Văn học nghệ thuật

Văn học nghệ thuật (1255)

Find out the latest local and worldwide news.

Children categories

Thơ

Thơ (23)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Xem bài viết...
Âm nhạc

Âm nhạc (118)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Xem bài viết...
Truyện

Truyện (249)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Xem bài viết...

“Mùa Xuân Đầu Tiên”, Hai Bài Nhạc Xuân Cùng Tên - Lê Hữu

“Mùa Xuân Đầu Tiên”, Hai Bài Nhạc Xuân Cùng Tên -

Lê Hữu

nstuankhanh
NS Tuấn Khanh (tranh Vũ Quốc)
 
nsvancao
NS Văn Cao (tranh Lê Sa Long)
 
“Mùa Xuân Đầu Tiên” của Tuấn Khanh
 
Em ơi, xuân đến bên thềm rồi!…
 
Nghe câu hát, tưởng nghe được tiếng bước chân rón rén của mùa xuân, nghe được tiếng vạt áo dài lướt thướt của “nàng Xuân” chạm vào những bậc thềm nhà.
 
Mùa xuân đến thật gần. Xuân của đất trời, xuân trong lòng người.
 
Câu hát ấy ở trong bài “Mùa Xuân Đầu Tiên”(1966) của nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả những bài nhạc quen thuộc với người yêu nhạc ở miền Nam như “Dưới Giàn Hoa Cũ”, “Hoa Soan Bên Thềm Cũ”, “Mộng Đêm Xuân”, “Chiếc Lá Cuối Cùng”…
 
Tôi nhớ, hôm ấy là một ngày cận Tết (1993), bước chân vào một “Cửa hàng kim khí điện máy” (bây giờ gọi là “Siêu thị điện máy”) ở quận 5 Sài Gòn trong không khí rộn rịp người người đi sắm Tết và dàn loa công suất lớn liên tục phát đi những bài nhạc đón Xuân. 
 
Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy / anh trở về thăm em
Bao lần ngồi thâu đêm / nghe mùa xuân vừa đến…
 
Câu hát nghe quen quá. Tôi khựng lại, đứng yên một lúc, nghe hết bài hát. Lời ca điệu nhạc quen quen, giọng hát cũng quen quen. Ngẫm nghĩ một chút, tôi như không tin ở tai mình. Đúng là bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Tuấn Khanh, và giọng hát ấy đúng là giọng Nhật Trường, không lẫn vào đâu được. Chuyện lạ. Ở đâu lại lọt vào một bài vừa là “nhạc vàng” vừa là “nhạc lính” này? Nghe bài hát, có cảm giác như gặp lại người bạn đi xa trở về sau nhiều năm biền biệt. Đấy là bài nhạc Xuân đầu tiên của miền Nam tôi nghe được ở trong nước từ sau năm 1975.
 
Nhìn quanh, khách du xuân hầu hết là lớp người thế hệ sau, không chắc có ai trong số ấy nghe ra, nhận ra được bài “nhạc vàng” quen thuộc đó.
 
Thật khó mà ngờ rằng, bên cạnh những bài nhạc xuân phổ biến trong nước như “Mùa Xuân Từ Những Giếng Dầu” (Phạm Minh Tuấn), “Trị An Âm Vang Mùa Xuân” (Tôn Thất Lập), “Mùa Xuân Bên Cửa Sổ” (Xuân Hồng & Song Hảo), “Thì Thầm Mùa Xuân” (Ngọc Châu), “Lời Tỏ Tình Của Mùa Xuân” (Thanh Tùng) lại chen vào bài hát, câu hát rất… vô tư.
 
Xin yêu thương đến vơi hận thù/ để tiếng hát hôm nay
Người chiến sĩ mơ say/ bên đàn trẻ bé thơ ngây…
 
“Người chiến sĩ” trong câu hát ấy không phải lính miền Bắc. Người miền Nam nói “vơi hận thù” chứ không nói “hận thù ngút trời”.
 
Bài nhạc ra đời vào thời kỳ cuộc chiến tranh dai dẳng vẫn đang tiếp diễn. Chiến cuộc ngày càng leo thang, càng trở nên khốc liệt, cho nên làm gì có chuyện,
 
Anh say sưa nhịp bước trên hè
Anh nâng niu nụ hoa vừa hé
Đôi môi xinh người em nhỏ bé mộng mơ
 

 
Đấy chỉ là ước mơ của người nhạc sĩ, cũng là nỗi ước mơ của bao người lính chiến. Không riêng gì Tuấn Khanh, nhiều nhạc sĩ miền Nam thuở ấy cùng chia sẻ những khát khao về một ngày hòa bình sẽ tới.
 
Nếu một mai khi hòa bình / anh sẽ trở về như giấc mơ
Từng đêm không còn tiếng súng
Ngủ đi em / ngủ cho yên…
(“Lời Cho Người Yêu Nhỏ”, Trần Thiện Thanh)
 
Đêm không còn tiếng súng, quê mình thôi hết chiến tranh, giấc mơ ấy không chỉ riêng của người lính mà của cả một dân tộc khao khát tự do, mơ ước thanh bình sau bao năm dài quê hương chìm ngập trong khói lửa chiến tranh. Hoặc,
 
Rồi có một ngày / một ngày chinh chiến tàn
Anh trở về quê / vui cùng ruộng nương cùng đàn trâu
Với cây đa khóm trúc hàng cau
Với con đê có chiếc cầu tre / đã bao năm vắng chân anh…
 
Rồi sao nữa?
 
Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em
Với miếng cau với miếng trầu / ta làm lại từ đầu…
(“Một Mai Giã Từ Vũ Khí”, Ngân Khánh)
 
Ta làm lại từ đầu, bắt đầu từ mùa xuân đầu tiên ấy, tay trong tay đi xây lại những giấc mơ chưa tròn.
 
Mùa xuân trong nhạc Tuấn Khanh là mùa xuân tao ngộ, mùa xuân tương phùng sau những cách ngăn, chia lìa. “Mùa Xuân Đầu Tiên” ấy, gọi cho đúng tên, là “Mùa Xuân Mơ Ước”. Người lính trở về sau chiến tranh trong vòng tay chờ đợi của người mình thương yêu.
 
Hết rồi mùa chia ly, cho tình xuân vừa ý
 
“Mùa Xuân Đầu Tiên” được viết ở thể điệu Boléro quen thuộc với tai nghe nhạc của người miền Nam, lời ca điệu nhạc tươi vui, được nhiều thế hệ ca sĩ trình diễn. Trong nước, từ khi “dòng nhạc Boléro” miền Nam được tái sinh và “lên ngôi”, trong số những bài Boléro Xuân được yêu chuộng mỗi mùa Tết đến Xuân về không bao giờ thiếu bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Tuấn Khanh.
 
Mùa xuân ơi, biết tôi yêu đời!
Mùa xuân ơi, nói sao nên lời!…
Anh đâu ngờ bến bờ hạnh phúc là đây
 
Câu hát nghe sao mà tha thiết quá. Chỉ tiếc, mùa xuân ấy không đến, hoặc đến không như mong đợi. Người nhạc sĩ, tác giả những giai điệu vui tươi và những lời tha thiết ấy sớm nhận ra mùa xuân đầu tiên sau ngày dứt chiến tranh không giống như những gì ông viết ra. Ông đã bỏ đi và đã có mùa xuân đầu tiên khác trên xứ người.
 
