tay trước ’75 nhiều rồi, nhưng với Thùy thì tất cả lạ lẫm nên tuy sợ chỗ đông người nhưng vẫn muốn xem kỹ mọi thứ. Tôi biết rồi nên chậm lại cho Thùy mãn nhãn lần đầu du xuân Lê Lợi, cũng đổng thời đợi bạn bè phía sau vì chúng cũng như Thùy, thích xem kỹ hết mọi thứ mới thấy lần đầu.
  
Đến gian hàng của người vẽ tranh bằng bút điện trên gỗ thông thì Thùy mê mẩn nên tôi kiên nhẫn chờ. Cuối cùng Thùy chọn miếng gỗ thông cắt vạt như lát bánh mì, sơn bóng dầu thông vàng vàng, trên ấy người ta vẽ hình ngôi nhà lá rất quê, sau nhà là bụi tre lúc chiều tà, bước ra ngõ trước có cây mai vàng nở rộ, cái cầu ván nhỏ xuống sông, để xuống chiếc ghe đang neo đậu… những nét vẽ đơn sơ, tượng trưng thôi nhưng rất có hồn. Thùy thích vì nó hệt cảnh nhà thật của Thùy đang sống cùng gia đình, thích câu thư pháp như phượng múa rồng bay, “Chiều Xuân quê ngoại…”
  
Thùy nhờ tôi hỏi mua xem bao nhiêu? Tôi không còn nhớ giá bán chính xác, nhưng vẫn nhớ giá tiền chừng hai ly nước mía lúc bấy giờ. Thùy không mua vì mắc quá! Nhưng tôi người Sài gòn mà, liền đẩy đưa với người bán. Nghe chú nói giọng Huế, người chú cao gầy, da hơi ngăm, tóc dài dợn sóng, đội cái kết nỉ rất lãng tử như người Đà lạt. Tôi nói, “chú rất giống nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…” tôi khen chú trước để lấy lòng nên chú cười hiền. Còn gì nữa mà không tấn công luôn, tôi nói tiếp, “Chú rất giống Trịnh Công Sơn khi cười…” thấy chú tôi lên mây rồi nên tôi gút giá nhanh lúc người ta lâng lâng, “… Nhưng tụi con là học sinh, chú bán cho tụi con nửa giá thôi chú. Tụi con đâu có nhiều tiền…” Chú ấy gật gù, dí ngón tay lên trán tôi trách yêu, “lanh quá đi…” Tôi móc tiền túi ra trả và tặng luôn cho Thùy, nhất định không lấy tiền Thùy gởi lại cho tôi.
  
Đám bạn mê sơn đông mãi võ ở phía sau đã lên đến, chúng tôi nhập bọn và đi chơi tiếp. Đi chơi tết mà, không ít thì nhiều, các bạn gái cũng mua được vài món quà theo túi tiền có được. Bọn con trai nghèo từ thời Adam cua bà Eva đã hết vốn nên chả mua gì, chỉ giỡn phá lung tung… Hồi quay về Phở Hoàng Diệu theo kế hoạch mà tôi đã tính toán trước vì phở ở đó ngon mà lại rẻ. Ăn xong uống nước trà không tính tiền rồi về cầu Tân Thuận uống nước mía cho ngon và cũng rẻ, có gió sông mát rượi…
  
Bạn bè vừa uống nước mía vừa khoe nhau những gì mua được. Mọi người hỏi đến Thùy thì Thùy trả lời là không mua gì, nên ai cũng thắc mắc là không mua sao có quà trong túi xách tay? Thùy không trả lời ai hết, và cái uy của Thùy trong lớp cũng đủ để mọi người không hỏi nữa. Nhưng học trò là nhóm đứng thứ ba sau qủy với ma nên chúng nháy mắt nhau ra chiêu…
  
Thế là thằng Đạo chích của lớp ra tay, nó trộm từ trong túi xách của Thùy được gói quà gói bằng giấy báo. Nó lén mở ra xem nhưng khi mở ra thì nó la làng, nó trình làng luôn… “Bà con ơi… Bà con ơi! Ra Giêng Anh Cưới Em… Ra Giêng Anh Cưới Em… Ra giêng, chúng ta được ăn đám cưới rồi… vui quá… vui quá…”
  
Đàn ong vỡ tổ bên bờ sông Sài gòn, tranh nhau xem, tranh nhau nói, tranh nhau cười, tranh nhau hỏi không biết bao nhiêu câu hỏi, hỏi không cho người được hỏi nói câu trả lời. Tôi chỉ thấy mặt Thùy nghiêm lại, không đanh, chỉ nghiêm lạ thôi. Cách nghiêm mặt của Thùy trong lớp thì tôi quen rồi vì Thùy hiền lành, tốt bụng với bạn bè, học giỏi, được cô chủ nhiệm lớp chọn làm phó lớp học tập là quyết định đúng đắn nhất và duy nhất của cô giáo ngoài bắc vào vì làm cô giáo nhưng không lo dạy học, chỉ lo trồng rau muống dưới sông và nuôi heo trên bờ. Cô chủ nhiệm lớp giao cho Thùy nhiệm vụ giúp đỡ tôi từ việc học tới đạo đức nên tôi bị Thùy nghiêm mặt với tôi hoài. Lúc Thùy nghiêm mặt là lúc tôi thích nhìn thẳng vào mặt Thùy nhất vì rất đẹp, nhưng Thùy hiểu sai là tôi chống cự, đối kháng, không phục…Tôi tin có ngày Thùy hiểu ra thôi, tôi rất ngoan, và hơn thế nữa… Nhưng lần nghiêm mặt này lạ ngộ với hai dòng nước mắt thả xuống hư không… làm bạn bè im hết.
  
