Ban Chấp Hành

Ban Chấp Hành

TÌNH BỖNG KHÓI SƯƠNG - Pham Anh Dũng

TÌNH BỖNG KHÓI SƯƠNG

Phạm Anh Dũng


    Sinh ngày 1-1-1949 tại Duyên Hà, Thái Bình. Hiện tại đang hành nghề Y Khoa Gia Đình ở Santa Maria, California.
    Học sinh VTT lớp 59-66
    Đã phát hành:
    1991: Tập nhạc Tình Khúc Hồi Hương gồm 12 tình khúc trong đó có 6 bản là thơ phổ nhạc của các thi sĩ trong gia đình Y Khoa như Đinh Tuấn, Phạm Thế Trường... Bìa và phụ bản do họa sĩ Mùi Quý Bồng. Nhạc sĩ Phạm Duy đề tựa. Duy Cường soạn hòa âm cho tây ban cầm.
    1992: CD Tình Khúc Hồi Hương do chính tác giả hát các nhạc phẩm trong tập nhạc Tình Khúc Hồi Hương. Quốc Dũng hòa âm.
    1993: tái bản tập nhạc Tình Khúc Hồi Hương.
    1993: CD Đưa Người Về Phương Đông gồm 12 tình khúc trong đó 6 bản là nhạc phổ thơ của những thi sĩ nổi tiếng như Nguyên Sa, Du Tử Lê... Duy Cường phụ trách hòa âm. Các ca sĩ trình bầy: Tuấn Ngọc, Thái Hiền, Duy Trác, Mai Hương, Lệ Thu. Họa sĩ Khánh Trường vẽ bìa.
    2002: CD Tình Bỗng Khói Sương, gồm 10 luân vũ khúc phổ thơ Phạm Ngọc. Quốc Dũng hòa âm. Các ca sĩ là Mỹ Tâm, Mỹ Lệ, Bảo Yến, Nhã Phương, Vân Khánh, Khắc Dũng.
    2003: CD Quên, 12 tình khúc phổ thơ Vương Ngọc Long. Quốc Dũng hòa âm. Ca sĩ: Bảo Yến, Mỹ Lệ, Quang Minh, Tấn Đạt, Nhã Phương, Đoan Trang. Bìa CD do Đinh Cường vẽ.
    2004: CD Nắng Mùa, tiếng hát Mỹ Khanh, nhạc Phạm Anh Dũng phổ thơ Phạm Ngọc, Quang Anh hòa âm, Đỗ Duy Ngọc trình bầy.
    2004: CD Dạ Quỳnh Hương, tình ca Phạm Anh Dũng phổ thơ Đinh Hùng, Phạm Ngọc, Trần Ngọc, Vương Ngọc Long, Hoàng Xuân Sơn, Huỳnh Nguyễn Thanh Tâm, Thơ Thơ, Mỹ Ngọc, Hồng Khắc Kim Mai và Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, Quốc Dũng hòa âm, Đỗ Duy Ngọc trình bầy. Các ca sĩ là Bảo Yến, Nhã Phương, Quang Minh, Hạnh Nguyên, Khắc Dũng, Đoan Trang, Vân Khánh.
    2005: CD Mùa Xuân Thung Lũng Hoa Vàng, tình ca Vũ Đức Nghiêm - Phạm Anh Dũng. Duy Cường, Lê Huy, Quang Đạt, Giang Đông, Nguyễn Quang hòa âm. Các ca sĩ là Tấn Đạt, Ái Vân, Bảo Yến, Quang Minh, Quỳn Lan, Nguyễn Hoàng Hương, Lệ Thu, Mỹ Lệ, Thái Hiền.
    2005: CD Nghiêng, tình ca Phạm Anh Dũng, 15 bài nhạc phổ thơ, phổ thơ Phạm Anh Dũng, Du Tử Lê, Bảo Trâm, Trường Đinh, Phạm Ngọc, Y Dịch, Huỳnh Nguyễn Thanh Tâm, Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, Đình Nguyên, Cung Vũ, T.G., Thơ Thơ và Trần Mộng Tú. Duy Cường Quang Đạt Đông Nguyễn hòa âm, Đỗ Duy Ngọc trình bầy. Các ca sĩ là Quỳnh Lan, Duy Trác, Quang Minh, Tuấn Ngọc, Quỳnh Giao, Khắc Dũng.

 ***********

Có lẽ tôi chỉ là một người " đi chậm " so với " thời cuộc " khi nhắc lại CD Tình Bỗng Khói Sương của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng mà trong đó là trọn vẹn 10 bài thơ của nhà thơ Phạm Ngọc được phổ thành nhạc từ năm 2002 .


Bây giờ là năm 2004 , tôi mới cầm bút viết những dòng này , có thể là muộn... so với những người đã được nghe, nhưng sẽ là không muộn ( với những người chưa từng được nghe ) . Đối với những người như chúng tôi , ở một nơi khá đông người Việt sinh sống nhưng thật ... xa nơi phát hành CD thì qủa thực CD Tình Bỗng Khói Sương cho đên giờ phút này, vẫn còn là rất mới .