 
“Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao
 
Điều khá bất ngờ với nhạc sĩ Tuấn Khanh, đúng mười năm sau ngày “Mùa Xuân Đầu Tiên” của ông ra đời, lại có thêm một “Mùa Xuân Đầu Tiên” khác của một nhạc sĩ miền Bắc quen tên, tác giả những ca khúc tiền chiến lãng mạn và những bài hùng ca lịch sử nổi tiếng. Văn Cao, người nhạc sĩ vẫn được người miền Nam yêu nhạc tiền chiến nhắc tên như một “huyền thoại”, đã bao năm ngỡ như “tuyệt tích giang hồ”, nay bỗng nhiên từ phía sau tấm màn quá khứ chầm chậm bước ra. Hơn thế nữa, ông lại còn mang đến cho người nghe một sáng tác mới nhất, cho thấy nguồn nhạc hứng trong ông sau bao nhiêu năm vẫn chưa hề vơi cạn.
 
Nếu Văn Cao biết rằng, bài nhạc ông sáng tác năm 1976 trùng tên với bài nhạc Xuân phổ biến của một nhạc sĩ miền Nam, không chừng ông sẽ đặt tên khác cho bài của mình.
 
 Hai bài nhạc Xuân cùng tên có khoảng cách thời gian 10 năm (Tuấn Khanh viết năm 1966, Văn Cao viết năm 1976), cũng bằng khoảng cách tuổi đời của hai người nhạc sĩ (Văn Cao sinh năm 1923, Tuấn Khanh sinh năm 1933). Trong lúc “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Tuấn Khanh được phổ biến rộng rãi ở miền Nam, “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao lại mang số phận không may. Phải đợi đến sau ngày tác giả lìa đời (1995) người trong nước mới biết rằng từng có một bài nhạc Xuân như thế hai mươi năm về trước.
 
“Mùa Xuân Đầu Tiên” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác theo “đơn đặt hàng” của báo Sài Gòn Giải Phóng cho số báo Xuân Bính Thìn, tính đến Xuân năm nay (Xuân Giáp Thìn) vừa đúng bốn con giáp. Bài nhạc Xuân được phát sóng vài lần trên Đài Tiếng Nói Việt Nam rồi… im bặt.
 
Về giai điệu, bài nhạc viết ở thể điệu Valse dìu dặt, trầm trầm từa tựa những bài “Làng Tôi” (1947), “Ngày Mùa” (1948) cùng tác giả. Về ca từ, ý tứ không có gì mới, câu hát lặp đi lặp lại. Cũng là những cánh én báo tin mùa xuân đang về, một ngày nắng mới, tiếng gà gáy trưa, cụm khói bay trên sông, những hình ảnh, âm thanh quen thuộc của làng quê thanh bình. Cũng là những giọt lệ rưng rưng của người vợ hiền, người mẹ già vui đón người chồng người con trở về trong vòng tay ôm.
 
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Nước mắt trên vai anh / giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh
Với khói bay trên sông / gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn
 
Người Việt yêu quê hương mình hơn bao giờ. Một cuộc sống mới ấm êm bắt đầu từ đây.
 
Ôi, giờ phút yêu quê hương làm sao / trong xuân vui đầu tiên
Ôi, giờ phút trong tay anh đầu tiên / một cuộc đời êm ấm
 
Chưa hết,
 
Từ đây, người biết quê người
Từ đây, người biết thương người
Từ đây, người biết yêu người
 
Câu hát nghe tha thiết đến chạnh lòng. Lời tự tình mùa xuân thật ấm áp, thật cảm động. Được sống ở một đất nước như thế thì ai còn muốn đi đâu nữa.
 
Tiếc là mọi chuyện lại không diễn ra suôn sẻ như người nhạc sĩ mơ tưởng. Với người miền Nam, xuân thanh bình, xuân đoàn tụ, xuân yêu thương chỉ là những mỹ từ, thay vào đấy là mùa xuân “chưa vui sum họp đã sầu chia phôi”. Sau ngày “bên thắng cuộc” làm chủ đất nước, người lính miền Nam lầm lũi đi vào những “trại cải tạo” không hẹn ngày về. Từ mùa xuân đầu tiên ấy và những mùa xuân nối tiếp theo nhau, những người vợ vẫn mỏi mòn ôm con đợi chồng, những bà mẹ vẫn mỏi mắt tựa cửa ngóng tin con, có khác chăng là trong chiến tranh và sau chiến tranh.
 
“Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao không được nhà nước hoan nghênh cũng là điều dễ hiểu. Bài hát không đáp ứng được mong đợi, yêu cầu của bên “đặt hàng”. Bài hát không có tiếng reo hò “hồ hởi phấn khởi”, không có những khẩu hiệu ròn rã của “thắng lợi vẻ vang”, không có khí thế bừng bừng của “mùa Xuân đại thắng”. Chiến thắng long trời lở đất mà chỉ phất phơ “khói bay trên sông”, gà gáy te te. Bài nhạc Xuân không chảy xuôi dòng theo mạch cảm hứng sục sôi, bị những bài ca hừng hực khí thế cách mạng trùm lấp, đè bẹp.
 
Đã thế, ca từ lắm chỗ nghe “chung chung”, mơ hồ, lấp la lấp lửng.
 
Từ đây người biết yêu người là thế nào? “Người” là người nào? (cũng tựa“Mùa Thu Chết” là mùa thu nào?). Lại còn yêu với ghét gì ở đây?
 
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về là thế nào? “Mùa Xuân thần thánh” sao gọi là “mùa bình thường” được?
 
Nói chung một vài chỗ chưa ổn, vẽ vời, xa rời thực tế. Chả nhẽ lại yêu cầu tác giả viết lại bài khác, đành tạm gác lại đấy, giải quyết sau vậy. Việc “tạm gác” ấy kéo dài ròng rã đến hai mươi năm. Chuyện lạ là,“Mùa Xuân Đầu Tiên” lại được yêu chuộng, được dịch sang tiếng Nga, được phổ biến rộng rãi trên làn sóng đài phát thanh Moscow; hơn thế nữa, còn được Liên-Xô đưa vào “bảng xếp hạng 200 ca khúc hay nhất thế giới”. Bài hát, nhờ vậy còn tìm được cơ hội để quay ngược về quê hương của tác giả.
 
Bài nhạc Xuân nghe kỹ, lời thì có vui, nhạc lại không mấy vui; nói cách khác, nhạc và lời không sánh đôi. Nhạc điệu đều đều, không vui không buồn, không có những chỗ nét nhạc bay bổng, cao trào, đột phá. Nếu chỉ nghe nhạc mà không nghe lời, người ta không nghe ra cái vui rộn rã của một bản đàn xuân. Đấy không phải là bài nhạc Xuân mà người nghe cảm thấy náo nức, hưng phấn, muốn cất tiếng hát theo như những bài cùng thể điệu Valse tươi vui khác, như “Xuân Và Tuổi Trẻ” (La Hối), “Ly Rượu Mừng” (Phạm Đình Chương), “Xuân Vui Ca” (Văn Phụng), “Bến Xuân Xanh” (Dương Thiệu Tước) hay “Khúc Hát Thanh Xuân” (J. Strauss, lời Việt Phạm Duy).
 
Cái vui trong “Mùa Xuân Đầu Tiên”của Văn Cao chỉ như một nỗi vui âm thầm, còn ngập ngừng, chưa trọn. Phần điệp khúc đôi chỗ nghe rưng rưng, nghèn nghẹn. Bài hát như bộc lộ những tâm tình, như khơi gợi những tình tự dân tộc ở một góc khuất nào trong lòng người Việt Bắc-Nam hai miền.
 