Đường về hết vui vì mỗi xe lặng lẽ đạp, cứ con trai thì chở con gái như hồi đi, những cô bạn nhỏ chòi chân lên đạp phụ đường về, là quê hương đem theo cho đời lưu lạc. Đám thứ ba sau qủy với ma hết nói chuyện chung, nhưng từng xe nói chuyện riêng với nhau không cần đoán cũng biết chủ đề. Thùy vẫn ngồi sau xe tôi là điều tôi nể phục tới giờ vì lẽ ra con gái khi mắc cỡ, khi giận thì đã sang xe người bạn khác để chở về, đâu thèm đi chung xe với tôi nữa. Nhưng Thùy, là câu hỏi lớn nhất đời tôi!
   …
  
Hết năm lớp mười, thêm hai năm lớp mười một với lớp mười hai, cả trường biết chuyện: ra giêng anh cưới em... Cứ hễ rảnh rỗi là bạn bè lại lôi ra chọc ghẹo tôi với Thùy, thậm chí thầy thể dục thể thao khi đi tập banh với đội banh của trường cũng ghẹo tôi là anh hùng vì chính thầy cũng không dám làm thế với bạn gái của thầy, trước mặt bạn bè, thanh thiên bạch nhật… Ông thầy vui tính hơn học trò của tôi.
  
 

Mùa hè năm lớp mười, một người bạn trong lớp tôi ghé nhà, cô ấy nói tôi đến nhà cô ấy, mẹ cô ấy có việc nhờ tôi. Tóm tắt là cha cô ấy đã đi ra nước ngoài từ ba mươi tháng tư nên bây giờ mới có tiền đô gởi về cho vợ con. Mẹ cô ấy muốn chia cho em chồng là cô ruột của bạn tôi vài trăm đô để sinh sống, làm ăn. Mẹ bạn tôi nhờ tôi chở bạn tôi lên chợ Hóc môn để giao tiền cho cô vì đường xa, mẹ bạn tôi sợ…
   
Tôi đồng ý vì bác gái là bạn của mẹ tôi, tôi cũng đồng ý luôn vì bác gái hào phóng quá, cho tôi tiền đi thay hai cái vỏ xe đạp mới, thay ruột xe luôn nha con cho an toàn… Chúng tôi lên đường từ sớm hôm sau để về trong ngày, nhờ lộ phí đường xa bác cho cũng nhiều, hai đứa ăn hủ tiếu tới bốn tô nên đạp sung. Tới chợ Hóc môn cô lại cho ăn cơm sườn bì chả no cành hông, cho tiền uống nước, ăn vặt thả ga nữa mới sướng…
   
Chúng tôi về tới Sài gòn trời chưa tối vì năng lượng tràn đầy. Tôi ghé lại chỗ hôm trước tết tôi với Thùy đã mua miếng gỗ thông viết chữ “Chiều Xuân quê ngoại” nhưng không hiểu sao mở ra lại là hàng chữ “Ra Giêng anh cưới em…” Tôi mua không cần gói giấy báo để chắc chắn bỏ nhờ vô giỏ xách của bạn đi cùng là hàng chữ “Chiều Xuân quê ngoại”. Tôi nói với bạn đường, “bà làm chứng cho tôi là tôi mua hôm nay nhưng tôi đợi tới khi nào chúng ta học hết lớp mười hai tôi mới gởi tặng cho Thùy. Tôi sẽ viết thơ giải thích kèm theo vì ra trường là khó có cơ hội gặp lại nhau…”
  
Người bạn hay chọc ghẹo tôi nhất đã tin tôi thành tâm tâm sự với cô ấy. Tôi không lường gạt Thùy, tôi không đủ gan để đùa giỡn chuyện người lớn, tôi mua tặng Thùy món quà Thùy rất thích lại vừa túi tiền tôi có cũng là một may mắn hiếm có trong đời tôi chẳng mấy khi có tiền. Tôi thật sự muốn trả ơn Thùy đã giúp tôi nhiều trong việc học, không phải tôi học dở nên cần giúp mà là tôi ham chơi nên lơ là việc học. Rồi Thùy bị cô chủ nhiệm lớp cằn nhằn hoài cũng vì tôi chứ bản thân Thùy là gương mẫu của cả lớp mình rồi… Còn việc gói hàng lộn, trao hàng lộn cho khách mua tôi chỉ nghĩ ra được sơ sài... Trước hết phải nói tới việc hàng bằng kích cỡ nhau thì đồng giá. Miếng gỗ có hàng chữ Chiều Xuân quê ngoại với miếng Ra Giêng anh cưới em cùng kích thước, bằng giá, vậy người bán gạt tôi làm gì? Hơn nữa có đáng để lừa gạt không, bà cũng đã gặp chú nghệ nhân ban nãy rồi đó, chú không phải loại người lường gạt, nhất là lường gạt trẻ nhỏ như bọn mình. Vậy sự nhầm lẫn là vô tình của người bán chứ không phải tôi. Bà có tin tôi không là tôi không cố ý vì tôi hoàn toàn không cố ý, ngay ý không có trong tôi thì làm sao cố…
  
Bạn tôi là con gái, mà con gái bằng tuổi con trai thì con gái khôn hơn nên bạn tôi nghĩ… Chợ tết có mấy ngày, ai cũng mua những miếng gỗ có chủ đề tết như: Chiều Xuân quê ngoại, Xuân đã về, Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa, Xuân kỷ niệm, Xuân này con không về… Chú nghệ nhân làm sao vẽ kịp để bán, trong khi những miếng gỗ mang chủ đề mùa hè, mùa thu thì ai mua? Nên tôi nghĩ là gói nhầm cố ý cho khách hàng lơ là. Ông được miếng gỗ Ra Giêng anh cưới em là may rồi và cũng có hơi hướm tết chứ bộ, chỉ là tụi mình còn nhỏ quá nên chuyện trở thành mắc cười, thành chuyện cười…
   …
  
Tôi làm đúng điều tôi đã nói với bạn tôi. Cuối năm lớp mười hai, tôi viết gần hết cuốn tập mới năm mươi trang để giải thích với Thùy. Bỏ trong phong bì lớn chung với miếng gỗ thông “Chiều Xuân quê ngoại” Tôi đến nhà Thùy tối hôm trước thì sáng hôm sau chúng tôi có bữa tiệc nhỏ chia tay trong lớp. Tôi chọn thời điểm trao quà theo suy nghĩ riêng, không giải thích với cô bạn đồng minh nên trong bữa tiệc chia tay, ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu… lại là tôi.
  