Sở dĩ cho tới lúc này tôi mới viết cảm nghĩ của mình , cũng bởi là vì , tuy CD được phát hành từ lâu , nhưng tôi không có CD gốc trong tay mà phải chờ đến khi CD được bỏ lên mạng , tôi nhờ nhiều người giúp đỡ để có thể thu hết hoàn chỉnh vào CD cho riêng mình .

Tôi chỉ muốn nhắc lại một chút về ngày ấy ... Khi tôi mới làm quen với trang web Đặc Trưng , chân ướt chân ráo tham dự , tôi có biết nhạc sĩ Phạm Anh Dũng qua bài Quỳnh ... ( cũng phổ từ thơ ra và trong một lúc ... tôi còn dám cả gan " họa " tặng lại anh bài thơ ấy ... Tôi bắt đầu đi tìm hiểu về người nhạc sĩ này qua những bản nhạc , lời thơ anh đưa lên ... Thật bất ngờ khi một lần tôi " tò mò ".

- Thế anh Phạm Anh Dũng làm nghề gì chính ? nhạc sĩ ư ?

- Không đâu ND , anh ấy là Bác Sĩ - ND phải gọi bằng " chú " đó vì ... lớn tuổi rồi .
( người bạn trả lời )

Tôi bật cười câu " chú " ngồ ngộ mà người bạn nói . Nhưng lại thật sửng sốt khi biết nghề chính của anh , người đời vẫn dành cho 5 chữ trân trọng " Lương Y Như Từ Mẫu " khi nhắc đến - ( không biết 5 chữ đó xuất xứ của ai .. mà quan trọng gì là của ai ) nhưng với tôi đó là câu nói hay để chỉ những người làm nghề cứu người .
Vâng , một bác sĩ ( tôi không muốn gọi anh là người áo trắng ) mà chỉ muốn gọi anh bằng đúng từ đúng chữ của nghề nghiệp chính anh đã , đang làm ... Một bác sĩ - mà có một số lượng văn , thơ , nhạc đồ sộ thật khâm phục . Tôi không trò chuyện với anh bao giờ , vì thế những gì tôi viết chỉ là cảm nhận riêng tôi trên con đường theo ... và nghe nhạc anh .

Nhạc Phạm Anh Dũng - nhiều lần tôi tự hỏi , đó có phải là sản phẩm của trí tuệ , của tình cảm không ? Vâng - có đấy nhạc của anh thanh cao , tinh khiết và đôi khi mơ hồ . Nó ảo diệu như một làn sương mai và đẹp như những giọt nước mắt của những người ... lớn tuổi . Có thể tôi hơi ví von mà nói vậy . Nhưng mà , tôi đã nghĩ như thế . Bởi vì với nghề nghiệp của anh ... có điều gì ? Hạnh phúc hay đau khổ mà anh chưa từng gặp đâu .Và âm nhạc của Phạm Anh Dũng là như thế ... hàng chuỗi âm thanh ... lúc bập bùng , lúc thánh thót bỗng trở nên mê hoặc đến lạ thường . Từng giọt , từng giọt nhạc của anh ngấm vào tâm hồn tôi , và ngấm cả vào tâm hồn những người đang nằm trên giường bệnh chịu đựng những cơn đau thể xác , có thể ngày mai họ sẽ còn , có thể ngày mai họ vĩnh viễn ra đi ... Cứ thế âm nhạc Phạm Anh Dũng được tôn vinh , vượt qua cả giá trị thuần túy đời thường để chảy vào hồn người với tất cả những gì Anh - và những người làm thơ được anh phổ nhạc dẫn dắt .- Phải chăng đó là sự đồng cảm giữa anh và người làm thơ ? ( điều này có lẽ rất hiếm xảy ra ). Vâng , những bản nhạc của anh với chúng tôi ở đây nói chung và với riêng tôi thật quá đỗi ngọt ngào , nó chảy vào tâm khảm từng người , nó xoa dịu nỗi đau và làm thăng hoa những tâm hồn khắc khoải giữa cuộc đời rộng lớn . Nhạc của anh cũng như nghề nghiệp của anh trọn vẹn trong hai chữ " nhân ái " ... Phần lớn những ca khúc của anh dành cho thiên nhiên cho con người ... Cho nên những cảm xúc trong anh trở thành thơ , giấu kín tâm tình của anh để rồi bằng âm nhạc đã bay lên , đã ngân nga hiện hữu trọn vẹn và đầy đủ những suy cảm của anh . Vậy nên tôi thật sự ngạc nhiên khi trong âm nhạc của anh lại thấm đượm tính trữ tình , lãng mạn và lời ca giàu chất thơ , hàm súc những ý tưởng sâu sắc của anh như thế .

Bây giờ , tôi muốn trở lại với CD Tình Bỗng Khói Sương . Tôi đã nghe , những bài hát trong đó không biết bao nhiêu lần, kể từ ngày có riêng CD tự làm ấy ... Có những bản tôi đã thuộc lòng , đôi khi còn hát khe khẽ theo nữa . Có lẽ vì trong đó có giọng ca của ca sĩ Bảo Yến .. người mà tôi biết đã từ lâu , dạo Bảo Yến mới từ Cần Thơ lên Sài Gòn và suốt ngày xuất hiện trên ti-vi cùng em gái là ca sĩ Nhã Phương . Các bạn đừng cười tôi , nếu tôi thành thật nói rằng ... tôi cũng từng " chạy " theo sô diễn của Bảo Yến khi ấy chỉ để .. nghe không thôi - Giọng ca của Bảo Yến vẫn là một giọng ...lạ ... khó bắt chước mà khi nghe bất cứ bài hát nào thì tôi cũng dường đều bắt gặp chính tôi trong đó ...