Nhiều người cho rằng nhạc sĩ Văn Cao hẳn lấy làm thất vọng, buồn chán vì bài nhạc ông tâm đắc bị “quản thúc” suốt bao năm. Tôi không nghĩ vậy. Tôi chắc ông cũng chẳng vui, chẳng buồn và cũng chẳng ngạc nhiên. Thứ nhất, từng là một Văn Cao họa sĩ, hẳn ông sớm nhận ra rằng mùa xuân đầu tiên mà ông “vẽ” ra chỉ có cái đẹp của bức tranh treo tường chứ không phải cảnh thực ngoài đời, khiến ông cũng bớt phần nào hứng thú. Thứ hai, ông đã… quen rồi và hẳn cũng đã tiên liệu rồi. Đấy chẳng phải lần đầu, nhiều tác phẩm của ông từng hứng chịu số phận long đong, lận đận. Bài nhạc này, bức vẽ kia, câu thơ ấy bị săm soi có “vấn đề” này nọ. “Mùa Xuân Đầu Tiên” được nhà nước hoan nghênh, tán dương mới là chuyện lạ.
 
 
Ca sĩ trong Nam hầu như không “mặn” lắm với bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” ấy, ca sĩ hải ngoại càng không, có hát cũng ít được tán thưởng. Không khó để hiểu vì sao. Thường, người ta chỉ chọn hát những bài phù hợp tâm trạng mình.
 
Hình ảnh quen mắt mọi người nhìn thấy ở Văn Cao là ông già gầy guộc, hom hem, khắc khổ. Đầu cúi gầm, khuôn mặt nhiều nếp gấp như trái táo nhăn, thường lộ vẻ trầm tư, mệt mỏi. Ánh mắt khi sắc lạnh, khi hiền hòa, lúc thẫn thờ, lúc vụt sáng lên. Lúc nói năng thì từ tốn, nhỏ nhẹ. Nơi con người trầm lặng ấy như ẩn giấu sự nhẫn nhục, cam chịu một cách thản nhiên. Sau vẻ mặt lặng yên tưởng như bình thản ấy là một mùa giông bão đã lắng chìm, là bao nhục nhằn, khốn khó đã đi qua.
 
Với người yêu nhạc Văn Cao, ông vẫn là người nhạc sĩ của những “Bến Xuân”, “Suối Mơ”,“Thiên Thai”, của những ước mơ cao vời, bay bổng.
 
“Tôi nói đến Thiên Thai là bởi vì một nơi một cõi nào đó người ta coi như đất hứa, mà cái đất hứa ấy thì không ai tìm được ở trên cõi thế gian này,” ông có lần bộc lộ.(*) 
 
Văn Cao, mãi đến cuối đời ông vẫn chưa thôi những viễn mơ. “Mùa Xuân Đầu Tiên” là viễn mơ, là bài hát cuối cùng, là giấc mơ sau cùng. Câu hát chủ điểm trong bài ấy là Từ đây người biết yêu người. Cả bài nhạc Xuân toát lên một ý chính, gói trọn trong câu sáu chữ này. Giấc mơ sau cùng ấy bị “giam lỏng” suốt bao nhiêu năm. Cho đến năm 2000 thì “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao được gọi là “tuyệt phẩm”, “tuyệt tác”. Tiếc một điều, tác giả bài hát lại không còn trên thế gian này để được nghe, được xem những màn trình diễn “tuyệt phẩm” ấy từ đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca, vũ công vũ đạo chờn vờn đến những dàn nhạc giao hưởng trên những sân khấu thật hoành tráng.
 
Người nhạc sĩ và bài hát của ông, đều như những cánh chim đã bay một vòng bay quá dài sau những mải miết tìm kiếm một “Bến Xuân”.
 
Nếu có điểm nào giống nhau giữa hai bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Tuấn Khanh và Văn Cao, cả hai đều là những “mùa xuân mơ ước”, đều là những giấc mơ ngọt ngào về một ngày hòa bình, một xuân đoàn tụ về trên quê hương.
 
Liệu sau hai bài nhạc Xuân cùng tên ấy, người Việt trong, ngoài nước có còn mơ tưởng đến một “Mùa Xuân Đầu Tiên” nào khác nữa để nối dài thêm những ước mơ.
 
Lê Hữu
 
(*)Phim tài liệu ca nhạc Văn Cao  Giấc mơ một đời ngườiđạo diễn Đinh Anh Dũng, 1992
“Mùa xuân đầu tiên”, Tuấn Khanh – Trung Tâm Asia:
“Mùa xuân đầu tiên”, Văn Cao – Musique de Salon:
©T.Vấn 2024
Lê Hữu đến Hoa Kỳ năm 1994, hiện định cư tại Seattle (WA). Viết truyện và các bài nhận định về văn học, âm nhạc, ngôn ngữ tiếng Việt... Đã xuất bản: Âm nhạc của một thời (2011) (Khảo luận về nhạc Việt trước 1975). Tác phẩm đã xuất bản (trong tủ sách điện tử TV&BH): Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi (2016);Âm Nhạc Của Một Thời (2017);
 
 Kim Phượng sưu tầm
 
 
Xem thêm...

Con Gái HÀ NỘI XƯA Dưới Góc Nhìn Của Một NGƯỜI CON SÀI GÒN

 
Quan Điểm Sống] Con Gái Hà Nội Xưa Dưới Góc Nhìn Của Một ... 

    Con Gái HÀ NỘI XƯA    

Dưới Góc Nhìn Của Một NGƯỜI CON SÀI GÒN

Vũ Thế Thành

4851 1 ConGaiHNXuaVuTheThanh

       Mẹ tôi nể phục mấy cô gái Hà Nội lắm. Dưới con mắt của người nhà quê ra Hà Nội làm việc vặt, bà thấy các thiếu nữ nơi đây ứng xử khôn khéo, nói năng lễ độ, và khuôn phép lắm. Đó là chưa kể thêu thùa may vá, nữ công gia chánh… Nói chung là đảm. Mỗi khi thấy mấy cô Sài Gòn tân thời quá, tự nhiên quá, bà lại chép miệng, con gái Hà Nội đâu có thế. Bà nói riết, nói riết… khiến tôi ngờ… bà muốn thằng con của bà nên đi tìm một thiếu nữ Hà Nội.

       Nhưng thế giới của tôi lại khác. Tôi sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Sài Gòn, bạn bè Sài Gòn, trong đầu tôi, nếu có, cũng chỉ là con gái Sài Gòn cho hợp… thủy thổ.

Mà con gái Bắc (di cư 54) hồi đó gớm lắm, vờn qua vờn lại, làm duyên, đá lông nheo, õng ẽo làm điêu đứng con trai Nam Kỳ đến là khổ. Một thanh niên xứ Biên Hòa đã phải cay đắng thế này:

 

Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc

Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền,

Nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang,

Nhớ duyên dáng ngây thơ mà xảo quyệt

4851 2 ConGaiHNXuaVuTheThanh

       Tôi không có ý kiến gì về bài thơ trên, mà cũng chẳng dại gì có ý kiến. Mấy bà mấy cô Bắc Kỳ đọc bài thơ trên có nổi cơn tam bành rủa xả, thì chắc cũng chỉ mình rủa mình nghe thôi, chứ tác giả, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên chết rồi, chết trong một chiếc xe hơi cũ kỹ ở sân chùa bên California.