Cho tới hai năm sau, tôi tình cờ gặp lại Thùy đang tung tăng với bạn học ở khu trường Trung học Sư phạm Sài gòn. Tôi mời Thùy và mấy người bạn đi uống nước, họ rất dễ thương và tế nhị vì khi uống nước xong, họ liền cáo từ về trường, nói Thùy ở lại trò chuyện với tôi vì bạn cũ đã mấy năm không gặp, phần buổi học chiều đó cũng không quan trọng. Nhưng Thùy là người có biết trốn học bao giờ nên cô ấy tạm biệt tôi chứ không chia tay bạn học.
  
Tôi muốn gặp người bạn đồng minh hết sức, nhưng cô ấy đã đi bảo lãnh sang Mỹ, không còn ở Việt nam. Nhiều năm sau, tôi được ngồi ở patio nhà cô bạn đồng minh bên Cali, nhắc chuyện xưa như mới hôm nào khi đã có tóc bạc. Tôi đã nghĩ là bạn tôi đúng khi nghĩ về những người bán quà vặt trên đường Lê Lợi, họ vì miếng cơm manh áo mấy ngày giáp tết nên phù phép gói nhầm cho khác mua lơ là như tôi. Bạn tôi cũng tin tôi không đùa giỡn nên chúng tôi nhớ lại, tìm hiểu thái độ của Thùy ngay hôm đi chơi tết với nhau, thái độ từ đó tới hết lớp mười hai ra trường, thái độ hôm gặp lại tôi cũng là lần cuối…
  
Tôi lấy hết cam đảm để nói thật lòng mình với người bạn mà tôi tin tưởng từ nhỏ. Thật lòng tôi cũng có rất nhiều tình cảm với Thùy, nhưng hoàn cảnh tôi lúc bấy giờ không có từ bạn gái trong tự điển vì tay trắng mộng đầy, tương lai mù mịt… Ngay khi còn trong trung học đã có cảm tình, và tình cảm ấy không phai lợt sau mấy năm không gặp, tình cảm đậm đà hơn sau lần gặp lại nhưng tôi vẫn dặn lòng là không ghé nhà Thùy vì tương lai vô định trước mắt tôi quan trọng hơn, chuyện cần giải quyết nhất, nếu không thì tôi phải đi Campuchia đánh Pôn Pốt. Tôi không muốn.
   …
Tết rồi bạn Cali của tôi về Việt nam, về thăm bạn bè chơi thôi vì đại gia đình của cô ấy đã sinh sống ở nước ngoài hết rồi. Có bạn bè ở nước ngoài về thì nhóm bạn cũ còn trong nước, cón bao nhiêu cũng mở tiệc chung vui. Tôi trò chuyện với Thùy mà cứ ngỡ gặp lại bà ngoại của Thùy khi còn đi học,
   “Thùy vẫn khoẻ chứ?”
   “Ơn ông. Tôi còn sống tới bây giờ là nhờ ông đi chứ ông còn ở Sài gòn thì chắc tôi chết lâu rồi…”
   “Thùy chết thì chung ngày đám giỗ với tôi là cùng vì bên đây hễ gặp khó, nhức đầu là tôi nghĩ đến Thùy, không cần bác sĩ, thuốc men cũng sẽ qua mọi chuyện. Thôi bây giờ mình nói chuyện bạn bè trông mong đã mấy chục năm rồi… Con giặc Cali nó về thăm bạn bè lần này, nó bắt tôi phải bắt điện thoại để ba mặt một lời…”
   “Tôi có gì để phải ba mặt một lời? Với ai? Chuyện gì?”
   “Thùy lên chức bí thư chưa? Tôi chỉ muốn gặp lại Thùy của lớp tôi năm xưa. Thùy của…”
   “Trời sinh ông ra vô duyên từ lọt lòng mẹ hay sao…?”
   “Ơn Thùy tôi mới sống tới hôm nay. Thần chết mẻ búa vì Phật bà không cho bửa…”
   “Muốn nói chuyện gì thì nói nhanh lên. Tôi lên tăng xông là cúp phôn đó.”
   “Thùy còn giữ miếng gỗ… Ra Giêng anh cưới em không?”
   “Nghe thôi đủ sôi máu. Tôi giữ mấy chục năm để phải trả lời liền câu hỏi của ông?”
   “Thùy ơi! Thùy không có tuổi…”
   “Đừng lầm. Thùy khờ hồi xưa chết rồi. Thùy đầu bạc đang hiện nguyên hỉnh trêm màn hình laptop của ông đó!”
   “Tôi kèm nhèm rồi nên thấy ngoại trên màn hình. Tôi thương ngoại tới chết không quên. Thắp dùm tôi nén hương trên mộ ngoại nha Thùy…”
   “Lẻo mép…”
   “Ngoại giận tôi thì ngoại cũng chừa cho tôi đường về vì ngoại hiểu tôi còn hơn tôi. Thùy nhớ hông, tôi được lòng ngoại nhất đó nha…”
   “Tui nói không lại. Hết đời này cũng nói không lại. Muốn biết còn không thì về đây mà xem…”
   …
   Bạn bè đồng ca… ra giêng anh cưới em… ra giêng anh cưới em…
   …
  
Ngoài kia mây trắng bay như tóc Thùy gặp lại trên màn hình, nhớ bài bolero gì hay nghe trên YouTube, ‘giờ hai người tóc bạc như nhau’ Tôi không đủ can đảm nhìn màn hình nữa vì Thùy lại khóc… Chứng minh cho cố vấn, đạo diễn, biên kịch nào cũng đã sai khi cho Thùy đối thoại với tôi bằng người thật nhưng không phải Thùy, người tới chết cũng không nói lời khó nghe với ai bao giờ…
 
Phan
 
Nguyên Thy st
 
 

 

 

 
 

 

Xem thêm...