Ở CD Tình Bỗng Khói Sương , tôi lại lần nữa gặp Bảo Yến mà tôi thích dạo nào ... Với lời thơ Phạm Ngọc ...


Nhắc đến nhà thơ Phạm Ngọc , tôi cũng không hề biết anh, cũng chưa trò chuyện cùng anh bao giờ như với nhạc sĩ Phạm Anh Dũng ... Tôi chỉ theo anh ... theo dòng thơ của anh mà tôi thường cho là lạ , nhưng da diết , thắm thiết , xót xa , huyền bí nhưng cũng tươi sáng chưá đầy nhạc tính ... Những ngôn từ anh viết là mới là thật tình cảm . Mà nét đặc sắc ấy tôi chỉ tình cờ phát hiện ra khi vô tình lang thang net và đọc bài phỏng vấn về anh của chị Hương Kiều Loan, thơ Phạm Ngọc ... Có lẽ cũng là một hiện tượng lạ như anh trả lời phỏng vấn là " mê Triết hơn thơ " . Lạ hơn nữa và cũng là một bất ngờ khá thú vị khi anh Phạm Ngọc là một nhà hoá học ....Lẽ ra thì thơ anh sẽ chỉ có những hiện tượng ... " hoá học " thôi chứ ... Nhưng không - mặc dù thơ ca không là sự nghiệp của anh . Những vần thơ anh viết dường như chỉ dành cho những người thân chứ không phải gọt rũa đem đăng báo có lẽ vậy nên thơ anh mang tính chân thật của cảm xúc , tạo nên một vẻ hấp dẫn riêng như nhạc Phạm Anh Dũng chăng ? Với tôi , có lẽ thơ của anh là nỗi giải tỏa và thư giãn của một nhà làm khoa học đó là nét đáng yêu nhất của riêng anh . Tình Bỗng Khói Sương là nhạc phổ nguyên vẹn từ thơ Phạm Ngọc . Có lẽ chỉ đọc qua tựa đề thôi bạn hay tôi sẽ cảm thấy qua những bài thơ ấy tác giả muốn ghi lại một cảm xúc gì thật thanh khiết để dành riêng cho mình cho người thân khỏi quên đi, phai nhạt mất chăng? Nhưng Tình Bỗng Khói Sương đã từng làm tôi trăn trở trong mối liên hệ của nhạc sĩ và nhà thơ ... cả hai người Anh - Bác sĩ Phạm Anh Dũng và Anh - nhà hoá học Phạm Ngọc đều đến với nghệ thuật này bằng ... tay trái , đều có mối giao cảm tuyệt vời giữa một bác sĩ phổ nhạc và một nhà hoá học làm thơ ... Giữa hai người có lẽ phải có mối tương quan đồng điệu lắm mới có thể để lại một CD đáng nhớ đáng nghe, nghe bao nhiêu cũng không chán như vậy. Với tôi Tình Bỗng Khói Sương có lẽ một thành công nhất của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng ( rất xin lỗi nhạc sĩ Phạm Anh Dũng về quan điểm này ) nhưng tôi đã " trót "" nghĩ vậy . Bởi những ca từ , những giai điệu trong suốt 10 nhạc phẩm thật sự là ấn tượng và lay động lòng người . Họ đã là dấu + ( cộng ) của nhau giữa nhạc và thơ ... phải chăng sức thu hút , thuyết phục trong CD này chính là vì những yếu tố đó tạo thành để chúng ta có thể nghe liền một lúc 10 bài liên tục .

Chúng ta hãy nghe bắt đầu từ "Tình Bỗng Khói Sương":

"Một ngày tình bỗng khói sương
Tôi về gom chút tàn hương cuối trời
Hồn sầu mộng giấc chơi vơi
Tàn canh quạnh vắng Trăng rời phố khuya"

Được ca sĩ Bảo Yến trình bày, có biết bao nhạc sĩ , hay nhà thơ cũng viết về Tình ... Nhưng tình đang yên đang lành bỗng trở thành " khói sương " Tôi không dám hỏi cả nhạc sĩ lẫn nhà thơ câu hỏi vì sao lại " tình bỗng khói sương " làm tựa chính của CD mà tôi chỉ cảm nhận xuyên suốt bài thơ nhạc ấy là một sự rung động rằng tình yêu không phải đẹp và thơ mộng như tôi nghĩ. Người ta xem tình yêu như trò đùa chơi, thích thì giữ,không thích thì bỏ đi không hề tiếc nuối. Giữa xã hội bây giờ,tình yêu không còn là một thứ tình cảm thiêng liêng và đẹp đẽ như mọi người vẫn thường tưởng tượng. Có mấy ai giữ mãi lời thề với người mình yêu? Có mấy ai ngăn cản được trái tim mình trước một hình bóng mới lạ? Có ai chờ được một người suốt cả cuộc đời? Hay người ta chỉ đến với nhau vì tiền,vì danh vọng hay lợi dụng nhau để thoải mãn mục đích? Có đôi khi tôi giật mình ngồi lại,cố thoát ra khỏi cái thế giới ồn ào bên ngoài để cố nhận ra xem mình đang sống giữa thế giới như thế nào đây? Một thế giới sống với nhau bằng sự giả tạo và lừa dối, một thế giới sống bằng sự ganh ghét và đố kị. Và chính dòng đời , dòng người sẽ biến trái tim thành sỏi đá , xây dựng lên một bức tường thành để cuối cùng " gom chút tàn hương cuối đời " với nỗi niềm cô đơn bởi không quên đuợc mối tình. Hơn ai hết có lẽ tôi cũng hiểu Bảo Yến khi trình bày thành công ca khúc này đến mức độ nào. Vâng, đó là tiếng lòng của ca sĩ Bảo Yến .