Dù sao cũng nên đọc tiếp thêm vài câu nữa mới thấy “cảm thương” cho tác giả:…

 

Ta vẫn nhớ dặn dò lòng tha thiết

Nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ

Nên yêu đương bằng gương mặt khờ khờ

Nên hùng hổ để đợi giờ thua thiệt…

 

       Những ngày sau 75, trên tivi Sài Gòn là những đoàn quân “chiến sĩ gái”, bước theo nhịp quân hành, chiếu cận cảnh với đôi mắt rực lửa căm hờn, giọng nói lanh lảnh. Cảm giác đầu tiên của tôi với các cô gái Bắc Kỳ (thứ thiệt) là… ớn lạnh. Tôi cười, “Đấy con gái Hà Nội của mẹ đấy…” Bà cụ lại thở dài, chép miệng… “Hồi trước đâu có thế…”

       Dĩ nhiên, mẹ tôi không thể phát hiện cái trò đánh lận rẻ tiền của thằng con, tỉnh bơ xem tất cả các cô Bắc Kỳ đều là các cô Hà Nội.

       Thực ra trong đầu tôi cũng có một chút gì đó mơ hồ về con gái Hà Nội. Biết tả thế nào nhỉ! Có thể là hình ảnh dịu dàng đằm thắm của cô Liên trong Gánh Hàng Hoa, hay thiếu nữ tân thời một cách bảo thủ, không sao thoát ra khỏi vòng lễ giáo của cô Loan trong Đoạn Tuyệt. Tôi cảm được nỗi cô đơn của Loan khi thả bộ trên bờ đê Yên Phụ… Đại loại là tôi đã nhìn thiếu nữ Hà Nội qua lăng kính của những tiểu thuyết trong Tự Lực Văn Đoàn mà tôi được học thời trung học.

       Cũng chẳng dừng ở đấy đâu. Khi đọc “Tuấn, chàng trai nước Việt”, một thứ tiểu thuyết hồi ký của Nguyễn Vỹ, tôi biết thêm rằng, các cô nữ sinh Hà Nội cũng lãng mạn ra rít. Họ kín đáo lập ra hội “Ái Tino”.

4851 3 ConGaiHHXuaVuTheThanh

       Tino Rossi là ca sĩ người Pháp lừng danh thưở đó, và là thần tượng của vô số thiếu nữ, chẳng riêng gì thiếu nữ Hà thành. Cái “hội” kín đáo, chỉ lèo tèo dăm ba cô thế thôi, nhanh chóng tan hàng, và rồi mạnh ai người nấy tam tòng tứ đức, xuất giá tòng phu, công dung ngôn hạnh… Cái “lãng mạn tân thời” chỉ là đóm lửa, và họ nhanh chóng quay lại với sự thanh lịch, nề nếp theo giáo dục của gia đình.Năm 1980, lần đầu tiên tôi ra Hà Nội công tác. Anh bạn đồng nghiệp trạc tuổi, tốt nghiệp từ Đông Đức, chở tôi trên chiếc Simson lòng vòng Hà Nội. Nơi đầu tiên tôi muốn ghé thăm là phố Khâm Thiên. Anh bạn tròn xoe mắt, “Làm gì còn hố bom mà ghé thăm”. Tôi chợt hiểu vì sao anh bạn ngạc nhiên, nhưng không thể giải thích. Môi trường giáo dục trong Nam ngoài Bắc khác nhau.Cái máu phóng đãng đã dẫn tôi đến phố Khâm Thiên, chứ không phải bom rơi đạn lạc ở đó.

       Đến, dù chỉ để nhìn vài căn nhà xiêu vẹo, cũng thỏa đôi chút tò mò về một thời vang bóng. Phong lưu tài tử giai nhân, đúng, nhưng không phải cách phong lưu của Vân Hạc trong Lều Chõng của Ngô Tất Tố. Anh chàng Vân Hạc khi chờ kết quả thi, ra vào chốn ả đào để vui say bè bạn, để trấn an nhau, để bốc nhau, để chờ ngày bảng vàng ghi tên.

       Tôi nhớ đến kiểu cách phong lưu của Cao Bá Quát, một tay chơi thứ thiệt, khi làm sơ khảo trường thi, tiếc bài thi hay mà phạm húy, đã dùng muội đèn để sửa. Việc lộ, bị kết án giảo giam hậu, ông phải đi dương trình hiệu lực, nghĩa là đi làm phục dịch cho phái đoàn đi công tác nước ngoài. Con người tài hoa này, mang theo nỗi cô đơn đến phố ả đào giải sầu bên chén rượu, làm vài bài hát nói, đào nương hát, mình gõ nhịp…

 

Giai nhân nan tái đắc

Trót yêu hoa nên dan díu với tình

Mái tây hiên nguyệt gác chênh chênh

Rầu rĩ lắm xuân về oanh nhớ…

 

       Cũng lần đầu ở Hà Nội, buổi chiều chập choạng tối, lang thang ở phố Huế, tôi thấy một bà đi xe đạp ngược chiều, bị cảnh sát ngoắc lại. Bà năn nỉ thông cảm? Không. Bà phân bua? Không. Bà cãi tay đôi với cảnh sát rằng, nhất định mình đúng. Lương và nhu yếu phẩm phân phối còn không đủ sống, đâu dễ gì chịu nộp phạt. Đôi co với nhau mà cả hai vẫn một mực xưng hô… đồng chí. Tôi phì cười. Hà Nội có những điều không nằm trong trí tưởng tượng của một người Sài Gòn, lần đầu ra Hà Nội như tôi.

       Bây giờ, Hà Nội khác xa rồi. Hà Nội nhiều nhà cao tầng, cầu vượt. Hà Nội nhiều xe hơi hơn, Hà Nội giàu hơn. Hà Nội không còn những cảnh cãi tay đôi với cảnh sát buồn cười như thế nữa. Hà Nội văn minh hơn, nhưng có thể họ phải “cãi tay đôi” với chính mình, khi mà còn những cảnh thanh niên thiếu nữ “à la mode” hái hoa, giẫm hoa bẻ cành để chụp ảnh, hay gào thét tung hô thần tượng minh tinh Hàn QuốcĐó là chưa kể bún mắng cháo chửi, rải rác vẫn còn đâu đó. Thương hiệu chăng? Tôi chịu! Ăn ngon mà nghe chửi, thôi thà ăn độn dễ nuốt hơn.

4851 4 ConGaiHNXuaVuTheThanh

       Tôi có bà bạn già (hơn tôi) là dân Hà Nội mấy đời. Cha bà là một trong số rất ít người xong bậc đại học thời Tây. Sau 54, nhà đông con, xoay sở không nổi, ông bố định cho 2 đứa con lớn tạm nghỉ học, đi làm rồi học bổ túc sau. Nhưng bà mẹ thì không, nhất quyết không. Bà đến gặp ông bà bác sĩ nhà bên mượn… tiền để các con tiếp tục ăn học. Họ cùng ở trong thành như bà, không vướng bận con cái, còn chút của ăn của để, đồng ý cho vay tín chấp, một thứ tín chấp tình người, thời nay khó tìm. Tôi hiểu ra, dân trí thức Hà Nội xưa có kiểu chơi “chẳng giống ai” (lúc này). Họ kín đáo giúp đỡ nhau trong những tình huống khắc nghiệt. Trong họ dường như chất “nhân” và lòng tự trọng được rèn luyện qua giáo dục, giấy rách phải giữ lấy lề. Mực đen và bão tố không thể vấy bẩn hay phá sập. Những năm sau 75, trong Sài Gòn tôi cũng thấy vài trường hợp như thế.