Đoản văn “Buồn vui chợt đến chợt đi”

Đoản văn “Buồn vui chợt đến chợt đi”

▂ ▃ ▅ ▆ █☆★█ ▆ ▅ ▃ ▂

Buổi sáng thức dậy, nằm rán trên giường, lòng miên man suy nghĩ về những ngày Tết đã qua. Miệng lẩm bẩm, “Tết, tết, tết,” mà nghe âm thanh dội lại vào lòng xa lạ, dửng dưng! Tôi lại lẩm nhẩm trong đầu:

Tết đến trong lặng lẽ

Tết đi như người dưng

Không một lời chào đón

Nghe tấc lòng bâng khuâng

Tôi uể oải ngồi dậy, vào phòng tắm làm vệ sinh cá nhân xong ra bếp để pha cà phê như thường ngày. Một ngày như mọi ngày, nhà tôi đã dậy sớm và đang làm việc trên computer. Nghĩ lại tôi mỉm cười, cám ơn cái thằng Cúm Vũ Hán. Vì kể từ ngày lũ nầy lan tràn khắp địa cầu thì việc sở MD Anderson cho nhà tôi làm việc luôn ở nhà. Nhà thì phòng ốc thênh thang mà nàng lại chọn cái bàn ăn sáng làm “văn phòng,” chỉ vì tiện nghi. Tiện nghi vì mọi thứ lỉnh kỉnh bếp núc trong tầm tay với. Và cũng vì cái tiện nghi đó nên tôi thường được ăn đủ loại bánh trái mỗi khi nàng cần xả hơi.

Tôi nói nhà rộng thênh thang vì khi mua nhà lũ con còn nhỏ; còn bây giờ thì lũ chim non ngày nào đã thừa lông khoẻ cánh, bay biến vào giông bão của cuộc đời, bỏ lại hai con khỉ già như hai chú ong tò vẽ. Cũng may nhờ ơn chú Tập. Tôi thường hay nghĩ, nếu nàng đi làm hàng ngày như xưa chắc tôi không chịu nổi suốt ngày vò võ một mình. Ừ cũng tại chú Tập mà tôi đã phải bỏ trường bỏ lớp bỏ học trò – sau nhiều chục năm tạo dựng – chỉ vì gánh chịu không nổi chi phí thuê mướn trong mùa dịch mà không nhận được sự giúp đỡ nào của chính phủ. Dù còn khoẻ mạnh nhưng đã lỡ thầy lỡ thợ rồi, đành phải về vui với cảnh vườn… không hoa bướm!

Cà phê cũng vừa xong, tôi pha cho nhà tôi một tách, tôi một tách trên tay đi thẳng vào phòng làm việc để bắt đầu ngồi thiền… internet.

Vừa mở computer ra thì thấy một lô email mới. Ngó lướt qua một vòng thấy có email của cô nương Trịnh Duy Hân bên Canada gửi. Email nhắc các tác giả có tên trong danh sách – sẽ được giới thiệu trong chương trình tác giả và tác phẩm vào tháng 5 sắp tới ở Toronto do cô và nhóm văn nghệ sĩ Toronto tổ chức – gửi bài đăng trong các số báo tới do nàng chủ trương để làm quen độc giả.

Đọc xong email thì đôi bàn chân ham vui nổi ngứa, lòng xôn xao vui, “tức cảnh sinh tình” gõ ngay vào bàn phím thành một bài thơ ngắn gửi hồi âm.

Tháng Năm… Nghe lời hẹn

Lòng nôn nao, xôn xao

Như chờ ngày Tết đến

Như bé thơ năm nào

Một thoáng như sống lại

Thuở thanh bình năm xưa

Thâu đêm canh bánh tét

Chờ đợi phút giao thừa

Ba Mẹ ngồi tràng kỷ

Chờ cháu con… dạ thưa

Nầy bộ quần áo mới

Mùi long não thơm nồng

Nầy bao lì xì đỏ

Anh chị em đợi mong…

Cảnh vật mờ trước mắt

Mùa Xuân nay không về

Lòng nhớ thương quay quắt

Bao năm rồi xa quê!

Viết đến đây thì lòng buồn vô hạn. Bao nhiêu kỷ niệm dấu yêu của một thời như cuộn phim quay chậm, nghe rè rè, nghe xôn xao trong hồn. Đỗ Trung Quân viết “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi…” nghe thật thấm thía. Có lẽ nào “một đi không trở lại?” Làm sao trở về khi con người không có tự do, không có nhân quyền với một xã hội bát nháo, một nền văn hoá của dân tộc đã bị phá sản. Làm sao trở về khi cường quyền Cộng sản còn bóp nghẹt cả dân tộc, giày xéo giang sơn trong lúc con người càng ngày càng trở nên ích kỷ, càng mánh mung tư lợi, phó mặc vận nước điêu linh!

Đang miên man miên man với nỗi nhớ thương, bỗng nhớ đến bản nhạc tôi đã viết mấy năm trước. Tôi lục tìm rồi ngồi dọc lại, ngồi nghe, ngồi hát theo trong bồi hồi xúc động.

 

Mời nhấn vào tựa bài để xem youtube

Tiếng Gọi Quê Nhà

Bao năm qua kể từ chim gãy cánh

Lòng nhớ thương tìm không thấy quê nhà

Nghìn trùng xa mắt trông vời cố xứ

Biết còn không dòng sông cũ năm nao

Xa quê hương cõi lòng tôi khô héo

Tình non sông canh cánh nặng bên đời

Ngày chóng qua phương về sương mờ lối

Sợ cánh chim mỏi cánh tận trời xa

Ra đi ai biết sẽ xa càng xa

Bao năm mây trắng vẩn vơ bên trời

Từ ngàn trùng xa nghe tiếng quê hương gọi tên

Rạt rào niềm đau tiếng dế nỉ non bên thềm

Cuộc đời buồn tênh như gió qua thềm vắng

Như cánh chim bên trời gọi nhau bốn mùa

Quê hương ơi bao giờ xuân sẽ đến

Người xứ xa mừng vui kéo nhau về

Cùng nắm tay chúng ta xây đời mới

Quyết cùng nhau dựng xây nước non ta

Trăng nơi đây ươm vàng trong nỗi nhớ

Lòng xót xa vời trông hướng quê nhà

Sợ mai đây lá vàng theo gió cuốn

Cuối chân trời mây trắng cũng bâng khuâng./-

 

Thế là hết một buổi sáng cuối tháng 2/2024

 

Yên Sơn

 

 

Xem thêm...