Chập chùng thôi, với " Vàng Thu Ta Mất Nhau " một chút âm hưởng khiến tôi liên tưởng đến " Chiếc Lá Thu Phai " của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tất nhiên , hai ngôn từ khác hẳn nhau , nhưng tâm sự thì cũng như nhau khi với Trịnh Công Sơn là

" Người đâu mất người ...về bên núi đợi
Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay "

thì Phạm Ngọc , Phạm Anh Dũng là

"Em đi về mùa lá đổ
Tôi ngồi ôm nỗi đau
Xa rồi con phố nhỏ
Vàng thu ta mất nhau"

Vâng , em đến , con tim tôi đổi thay , em đi con tim tôi đau xót tác giả mượn muà thu mà gửi gắm nỗi niềm ước mơ, trái ân tình mãi ngát hương ấy để khi người bội ước quay đi thì còn lại vẫn mình ta nơi đây . Tất cả chỉ còn là nỗi đau của ngày hôm qua , chỉ là giọt nước mắt muộn giữa muà thu và không thể xoa dịu nỗi đau trong ai .

Với "Phiến Đá Buồn" Phạm Ngọc - Phạm Anh Dũng và ca sĩ Bảo Yến lại dẫn dắt người nghe trở về trái tim rất thực trong từng người .

" Ta phiến đá buồn
Em cơn mưa nhỏ
Rơi từng giọt nhẹ
Gõ đời ta đau,
Ta là lữ khách
Lạc bước rừng sâu
Đông, Tây, Nam, Bắc
Hướng nào? Về đâu?,
Ta phiến đá buồn
Phủ kín rong rêu
Em cơn mưa nhỏ
Rơi xuống một chiều ..."

Mỗi người sống trên cuộc đời này cần gì cho tháng này trôi qua, một bờ vai thật dịu dàng và nhẹ nhàng luôn chở che những khi mưa gió, một ánh mắt luôn biết cảm thông và luôn biết sẻ chia những lời ai kia chưa nói, một cánh tay luôn luôn biết nâng đỡ những vấp ngã trên đường dài, Và tình yêu đến nhẹ nhàng như" mưa " để rồi tồn tại vĩnh hằng trong tâm hồn nhau, rất thật , rất đời thường trong từng cuộc tình . dù có là " về đâu " giữa bốn hướng khi tình đã xa , khi chỉ con một bàn tay , một lời ca chưa kịp hát , một cung nhạc dang dở phủ kín " rong rêu " thì cũng vẫn mãi là " Em - Anh " đến trong một chiều để nhớ mãi khôn nguôi . Những lời nhạc có một chút gì như đối thoại , như tự sự với chính bản thân chứ không với một ai khác dù ngôi thứ hai luôn là " em ". Cuộc đời ngày càng trở nên quá phức tạp. Và cái cảm giác không có ai để mà tin tưởng tuyệt đối chắc hẳn đều đã từng hiện diện trong mỗi chúng ta. Tôi đã từng nghe một người nói rằng thà tin nhầm người còn hơn là không tin những người bạn ấy yêu quý. Tôi thấy rất đúng. Có thể, nếu một lúc nào đó, người mà mình đặt niềm tin sẽ làm cho mình phải thất vọng nhưng còn dễ chịu hơn là bạn phải sống trong một tâm trạng nơm nớp không tin vào bất cứ ai. Và theo mình nghĩ nếu bạn đã đặt lòng tin vào ai đó một cách chắc chắn, cứ tin rằng người đó sẽ không phụ lòng bạn. Có lẽ như vậy nên Phạm Ngọc - Phạm Anh Dũng vẫn "Ru Em"

"Ru em giấc mộng tơ vương
Ru ta thức trắng miên trường cô liêu
Em còn ân sủng bao nhiêu
Cho ta xin được một chiều riêng em
Ru em từng gót chân son
Ru ta từng bước chân hoang lạc loài
Ta ngồi trên những tàn phai
Nghe mùa thu tới song thưa
Ru em vào cõi tình tình thơ
Ru ta tượng đá trơ vơ giữa trời
Mưa dầm nắng hạn chơi vơi
Rêu phong phủ kín cuộc đời trăm năm"

Lời ru ấy không phải là phù du , mà là một phép nhiệm màu . Bởi vì em, anh sẽ mở chiếc khoá của thời gian để cho tình yêu được tự do không bị ràng buộc... là mọi đau khổ sẽ trôi qua... tim không còn đau nữa... chờ đến một ngày khi lá từ từ rơi trước mắt... nỗi đau mãi không còn nữa... cuối cùng hãy tin tưởng vào khoảnh khắc hạnh phúc của tình yêu nồng nàn và mãnh liệt-cho một "cuộc đời trăm năm" và dù có là