 
Ảnh Hà Nội xưa chất lượng cao, hình ảnh JPG/JPEG kích thước lớn  

       Bà bạn (già) này, về chuyên môn, thì kiến thức mênh mông chứ chẳng vừa. Ăn nói nhẹ nhàng, nhưng quyết liệt khi cần. Vậy mà cư xử thì cứ dạ dạ,..cám ơn. Bà nói chuyện với tôi cũng thế, cũng dạ dạ… cám ơn. Tôi cười, sao chị khách sáo thế. “Không phải đâu, tôi được giáo dục trong nhà từ nhỏ như thế. Các anh chị em tôi cũng đều như vậy chứ chẳng riêng tôi. Hồi đi học, chỉ vì dạ dạ… cám ơn mà chúng tôi bị phê bình là tiểu tư sản. Ông bà cụ dạy con nghiêm khắc lắm. Tôi là con gái, đi học về là phải tập tành bếp núc, ăn trái chuối là phải bẻ đôi. Ở trường là chuyện khác, còn về nhà là đâu ra đó, vào khuôn phép.” Tôi cũng nhận ra sự “khách sáo chân thành” của bà, chứ không phải khách sáo đãi bôi.

        Dạo sau này, vì công việc tôi thường ra Hà Nội. Đi ăn hàng với bè bạn ở đó thì không sao, nhưng hễ đi một mình là bị chặt (giá), dù chỉ là chai nước tinh khiết, 10.000 đồng ở quán ven đường phố cổ. Bị chặt riết thành quen. Tôi nhủ thầm, lần nào ra Hà Nội mà không bị chặt coi như trúng số. Dù tôi cũng có vài người bạn thân ở Hà Nội, nhưng giữa tôi và Hà Nội, dường như vẫn còn khoảng cách nào đó. Tôi đến Hà Nội như một kẻ xa lạ, đến như đi nước ngoài không cần visa.

       Sài Gòn dễ hội nhập. Cứ ở Sài Gòn là thành người Sài Gòn. Chưa thấy mình là người Sài Gòn, ở lâu thêm chút nữa cũng biến thành người Sài Gòn. Sài Gòn đồng hóa con người nhanh lắm.

4851 5 ConGaiHNXuaVuTheThanh

       Nhưng Hà Nội có lẽ khác, người ta đồng hóa Hà Nội như vũ bão, đồng hóa cạnh tranh từ nhiều nguồn khác nhau để tạo ra một văn hóa Hà thành hiện đại khó mô tả. Còn người Hà Nội (thứ thiệt) đành phải co cụm, khép kín, và giáo dục con cái theo cách riêng của họ để bảo tồn… di sản. Giáo dục từ gia đình mới tạo ra gốc rễ, chứ không phải là quy tắc ứng xử, hay giàu sang, quyền thế.

       Hà Nội nhiều hồ. Hà Nội đẹp vì hồ vào những buổi sáng thật sớm, khi trời còn nhá nhem. Sáng lên, Hà Nội biến mất. Con gái Hà Nội (xưa) chắc cũng thế. Cuộc đời dâu bể đã làm họ biến mất, nhưng thực ra cũng chỉ lẩn quất, âm thầm đâu đó thôi.

       Năm ngoái, đi ngang qua ngõ nhỏ trong khu phố cổ, tôi ghé tiệm tạp hóa mua chai nước lạnh. Bà bán hàng dễ cũng gần 70, đưa chai nước: “Thưa, của ông đây, giá 5.000. Cám ơn ông…” Tai tôi lùng bùng. Trong tiềm thức có cái gì nghe quen quen, đọc đâu đó rồi. Đã dợm chân đi, nhưng cũng quay lại: “Thưa bà, bà là người Hà Nội?”. “Vâng ạ, nhà tôi ở ngõ này đã ba đời rồi, từ thời ông nội tôi ra làm quan ở đây”.

       Mẹ tôi nói đúng về con gái Hà Nội. Họ hiếm hoi, ẩn mình như giọt nước đọng ở mặt dưới của lá cây sau cơn mưa. Có duyên mới gặp, phải tìm mới thấy.

 

 Bs Doãn Heather Hà sưu tầm 

 ảnh minh hoạ 

Xem thêm...

Nghệ sĩ Lữ Liên và "gia đình âm nhạc" nổi tiếng

    Ban kích động nhạc AVT    

Nghệ sĩ Lữ Liên và "gia đình âm nhạc" nổi tiếng

Photo by Nguyễn Ngọc Quang

Tiểu Sử Nghệ Sĩ Lữ Liên – Cha Đẻ Của Gia Đình Âm Nhạc Nổi Tiếng Lữ Liên (1920 – 2012) là một nghệ sĩ âm nhạc người Việt Nam. Ông là thành viên của hai ban nhạc nổi tiếng là Ban hợp ca Thăng Long và Ban kích động nhạc AVT. Ông cũng là người viết lời Việt cho một số bản nhạc ngoại quốc được yêu thích như Dĩ vãng nhạt nhòa, Lạc mất mùa xuân, Niềm đau chôn giấu, Tan tác.. Lữ Liên tên thật là Lã Văn Liên, sinh năm 1920 ở Hải Phòng. Cha của ông dù là nhân viên bưu điện nhưng lại đam mê nghệ thuật, từng lập một ban cổ nhạc ở Hải Phòng. Thời tiền chiến, một thời gian ngắn, Lữ Liên từng là thành viên của ban hợp ca Thăng Long, cùng với Thái Thanh, Hoài Bắc và Hoài Trung trình diễn những ca khúc mang âm hưởng dân ca ba miền và nhạc trữ tình.

        Thay lời tựa:        

Không biết tại sao AVT lại gọi mình là “kích động”? Thời 1960′ với một cái trống caisse claire, một contre bass và một đờn cò ta thì cũng chưa gọi là “kích động nhạc” được! Có lẽ vì những chủ đề họ nêu ra thường gây kích động dư luận, hoặc những chủ đề đó đã từng kích động lòng người.

Saigon, Dấu Xưa tìm về:

  • Sinh hoạt văn nghệ tại Saigon trước 1975, hầu như không ai không biết đến ban kích động nhạc AVT. Ban AVT rất được ưa thích và không thể thiếu được trong các chương trình Đại nhạc hội. Được xem như một màn trình tấu đặc biệt mang tính Hài, thực chất các bài hát AVT đều được sáng tác với những chủ đề rất thực tế, gắn liền với xã hội và đời thường, ….tiêu biểu như:
  • 3 bà Mẹ chồng (nói lên những xung đột và bất cập giữa Me chồng&con Dâu)
  • Mãnh bằng (nói lên thực tế và nổi đoạn trường của đời học sinh&sinh viên)
  • Đêm Saigon (nói lên về chuyện ăn chơi của Saigon về đêm)
  • Tiên Hạ Giới (nói lên thực tế của mãnh lực đồng tiền trong cuộc sống)
  • Mái tóc Huyền (nói về hiện tượng các kiểu tóc du nhập sau thời Pháp thuộc
  • Tam nghiệp (trào phúng, mỉa mai ví von về 3 nghề: thầy bói, thợ nhuộm, thợ sửa chìa khóa)
  • Em tập Vespa(lời thanh ý tục, nói về hình ảnh của chuyện Nam, Nữ thường tình)
  • Ông nội trợ (..hát ví von về những ông chồng lười…bám vợ )
  • Thân tôi 2 Vợ (hát ví von về tệ nạn 2 Vợ )
  • Trấn thủ lưu đồn  (ví von về thời thuộc địa Pháp, trai tráng phai đi lính khố xanh)
  • Đánh cờ người (Thanh giảng Tục)
  • Tuổi đôi mươi dậy thì (ví von về tuổi dậy thì, dựa theo bài “hồng hồng tuyết tuyết)
  • Du xuân qua đèo ba dội (Thanh giảng Tục)
  • Lơ thơ tơ liễu (Thanh giảng Tục)
  • Trai gái thời đại ( ví von về duyên nợ vợ chồng, về thân phận làm vợ )
  • Chúc Xuân (nói lên nổi lo khi Tết đến)
  • Ai lên xe Buýt (nói lên nổi khổ về giao thông hằng ngày)
  • Huynh đệ chi binh (nói về tình lính chiến vơi nhau)

Ban AVT được thành lập năm 1958, gồm các ca nhạc sĩ Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng. Họ là nhân viên dân chính và Hạ sĩ Quan thuộc Đại đội Văn Nghệ (Ban Ca) Tiểu đoàn Văn Nghệ – Nha Chiến tranh Tâm Lý. Vì lúc đó Thiết Quân Luật nên ban Tam Ca ban đêm phải trốn ra hát thường trực tại Phòng Trà Anh Vũ đường Bùi Viện Sài Gòn, từ 9 giờ tối tới 2 giờ sáng.