Sơ lược thi cử ngày xưa – Phần 1: Tổng quát

 

SƠ LƯỢC THI CỬ NGÀY XƯA

CHƯƠNG MỘT

PHẦN 1

TỔNG QUÁT

NGUYỄN GIỤ HÙNG

(Sưu tầm, chọn lọc, tổng hợp và trình bày)

 

   Sách Khải Định chính yếu (ghi lại các sự kiện thời Khải Định) chép rằng tháng Giêng năm 1919, thể thức kỳ thi Hội với những thay đổi, vua Khải Định phê: “Lần này là khoa thi Hội cuối cùng của triều đình, nên trẫm muốn gia ân cho sinh viên sĩ tử khoa mục trong cả nước, hễ ai thông thạo hai thứ chữ Nho và chữ Pháp thì trình diện Bộ Học để xin vào ứng thí”.
 
    (Ngày 16-5-1919, nhằm 17-4 âm lịch, kỳ thi Đình cuối cùng diễn ra trong cung vua.
 
LỜI NGƯỜI VIẾT  
  
   Dựa theo tài liệu trên, THI CỬ theo Nho học đã kết thúc cách đây vừa tròn 100 năm. Một trăm năm ngắn ngủi so với chiều dài gần 9 thế kỷ (1075-1919), mà mọi triều đình nước ta kể từ đầu đời nhà Lý trở về sau, ngoài việc tiến cử đặc biệt, sự tuyển chọn nhân tài cho đất nước đều do qua thi cử cả. Ấy vậy, khi ngoảnh nhìn lại, chúng tôi tự thấy mình không biết gì mấy về việc làm quan trọng như thế của người xưa nên cố gắng lục lọi, tìm tòi một số tài liệu trong các sách tham khảo ít ỏi có sẵn trong tay, và cộng thêm những bài viết trên NET để tạm vẽ nên một vài nét sơ lược về thi cử Nho học ngày xưa. Đề tài thì mênh mông, tài liệu tham khảo thì giới hạn, đôi chỗ lại khác biệt hay mâu thuẫn lẫn nhau, khó hiểu nên mong có sự đóng góp của quý vị độc giả để giúp chúng tôi có sự hiểu biết rộng rãi thêm và chính xác hơn.

   LOẠT BÀI NÀY CHỈ PHỔ BIẾN GIỚI HẠN TRONG NHÓM THÂN HỮU nhằm kỷ niệm một trăm năm ngày chấm dứt thi cử Nho học tại Việt nam

 
 
 
Vũ trụ chức phận nội 
Đấng trượng phu một túi kinh luân.
Thượng vị đức, hạ vị dân,
Sắp hai chữ quân, thân mà gánh vác,
Có trung hiếu nên đứng trong trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây.
Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây,
Phải hăm hở ra tài kinh tế
Người thế trả nợ đời là thế
Của đồng lần thiên hạ tiêu chung,
Hơn nhau hai chữ anh hùng.
(Phận Sự Làm Trai – Nguyễn Công Trứ)
 
CÁC KỲ THI
 
Cách thi cử được thay đổi tùy theo mỗi triều đại, có những triều đại thay đổi tới vài lần. Gần đây nhất, đan cử riêng triều Nguyễn trong việc tuyển chọn nhân tài cho triều đình Huế, nhìn chung có thể chia ra làm 5 giai đoạn chính:
 
   1- Khảo khóa (cấp tỉnh): khuyến khích việc rèn luyện văn chương thi cử hàng năm.
   2- Tỉnh hạch (cấp tỉnh): chuẩn bị cho kỳ thi Hương
   3- Thi Hương (cấp miền, tỉnh hay liên tỉnh): kỳ thi lấy học vị Cử nhânTú tài          
    4- Thi Hội (cấp toàn quốc): chuẩn bị cho kỳ thi Tiến sĩ
    5- Thi Đình (cấp toàn quốc): kỳ thi lấy học vị Tiến sĩ
    Trong 5 kỳ chỉ có hai kỳ có học vị, đó là thi Hương và thi Đình. Học vị Cử nhân, Tú tài dành cho kỳ thi Hương và học vị Tiến sĩ dành cho kỳ thi Đình.
 
   Khảo khóa
 
   Kỳ Khảo khóa được tổ chức hàng năm như một kỳ thi thử ở cấp tỉnh dưới sự giám sát của quan Tổng đốc tức quan đầu tỉnh, và quan Đốc học tức quan đứng đầu về giáo dục trong tỉnh. Mục đích cuộc thi là rèn luyện khuyến khích cho học trò trong những kỳ thi lớn sắp tới.
      Các bài thi gần như tương tự những bài thi chính thức của kỳ thi Hương, gồm một bài kinh nghĩa bình luận vài đoạn trong Kinh Thư, Kinh Thi; một bài thơ, một bài phú; và một bài văn sách thuộc loại văn nghị luận. Bài thi được chấm bởi quan Đốc học với sự trợ giúp của các vị giáo thụhuấn đạo của tỉnh.
      Kỳ thi này không có học vị, học trò đỗ chỉ được hưởng miễn đi tạp dịch hàng năm, và đó cũng được coi như một vinh dự lớn cho đám học trò.
 
   Tỉnh hạch
 
Kỳ thi Tỉnh hạch mở ra trước kỳ thi Hương vài tháng nhằm chọn lựa học trò giỏi trong tỉnh. Bài thi gồm những môn tương tự như kỳ thi khảo khóa nhưng đề bài ở trình độ cao hơn.
      Những học trò thi đỗ kỳ thi này mới được dự cuộc thi Hương mà thôi. Tên những người đỗ được quan Đốc học của tỉnh lập danh sách gửi lên Bộ Lễ (sau này là Bộ Học). Đây là danh sách chính thức xác nhận tên tuổi của những thí sinh được tỉnh đề cử dự thi kỳ thi Hương sắp tới.
      Những thí sinh có tên trong danh sách được đề cử của quan Đốc học tỉnh mình phải nộp theo thời hạn ấn định trước khi mở kỳ thi Hương, mỗi người 4 quyển (1) cho 4 kỳ thi để quan Đốc học chuyển tiếp tới Trường thi.
      Thí sinh dự thi còn phải nộp chứng nhận về hạnh kiểmlý lịch (2) bởi quan chức địa phương nơi nguyên quán.
 