"Em đã xa phố không còn nắng
Chỉ mưa về réo gọi đời nhau
Bốn bức tường không gian quạnh vắng
Ôm nỗi buồn ủ kín hồn đau "

Bản nhạc "Đã Xa" đạt đến tinh hoa trong từng câu chữ và cả ca từ

"Biển đã xa nắng không còn nhớ
Cát cũng buồn sóng chẳng đổ xô
Tảng đá nằm im nghe tiếng gió
Con thuyền xưa bỏ bến xa bờ
Trăng đã xa sao không đợi
Trăng tắt lịm dần theo ngày tháng qua
Đời lưu lạc quanh bóng tối
Biết về đâu, về giữa cõi thiên hà"

Con người và biển cả, tình yêu với biển cả và tình yêu giữa anh và em được ví như tình yêu của biển và thuyền . Tôi không thể diễn tả nổi cảm xúc của mình về bài hát này. chỉ biết mỗi lần nghe tôi như được lắng đọng lại với thời gian và những cảm giác mênh mông bất tận Khi bên em, anh nghĩ rằng dù có xa nhau anh cũng vững vàng, vượt qua mọi gian khó. Nhưng không phải vậy. Chỉ vừa xa em thôi, anh đã cảm thấy lẻ loi và cô đơn như vầng trăng kia, dù có muôn vàn vì sao bên cạnh.Anh cứ tưởng rằng mình rộng lớn, bao la như biển cả, vậy mà chỉ một giây lát vắng em, vắng cánh buồm nhỏ bé, biển kia đã thấu hiểu nỗi cô đơn. Thiếu em, cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì với anh, dù biển kia có dậy sóng.

"Trên giòng sông quên
Thuyền ta trôi dạt
Trong tình yêu em
Hồn ta bát ngát"
( "Rực Vầng trăng Khuyết" )

"Bờ cỏ xanh
Chim muông hát
Lời mật ngọt
Tình mong manh
Mùa thu mây biếc bến bờ xưa
Biền biệt xa xứ chong mắt đỏ
Ngày ươm nắng quái phong trần rủ
Dòng sông dậy nhớ
Cuồn cuộn trôi"
( "Từ Xa Em" )

Được tạo dựng bằng những âm thanh nét đẹp quyến rũ , chuyển động trong một nhịp điệu Valse chậm rãi , mộc mạc và tình tế khắc họa thật thuyết phục khung cảnh tran đầy chất thi ca nồng nàn say đắm .

Vâng , 10 bài thơ của nhà thơ Phạm Ngọc được nhạc sĩ Phạm Anh Dũng phổ nhạc và các ca sĩ trình bày để lại trong tôi một ấn tượng khó quên , tôi cũng sẽ không nhắc đến, một vài giọng ca không thể diễn tả được hết tâm tư của nhà thơ và nhạc sĩ trong CD này , tôi chỉ muốn nói đến khiá cạnh ca từ , giai điệu , hoà âm mà tôi nghe được thôi . đó là những cảm xúc chân thành của tôi khi nghe CD Tình Bỗng Khói Sương , những giai điệu mượt mà êm dịu và tha thiết là tôi yêu thích CD này ( tất nhiên , tôi không phủ nhận rằng trong CD này có một vài giọng ca tôi không thích nghe mặc dù ca sĩ đó đã từng trình diễn thành công vượt trội một số bản nhạc của các nhạc sĩ khác )

Vâng , tôi chỉ là người nghe CD này muộn hơn những khác đã nghe , nhưng tôi yêu thích Bảo Yến , yêu thích sự dịu dàng như chính con người Bảo Yến trước những bão tố của đời ... và đã vượt qua được nó để sống trong tình yêu trong những niềm mơ , hãy lắng nghe những ngân nga của Bảo Yến được phát ra từ lồng ngực , từ trái tim người phụ nữ thật sâu sắc biết bao .

Cái hay của lời thơ Phạm Ngọc mà nhạc sĩ Phạm Anh Dũng phổ thành nhạc có lẽ đó là : Tình yêu không phải là sự chế ngự mà là sự thu phục. Không là sự lấn át mà là niềm đồng cảm. Mỗi một tình yêu qua đi, có thể còn lại biết bao nhiêu là kỷ niệm.những lâu đài tình yêu có thể tưởng tượng như một công trình kiến trúc được xây dựng từ những viên gạch kỷ niệm và rồi tình yêu tan vỡ,cánh cửa tình yêu khép lại.Thế nhưng với tôi, nó vẫn thật thiêng liêng . Qủa thật có những lời thơ , những bản nhạc của cả hai người Phạm Ngọc - Phạm Anh Dũng hoặc của một số nhạc sĩ khác khi tôi nghe nhạc , đọc lời và đưa lên trang nhạc , tôi đã bật khóc bởi vì đã diễn cảm quá sâu sắc. Vâng , với Tình Bỗng Khói Sương như một lời nhắn nhủ hãy đến với nhau bằng tất cả sự thương yêu từ sâu thẳm trong đáy lòng mình, đừng lừa dối và...tình yêu chiến thắng tất cả ngoại trừ con tim cũa kẻ phản bội... hãy trân trọng những gì mình đang có bởi vì khi đánh mất rồi ta chẳng thễ nào tìm lại được hạnh phúc đã xa bay....