 

Khi Anh Linh tức Trung Sĩ Trần đình Kế theo học Khóa 3 Sĩ quan đặc biệt vào tháng 6 năm 1962, nhạc sĩ Hoàng Hải phải đổi tên là Anh Hải để hát thế vào chữ A. 1966 thì Lữ Liên vào thế cho Anh Hải.

TỔNG HỢP CÁC BÀI AVT

Nhạc hài của AVT (hầu hết do Lữ Liên và Duy Nhượng sáng tác) phát triển trên nền âm nhạc dân tộc (đặc biệt là chèo, dân ca Bắc Bộ và Trung Bộ) nên nghe rất gần gũi mà cũng rất vui nhộn.

Ra sân khấu, AVT diện khăn đóng, áo gấm thụng ba màu khác nhau. Mỗi người sử dụng một nhạc cụ dân tộc: đàn sến (Tuấn Đăng), đàn cò (Lữ Liên) và trống (Vân Sơn). Khi có những câu thoại thì mỗi người nói rặt giọng của mỗi miền Trung, Nam, Bắc.

Sau ngày Việt Nam thống nhất, Lữ Liên sang Hoa Kỳ lập một ban AVT khác gồm 3 người khác, trong khi Anh Linh là sĩ quan bị tù cải tạo tại Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Sau 1975, Vân Sơn bị tai nạn chết ở cầu Thị Nghè,

Nhạc sĩ Lữ Liên (cha ruột của các ca sĩ Tuấn Ngọc, Bích Chiêu, Anh Tú, Khánh Hà và Lưu Bích) mất ngày 8.7.2012 tại Mỹ. Nhưng, Ban AVT hải ngoại không thể đem lại được nét dí dỏm và tính thời sự được như thời trước 75.

Ban nhạc AVT, được Ns. Lũ liên lập lại năm 1994 với 2 thành viên mới tại Hoa Kỳ:

Về Tuấn Đăng còn ở lại đánh đàn tại Tiếng Dương Cầm khu cư xá Sĩ Quan Chí Hoà đường Lê văn Duyệt cũ. Theo tin vào năm 2016, trước đây khi Tuấn Đăng còn khỏe, thu nhập chính của ông là kéo violon cho ca đoàn Nhà thờ Hầm Đá – quận 11, TP. Sài Gòn và biểu diễn violon ở một vài tụ điểm để có tiền mua gạo mỗi ngày.

 

Nghệ sĩ Tuấn Đăng tên thật là Trần Minh Tuyên, sinh năm 1938. Được biết, trước khi qua đời, ông lâm vào hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo, dù tuổi cao sức yếu vẫn phải đi kéo đàn violon ở nhiều tụ điểm để nuôi thân và vợ bị tâm thần. Họ sống trong căn nhà chật hẹp chỉ 12 m2. Sau một thời gian chống chọi với căn bện Ung thư, Tuấn Đăng, thành viên cuối cùng của ban nhạc AVT cũng vừa qua đời lúc 4 giờ sáng 6.4 tại tư gia (số 32/36/17 Ông Ích Khiêm, P.14, Q.11, TP. Sài Gòn) bởi căn bệnh ung thư vòm họng.

Ngoài ban AVT còn ban nhạc của Ns. Tùng Lâm,  ban nhạc HÀI có tên là Ban Só Dzách

và quái kiệt Trần Văn Trạch 
  • Sưu tầm Nguồn tư liệu & tài liệu – Biên soạn: Hoài Niệm
 
Xem thêm...

MẮT qua ca dao tục ngữ - NGUYỄN GIỤ HÙNG

THƯ GỬI BẠN

MẮT

Qua Ca Dao Tục Ngữ 

Nguyễn Giụ Hùng

 

Lời mở đầu: Tôi viết bức thư này gửi tới anh bạn tôi vừa đi mổ mắt về nhóm bạn cùng tới thăm.

     Thế này nhé, khi đi mổ mắt về, ta có nhiều điều vui và cũng lắm điều buồn. Vui vì ta được nhìn thấy rõ và ta cũng buồn vì bị nhìn thấy rõ những sự việc xẩy ra quanh ta. Như tôi nhìn cô hàng xóm, trước khi mổ mắt thì thấy cô ấy "đèm đẹp" theo cái nhìn "mờ mờ nhân ảnh" của mình, và sau khi mổ mắt thì nhận ra cô ta có những cái đẹp lên nhưng cũng có cái xấu đi theo cái "tinh tường" của đôi mắt ấy.

     Trong cuộc sống hàng ngày, đôi khi không cần phải đi mổ mắt mà vẫn được "sáng mắt ra" vì những nghịch cảnh luôn luôn xảy ra cho chính mình hay cho những người chung quanh. Tóm lại, ôi thôi, có đủ thứ làm ta “sáng mắt sáng lòng”.

     Nay tôi chỉ xin nói chuyện với các anh về vài điều liên quan tới "mắt" qua ca dao tục ngữ, tiếng nói tinh tế và chân chất của người Việt Nam ta. 

 

     Này nhé, tôi đố các anh:

         - Con gì trên lông dưới lông, tối lồng làm một?

         - Đó là con mắt.

         - Đúng!

 

       Trước hết tôi xin nói về TÊN CỦA MẮT.

     Vì mắt được ví von “mắt là cửa sổ của tâm hồn”, và ta cũng có thể ví “mắt là cửa chính của tâm hồn” tức là muốn đi vào tâm hồn của ai thì ta phải đi qua cái cửa ấy. Mắt là “cửa tâm hồn”, dù là cửa sổ hay cửa chính, nên mắt cũng có nhiều dáng kiểu và kích thước khác nhau như cửa nhà vậy và tên gọi của chúng cũng khác nhau theo đúng tinh thần “nhìn mắt đặt tên” (chứ không phải “nhìn mặt đặt tên”)

     Khi đặt tên cho mắt, người ta thường dùng theo hình dáng của vật thể hay của sinh vật nào đó mà gán ghép cho chúng: Mắt to và lộ ra ngoài thì gọi là mắt lồi, mắt ốc nhồi hay mắt cá vàng; mắt nhỏ và dài như lá tre hay lá rau răm thì gọi là mắt lá răm. Mắt tròn và đen nháy như mắt chim bồ câu thì gọi là mắt bồ câu . . . Và cứ như thế ta có một số tên gọi của mắt như nào là (ti hí) Mắt lươn, Mắt (bé như) hạt đậu, Mắt cú vọ, Mắt diều hâu, Mắt dơi (mày chuột), (giương như) Mắt ếch, Mắt lợn luộc, Mắt rắn ráo, Mắt sắc (như dao cau), Mắt thánh (tai hiền), (lừ lừ) Mắt voi, (mày ngài) Mắt phượng. . .