   Thi Hương
 
Kỳ thi Hương được tổ chức 3 năm một kỳ, vào những năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, được gọi là chính khoa do triều đình tổ chức. Gọi là chính khoa để phân biệt với những khoa đặc biệt được tổ chức trong những dịp có sự kiện đáng nhớ như năm vua lên ngôi, thượng thọ cha mẹ vua ... được gọi là ân khoa. Người đỗ thi Hương được trao học vị Cử nhânTú tài. Tuy nhiên chỉ có những người đỗ Cử nhân mới được coi là người được quyền dự kỳ thi Hội được tổ chức tại triều đình vào năm sau. Người đỗ đầu kỳ thi Hương gọi là Giải nguyên.
 
   Thi Hội
 
Kỳ thi Hội chỉ dành cho những người đã đỗ Cử nhân kể cả những khóa trước trong toàn quốc không kể năm nào.
 
      Trong kỳ thi Hội không có học vị nào được trao cho người thi đỗ. Tên các thí sinh đỗ được niêm yết trên hai danh sách. Hai danh sách này chỉ nhằm mục đích đề cử các thí sinh thích hợp với những học vị trong kỳ thi Đình.
    - Danh sách thí sinh đỗ trong bảng thứ nhất (bảng chính) được đề cử học vị Tiến sĩ.
    - Danh sách thí sinh trong bảng thứ hai (bảng phó) được đề cử nhậngiải khuyến khích với học vị Phó bảng như cái tên của bảng niêm yết.
    Người đỗ  đầu kỳ thi Hội gọi là Hội nguyên.
 
   Thi Đình
 
Kỳ thi Đình chỉ để phân cao thấp, thứ bậc học vị Tiến sĩ và chỉ dành cho những người đã được “đề cử” trong bảng thứ nhất của kỳ thi Hội mà thôi chứ không phải là kỳ thi có người đỗ hay hỏng.
      Kỳ thi này chỉ có một vòng thi duy nhất và bài thi cũng chỉ có một bài chế sách duy nhất do chính nhà vua chọn hoặc tự ra đề. Vua là người quyết định việc xếp hạng.
      Sau quyết định của nhà vua, tên các tân Tiến sĩ được niêm yết trên một bảng màu vàng. Bảng thứ hai (phó bảng) vẫn là bảng “đề cử” giải khuyến khích  của kỳ thi Hội nay chính thức hợp thức hóa mang học vị Phó bảng.
      Các tân Tiến sĩ trên bảng vàng được chia thành 3 hạng, tức tam giáp:
 
      1- Đệ nhất giáp chỉ gồm 3 người, theo thứ tự:
        - Người đứng đầu được gọi là Đệ nhất giáp đệ nhất danh tiến sĩ cấp đệ, còn được gọi là Đình nguyên (tương đương học vị trạng nguyên có từ đời nhà Trần cho tới hết nhà Hậu Lê). Riêng nhà Nguyễn không dùng học vị Trạng nguyên mà thay bằng Đình nguyên.
        - Người đứng thứ hai được gọi là Đệ nhất giáp đệ nhị danh tiến sĩ cấp đệ, còn được gọi là Bảng nhãn.
        - Người đứng hàng thứ ba được gọi là Đệ nhất giáp đệ tam danh tiến sĩ cấp đệ, còn được gọi là Thám hoa
      Dân gian gọi tắt 3 vị này là ông Trạng, ông Bảngông Thám.
 
         2- Đệ nhị giáp, tiếp theo đó gồm các Tiến sĩ hạng nhì, đều được gọi chung là Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, gọi ngắn hơn là Tiến sĩ xuất thân, hay còn được gọi là Hoàng giáp.
         3- Đệ tam giáp, cuối cùng gồm các Tiến sĩ hạng ba, đều được gọi chung là Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, gọi ngắn hơn là Đồng tiến sĩ xuất thân, hay còn được gọi là ông Nghè.
      Người đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình được gọi là Tam nguyên (như cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến).
 
 
 

PHẦN 2

NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM XƯA

 

      1-  HỆ THỐNG GIÁO DỤC CÔNG, TƯ

      Ở Việt Nam thời xưa, trước thời Pháp thuộc, nền giáo dục được chia thành hai thành phần:

     1- Giáo dục tư thục

Căn bản được thực hiện trong làng, xã hay trong một đơn vị hành chính nhỏ thuộc địa phương. Người dạy thường gọi là “ông Đồ” hay “thày Đồ”. Ông Đồ có thể là người biết chữ nhưng chưa đỗ đạt, hoặc là người đỗ đạt làm quan đã về hưu hay những người đã đỗ đạt nhưng không chịu ra làm quan. Họ sống đạm bạc trên sự đóng góp tự nguyện của học trò dành cho thày. Bên cạnh đó thày được sự trọng vọng của học trò và làng xóm cũng như xã hội. Học trò coi thày như cha ngay khi thày còn sống hay đã chết. Học trò học dưới cùng một mái trường được gắn bó với nhau về tình cảm và thường được gọi là “đồng môn”.

     2- Giáo dục công lập

    - Ở địa phương. Giáo dục công được thiết lập từ cấp huyện, người đứng đầu là một quan Huấn đạo hay quan Huấn; ở cấp phủ có quan Giáo thụ hay quan Giáo; ở cấp đạo có có quan Điển học; ở cấp tỉnh có quan Đốc học hay quan Đốc, người trông nom giáo dục cho toàn tỉnh.

   - Ở kinh thành Thăng Long xưa. Có một trường dành cho các Hoàng tử, con các quan trong triều gọi là Quốc Tử Giám. Người đứng đầu trường này là quan Tư nghiệp, một vị quan hạng tứ phẩm trong triều. Sau này trường được mở rộng ra đón nhận cho những học trò giỏi được tuyển chọn trong toàn quốc được gọi là Giám sinh. Những Giám sinh ở đây được trải qua một giai đoạn học tập để chuẩn bị cho những cuộc thi cử cấp cao với học vị cấp Tiến sĩ được bổ vào làm quan trong triều. Trường này có thể coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

    - Trên cùng, cơ quan cao nhất của nền giáo dục là Hàn lâm hay Tập hiền gồm những người có phẩm chất đạo đức và phẩm tước cao.

    II- SÁCH GIÁO KHOA

Sách giáo khoa được sử dụng trong giáo dục và thi cử: Tam Tự Kinh, Thiên Tự Văn, Tứ Thư, Ngũ Kinh, Tam Truyện, Sử và Luật.