Xin chân thành cảm ơn nhà thơ Phạm Ngọc , cảm ơn nhạc sĩ Phạm Anh Dũng , nhạc sĩ Quốc Dũng và ca sĩ Bảo Yến cùng các ca sĩ đã trình bày thành công CD Tình Bỗng Khói Sương cho tôi cùng bạn bè tôi thưởng thức một CD tuyệt vời.

Vâng , thì những lúc một mình bạn hãy cứ nghe , cứ khẽ hát lên đi, hát cho chính mình. Hát để biết tháng năm đâu có vô tình, để biết trong đời ta vẫn luôn tìm thấy một niềm vui, để rồi lại yêu tha thiết.

Đây chỉ là những cảm xúc riêng tôi với những lời viết thô vụng về dạng văn xuôi của tôi , không thể nào thay thế được Thơ - Nhạc " Tình Bỗng Khói Sương " của Phạm Ngọc - Phạm Anh Dũng. Rất mong nhận được sự đồng cảm của bạn.. cũng như tôi về một CD tưởng chừng " đã cũ " . Xin cảm ơn


Ngọc Dung
2004


    

Khoảnh khắc khó phai - Thanh Hà

  • Đăng tại Truyện

Khoảnh khắc khó phai

Mỗi năm đến Tháng Tư là tâm trạng tôi cứ man mác nỗi tiếc thương. Những kỷ niệm từ 49 năm trước hiện về rõ nét dù lòng không muốn nhớ.

Không muốn nhớ bởi những ngày đen tối ấy chẳng những đã giáng tai ương cho cuộc sống của gia đình tôi và chính bản thân mà còn gieo tang tóc chia lìa cho hàng triệu người dân miền Nam Việt Nam yêu chuộng Tự Do nói chung.

 

Ngày 26 Tháng Tư 1975

Để đến trường Văn Khoa, tôi luôn phải đi ngang Đại Sứ Quán Mỹ. Từ mấy tuần qua, thấy người ta đứng sắp hàng rồng rắn trước cổng, mỗi ngày mỗi dài ra, mỗi nhiều thêm lên. Lúc đầu tôi thắc mắc không hiểu, sau mới biết là họ đến ghi tên xin đi Mỹ. Rồi đường phố thấp thoáng chỗ nầy chỗ nọ bóng dáng nhiều người mặc quân phục VNCH hơn thường lệ. Rồi số người từ miền Trung chạy loạn đổ xô vào, trong số đó có gia đình những người bạn học quê Qui Nhơn, Huế, Quảng Ngãi…

Tôi quyết định bỏ trường, ra xa cảng miền Tây mua vé xe đò về quê cách 250 km với mục đích kể cho ba má nghe những gì tôi chứng kiến cùng những gì dư luận bàn tán về cuộc chiến, định thuyết phục ba má tìm đường ra đi. Bởi chúng tôi sống ở một tỉnh có bờ biển lẫn sông rạch kinh ngòi chằng chịt nên việc ra đi lúc ấy rất dễ dàng như đi dạo chơi, chỉ cần đến bến tàu, xuống thuyền trả tiền cho tài công thuê họ chở đến nơi hạm đội của Mỹ chờ sẵn ngoài khơi gần đảo Phú Quốc là thoát hiểm họa.

Ngày 27 Tháng Tư 1975

Vì chị ba và em gái thứ năm vẫn còn ở lại Sài Gòn – hai người vương vấn người yêu nên còn nấn ná – má kêu chị hai sáng hôm sau nghỉ làm (chị là thư ký cho Ty Thông tin nơi ba tôi đảm trách), để đi Sài Gòn đón hai người và thu xếp đồ đạc về quê, không được nấn ná. Sáng 5 giờ chị hai ra đi, gần chiều đã thấy chị quay về một mình. Thì ra hôm qua chiếc xe đò chở tôi buổi sáng đi qua Cai Lậy vẫn còn an toàn thì đến trưa đã bị Cộng quân tấn công với đạn, pháo, mìn, súng… Người chết rất nhiều, đoạn đường bị chặn không thể qua lại. May mà chuyến xe tôi đi sớm, chứ không thì chiếc xe chở tôi có thể cũng là một trong những chiếc xe bị trúng đạn pháo.

Nhà tôi nằm ở ngoại ô quận cách tỉnh 7km. Mặt trước nhà là liên tỉnh lộ nối dài Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sài Gòn. Bên kia con đường là sân bay nhỏ dân sự lẫn quân sự chạy dài từ Cầu Hoằng ngút đến tận Ngã Ba. Nhà chúng tôi nằm giữa đoạn sân bay ấy. Xa hơn phạm vi phi trường là các đồng lúa xanh ngút ngàn của nhiều nông gia, trong số ấy có của ông bà Ngoại tôi.