          Thấy em nhỏ thó lại có hồng nhan, chân mày loan con mắt lộ

          Anh đi giáp lục tỉnh này, không ai ngộ bằng em.

     Ngoài hình dáng ra, mắt còn có tên theo màu sắc như mắt đen, mắt nâu, mắt xanh, mắt long lanh, mắt thủy tinh, mắt đỏ, mắt trắng (môi thâm) . . .

 

          Cầu đây có gái bán hàng

          Có đôi rùa đá có nàng bán cau

          Mắt xanh tươi thắm môi trầu,

          Miệng cười núm má cho cầu thêm xinh.

 

          Người khôn con mắt đen sì,

          Người dại con mắt nửa chì nửa than.

 

          Hò ơ . . . Phù sa nước đục khó dòm,

          Nhớ anh em khóc... (ờ)

          Hò ơ... nhớ anh em khóc đỏ lòm con ngươi.

     Mắt không phải chỉ được phân biệt bằng cái tên qua hình dáng, màu sắc không thôi mà mắt còn được áp đặt vào chúng bằng những cảm quan, nhận thức, sinh hoạt, triết lý . . . tùy theo tình huống của những cái "nhìn mắt đặt tên" và "xấu đẹp tùy người đối diện" của mỗi người. Nghĩa là tên của mắt còn được đặt để vào đó một linh hồn vô cùng sống động.

          Người khôn con mắt dịu hiền,

          Người dại con mắt láo liên nhìn trời!

 

          Một thương tóc bỏ đuôi gà,

          Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

          . . .

          Chín thương em ngủ một mình,

          Mười thương con mắt hữu tình cho ai.

 

          Chém cha con mắt đa đoan,

          Càng lắm nhân ngãi càng mang tiếng thù.

 

          Con mắt trừng trừng,

          Thầy vơ cả đĩa.

 

          Chồng em rỗ sứt rỗ sì,

          Chân đi chữ bát, mắt thì ngưỡng thiên.

 

          Hai nách cô thơm như ổ chuột chù,

          Mắt thì dán nhấm, lại gù lưng tôm.

 

          Chả tham nhà ngói anh đâu,

          Tham vì con mắt bồ câu liếc người.

 

          Rạng ngày mai con mắt lim dim,

          Chân đi thất thểu như chim tha mồi.

 

          Những người con mắt lá răm,

          Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền.

 

          Ông già ổng chết đã lâu,

          Con mắt thao láo hàm râu vẫn còn.

     Cũng từ những cảm quan, nhận thức kể trên mà tên gọi của mắt cũng dựa vào những sự phê phán khen chê được diễn dịch qua tướng số hay kinh nghiệm. Tất nhiên chúng ta không thể hoàn toàn tin vào sự khả tín của những lời phê phán có tính cảm quan này:

 

          Con lợn mắt trắng thì nuôi,

          Những người mắt trắng đánh rồi đuổi đi.

 

          Máy mắt ăn xôi,

          Máy môi ăn thịt,

          Máy đít phải đòn.

 

          Mắt ốc bươu làm cho ai sợ,

          Miệng hỏa lò ăn vỡ nghiệp cơ.

 

          Người khôn con mắt đen sì,

          Người dại con mắt nửa chì nửa than.

 

          Những người ti hí mắt lươn,

          Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người.

 

          Rèm xưa ba bức mành mành,

          Mắt cô thế ấy tu hành được đâu.

 

          Người khôn con mắt dịu hiền,

          Người dại con mắt láo liên nhìn trời!

 

Kéo dài chi kiếp sống thừa,

          Cho cay mắt thấy, cho chua lòng sầu.

 

     Mắt dùng để NHÌN, để ngó, để trông, để ngắm, để dòm, để liếc . ..Và để diễn tả những tình cảm vui buồn, tức giận, nghi ngờ, thất vọng hay là những thông điệp của tình thương yêu dùng thay cho lời nói. Nói tóm lại mắt còn có đủ khả năng diễn tả đầy đủ sự "hỷ nộ ái ố" của con người.

          Anh thương em không biết để đâu,

          Để trong túi áo lâu lâu lại nhìn (dòm).

 

          Chiều chiều ra chợ Đông Ba,

          Ngó về hàng Bột trông ra hàng Đường.

 

          Nhìn mai, ngắm liễu, xem hường,

          Cô nào đẹp nhất xin nhường cho tôi.

 

          Ra đường con mắt ngó nghiêng,

          Về nhà chui chốn buồng riêng vê mồng.

 

          Tóc em như lông con chó xồm,

          Xức dầu thì xức, ai thèm dòm, bớ em Hai.

 

          Em là con gái cửa dinh,

          Qua dinh cụ lớn, cụ rình cụ nom.

          Của em chẳng để ai dòm,

          Cáo già hết ngóm, mèo non cũng chừa.

 

          Mẹ em tham thúng xôi rền,

          Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.

          Em đã bảo mẹ rằng đừng,

          Mẹ lườm mẹ nguýt mẹ bưng ngay (xôi) vào.

          Bây giờ chồng thấp vợ cao,

          Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.

 

          Ngó lên chữ ứ,

          Ngó xuống chữ ư.

          Anh thương em thủng thẳng em ừ,

          Anh đừng thương vội, phụ mẫu từ nghĩa em.

 

          Bất bình cũng cứ dửng dưng,

          Cũng đừng liếc xéo, cũng đừng cười khinh.

 

          Dao cau rọc lá trầu vàng,

          Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa.

 

          Ô kìa con cái nhà ai,

          Cái váy thì dài, áo ngắn ngang hông!

          Thấy ai dương mắt ra trông,

          Nghề nghiệp chẳng có, chổng mông kêu trời!

     Ngoài những cái “nhìn” của thế gian, ta còn có cái “nhìn của đạo Phật”. Mắt là một trong sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), nó là nguyên nhân của vui sướng hoặc khổ đau trong nhận thức u minh về xấu đẹp khi ta tiếp xúc với những hình ảnh bên ngoài. Muốn tránh khổ đau ta phải "quán chiếu" để thấy được cái "thực tánh" của mắt và nhìn, nghĩa là, nói theo một vị Thiền sư thì những người đạt đạo, họ vẫn thấy cái đẹp và cái xấu nhưng họ không bị khống chế, lôi cuốn bởi những cái xấu đẹp ấy vì họ thấy được trong cái đẹp có sự góp phần của cái xấu và trong cái xấu có sự góp phần của cái đẹp. Cái nhìn ấy được chuyển thành lòng từ bi với tâm giải thoát. Đó chính là cái nhìn của trí tuệ bát nhã trong đạo Phật vậy.

     Nói đến mắt ta không thể không nhắc đến KHÓC: Khóc oà, Khóc thét, Khóc gào, Khóc nức nở, Khóc thầm, Khóc thút thít, Khóc vụng trộm, Khóc ti tỉ, Khóc tỉ tê, Khóc nỉ non, Khóc mùi, Khóc như ri, Khóc như mưa, Khóc như cha chết, Khóc đứng khóc ngồi . . . Khóc là để diễn tả một trạng thái tự nhiên của xúc cảm, có thể do vui và cũng có thể do buồn một cách cao độ, trừ khi khóc "vờ", hoặc để làm "vũ khí" tác động vào lòng thương của người khác, hoặc để "vòi vĩnh":

 

          Cha đời con gái mười ba,

          Đêm nằm với mẹ khóc la đòi chồng.