   1- Tam Tự Kinh

Cuốn sách viết dưới dạng thơ 3 chữ dành cho trẻ con mới học. Nội dung là những lời khuyên hữu ích thể hiện qua những câu châm ngôn như “Nhân chi sơ, tính bổn thiện; tính tương cận, tập tương viễn.” (Khi mới sinh ra, bản chất con người là tốt; bản chất con người là giống nhau, nhưng thói tục khiến họ khác nhau)

    2- Thiên Tự Văn

   Đây là cuốn sách gồm một nghìn chữ. Sách được nổi tiếng nhờ sự sắp đặt từ ngữ một cách xác đáng chứ không phải do sự phong phú của ý tưởng hay sự trong sáng của văn chương. Sách này được ra đời bởi một câu chuyện khá lý thú:

    Chu Hưng Tự hay Tư Toản là một văn sĩ nổi tiếng bị ngồi tù vì trọng tội. Vua Vũ Đế nhà Lương (502-550) ra một đặc ân là sẽ tha tội nếu Tư Toản có thể hoàn thành những vần thơ trong số một nghìn chữ do vua chọn mà không có chữ nào được lập lại. Ông đã hoàn tất công việc này trong vòng một đêm. Tuy vậy, sáng ra tóc ông đã bạc phơ.

    3- Tứ Thư hay Tứ Truyện

    Bốn tác phẩm kinh điển: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ Mạnh Tử.

    */Đại Học

    Do Tăng Tử viết. Nội dung sách nói về sự tu dưỡng bản thânứng xử trong xã hội. Gồm 7 điểm tuần tự:

    - Cách vật, tức đào sâu kiến thức

    - Trí tri, tức mở mang trí tuệ

    - Thành ý, tức thực tâm mong nuốn

    - Chính tâm và tu thân, tức sửa mình

    - Tề kỳ gia, tức chăm sóc gia đình

    - Trị quốc, tức cai trị đất nước

    - Bình thiên hạ, tức làm cho an dân, yên ổn

    Có những câu như:

    - Giàu có làm đẹp nhà cửa, đức độ làm đẹp tấm thân (Phú nhuận ốc, đức nhuận thân)

    - Đức là cái gốc, của là cái ngọn (Đức giả bản dã, tài giả mạt dã)

     */Trung dung

    Do Tử Tư viết. Tử Tư là con của Bá Ngư tức là cháu nội đích tôn của Khổng Tử. Ông dạy rằng Đạo trung dung là lẽ tự nhiên của của trời đất, con người phải theo lý tự nhiên ấy mà sống mà giữ mình theo cái trung dung trong mọi hoàn cảnh. Ông trình bày những nguyên tắc, nếu tuân thủ theo, sẽ tìm được sự thanh liêm vốn có của mình, sánh ngang với trời đất. Có câu như:

    - Thương yêu người thân là đức lớn (Thân thân vi đại)

     */Luận Ngữ:

    Cuốn sách này do học trò của Khổng Tử ghi lại những lời ngài giảng dạy, hay những cuộc đối thoại của ngài với học trò. Giọng văn trịnh trọng, lời văn sâu sắc đôi khi đến khó hiểu. Sách được viết sau khi ngài mất.

    Có những câu như:

    - Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác (Thi chư kỷ nhị bất nguyên, diệc vật thi ư nhân)

    - Người quân tử hiểu rõ về nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu rõ về lợi (Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi)

    - Năng lực người quân tử như gió, năng lực của kẻ tiểu nhân như cỏ; gió thổi trên cỏ ắt cỏ nép xuống

    (Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo; thảo thượng chi phong, tất yển)

    -  Điều nhỏ không nhịn thì làm hỏng mưu lược lớn (Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu)

     */ Mạnh Tử:

Sách do Mạnh Tử viết, trình bày dưới dạng đối thoại, bao gồm những lời răn dạy với những tư tưởng sâu sắc; văn phong luôn trong sáng, mượt mà. Sách được chia làm bảy chương: ba chương đầu là Mạnh Tử thượng và bốn chương sau là Mạnh Tử hạ.

    4-Ngũ Kinh

    Gồm 5 cuốn kinh điển: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh LễKinh Xuân Thu.

    */ Kinh Thi:

    Đây là tập thi ca, gồm 311 bài thơ, chia ra nhiều thiên, mỗi thiên gồm nhiều chương hay thư.

    Lối văn cổ điển, vần thơ đẹp, nhiều cảm hứng, được lấy từ những chuyện tình ủy mị hay phóng túng.Tác phẩm gồm bốn phần:Quốc phong, Tiểu nhã, Đại nhã và Tụng.

     - Quốc phong là phần thơ gồm 160 bài ca dao dân gian kể về phong tục của 15 nước chư hầu ở Trung Hoa.

     Đây là phần hay nhất của toàn bộ tác phẩm, nhưng có nhiều chỗ miêu tả về tình yêu xác thịt rất lộ liễu.

     - Tiểu nhã và Đại nhã, nội dung liên quan tới con người và sự việc trong vấn đề giải quyết công việc liên quan tới hành chính. Tiểu nhã gồm 80 bài thơ, Đại nhã gồm 31 bài thơ.

     - Tụng hay xướng, lại chia làm ba phần nhỏ: Chu tụng, Lỗ tụng, Thương tụng

     - Chu tụng, gồm 31 bài tụng ca, được sáng tác để ca tụng những tiền nhân sáng lập nhà Chu.

     - Lỗ tụng, gồm 14 bài thơ ca ngợi những vị vua nước Lỗ

      -Thương tụng, gồm 4 bài tụng ca ngợi Thành Thang, tổ tiên lập ra nhà Thương và một số vị vua khác.

      Kinh Thi được bắt đầu sáng tác vào khoảng thế kỷ thứ 14 trước Công nguyên (Tr.CN).

      Kinh Thư: Kinh Thư do Khổng Tử viết lại, gồm 4 phần: Ngu thư, Hạ thư, Thương thư và Chu thư, chứa đựng nhiều lời giáo huấn hữu ích về đạo đức của các đấng quân vương. Kinh Thư bị mất sau việc đốt sách của Tần Thủy Hoàng, nhưng vào năm 176 (Tr.CN), Hoàng đế Văn Đế đã phục hồi được kinh này nhờ một ông già còn thuộc toàn bộ, và đến đời vua sau đó người ta đã tìm thấy một bản gốc ở dưới ngôi nhà đổ nát của Khổng Tử.