Phía sau nhà là dòng sông hiền hoà mà chiều chiều khoảng 5 giờ, nhiều chiếc giang đỉnh chở khoảng chục người trên mỗi chiếc, có cả cố vấn Mỹ chạy ngang nhà vào tận các làng mạc xa xôi, cho đến tận sáng hôm sau mới trở về căn cứ. Thỉnh thoảng có chiếc bị bắn chìm, và người đi chiều hôm trước không bao giờ trở về sáng hôm sau.

Ba tôi ban ngày vẫn ra ty – ngoài tỉnh – làm việc bình thường. Trưa, tối về ăn cơm, nhưng bắt đầu từ Tháng Ba, mỗi tối ông vào ngủ trong dinh quận, cách nhà tôi gần 1 km. Từ sau Tết, bên kia sông, đoạn giữa Cầu Quây và mộ ông Hội Đồng Suông, một nơi khá hoang sơ, là căn cứ địa của “bọn họ”. Cứ vài tối là họ lén lén lút lút ra phát loa ra rả đòi tiêu diệt sĩ quan công chức VNCH, trong đó có tên ba tôi. Gần sáng thì họ thụt trốn đâu mất dạng.

Ngày 28 Tháng Tư 1975

Lần này đích thân Má đi Saigon để tìm hai con gái bị kẹt trên ấy. Cũng như chị hai, đến chiều lại quay về vì có trận đánh lớn, cắt giao thông hoàn toàn. Ba má lo lắng, nỗi bất an hằn rõ trên mặt. Lúc ấy chưa có điện thoại nên không sao liên lạc được. Má như ngồi trên đống lửa.

Ngày 29 Tháng Tư 1975

Má may mười bao vải nhỏ cho mười thành viên trong gia đình, gồm ông bà Ngoại, Ba Má, và sáu chị em tôi. Xếp vào mỗi bao mấy bộ quần áo cho từng người, vật dụng cần thiết, giấy tờ khai sinh, bằng cấp học lực, ít tiền… nói để khi cần thì bao của ai người ấy mang đi cho nhanh.

Cách nhà tôi hơn nửa cây số có căn cứ của quân chủng Hải Quân. Bình thường họ ra ngoài sinh hoạt những lúc không phải đi hành quân, trên các giang đỉnh siêu nhẹ lướt nhanh. Lúc còn học ở quê nhà, tôi thấy họ mỗi ngày. Bây giờ, họ túc trực ngày đêm trong doanh trại, không thấy xuất hiện ngoài đường phố nữa.

Ngày 30 Tháng Tư 1975

Khoảng nửa đêm ngày 29.04 rạng sáng 30, mọi người đang ngủ bỗng choàng thức bởi tiếng súng, xen tiếng đạn pháo liên hồi từ phía cánh đồng bên ngoài phi trường bắn tới tấp, vào chung quanh nhà chúng tôi và nhà hàng xóm. Ông bà Ngoại, Má kêu mấy chị em tôi mau ra khỏi mùng chạy núp vào góc kẹt của bồ lúa sau nhà bếp.

Bao nhiêu năm chiến tranh, chúng tôi thường xuyên thấy quân phục các quân chủng VNCH của họ hàng, thân thuộc, bạn hữu…, xe thiết giáp, xe jeep, GMC, trực thăng, chiến đấu cơ, chiến hạm, giang đỉnh…, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi trong tâm điểm của trận chiến trực tiếp giữa hai phe đối lập. Nghe tiếng súng bắn gần bên tai như thế, bàng hoàng, kinh hãi không sao tả hết. Tôi kêu thầm trong đầu: Trời ơi, VC đã mò tới đây rồi sao? Họ có tìm giết chúng tôi – thuộc thành phần công chức – như họ đã làm trong trận Mậu Thân 1968 Huế không?

Trời sáng, đã thấy rõ mặt người. Lợi dụng thỉnh thoảng tiếng súng hơi lơi, Ngoại, Má và cậu em trai ra trước nhà, hé mở cánh cửa sổ quan sát. Nghe tiếng Má thảng thốt kêu nho nhỏ:

Trời ơi, có mấy ông đội nón cối nằm bên kia vệ đường bắn vào nhà dân kìa. Đóng cửa chặt lại, tìm chỗ núp cho mau.

Chúng tôi quá sợ hãi, chui trở lại vào cạnh bồ lúa. Nếu họ có bắn từ đàng trước vào thì đã có bồ lúa cao chất ngất che. Trời càng sáng rõ thì âm thanh lửa đạn càng dữ dội. Bây giờ chúng không phải chỉ đến từ phía cánh đồng mà mọi phía: Từ căn cứ Hải quân, từ dưới sông, khi các chiếc giang đỉnh bắn đáp trả.

Đến trưa thì tiếng súng, tiếng pháo lớn càng liên tu bất tận. Chúng tôi nằm dí một góc không dám cục cựa. Một tiếng nổ thật lớn ngay nhà dì ba kề bên, rồi nghe tiếng dì khóc nấc lên kinh hoàng, kêu cứu má tôi:

Trời ơi là trời, chị hai ơi, bé Mai Chi bị trúng thương chết rồi chị hai ơi. Con ơi là con ơi. Sao con bỏ ba má mà đi sớm vậy hả con ơi.