          Mẹ giận mẹ phát ngang hông,

          Đồ con "chết chủ" đòi chồng thâu đêm.

 

          Chuối non giú ép chát ngầm,

          Trai tơ đòi vợ, khóc thầm thâu đêm.

          Khóc rồi bị má đánh thêm,

          Tiền đâu cưới vợ nửa đêm cho mày?

 

          Anh ở làm sao cho vợ anh thôi,

          Bây giờ khóc đứng, than ngồi với ai?

 

          Con cò lặn lội bờ sông,

          Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non.

          Nàng về nuôi cái cùng con,

          Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

 

     Đã khóc thì không thể thiếu NƯỚC MẮT: Khóc hết nước mắt, Đổ mồ hôi sôi nước mắt, Khóc không ráo nước mắt, Mau nước mắt, Mồ hôi nước mắt, Nước mắt cá sấu, Nước mắt chảy xuôi, Nước mắt lưng tròng, Nước mắt nước mũi, Tuần chay nào cũng có nước mắt, Trai khôn lắm nước đái gái khôn lắm nước mắt, Cười ra nước mắt . . .

 

          Ai ơi đừng rơi nước mắt ớt,

          Đừng rớt nước mắt gừng,

          Nhân duyên trời định nửa chừng mà thôi.

 

          Tay chùi nước mắt ướt nhem,

          Tại anh chậm bước nên em lấy chồng.

 

          Thôi thôi đừng nhỏ nước mắt hồng,

          Đừng pha tiếng ngọc mà cầm duyên em.

          Đừng vợ đừng chồng, đừng gì hết thảy,

          Anh có nơi rồi rún rẩy duyên em.

 

          Năm bảy tháng trước còn bưng, còn bợ,

          Năm bảy tháng sau lỡ bợ, lỡ bưng.

          Trực nhìn nước mắt rưng rưng,

          Khai hoa nở nhụy, khổ quá chừng anh ơi!

          

           Ớ chị em ơi!

          Cho tôi xin tí nước mắt thừa,

          Tôi về tôi khóc tiễn đưa mẹ chồng.

 

          Anh về em chẳng dám đưa,

          Hai hàng nước mắt như mưa tháng mười.

 

      Tuy nhiên con mắt không phải là lúc nào cũng làm tròn nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo. Khi mắt nhìn không rõ thì gọi là mắt mờ, mắt loà; khi không nhìn thấy gì cả thì gọi là mắt đui hay mắt mù. Và cứ như thế ta còn có một loạt những BỆNH CỦA MẮT như mắt già, mắt cận, mắt viễn, mắt thong manh, mắt lòi, mắt chột, mắt toét, mắt quáng gà, mắt lộ . . .

 

          Hoan hô các cụ trồng cây,

          Mười cây chết chín, một cây gật gù!

          Các cháu có mắt như mù,

          Mười cây chết tiệt gật gù ở đâu?

 

          Trăm lạy ông trời chớ điếc, đừng đui,

          Để hai con mắt coi người thế gian.

 

          Đã có mắt thì xem đàng,

          Có phải cận thị ngó quàng ngó xiên.

 

          Thôi tôi biết vợ anh rồi,

          Vợ anh toét mắt bán xôi chợ chùa.

     Do mắt có thể có khuyết tật hay bệnh nên mắt cần được chăn sóc và bảo vệ vì "thứ nhất đau mắt, thứ nhì dắt răng".

     Ngày nay, với nền văn minh tân tiến, mắt còn được những nhà giải phẫu thay hình đổi dạng theo như ý muốn. Mắt đôi khi còn được trang điểm bằng những cặp lông mi dài, tô thêm quầng mắt, lông mày hay bằng những cặp kính gọng đắt tiền.

          Phì phà thuốc điếu kẹp tay,

          Mắt đeo kiếng mát xem ai ra gì.

 

      Rồi MẮT còn qua những câu tục ngữ phổ biến trong dân gian như:

      Mắt tinh đời, Ăn phùng má trợn mắt, Mắt la mày lét, Mắt hau háu như quạ thấy gà con, Có mắt không ngươi, Con mắt to hơn cái bụng, Đổ đom đóm mắt, Đổ mồ hôi sôi nước mắt, Gái một con trông mòn con mắt, Giàu hai con mắt khó hai bàn tay, Hai mắt đổ dồn lại một, Mắt lá răm kiêu căng có tiếng, Mắt lơ mày láo, Bé người to mắt, Rậm râu sâu mắt, Che mắt thế gian, Cắn răng chằng mắt, Chết không nhắm mắt, Mắt hau háu như quạ thấy gà con, Chớp mắt bỏ qua, Chướng tai gai mắt, Coi người bằng nửa con mắt, Mắt thấy tai nghe, Mắt tròn mắt dẹt, Mắt trợn trừng, Mắt trước mắt sau, Mắt xanh mỏ đỏ, Lấy vải thưa che mắt thánh, Lựa được con dâu sâu con mắt, Lúa bông vang thì vàng con mắt, Mong đỏ con mắt, Móc mắt moi mề, Múa rìu qua mắt thợ, Ngang tai trái mắt, Nghe tận tai nhìn tận mắt, Ngủ ngày quen mắt, Người trần mắt thịt, Nhắm mắt đưa chân, Nhắm mắt làm ngơ, Nhắm mắt xuôi tay, No bụng đói con mắt, Quạ chẳng mổ mắt quạ, Thấy của tối mắt, Tai nghe không bằng mắt thấy, Trêu cò cò mổ mắt, Trời cao có mắt, Tuần chay nào cũng có nước mắt, Thứ nhất đau mắt thứ nhì nhức răng, Tiếc rỏ máu mắt, Tối mắt tối mũi, Trái tai gai mắt, Vừa mắt ta ra mắt người, Yêu gà gà mổ mắt yêu chó chó liếm mặt . . .

     Tóm lại, cặp mắt là bộ phận vô cùng quý giá và đa dụng của con người. Thật là bất hạnh cho chúng ta biết bao nếu thiếu đi cặp mắt hay bị giảm đi một phần khả năng của nó. Có lẽ cũng chính vì cái quý giá và đa dụng của mắt nên mới có nhiều từ ngữ để nói về mắt và những gì liên quan tới mắt trong ca dao, tục ngữ mà trong giới hạn bài này tôi chỉ có thể liệt kê được một phần rất nhỏ trong cái muôn vàn từ ngữ hoặc tình huống liên quan đến mắt trong kho tàng ngôn ngữ dân gian phong phú của dân ta mà thôi.

     Và cũng qua đây, tôi xin được nói thêm, ta phải thấy vô cùng hãnh diện về sự giầu có và tinh tế của ngôn ngữ dân ta, đặc biệt được thể hiện trong văn chương bình dân truyền khẩu của ông cha để lại qua tục ngữ ca dao. Bổn phận của chúng ta phải gìn giữ và phát triển ngôn ngữ ấy, nhất là thế hệ con cháu sống nơi hải ngoại.

     Kết luận:

     Hãy gìn giữ ngôn ngữ nước ta như ta đang gìn giữ con mắt của chính mình vậy.

 

NGUYỄN GIỤ HÙNG

     Mời nghe 

THƯƠNG CA TIẾNG VIỆT

Sáng tác: Đức Trí

Lời: Hà Quang Minh

Biểu diễn: Kyo York & Ju Uyên Nhi

 

Ca sĩ: Mỹ Tâm

 

Xem thêm...
Theo dõi RSS này