      Kinh Dịch: Nội dung cốt lõi của Kinh Dịch dựa trên nguyên lý vũ trụ. Mọi hoạt động, biến hóa vô cùng của mọi sinh linh, kể cả tinh thần, tư tưởng đến vật chất đều dựa trên hai nhân tố thiết yếu là âmdương. Âm dương có thể diễn tả bởi sự kết hợp  qua những thẻ quái, hay những hình tượng để giải thích sự bí ẩn của tự nhiên, những lời sấm truyền và giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Kinh Dịch được viết, ít ra là những nét chính yếu, từ thế kỷ thứ 13 hay 12 (Tr.CN).

      Kinh Lễ hay Lễ Ký: Ghi chép về các lễ nghi, cấu thành nền tảng phong tục tập quán của Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng văn hóa ấy. Cuốn sách được chia làm nhiều phần: Khúc lễ, nói về chi tiết của các nghi lễ; Tăng Tử vấn, nói về những câu hỏi của Tăng Tử; Nội tắc, nói về quy tắc trong gia đình; Tế nghĩa, nói về ý nghĩa của các nghi lễ... Có những câu như:

    - Đàn ông không nói chuyện trong nhà, đàn bà không nói chuyện ngoài đường (Nam bất ngôn nội, nữ bất ngôn ngoại)

      Xuân Thu: Cuốn sách này còn gọi là Biên niên của Khổng Tử, do chính Khổng Tử biên soạn. Sách liệt kê những việc làm chính của 12 vị vua nước Lỗ theo thời gian.

    5-Tam Truyện

Nội dung những cuốn sách này là bình luận về kinh Xuân Thu, gồm:

      Tả Truyện, đặt theo tên tác giả là Tả Khưu Minh.

      Công Dương Truyện, đặt theo tên tác giả là Công Dương Cao.

      Cốc Lương Truyện, đặt theo tên tác giả Cốc Lương Xích.

    6-Sách sử

    Gồm sử Việt và sử Trung Hoa. Sử Trung Hoa được đọc nhiều hơn cả chẳng hạn như các cuốn: Hạ Ký, cuốn sử viết về triều đại nhà Hạ; Đường Ký viết về triều đại nhà Đường; Hán Sử viết về triều đại nhà Hán ... Sử Ký là một tác phẩm đồ sộ về lịch sử nhưng cũng được coi là một tác phẩm văn học bởi văn phong mạch lạc và nhẹ nhàng của nó.

     7- Luật

    Học luật hiện hành ở thời buổi đó.

 

 

    GHI CHÚ

   (1) Quyển

   Quyển là một xấp giấy "trắng" (chưa viết) đóng lại như một cuốn sách mỏng dùng để làm bài trong trường thi.

      - Cách thức đóng quyển

      Quyển phải do chính tay thí sinh tự đóng lấy.

      Đóng quyển cũng phải theo luật lệ trường thi. Sai một tý là phạm trường quy, quyển bị loại không chấm.

      Mỗi quyển dày khoảng 10 tờ giấy đôi còn trắng chưa viết, được gọi là "quyển trắng" và có kích thước nhất định. Nếu kích thước "quyển" tính theo đơn vị đo lường mới thì chiều dài khoảng 32 phân tây (centimetre), chiều rộng khoảng 18 phân tây, được phân chia:

       - Bề ngang, chia làm 6 phần, chừa một phần làm gáy. Khi viết, 5 phần kia lại chia làm 6 "dòng" song song với gáy (viết dọc từ trên xuống dưới và từ phải sang trái).

       - Bề dọc được chia làm: quãng đầu, quãng cuối và quãng giữa phải dài bằng hai quãng "xâu lề" của quyển.

       */ Trang đầu, tờ thứ nhất của quyển viết họ tên, quán sở (nguyên quán) và khai tam đại.

     - Phần họ tên, viết chữ thường, nằm ở "dòng" thứ 5 song hàng với lề (kể từ gáy), không được cao lên quá hay sâu xuống quá. Phải ghi rõ: tính (họ), danh (tên tục) và tự (tên riêng)

      - Phần quán sở, viết chữ nhỏ ngay dưới họ tên phải ghi tên tỉnh, phủ, huyện, xã, thônniên tuế (tuổi)

     - Phần cung khai tam đại, viết sang "dòng" mép giấy, chữ to bằng ba chữ của họ tên. Phải khai rõ tam đại tức họ tên 3 đời trực tiếp và ghi ngay bên cạnh mỗi tên chữ tử (chết) hay tồn (còn sống).

      */ Từ tờ sau của quyển dùng để viết bài thi. Đầu mỗi trang phải để chừa 3 hàng để "đài". Trong ba hàng ở đầu dòng, hàng trên cùng gọi là du cách, dưới hàng du cách gọi là hàng thứ nhất, dưới hàng thứ nhất gọi là hàng thứ hai, dưới hàng thứ hai gọi là hàng thứ ba. Bài viết của thí sinh phải bắt đầu từ hàng thứ ba đó trở xuống.

(Sự chia hàng như trên sẽ được diễn giải rõ thêm ở phần luật "đài" ở Chương hai)

       - Ống quyển

Quyển được đựng trong ống quyển, ống quyển là một ống bằng gỗ có nắp, hai phần đầu và đít có móc khuyên đồng để luồn dây đeo vào cổ.

(2) Lý lịch:

Thí sinh không được dự thi nếu là người đang còn tang chế; làm nghề xướng ca hay con của người làm nghề xướng ca; loạn đảng hay là con của loạn đảng; có phẩm hạnh không tốt hay con của người có phẩm hạnh không tốt. Lý lịch này phải được chứng thực bởi quan chức tại nguyên quán của thí sinh.

 

– Nguyn Gi Hùng

(Sưu tầm, chọn lọc, và tổng hợp)

 

Mời nghe bài ca trù:

Tây Hồ hoài cổ


Lời ca: Nguyễn Công Trứ - Ca Nương: Nguyễn Kiều Anh

 

MỜI ĐỌC TIẾP

 

 
Xem thêm...
Theo dõi RSS này