Dì ba là em họ dì với má tôi. Chồng dì là hạ sĩ quan đang làm nhiệm vụ tuyển mộ tân binh ở tỉnh. Sau, dì kể là một mảnh đạn cối bay lạc, văng miểng trúng vào ngực con bé 11 tuổi. Bé hộc lên một tiếng nhỏ rồi hồn lìa khỏi xác, trong miệng vẫn chưa kịp nuốt củ khoai lang dì nấu ăn tạm cho qua cơn đói. Còn dì thì trúng thương ngay chân và bụng, máu chảy lênh láng.

hế là dì cùng bốn con trai còn lại, từ 15, 13, 9, và 3 tuổi, chân thấp chân cao băng qua mảnh sân sau, mò mẫm qua nhà chúng tôi. Thêm mười mấy người hàng xóm ở gần cũng nhập chung. Thế là có hơn hai chục người dồn đống, kẹt bồ lúa không đủ chỗ nên chia nhau chui nằm dưới chiếc giường sắt kê cạnh. Má tôi xé áo băng tạm vết thương cho dì chứ không còn cách nào khác.

Ngày thường Mai Chi học chung, chơi chung với em gái út 10 tuổi của tôi. Giờ chứng kiến cái chết quá bất ngờ thương tâm bởi miểng đạn vô tình, và máu me đầy người của dì ba, em tôi khóc la thất thanh, khiến mọi người đều rúng động tâm can.

Tiếng súng nặng, nhẹ vẫn dồn dập không ngớt, ngoài đồng bắn vào, dưới sông trả đũa bắn lên, nhà dân ở giữa lãnh đủ. Linh cảm sự chẳng lành nếu cứ trốn trong hốc bồ lúa, Ngoại và hai người hàng xóm liều mình chạy xuống mé sông. Ngẫu nhiên có chiếc tàu nhỏ dùng chuyên chở hàng hoá, thực phẩm của ai neo đậu ngay bến nhà tôi, Ngoại bèn thúc giục mọi người dìu nhau nhảy xuống, nằm rạp dưới lòng tàu. Đạn lớn nhỏ thi nhau rớt chung quanh chiếc tàu, bắn nước văng tung toé cả vào mặt chúng tôi.

Thế rồi người lớn thay nhau dùng chèo, chống qua bên kia bờ, thoát ngoài tầm đạn giao tranh. Không ai bị trúng đạn. Đúng là phép lạ. Dì ba bị thương nặng không thể đi, má tôi và cậu em trai 15 tuổi dùng chiếc mền làm võng đặt dì lên, cột hai đầu mền vào chiếc dầm bơi làm đòn gánh lếch thếch nhấc dì đi theo con đường đê ruộng gập ghềnh, lần dò ra ngoài lộ lớn cách hơn hai cây số, chờ xe lam chở dì ra bịnh viện tỉnh.

Phần tôi thì ẵm cậu bé Tùng ba tuổi. Trời trưa nắng như đổ lửa trên đầu. Đoàn chúng tôi toàn đàn bà trẻ nít hơn hai chục người thất thểu lê bước. Tội nghiệp má và em trai, bởi dì ba vốn thân hình khá tròn trịa nên cứ đi được vài chục thước là phải dừng lại, ì ạch thở. Những người đàn bà trẻ đi cùng đều bồng bế trên tay con nhỏ nên không ai đỡ đần má và em tôi để cáng dì ba.

Khát nước cháy cổ, lo tránh đạn đâu có thời gian và tâm trí để mang theo nước, cạnh ruộng có vũng nước nhỏ đục ngầu. Có lẽ là vũng nước trâu nằm chăng? Mọi người mừng như bắt được vàng, bụm nước vào lòng bàn tay mà uống lấy uống để, dù nước ruộng có vị sình non! Hơn hai cây số nhưng phải mất từ trưa đến chiều mới ra được đường cái. Má tôi ngồi vật ra lề, lã đi vì mệt, chờ chiếc xe lam chở đoàn người chạy nạn ra tỉnh. Sau đó gia đình tôi tụ họp ở nhà bà-nội-nuôi. Ba tôi bị kẹt trong Ty Thông tin tỉnh từ mấy ngày nay, cùng đến đoàn tụ.

Nhưng cuộc đoàn tụ chỉ kéo dài thêm vài ngày. Chị ba và em gái thứ năm thu dọn quần áo về quê, chuyện học hành của chúng tôi hoàn toàn khép lại. Ba tôi ra trình diện, bên “may mắn thắng cuộc” hứa chỉ học tập vài hôm, nhưng vài hôm ấy biến thành bảy năm khổ sai nơi U Minh Thượng.

Khi trở về nhà, mới thấy góc vách chỗ chúng tôi ẩn nấp cạnh bồ lúa có nhiều lỗ thủng, còn chiếc giường sắt cháy còng queo, vạt lót giường bằng tre thì không còn chút dấu vết, chỉ thấy lớp bụi mờ đen nhẻm phủ mặt đất. Chúng tôi suýt mất mạng nếu không liều mình cùng nhau nhảy xuống chiếc thuyền nhỏ sang sông. Cả nguyên ngày 30 Tháng Tư chạy giặc. Chiều tối hôm đó, ba tôi mới cho má con tôi hay là miền Nam đã mất!

 

Thanh Hà

Hồng Anh sưu tầm

 

 

Nhớ hoài những chuyện biển dâu…

  • Đăng tại Truyện

Nhớ hoài những chuyện biển dâu…

Theo dõi RSS này